Một Thiên Chúa bất bạo động, Đấng bảo trợ cho công lý và hòa bình
Chương 8: Linh đạo của Công lý và Kiến tạo hòa bình (6/7)
Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser
Một Thiên Chúa bất bạo động, Đấng bảo trợ cho công lý và hòa bình
G.K.Chesterton, phê bình về học thuyết Giáo Hội, một lần nọ đã nói: “Giáo Hội công bố những ý tưởng kinh khủng và các giáo điều tai hại, từng điều trong đó đủ mạnh để trở thành một tôn giáo sai lầm và tàn phá thế giới… Vì thế, nếu có một vài sai lầm nhỏ được làm trong giáo điều, thì những sai lầm nghiêm trọng lớn hơn có thể đem lại hạnh phúc cho nhân loại.”
Đây là một sự thật cá biệt khi nó liên quan đến thần học và khái niệm của chúng ta về Thiên Chúa. Rốt cùng, cách chúng ta quan niệm về Thiên Chúa sẽ có ảnh hưởng trên cách chúng ta nhìn sự việc, đặc biệt là công lý và hòa bình và con đường đưa dẫn đến đó. Nếu chúng ta hình dung Thiên Chúa như một cái gì đó bạo lực, đến mức tưởng tượng bạo lực đó là cứu độ, thì chúng ta cũng sẽ quan niệm con đường dẫn đến hòa bình cũng dựa trên bạo lực.
Đáng buồn là thường như vậy trong phạm vi Kitô giáo cũng như trong thế tục. Chúng ta thường nghĩ về Thiên Chúa như một người sẽ dùng bạo lực để lật đổ sự ác và mang lại công lý và hòa bình. Chúng ta nhận thức Thiên Chúa như một thế lực bạo lực cứu rỗi.
Bạo lực cứu rỗi là gì? Là những gì xảy ra ở đoạn kết của một cuốn phim, một cuốn truyện hay một bài hát khi cuối cùng người anh hùng hạ gục kẻ ức hiếp đã đàn áp mọi người. Về cơ bản, chúng ta thấy điều này được mô tả trong vô số phim ảnh, sách vở, bài hát, bạo lực cứu rỗi thực hiện theo cách thức này:
Một số người hiền lành thấy mình bị người hung dữ đàn áp. Trong số những người tốt, có một người đàn ông tốt (luôn luôn là đàn ông, vì sức mạnh cơ bắp cuối cùng sẽ là cứu tinh), người đích thực mạnh hơn kẻ xấu. Rốt cuộc, anh sẽ là anh hùng và cứu vãn được tình hình. Nhìn vậy là chúng ta biết ngay, vì cuối cùng, anh mạnh hơn tên khủng bố. Nhưng, cho đến bây giờ, tên hung dữ vẫn tiếp tục theo con đường hung bạo của nó, tăng cường cuộc chiến chống người tốt. Thêm vào, kẻ hung dữ thấy có sự hiện diện của người tốt và nó bắt đầu hạ nhục người tốt. Tuy nhiên, người tốt không đánh trả lại, câu chuyện làm cho chúng ta thêm bực mình và sốt ruột. Người tốt chấp nhận bắt nạt, một cách lặng lẽ, vì thời gian của anh chưa đến.
Cuối cùng, câu chuyện đạt tới đỉnh cao của nó. Kẻ hung dữ dồn người tốt vào một góc, anh không còn chọn lựa, hoặc chiến đấu hoặc chết. Sau đó sự giải cứu diễn ra. Người anh hùng, bị đẩy liệt đến chân tường, bình tĩnh xăn tay vén áo, đánh tên hung dữ cho đến chết và chúng ta bật khóc, vì bây giờ, cuối cùng thì công lý mới được thực hiện. Sự dữ bị nghiền nát và lòng tốt được phục hồi.
