Đức Giám mục Éric de Moulins-Beaufort: “Nạn dịch là một dấu hiệu”

606

Đức Giám mục Éric de Moulins-Beaufort: “Nạn dịch là một dấu hiệu”

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2020-04-10

Đức Tổng Giám mục giáo phận Reims và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Pháp rút ra các bài học đầu tiên từ dịch bệnh đang tấn công thế giới trong lễ Phục sinh này.

Coronavirus có phải là “hình phạt của trời” như một số người nói không?

Đức Giám mục Éric de Moulins-Beaufort: Tất cả sự nhất quán của Kinh thánh đều dẫn đến niềm tin rằng Thiên Chúa, Thiên Chúa hằng sống, không hành động trong lịch sử để trừng phạt con người. Tuy nhiên, Ngài cảnh báo. Câu quan trọng là câu của tiên tri Êdêkien: “Ta không vui thích gì về cái chết của kẻ phải chếtVậy hãy trở lại và hãy sống” (xem Ezekiel 18: 32)!

Tuy vậy có một số người, nghĩ theo trực giác, rằng Chúa trừng phạt thế giới …

Mỗi người, khi xem lại đời mình, có thể ý thức họ đã làm sai và đã có một sự kiện nào đó cuối cùng buộc họ phải mở mắt, ăn năn và thay đổi cuộc sống của họ.

Làm thế nào Thiên Chúa, nếu Chúa không muốn cái ác, Chúa lại dung thứ và để cho sự dữ  hành động như vậy?

Có hai loại điều ác: điều ác phải chịu và điều ác do người khác làm cho mình. Nơi Chúa Giêsu, Chúa đã đặt mình vào vị trí phải chịu đau khổ đầu tiên với chúng ta: thiên tai, dịch bệnh, bệnh tật, tai nạn. Đối với điều ác do người khác làm cho mình, chúng ta khám phá nơi Chúa Giêsu, Chúa không muốn chúng ta làm điều tốt mà không có sự đồng ý của chúng ta. Thay vào đó, Ngài tìm cách khơi dậy trong chúng ta sự từ bỏ cái ác và sự lựa chọn cái thiện, và ngay cả điều tốt nhất. Chúa Giêsu gánh chịu hậu quả; trên thánh giá, Ngài cho chúng ta thấy rõ những gì trong tâm hồn chúng ta là cái chết, nhưng đồng thời Ngài cũng mang hy vọng đến cho chúng ta, dù nhiều khi tâm hồn chúng ta đã hoại tử, nhưng Ngài có sức mạnh để đặt trong lòng chúng ta đức bác ái của Ngài.

Nhưng làm sao, sau đó, Chúa lại là “Chúa của tình yêu”?

Khi bắt đầu thánh lễ, chúng ta cầu nguyện: “Xin Thiên Chúa là Cha toàn năng thương xót chúng con”. Toàn năng của Ngài được thực hiện để cho chúng ta thời gian và cơ hội để thay đổi cuộc sống và tâm hồn chúng ta. Nạn dịch là một dấu hiệu trong số các dấu hiệu khác mà mỗi chúng ta, từng cá nhân cũng như tập thể, phải thay đổi lối sống, phải thoát ra khỏi sự điên cuồng của hoạt động và giải trí, dành thì giờ để trở về với chính mình và hướng về người khác để phục vụ cũng như để người khác giúp mình.

Đại đa số bệnh nhân hồi phục, một thiểu số nhỏ chết: đó có phải là lựa chọn của Chúa không?

Đây là trường hợp mỗi ngày: một số chết một cách đau đớn, một số sống đến trăm tuổi. Khi Chúa Giêsu gặp người mù bẩm sinh, các môn đệ hỏi Ngài, Chúa Giêsu trả lời, “cả anh, cả cha mẹ của anh đều không có tội”.  Vinh quang của Thiên Chúa sẽ biểu lộ bởi vì, nhờ có Chúa Giêsu, người mù bẩm sinh này sẽ cho thấy chiều sâu và sức mạnh của nhân loại.

Cả thế giới xúc động trước hình ảnh Đức Phanxicô cầu nguyện một mình, vào ngày 27 tháng 3, để cầu xin Chúa: cầu nguyện có thể giúp gì để chống lại coronavirus này?

