Từ bị bệnh đến được lành, họ làm chứng

278

 Từ bị bệnh đến được lành, họ làm chứng

Ông Paul Rannard, thị trưởng quận Chêne en Semine, gần biên giới Thụy Sĩ. Ông bị nhiễm Covid-19 nặng và bây giờ đã lành hoàn toàn.

la-croix.com, Coralie Bonnefoy (Marseille), Fanny Magdeleine (Lille), Ysis Percq ( Montpellier) và Bénévent Tosseri (Lyon), 2020-03-29

Họ là những người bị nhiễm Covid-19 đầu tiên ở các thành phố Beauvais, Montpellier, Chambéry hay Bastia, nước Pháp. Sau khi lành bệnh và được về nhà, họ kể chuyện.

Ông Georges: “Mục đích là lành”

Đêm 16 rạng ngày 17 tháng 2, ông Georges, 86 tuổi bị té, ông dậy không được. Ông được đưa vào bệnh viện, chẩn đoán đầu tiên là sưng phổi, ông ở chung phòng với một bệnh khác, “như một người bệnh bình thường.”

Khi đó mọi người chưa biết con coronavirus đang âm thầm hoành hành ở vùng Oise. Ông Georges ở Crépy-en-Valois, một trong các ổ dịch lớn. Nhanh chóng ông được chẩn đoán: dương tính. Ông cho biết, cả một kế hoạch chiến đấu tiếp theo đó, ông bị cách ly hoàn toàn.

Ông Georges là một trong các bệnh nhân đầu tiên của Pháp. Nằm bệnh viện 15 ngày ở Compiègne, may mắn ông đã lành bệnh. Ông nói: “Bây giờ tôi may mắn được trở về với đời sống bình thường.” Bác sĩ chẩn đoán ông có vấn đề tim mạch nhưng chưa hẹn được ngày khám với bác sĩ tim mạch.

Ông bực mình: “Tôi bị giới truyền thông tấn công, họ muốn biến tôi thành người được phép lạ, thật phi lý!”, ông giữ một triết lý sống khôn ngoan, “chúng ta phải chuẩn bị mắc bệnh nhưng phải tiếp tục tin mục đích là chữa lành! Dù sao tôi không sợ chết. Cái chết không phải là cùng đích cuộc sống”, về nhà, ông chăm lo cho người thân: “Nhân viên y tế vùng bảo đảm với tôi, tôi không còn bị nhiễm. Nhưng phải cẩn thận để vợ tôi cũng không bị hiểm nguy.” 

Bà Claudia: “Đi từng ngày một”

Từ mười ngày nay, bà Claudia sống một mình ở căn hộ ở Cap Corse cách biệt với người thân. Bà Claudia, ngoài bốn mươi là thư ký của tòa thị chính một quận nhỏ ở Haute-Corse, cuối tháng 2, cùng với gia đình, bà nghỉ hè ở một ngôi làng nhỏ vùng Lombardie khi dịch bệnh bắt đầu hoành hành ở vùng này.

Đầu tháng 3 khi bà về Ile de Beauté, cả nhóm tự cách ly. Sau đó là 5 người trong nhóm bị dương tính, trong đó có bà Claudia: “Ba người không có triệu chứng gì, một người khác và tôi bị ho, tôi bị chảy mũi và ho nhẹ. Không ai trong nhóm bị sốt.” Đó là năm ca đầu tiên được ghi nhận ở Corse.

Ngày thứ bảy 7 tháng 3 bà vào bệnh viện ở Bastia và được cô lập: “Bác sĩ theo dõi tiến trình của bệnh.” May mắn tình trạng của bà được ổn định, không nặng. Một tuần sau bà được về nhà, bà cách ly để không lây bệnh cho chồng và hai con, kết quả của họ luôn âm tính.

Bà cho biết: “Có những lúc tôi xuống tinh thần một chút… Nhưng may mắn tôi được người thân và bạn bè gởi đến cho tôi tất cả những gì tôi cần!”

Tình trạng của bà Claudia được ổn định. Mỗi hai ngày bệnh viện gọi bà, bà cho biết, bà không có một điều trị nào: “Với các nhân viên chăm sóc, các bác sĩ, chúng tôi tiến từng ngày một. Chúng tôi thấy họ không rút lui, đặc biệt về thời gian cần thiết để loại vi-rút. Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn dương tính.”

Rất nhiều bệnh nhân hỏi họ có thật sự lành không. Giáo sư Pierre Albaladejo, chuyên ngành gây mê phục hồi ở bệnh viện Đại học Grenoble Alpes, tổng thư ký nghiệp đoàn SFAR xác nhận không có gì là chắc chắn: “Thật khó để nói tình trạng của họ có bị nặng lại không vì. Cho đến lúc này các dữ liệu chưa được rõ ràng.”