Chúng ta không ngừng lại để suy nghĩ, sự thật bây giờ điều tốt trở nên hung bạo còn hơn cả sự dữ. Chúng ta không nhận ra, anh hùng của chúng ta mới đầu giống Mẹ Têrêxa, nhưng hồi kết thì lại giống Rambo và Batman. Chắc chắn chúng ta không thấy hồi kết câu chuyện giải cứu này hoàn toàn đi ngược với câu chuyện của Chúa Giêsu. Khi ấy, Chúa Giêsu, đã bị dồn ép đến tận cùng và phải lựa chọn hoặc chiến đấu hoặc chết (“Nếu ngươi là con Thiên Chúa, ngươi xuống khỏi thập giá đi!”), Người, không giống như các anh hùng huyền thoại của chúng ta, Người đã chọn cái chết.
Chúng ta phải cẩn thận, đặc biệt trong nỗ lực kiến tạo công lý và hòa bình, không nhầm lẫn giữa lịch sử cứu rỗi Kitô giáo với huyền thoại cứu thoát người ta bằng bạo lực. Chúng ta phải cố gắng để mang lại công lý và hòa bình như Chúa Giêsu đã làm, với nhận thức Thiên Chúa mà Chúa Giêsu gọi là “Cha” không làm hại ai. Người không diệt trừ kẻ xấu và phục hồi điều tốt bằng sức mạnh cơ bắp, tốc độ nhanh, hay bắn súng thần tốc. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu được mô tả là người đầy quyền năng, quyền năng hơn bất cứ ai mà đám đông đã từng gặp. Tuy nhiên, từ được sử dụng để mô tả quyền năng của Chúa Giêsu là exousia (tiếng Hy Lạp), không ám chỉ đến sức mạnh của cơ bắp, tốc độ, hoặc ngay cả ân sủng phi thường hoặc tài giỏi. Nó mang một ý nghĩa mà, chúng tôi không thể dịch dễ dàng trong tiếng Anh. Exousia là gì? Điều gì tạo nên quyền năng thật sự của Chúa Giêsu? Điều gì cuối cùng đem lại công lý và hòa bình?
Daniel Berrigan cho một câu trả lời hay cho câu hỏi này. Ông đã từng được yêu cầu nói chuyện trong một cuộc họp ở trường đại học. Chủ đề là một cái gì đó với ảnh hưởng của “Sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới ngày nay.” Tôi ngờ, cuộc nói chuyện của ông đã gây ngạc nhiên không ít cho cử tọa, vừa về nội dung vừa về sự khúc chiết.
Ông chỉ đơn giản nói với cử tọa cách mà mỗi tuần ông đến ngồi bên đầu giường một cậu bé liệt hoàn toàn, từ thể xác đến tinh thần, trong bệnh viện dành cho những người bệnh ở giai đoạn cuối. Em chỉ nằm ở đó. Em không nói, không có cách nào để em có thể diễn tả được. Em nằm yên, bất lực, vì bị cắt đứt với mọi giao tiếp có thể. Sau đó, Berrigan mô tả mình phải đến thường xuyên thế nào, ngồi bên giường của em để lắng nghe những gì em đang nói trong im lặng và trong bất lực của mình.
Sau khi chia sẻ điều này, Berrigan nói thêm một điểm khác: Cách cậu bé nằm trong thế giới chúng ta, im lặng và bất lực, cũng là cách mà Thiên Chúa nằm trong thế giới của chúng ta. Để nghe những gì Thiên Chúa đang nói, chúng ta phải học để nghe những gì mà cậu bé đang nói.
Đây là một hình ảnh rất hữu ích giúp chúng ta hiểu quyền năng của Thiên Chúa và thể hiện của quyền năng này trong thế giới chúng ta. Quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới cũng như cậu bé kia. Nó không chế ngự ai hay bất cứ điều gì. Nó im lặng, ở tận sâu trong nền tảng luân lý và tâm hồn của mọi vật. Nó không chế ngự bằng cơ bắp, bằng hấp dẫn, xuất sắc, hoặc ân huệ, như tốc độ và cơ bắp của vận động viên Thế Vận Hội, như vẻ đẹp thể hình của ngôi sao điện ảnh trẻ, hay bài diễn văn tài ba, hoa mỹ của các nhà hùng biện hoặc tác giả xuất chúng. Những điều như cơ bắp, tính nhanh nhẹn, sắc đẹp, rực rỡ, ân huệ là phản ánh vinh quang của Thiên Chúa, nhưng chúng không phải là cách chính yếu Thiên Chúa thể hiện quyền năng trong thế giới này. Quyền năng của Thiên Chúa trên thế giới có một cái nhìn rất khác và một cảm nhận khác biệt để nhận ra.
