Xóa tan ảo ảnh 

510

Xóa tan ảo ảnh 

Ronald Rolheiser, 2020-03-31

Chúng ta không thích chữ vỡ mộng. Bình thường chúng ta xem vỡ mộng là tiêu cực, một cái gì xấu chứ không phải một cái gì có thể hữu ích. Vậy mà vỡ mộng là một cái gì hữu ích, có nghĩa là xóa tan một ảo tưởng mà các ảo tưởng thì không tốt cho chúng ta, ngoại trừ khi chúng ta dùng nó như liều thuốc bổ tạm thời. Chúng che để chúng ta khỏi thấy sự thật, khỏi thấy thực tế.

Có rất nhiều, rất rất nhiều điều tiêu cực về con coronavirus hiện nay, nó gây chết chóc trên toàn thế giới. Nhưng nó có một điểm tích cực: cự lại mọi hình thức kháng cự mà chúng ta có thể gom lại, nó xóa tan ảo tưởng chúng ta có thể kiểm soát đời sống của mình, và chính các nỗ lực riêng của mình, chúng ta có thể trở nên bất khả xâm phạm. Bài học này không mời mà đến. Con vi-rút không lường trước và không mong muốn này dạy chúng ta, bất hoặc mức độ tinh vi, thông minh, giàu có, sức khỏe, địa vị xã hội, chúng ta tất cả đều bấp bênh, chúng ta phải chịu đựng hàng ngàn tình huống mà chúng ta không kiểm soát được. Không một phủ nhận nào sẽ thay đổi được điều này.

Chắc chắn, với tầm mức ý thức của chúng ta, chúng ta luôn biết sự bấp bênh của mình. Nhưng đôi khi sau khi lâu ngày đi trên bờ đá nguy hiểm, chúng ta quên sự nguy hiểm và không còn nhận ra sự chật chội của tấm ván mình bước đi trên đó. Sau đó là chúng ta ý thức về sự bấp bênh của hàng triệu người đang gặp nguy hiểm, giống như ý thức về cái chết của chúng ta, mà bình thường thì khá trừu tượng và không thực tế lắm. Như tất cả mọi người, chúng ta biết có một ngày chúng ta sẽ chết; nhưng thường thường điều này không đè nặng trên ý thức chúng ta. Thay vào đó, chúng ta sống với cảm giác chúng ta sẽ không chết bây giờ. Cái chết không thật sự là thật đối với chúng ta. Nó cũng chưa là mối đe dọa cận kề mà chỉ là một thực tế xa vời và trừu tượng.

Chung chung, chúng ta có cảm giác mơ hồ về sự bấp bênh của mình. Đúng, chúng ta biết một cách trừu tượng rằng chúng ta bấp bênh, nhưng nhìn chung chúng ta cảm thấy mình an toàn. Cho đến ngày con vi-rút này lan tràn, chiếm hết bản tin và làm cho đời sống bình thường của chúng ta chấm dứt, thì cảm nhận bấp bênh không còn là một cảm nhận mơ hồ và trừu tượng. Bây giờ chúng ta nhận thức rõ hơn, chúng ta tất cả đã phải chịu đựng cả ngàn tình huống mà chúng ta không kiểm soát được.

Tuy nhiên để bảo vệ chúng ta, ý thức bẩm sinh rằng chúng ta kiểm soát và có thể bảo vệ sự an toàn của mình, chúng ta không nên phán xét quá sớm và quá nghiêm khắc. Chúng ta có thể giúp đỡ nó. Và đó là cách chúng ta tự xây dựng. Bản năng chúng ta hướng chúng ta đến thù ghét các điểm yếu của mình, đến bấp bênh, các giới hạn và nhận thức về chính cái nghèo nàn của mình, và một cách bản năng, chúng ta hướng về những gì làm chúng ta cảm thấy an toàn, có kiểm soát, được độc lập, không bấp bênh và tự đủ.

Đó là lòng thương xót của ân sủng và của thiên nhiên, vì nó giúp chúng ta khỏi nản chí và sống với một niềm tự hào (cần thiết). Nhưng đó cũng là một ảo tưởng; có lẽ đó là một ảo tưởng mà chúng ta cần trong một thời gian dài của cuộc sống, nhưng cũng là thứ ảo tưởng mà trong thời điểm chính xác và sáng suốt, chúng ta buộc phải xóa tan để nhận biết, trước Chúa và với cả chính mình, chúng ta phụ thuộc lẫn nhau, không tự đủ và cuối cùng không kiểm soát. Dù có cái gì khác về con vi-rút này thì nó cũng mang lại cho chúng ta một khoảnh khắc chính xác và sáng suốt, ngay cả khi điều này không được chào đón.

Chúng ta đã có một bài học tương tự trong ngày 11 tháng 9 năm 2001 khi Tòa Tháp Đôi của thành phố New York bị sụp đổ. Khi chứng kiến sự kiện bi thảm này, chúng ta đã đi từ cảm nhận an toàn và vững chắc đến ý thức, dù chúng ta đã đạt được tất cả, chúng ta cũng không thể bảo đảm được an toàn riêng cho mình và cho người thân của mình. Trong ngày hôm đó, rất nhiều người học lại ý nghĩa thế nào là cầu nguyện. Rất nhiều người trong chúng ta đang học lại ý nghĩa của cầu nguyện khi chúng ta ở nhà trong đại dịch coronavirus này.

Linh mục tác giả sách thiêng liêng Richard Rohr gợi ý việc bước đi từ tuổi thơ ấu đến tuổi trưởng thành đòi hỏi một khởi mốc cho một số sự thật cần thiết của cuộc sống. Một trong số các sự thật này có thể tóm tắt như sau: bạn không thể kiểm soát được! Nếu điều này là đúng, và nó đúng thật, thì con coronavirus này khởi mốc cho chúng ta vào tuổi trưởng thành được chín chắn hơn. Chúng ta đang trở nên có ý thức hơn về một sự thật quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta có thể không thấy một chủ ý thiêng liêng nào trong việc này.  Tiếng nói cơ bản nào cho rằng Chúa gởi con vi-rút này đến cho mỗi chúng ta là một sai lầm nguy hiểm và đó là sự xúc phạm đến đức tin đích thực. Chúng ta phải nghe tiếng Chúa trong tâm hồn. Chúa lúc nào cũng nói nhưng chủ yếu là chúng ta không nghe; như thử Chúa là máy phát thanh cho một thế giới điếc đặc.

Các ảo tưởng không phải dễ để xóa tan và cũng không phải có lý do tốt để xóa tan. Vì bản năng, chúng ta bám vào đó và chúng ta thường cần chúng để vượt qua cuộc sống. Chính vì lý do này mà triết gia Socrate thời cổ đại, trong minh triết của mình, ông đã viết “không có gì đòi hỏi một đối xử nhẹ nhàng như việc loại bỏ một ảo tưởng”. Bất cứ gì ngoài sự dịu dàng cũng chỉ làm chúng ta chống cự thêm mà thôi.

Con coronavirus này có tất cả mọi sự trừ sự dịu dàng. Nhưng bên trong cái khắc nghiệt của nó, có thể chúng ta cảm thấy có một cú huých đẩy nhẹ để giúp chúng ta xóa tan ảo tưởng rằng chúng ta kiểm soát được tất cả.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Sự phức tạp bẩm sinh của chúng ta