“Nạn dịch chúng ta sống hôm nay giúp chúng ta ý thức lòng khao khát sự hiện diện của Chúa”

890

“Nạn dịch chúng ta sống hôm nay giúp chúng ta ý thức lòng khao khát sự hiện diện của Chúa”

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, giáo phận Paris

fr.aleteia.org, Ban biên tập, 2020-03-16

Trong bài giảng ngày chúa nhật 15 tháng 3, Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, Tổng Giám mục giáo phận Paris giải thích: “Nạn dịch coronavirus và cách ly đau đớn mà chúng ta phải chịu trong hoàn cảnh này buộc chúng ta phải chăm sóc nhau.”

Đức Tổng Giám mục nhắc Tin Mừng chúa nhật 15 tháng 3: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin và người ấy ban cho chị nước hằng sống.” Nước hằng sống là nước mà khi chúng ta uống nguồn nước này, chúng ta sẽ không còn khát. Cũng như cơn khát lớn lao của chúng ta, nước hằng sống không bao giờ cạn.

“Nạn dịch chúng ta sống hôm nay giúp chúng ta ý thức lòng khao khát sự hiện diện của Chúa, nguồn của sự sống.”

Anh chị em có khát không? Mọi người đều khát. Có thể không lúc này, nhưng sẽ có một lúc anh chị em sẽ khát. Chúng ta ngạc nhiên khi thấy Chúa Giêsu xin nước uống. Ngài khát. Một cái khát tự nhiên. Thật vậy, Ngài cũng là người. Ở giếng nước, Ngài mệt. Trời nắng gắt buổi trưa. Có gì tự nhiên hơn là khát. Có một nơi khác Ngài nói đến cái khát, đó là trên thập giá. Chúng ta hiểu sau các cực hình Ngài phải chịu, Ngài cần nước.

Nhưng có phải đó là tất cả? Vì sao Chúa Kitô, là Con Thiên Chúa lại chấp nhận mình khát. Để cho chúng ta uống: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin và người ấy ban cho chị nước hằng sống.”

Qua kinh nghiệm, chúng ta biết có một liên hệ rõ ràng giữa nước và sự sống. Không có nước, mọi sinh vật sẽ chết khô héo. Nước giúp chúng ta tiếp tục sống.

Chúa Giêsu nói về nước hằng sống. Nhưng nước hằng sống này là nước gì? Nước hằng sống và nước nối liền với nguồn. Khi dòng sông chảy, nước được làm mới liên tục vì nguồn nước cung cấp không ngừng. Khi nước ngừng chảy là nước tù hãm và nó tạo thành đầm lầy.

Chắc chắn nước hằng sống nối liền với chính nguồn sự sống, khi chúng ta uống nước này, chúng ta không bao giờ khát. Dù cơn khát của chúng ta có lớn như thế nào, thì nó cũng không thể cạn. Ngược lại, khi chúng ta uống hết chai nước khoáng, thì không còn nước. Những gì Chúa Giêsu nói, đó là nguồn sự sống, là chính Chúa. Nếu anh chị em cắt với nguồn, không những anh chị em uống nước tù hãm, anh chị em còn không có sự sống, không có đời sống vĩnh cữu. Và đó là điều Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. (Ga 10, 10).

Chúa Kitô khát khao tình thương của chúng ta. Nước hằng sống của Ngài. Nước hằng sống là trọng tâm tình yêu của Chúa lấp đầy nỗi khát khao chúng ta, được diễn tả qua các thánh vịnh: “ Hồn con khao khát Thiên Chúa hằng sống” (Tv 42). Câu hỏi cho mỗi chúng ta sẽ là: “Chúng ta khao khát gì? Có phải chúng ta khao khát lạc thú tình dục, khát sống, khát quyền lực, khát khao kéo dài đời sống mãi mãi?

Thái tử Tất Đạt Đa, Đức Phật, trong bài giảng của ngài, ngài cho rằng cái khát này là “tham”, nguyên nhân đau khổ của con người.

Với Chúa Kitô, chúng ta hiểu khát khao, ham muốn không phải là nguồn gốc đau khổ dù nó tạo ra hụt hẫng khi chúng ta không thỏa mãn được. Và Chúa Kitô đến lấp đầy nỗi khát khao này. Bài giảng sâu sắc của Chúa Giêsu với phụ nữ samaritanô là để bà ý thức nỗi khát này để đón nhận ơn Chúa.

Tôi luôn ngạc nhiên trước sự tế nhị này của Chúa khi Chúa nói chuyện với bà, cho đến khi tỏ lộ cho bà biết Ngài là ai, sau khi cho bà biết Ngài cần bà để cho mình đỡ khát.

Những gì chúng ta đang sống hôm nay, sự cách ly đau đớn do hoàn cảnh buộc chúng ta phải chăm sóc nhau. Điều này giúp chúng ta ý thức cái khát sự hiện diện của Chúa, Đấng là nguồn của sự sống. Ước mong nước hằng sống làm tăng khát khao đón nhận Ngài và giúp chúng ta trung thành hơn với tình thương của Ngài.

Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, giáo phận Paris

Pacôme Hồng Phước dịch

Xin đọc thêm: Coronavirus: Lời cầu nguyện của một bác sĩ cho bệnh nhân

Coronavirus: Cầu nguyện với Cha Thánh Piô