Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (7/8) 

248

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (7/8)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

  1. Cái chết của một khái niệm nào đó về Thiên Chúa và Giáo Hội…

Tất cả những điều trên đây đều đúng trong khái niệm chúng ta có về Thiên Chúa và Giáo Hội. Ở đây chúng ta cũng vẫn phải thường xuyên buông bỏ các khái niệm chúng ta từng có và nhận những gì Thiên Chúa cho chúng ta bây giờ. Tôi lấy ví dụ từ chính cuộc đời của tôi:

Khi còn nhỏ, tôi lớn lên trong Giáo Hội Công giáo La Mã thời trước khi có các thay đổi từ Công đồng Vaticanô II vào những năm sáu mươi. Tôi sống trong cộng đoàn người di dân mà nhà thờ là trọng tâm cuộc sống. Ai cũng đi lễ và các sinh hoạt ở nhà thờ gần như hướng dẫn mọi chuyện. Thánh Thể (hồi đó gọi là Thánh Lễ) được cử hành bằng tiếng La tinh, trên thực tế bản sắc người Công giáo được nhận diện rõ qua một số hình thức thờ phượng như lần chuỗi Mân Côi, không ăn thịt ngày thứ Sáu, không khiêu vũ vào mùa Chay. Ở trường, cùng với các bạn học Công giáo Bắc Mỹ, chúng tôi học thuộc lòng các bài học giáo lý, ham thích và vui đùa với nhau khi học thuộc hết các câu vấn đáp giáo lý, điều đó quá quen thuộc với mọi người. Nhà xứ, tu viện, chủng viện tràn sức sống và giáo hội rất có thế giá. Đối với người Công giáo trong thế giới phương Tây, có thể đây được xem là thời vàng son. Đó là lúc đặc tính phổ quát của Giáo Hội Công giáo La Mã thể hiện và có thể chúng ta khó có thể có lại được như thế, và lòng tin vào Giáo Hội La Mã, một giáo hội không nhân nhượng. Dù các sinh hoạt có bị rối loạn như thế nào, nhưng Giáo Hội Công giáo La Mã thời đó là một Giáo Hội mạnh mẽ, thể hiện nhiệm thể Đức Kitô. Và đối với tôi, đó là điều kiện để tôi đón nhận đức tin Kitô giáo.

Nhưng giờ đây, sau bốn mươi năm, Thiên Chúa và Giáo Hội thời niên thiếu đó, cũng như nhiệm thể Chúa Giêsu, đã bị đóng đinh, bởi thời gian, hoàn cảnh, văn hóa, chưa kể đến các thế lực khác. Giáo xứ, vốn diễn tả cách rất đặc biệt giáo hội tính và cũng là nơi tôi lớn lên nay đã chết, cùng với các giáo xứ khác trong những năm năm mươi, sáu mươi, bảy mươi và tám mươi. Nhưng Giáo Hội thì không chết, Giáo Hội cách nào đó vẫn còn sống động. Giáo Hội vẫn hiện diện với cuộc sống hôm nay, cuộc sống bước qua thế kỷ mới chứ không phải cuộc sống thời những năm năm mươi. Vì vậy, cũng như những người Công giáo khác cùng thế hệ với tôi, tôi cũng có một lựa chọn:

Tôi có thể cố bám lấy Giáo Hội của thời niên thiếu. Sự bám víu này có thể dưới nhiều hình thức khác nhau. Nếu tôi thuộc về số những người có khuynh hướng bảo thủ, xót xa vì Giáo Hội thời niên thiếu ngày xưa không còn, tôi có thể cố hồi phục nó: “Hãy trả cho tôi Giáo Hội ngày xưa” – qua việc đương đầu với những thay đổi mà công đồng Vaticanô II đòi hỏi, qua việc từ chối thay đổi những cái cũ trước đó, và qua việc sống trong hoài niệm vô bổ và luôn mong mỏi về những ngày xa xưa tốt đẹp. Nếu tôi phóng khoáng, vì tính tình của tôi, tôi hạnh phúc vì Giáo Hội ngày xưa đó đã chết, tôi vẫn bám víu nó, và không đón nhận tinh thần của Giáo Hội hiện tại, dù tôi căm phẫn cho quá khứ, dù những điều đó thật tệ hại, dù bao nhiêu thay đổi cần thiết đã và đang diễn ra, dù các anh chị em theo hướng bảo thủ hẹp hòi và lạc hậu. Ở cả hai trường hợp, tôi cũng như Maria Mađalêna ngày xưa,  đang cố bám víu một thân xác cũ dù bà đang đứng trước một thực tại mới. Không phải là chuyện ngẫu nhiên, trong Giáo Hội Công giáo, những người trên bốn mươi tuổi, sống trước thời Công Đồng Vaticanô II, theo bảo thủ hay cấp tiến thì đều bị ám ảnh như nhau, cả hai đều thất bại vì không buông bỏ Giáo Hội cũ và để nó thăng hoa.