Quyền năng của Thiên Chúa giống như cái gì? Làm sao cảm nhận nó như Thiên Chúa cảm nhận nó trong thế giới này?
Nếu bạn đã từng bị chế ngự về thể lý và đã từng cảm thấy bất lực, nếu bạn đã từng bị ai đánh hoặc tát bạn và bạn không cách nào tự vệ hay chống trả, thì bạn cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.
Nếu bạn đã từng mơ một giấc mơ và nhận ra mọi nỗ lực bạn làm đều vô vọng, nghĩ rằng giấc mơ của mình sẽ không bao giờ thực hiện được, nếu bạn đã từng khóc và cảm thấy tủi hổ về sự bất toàn của mình thì bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.
Nếu bạn đã từng hổ thẹn về nhiệt tình của mình và không có cơ hội để giải thích, nếu bạn đã từng bị nguyền rủa về lòng tốt của mình do hiểu lầm và đã không có cách nào làm cho mọi người thấy sự việc theo cách nhìn của bạn, thì bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.
Nếu bạn đã từng cố gắng lôi cuốn một ai đó để họ chú ý đến bạn mà bạn không thể làm được, nếu bạn đã từng yêu thương ai và hết lòng muốn cho người đó để ý đến bạn và bạn nhận ra bạn không thể nào làm được, bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.
Nếu bạn đã từng thấy mình già, mất dần sức khỏe, mất sức sống thời trẻ, cơ hội dần dần trôi xa cũng như không thể quay ngược thời gian, nếu bạn đã từng cảm thấy thế giới trôi tuột khỏi tay bạn khi bạn càng lúc càng già, càng ở bên lề cuộc sống, bạn đã cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này.
Và nếu như bạn đã từng cảm thấy mình chỉ là một thiểu số nhỏ trước đám đông điên cuồng, nếu bạn từng có cảm nhận, trực tiếp, về bệnh hoạn xấu xa của hiếp dâm tập thể, bạn đã có cảm nhận được Chúa cảm nhận như thế nào trong thế giới này… cũng như Chúa Giêsu đã cảm nhận thế nào trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh.
Thiên Chúa không bao giờ chế ngự. Quyền năng của Thiên Chúa trong thế giới này không bao giờ là quyền lực của cơ bắp, tốc độ, hấp dẫn bên ngoài, sáng chói hay ân huệ (như cách thời đại này hay nói) vốn thổi bay bạn và làm cho bạn kêu lên: “Ừ, đúng rồi! Đó là Thiên Chúa!” Quyền lực của thế giới này cố tình hành động theo hướng này. Tuy nhiên, quyền năng của Thiên Chúa thì thầm lặng hơn, có vẻ như không giúp được gì, tủi nhục hơn, bên lề hơn. Nhưng quyền năng ấy dựa trên một tầm mức sâu xa hơn, ở nền tảng thiết yếu nhất của mọi vật và cuối cùng sẽ nhẹ nhàng có lời nói cuối cùng.
Để kiến tạo công lý và hòa bình trong thế giới này không phải là chuyển từ Mẹ Têrêxa qua Rambo hay Batman. Thiên Chúa Đấng nâng đỡ công lý và hòa bình không đánh phạt ai, và lý do Ngài làm vậy cũng không phải là quá xa so với những gì chúng ta làm.
Nguyễn Kim Long dịch
(Còn tiếp)
Xin đọc thêm: Thực thi Công lý – Mệnh lệnh cao cả
Công bằng xã hội Kitô giáo là gì?
Nền tảng Kinh Thánh về Côg Bằng Xã Hội