Coronavirus, bác sĩ gây mê ở Bergame, Ý: “Như trong thời chiến tranh, chúng tôi phải chọn ai được chữa ai không. Xin quý vị ở nhà.”

1196

Coronavirus, bác sĩ gây mê ở Bergame, Ý: “Như trong thời chiến tranh, chúng tôi phải chọn ai được chữa ai không. Xin quý vị ở nhà.”

corriere.it, Marco Imarisio, 2020-09-03

Bác sĩ gây mê hồi phục Christian Salaroli ở Bergame: “Chúng tôi phải quyết định theo tuổi và theo điều kiện sức khỏe. Tôi thấy quá nhiều người ở ngoài đường, xin quý vị ở nhà.”

Với bác sĩ gây mê hồi phục Christian Salaroli ở bệnh viện Giovanni XXIII, Bergame, đây không phải là buổi nói chuyện dễ dàng, bác sĩ cho biết: “Một phòng với 20 giường được mở trong khuôn vi phòng cấp cứu. Chúng tôi gọi đó là phòng Pemaf, phòng cấp cứu đặc biệt. Nơi đây là phòng chọn lựa.” Đây không phải là lúc để cảm xúc tuôn trào, chúng tôi có bổn phận phải nén cảm xúc, dù nó nói lên rất nhiều cảm nhận của chúng tôi lúc này. “Chọn lựa được dựa trên tuổi và điều kiện sức khỏe như trong các tình huống của thời chiến tranh. Tôi không nói điều này nhưng sách vở đã dạy cho chúng tôi như vậy.”

Có đúng như vậy không? Đúng. Trong các giường này chỉ có các bệnh nhận bị sưng phổi vì Covid-19, họ bị trụy hô hấp mới nằm ở đây. Các người khác ở nhà.

Bước sắp tới là bước nào? Chúng tôi đặt họ trong hệ thống thông dưỡng khí gọi là Niv. Đó là giai đoạn đầu tiên.

Và các giai đoạn sau? Đây là giai đoạn quan trọng nhất. Sáng sớm, nhân viên hồi phục đi cùng với người săn sóc ở phòng cấp cứu. Ý kiến của họ rất quan trọng.

Tại sao quan trọng như vậy? Ngoài yếu tố tuổi và sức khỏe tổng quát còn phải xem họ có đủ khả năng hồi phục sau phần phẫu thuật ở khoa săn sóc hồi sức ICU không.

Chúng ta đang nói về gì? Siêu vi Covid-19 đưa đến dạng sưng phổi kẽ hở, một dạng rất tấn công, nó tác động đến quy trình oxy-hóa máu. Các bệnh nhân nặng nhất bị thiếu oxy, có nghĩa là họ không có oxy trong cơ thể.

Khi nào là lúc lựa chọn? Ngay sau đó. Chúng tôi buộc phải làm. Trong một vài ngày là nhiều nhất. Thông dưỡng khí chỉ là giai đoạn tạm thời. Vì thật không may, bệnh viện không đủ thiết bị y khoa, giường ICU và những người bệnh nặng, những người chưa đặt ống trợ khí quản.

Chuyện gì xảy ra sau đó? Phải thông ống thở bằng máy. Những người được chọn tiếp tục được đặt ống thở và ống ở khí quản, hoặc để ở phần dưới bụng, vì có thể giúp thông khí ở các bộ phận vùng dưới phổi.

Có một quy luật viết nào không? Cho đến giờ phút này, theo những gì tôi đọc thì không. Theo nguyên tắc chung, dù tôi thấy đây là một từ xấu, các bệnh nhân bị tim phổi và bị vấn đề nặng với động mạch vành họ được khám cẩn thận, vì họ không chịu đựng được tình trạng thiếu oxy và ít có khả năng sống sót sau tình trạng nguy kịch.

Không có gì khác hơn? Nếu một bệnh nhân trong khoảng tuổi từ 80 đến 95 bị trụy hô hấp nặng thì có thể không có cách nào khác hơn. Nếu họ bị suy đa tạng, nhất là đụng đến ba bộ phận chủ yếu thì tỷ lệ tử vong là 100%. Họ sẽ ra đi.