Cầu nguyện mở tâm hồn chúng ta ra để nhận ơn Chúa và ơn Chúa cho chúng ta để chúng ta có thể thắng vi-rút: không chỉ về mặt y khoa mà còn và nhất là về mặt thiêng liêng. Làm thế nào chúng ta thoát ra khỏi thử thách này? Chúng ta lo lắng hơn bao giờ hết và không tin tưởng lẫn nhau? Hay suy nghĩ hơn, điều hòa hơn trong tiêu dùng, biết ngạc nhiên trước cuộc sống và có thể giúp nhau để sống tốt hơn, biết ơn về các ơn Chúa ban và ý thức chúng ta có thể làm hư ân sủng này hoặc làm cho nó có kết quả?

Cha thấy có một sự thờ ơ đức tin hay trái lại, sự phục hồi lòng đạo đức trong đại dịch này không?

Tôi thấy có một sự đi tìm kiếm lớn lao để biết cầu nguyện, để dâng mừng và cả các câu hỏi hay và đẹp. Chúng tôi cũng thấy sự tận tâm phục vụ, phục vụ không điều kiện cho đất nước chúng ta. Tất cả các điều này dẫn đến câu hỏi: cái gì làm cho tôi xứng đáng là người? Làm thế nào tôi xứng đáng với tầm cao của ân sủng này? Cái gì cao cả nhất trong tôi đã kêu gọi tôi như vậy?

Các tín hữu kitô sống một Tuần Thánh chưa từng có, một Tuần Thánh không có một nghi lễ nào. Ý nghĩa của một Giáo hội không có “giáo dân tập họp” là ý nghĩa nào?

Mỗi lần chúng ta cử hành thánh lễ hay bí tích, là cả Giáo hội hiện diện ở đó, Giáo hội ở trần gian cũng như Giáo hội ở trên trời. Tập họp hữu hình là dấu hiệu của tổng thể tập hợp, “từ Abel người công chính đến người cuối cùng trong những người được chọn”, Công đồng Vatican II đã nói như vậy. Các phương tiện hiện đại giúp chúng ta thực hiện được các tập họp vượt ra ngoài các bức tường. Điều này đã được cảm nhận trong lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha: ngài một mình, nhưng biết bao nhiêu là người quanh các cột đá trống của quảng trường!

Rất nhiều người theo dõi các buổi lễ trên truyền hình: cầu nguyện ảo có tồn tại không?

Truyền hình và đài phát thanh không tạo ra lời cầu nguyện ảo: Thánh lễ thực sự được cử hành và mỗi người đều có thể tham gia. Một vài quy tắc được tôn trọng: Thánh lễ diễn ra vào một giờ nhất định, chúng ta không tham dự khi quây lại; chúng ta không xừa xem lễ vừa làm chuyện khác, chúng ta tham dự và kính cẩn.

Trong khi mọi người hiểu các biện pháp cách ly nhưng có một số người cho rằng Giáo hội đã áp dụng quá khắt khe, nhất là đối với các linh mục  dường như không thể tiếp cận …

Giáo hội, trong suốt lịch sử của mình, đã đưa ra rất nhiều quy tắc vệ sinh tùy theo hiểu biết từng thời. Không có chủ nghĩa siêu nhiên dễ dàng. Chính Chúa Giêsu, khi Ngài chạm đến người phung hủi, Ngài tránh vào làng. Với các linh mục, họ có nhiều sáng tạo khi tiếp xúc với giáo dân. Như ông biết, có một số linh mục trên 70 và một số không thoải mái mấy với kỹ thuật số.

Khi giới hạn việc cử hành các bí tích, người công giáo sẽ không còn thói quen đến nhà thờ nữa?

Cũng giống như gia đình và bạn bè họ không còn gặp! Chúng ta sẽ tìm lại niềm vui gặp nhau, cảm thấy cần gần nhau về thể lý, không phải chỉ bằng lòng với tiện nghi ở nhà. Đức tin của chúng ta càng sâu sắc càng thúc đẩy chúng ta gặp gỡ, chia sẻ và ăn mừng.