Tuy nhiên bác sĩ không loại trừ một khả năng có thể bị trở nặng lại: “Một mình Covid-19 là gây tổn thương phổi nghiêm trọng, tình trạng còn nặng hơn nếu có thêm nhiễm trùng khác. Điều này đôi khi xảy ra như trong trường hợp bị cúm tái phát.”

Ông Mauro: “Chúng tôi chia đôi căn hộ.”

Ngày 24 tháng 2, gần như cùng một lúc với bà  Claudia, ông Mauro, kỹ thuật viên 31 tuổi về nhà sau thời kỳ nghỉ ở Ý với vợ, hai con và mẹ vợ. Cả gia đình không có triệu chứng gì nhưng họ từ Bergame về, một trong các trung tâm dịch nặng nhất, ông Mauro nói: “Khi chúng tôi về Montpellier, chúng tôi gọi cơ quan y tế (số điện thoại 15) và cách ly. Ngay ngày hôm sau tôi bị ho, bị sốt,” khi đó ông vào bệnh viện Montpellier.

Vợ ông 29 tuổi đang thời gian cho đứa con nhỏ nhất bú, đứa con trai bốn tuổi cũng bị dương tính và vào một bệnh viện nhi đồng trong 7 ngày.  Ông Mauro khen nhân viên bệnh viện: “Nhân viên chăm sóc giúp chúng tôi rất nhiều, họ thường xuyên liên lạc với chúng tôi.”

Sau đó tình trạng bệnh của ông Mauro nặng hơn vì bị sưng phổi. Ông được chữa trị với thuốc thường được dùng để chữa VIH, ông ở bệnh viện 12 ngày trước khi về nhà ngày 10 tháng 3, 5 ngày sau vợ ông để nhường chỗ cho các bệnh nhân khác. Bây giờ ông khá hơn và không còn bị trụy hô hấp.

Là bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán ở Montpellier, ông Mauro thấy mình quá may mắn được săn sóc khi bệnh viện chưa quá tải.

Nhưng khi ông Mauro gia đình đang được lành thì mẹ vợ lại bị dương tính, ông kể: “Chúng tôi đã chia căn hộ ra làm hai phòng riêng biệt, chúng tôi mua hai giường cắm trại, mua giường loại có dù che cho em bé để đặt cháu ở phòng khách.”

Mỗi buổi sáng hai vợ chồng xếp nệm, chăm sóc con cái, ông thở dài: “Chúng tôi không ngủ được, chúng tôi quá mệt.” Viễn cảnh của thời gian cách ly dài làm ông hãi sợ, nhưng không có gì so với tiến triển bệnh ở Ý: “Tôi gọi nói chuyện với gia đình tôi ở đó mỗi ngày. Tất cả đều có người thân qua đời. Chúng tôi quá lo lắng.”

Ông Paul: “Tôi có thể bị lại.”

Ông Paul, 70 tuổi, thị trưởng một làng nhỏ ở Chêne-en-Semine (Haute-Savoie) chỉ có 500 người dân, tất cả bắt đầu bằng chứng sưng phổi thường: “Thỉnh thoảng tôi cũng bị, tôi không lo lắm.” Bác sĩ viết toa paracétamol để trị sốt và trụ sinh nhưng trường hợp nhập viện rất nhiều và ông biết mình đã gặp những người bị nhiễm. Ngày 3 tháng 3 bệnh viện Annecy chẩn đoán cho ông, ông vào bệnh viện 15 ngày. Ông cho biết: “Tinh thần tôi không vững, tôi soạn val-li vào bệnh viện. Va-li chỉ có vài vật dụng cá nhân, máy lap-top, điện thoại cầm tay và đồ sạc điện. Tôi còn nhiều việc phải làm, phải theo dõi công việc của nhà hưu dưỡng, kiểm lại các hóa đơn… Tôi còn nhiều việc phải làm.”

Ông được xe cứu thương đưa vào bệnh viện Đại học Chambéry vì bệnh viện ở Annecy đã quá tải. Các nhân viên chăm sóc mặc đồng phục giống phi hành gia chăm sóc ông. Sống cách ly hoàn toàn thật khó. Vợ ông, ba người con và các cháu cũng phải cách ly nghiêm nhặt trong vòng 15 ngày để đề phòng. “Nhân viên đo nhiệt độ ba, bốn lần một ngày. Sau hai tuần tôi được về nhà và cách ly thêm 7 ngày.” Trong lúc này ông được bầu lại.

Bây giờ ông được lành hoàn toàn nhưng không chắc mình được miễn nhiễm: “Họ cho chúng tôi biết, với làn sóng dịch sắp tới, tôi có thể bị lại…”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: “Nạn dịch coronavirus không có biên giới”