Mặt khác, tôi có thể chấp nhận Mầu nhiệm Phục Sinh vì nó ứng dụng vào Giáo Hội và Thiên Chúa thời niên thiếu của tôi. Tôi nhìn Giáo Hội đã ban cho tôi đức tin, nhận ra nó đã chết (như tuổi trẻ của tôi), để nó thay đổi, chúc lành cho tôi, buông bỏ nó và rồi đón nhận thần khí cho Giáo Hội mà tôi đang sống trong đó. Theo từ ngữ Thánh Kinh, điều mà tất cả người Công giáo cùng thời với tôi cần làm, dù bảo thủ hay cấp tiến, là đến núi Thăng Thiên và để cho Giáo Hội ban ơn lành cho chúng ta, và rồi Giáo Hội lên trời cách oai nghiêm để tất cả chúng ta có thể đón nhận Thần khí mới dành cho cuộc sống mà chúng ta đã sẵn sàng sống. Nhưng không may, thường thường những người Công giáo La Mã cùng thời với tôi hay ngăn cản sự thăng thiên ấy, và vì vậy, họ cũng ngăn cản luôn việc đón nhận một thần khí mới, thần khí hiện xuống. Không ngạc nhiên khi chúng phải chiến đấu để trao truyền đức tin cho con cái. Chúng ta đã được ban sự sống mới nhưng lại chưa đón nhận thần khí của sự sống ấy.

Ví dụ trên đây là của Giáo Hội Công giáo La Mã nhưng những điều được nói ở đây đều có tính phổ quát. Tất cả chúng ta phải liên tục buông bỏ Thiên Chúa của thời niên thiếu để có thể nhận ra một Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta hôm nay.

Chúng ta gặp hình ảnh này trong Tin Mừng thánh Luca, đoạn Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ trên đường E-mau . Điều gây tò mò trong đoạn này là việc các môn đệ, các bạn hữu của Chúa, đã không nhận ra Ngài, thậm chí nghĩ rằng Ngài đã chết, đã vắng mặt từ một ngày rưỡi nay. Tại sao họ lại không nhận ra Ngài? Là vì họ quá chú tâm đến những thực tại trước kia của Chúa. Họ quá chú tâm đến hình ảnh trước khi của Chúa, cách họ hiểu về Chúa, và cách hiện diện trước kia của Chúa, nên giờ đây họ không nhận ra chính Ngài đang đồng hành với họ.

Điều đáng buồn là những chuyện này cũng thường xảy đến với chúng ta, cả cách chúng ta hiểu về Thiên Chúa và về Giáo Hội. Qua việc chúng ta bám níu quá khứ để rồi không nhận ra Chúa đang hiện diện trong một thực tế mới. Giáo sĩ Abraham Heschel, một tác giả tu đức nổi tiếng của Do Thái đã chia sẻ câu chuyện sau. Ngày kia có một sinh viên trẻ đến gặp ông, phàn nàn về các hoang mang tôn giáo và nghi ngờ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Anh lớn lên trong một gia đình giữ đạo, thường xuyên đi lễ, đọc kinh hằng ngày và khá sùng đạo. Nhưng bây giờ anh là sinh viên đại học, anh không còn giữ đạo, anh hoang mang và nghi ngờ. Anh chia sẻ với giáo sĩ Heschel nỗi đau của mình về sự nghi ngờ, bây giờ anh không thể tìm gặp lại Thiên Chúa của thời niên thiếu nữa. Giáo sĩ Heschel hỏi anh: “Nhưng cái gì làm cho anh nghĩ Chúa muốn anh được bình an như trước mà không muốn anh đau khổ bây giờ?”  . Một lời khuyên khôn ngoan và có tính phục sinh.

Cũng như những điều vô thường khác, hiểu biết của chúng ta về Thiên Chúa và Giáo Hội cũng phải thường xuyên chết đi và trỗi dậy với đời sống mới. Các ý hướng của chúng ta có thể chân thành và cao cả, nhưng cũng là ý hướng của Maria Mađalêna vào sáng Phục Sinh khi bà cố không hay biết một thực tại mới về Chúa Giêsu, bà muốn níu kéo chuyện cũ.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp)

Xin đọc thêm:  Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (1/8)

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (2/8)

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (3/8)

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (4/8)

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (5/8)

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (6/8)