Bác sĩ để họ ra đi? Đây là một câu khủng khiếp. Nhưng không may, đó là sự thật. Chúng ta không thể có phép lạ. Đó là thực tế.

Có phải lúc nào cũng như vậy không? Dĩ nhiên là không, ngay cả lúc bình thường, phải lượng định từng trường hợp, chúng tôi cố gắng nghiên cứu liệu bệnh nhân có hồi phục sau khi được chữa trị không. Nhưng bây giờ chúng tôi áp dụng quyết định này trên một quy mô lớn.

Họ chết vì Covid-19 hay những bệnh trước đó? Nếu nói bệnh nhân không chết vì coronavirus là lời nói dối cay đắng. Và cũng không tôn trọng những người đã ra đi. Họ chết vì Covid-19 vì dưới dạng nguy kịch nhất, dạng sưng phổi kẽ hở ảnh hưởng lên các vấn đề hô hấp đã có từ trước và bệnh nhân không thể chịu đựng thêm tình trạng này. Cái chết là do vi-rút chứ không phải do chuyện gì khác. 

Còn các bác sĩ, họ có chịu đựng được tình trạng này không? Một số bác sĩ khi ra khỏi phòng tan nát cả cõi lòng. Nó xảy ra đầu tiên cho người mới đến buổi sáng và phải quyết định số phận của một người. Và tôi nhắc lại, ở một quy mô lớn.

Bác sĩ có bị tác động khi mình là trọng tài giữa cái sống và cái chết của một con người không? Cho đến bây giờ tôi ngủ ban đêm được. Vì tôi biết chọn lựa dựa trên tiêu chuẩn người trẻ sẽ có hy vọng sống sót hơn người kia. Ít nhất đó cũng là một an ủi.

Bác sĩ nghĩ gì về các quyết định mới nhất của chính quyền? Có thể hơi chung chung. Việc nhốt kín vi-rút ở một số vùng là đúng, nhưng lại trễ mất một tuần. Điều thật sự quan trọng là chuyện khác.

Chuyện gì? Người dân phải ở nhà. Người dân phải ở nhà. Tôi lặp đi lặp lại không biết mệt. Tôi thấy quá nhiều người ở ngoài đường. Thuốc chữa cho con vi-rút này là đừng làm cho nó lan đi. Bạn không hình dung những gì đang xảy ra ở đây. Xin quý vị ở nhà.

Có thiếu nhân viên không? Tất cả chúng tôi làm đủ mọi chuyện. Chúng tôi là bác sĩ gây mê, chúng tôi phụ trong phòng mổ ở Bergame, Brescia và Sondrio. Các bác sĩ cứu thương khác ở trong phòng bệnh, hôm nay tôi quyết định.

Trong phòng lớn? Nhiều đồng nghiệp của tôi cáo buộc tình trạng này. Không phải khối lượng công việc làm đè nặng nhưng vì xúc cảm đã làm chúng tôi suy sụp. Tôi thấy các cô y tá có 30 năm kinh nghiệm đã phải khóc, có những người bị suy sụp tinh thần và đột nhiên bị run rẩy. Bạn không biết chuyện gì xảy ra trong bệnh viện vì thế hôm nay tôi quyết định nói với các bạn.

Quyền được chăm sóc vẫn còn tồn tại? Hiện nay nó bị đe dọa, hệ thống không thể vừa đương đầu với tình trạng bình thường và không bình thường cùng một lúc. Vì thế các điều trị tiêu chuẩn có thể bị chậm trễ nghiêm trọng.

Xin bác sĩ cho một ví dụ? Bình thường khi có cấp cứu tim mạch, chúng tôi giải quyết trong vài phút. Bây giờ có khi chúng tôi phải chờ một giờ hay hơn.

Bác sĩ giải thích các trường hợp này như thế nào? Tôi không có lời giải thích. Tôi tự nhủ, đây giống như trường hợp mổ trong thời chiến tranh. Chúng tôi cố gắng cứu ai có thể cứu. Và đó là chuyện đang xảy ra ở bệnh viện.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Hình ảnh cảm động của nữ y tá sau ca làm việc ở bệnh viện Crémone nước Ý