Khi tôn trọng quy tắc của một nhóm nhỏ, có nên mở nhà thờ để chầu Mình Thánh Chúa nhất là trong thời kỳ khủng hoảng này không?

Điều này có thể được thực hiện khi thích hợp. Chúng ta đừng quên các tu sĩ nam nữ luôn cầu nguyện cho người khác, những người phục vụ tha nhân, họ cũng thể hiện sự hiện diện của một Thiên Chúa sống động.

Nhiều người không hiểu vì sao các tang lễ tôn giáo không được cử hành, dù với một nhóm nhỏ, nhưng ở một số vùng thì lại được: vì sao có sự khác biệt này?

Cầu nguyện ở nghĩa trang cũng là một nghi thức tang lễ. Tôi cảm thấy đau đớn cho các tang gia không được gần người thân yêu trong giây phút cuối như họ mong muốn. Về mặt thiêng liêng, chúng ta biết chúng ta có thể kết hiệp sâu đậm, nhưng chúng ta thiếu nói chuyện với nhau, nhìn nhau, ôm nhau. Chúng ta giữ lại trong ký ức người thân đã qua đời trong lúc này. Ngay khi có thể, chúng tôi sẽ cử hành lễ tưởng niệm.

Ngoài ra có những hiểu lầm về các khó khăn các linh mục đã gặp khi đến thăm người hấp hối trong một vài bệnh viện hay ở nhà hưu dưỡng. Cha có chính thức xin cấp cao của Quốc gia để khả năng này có thể được thực hiện ở khắp mọi nơi không?

Tôi rất tiếc về một kế hoạch trắng, được hoạt động khi các bệnh viện được huy động trong thời có nạn dịch, họ xem các cha tuyên úy là các nhân viên không cần thiết, nên không có quyền đến. Khi có nhiều người có nguy cơ tử vong, không có gì phải lo lắng hơn là chăm sóc thể xác hoặc tâm lý, như thể, đột nhiên, con người chỉ còn thể lý và não, khi họ phải đối diện với cái chết. Biện pháp này, hơn nữa, đặt toàn bộ gánh nặng tháp tùng người sắp qua đời trên vai những người chăm sóc đã quá tràn ngập công việc, điều này làm cho họ thêm tổn thương. Nhưng tôi cũng biết có nhiều linh mục được gọi đến bên giường bệnh trong những ngày này: họ được đón nhận đặc biệt. Gia đình nên dám xin!

Giáo hội cũng như các tôn giáo khác, đưa ra số điện thoại xanh cho những người tuyệt vọng trong đại dịch này: nhưng liệu tiếng nói có thể thay thế được sự hiện diện không? Các linh mục có được chờ bên giường bệnh và sự gần gũi, dù xa trong hoàn cảnh y tế này không?

Khi sự gần gũi thể lý khó khăn, qua điện thoại các linh mục cũng biểu lộ sự gần gũi của mình. Còn khi cử hành tang lễ, các linh mục mở cửa nhà thờ, một phần thì giờ họ ở nhà thờ, trả lời các cuộc gọi xin xức dầu hoặc các việc cần thiết khác. Chính họ hoặc họ được giáo dân giúp đỡ, họ khuyến khích, nâng đỡ giáo dân nhiều nhất trong khả năng của họ.

Sứ điệp Phục Sinh năm 2020 của cha có bị xáo trộn không?

Từ lâu chúng ta đã biết, chúng ta phải thay đổi cách sản xuất và tiêu thụ. Các ràng buộc sinh thái bắt buộc chúng ta phải làm như vậy. Nạn dịch là một cảnh báo khác. Nhưng các công trình kinh tế và xã hội của chúng ta dựa trên các lựa chọn thiêng liêng. Chúng ta không sống trong nỗi sợ thiếu và ám ảnh phải chiếm hữu, hai thế lực lớn dẫn chúng ta đến tội lỗi. Chúa Kitô đã chết cho tội của chúng ta và Ngài đã sống lại: Ngài đảm bảo sức mạnh của sự dữ không có tiếng nói cuối cùng trong cuộc sống con người. Chúng ta hãy dám sống như người được hứa cho sự Sống lại và trong ánh sáng này, chúng ta hãy trở lại!

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Edgar Morin: “Chúng ta phải sống với nỗi bất an”