Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (1/8) 

310

Linh đạo và Mầu nhiệm Phục Sinh (1/8) 

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser

Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.

Tranh luận bất tận về Đau khổ, Cái chết và Chuyển hóa

Một vài nhà phê bình nghiêm khắc nhất về Kitô giáo cho rằng có một cái gì sai lầm, khi làm một chuyện phi lý là dạy cho những người hạnh phúc thành người không hạnh phúc, để rồi mới có việc làm cho sứ vụ của họ là đi cứu người bất hạnh. Họ nói Kitô giáo quá tập trung trên đau khổ, cái chết và sự sống đời sau; đúng là phá đi khả năng hưởng thụ đời sống của chúng ta. Dường như Freud cũng ở trong chiều hướng này. Ông lên án Kitô giáo về một số não trạng lo lắng trong tâm hồn người Tây phương, chuyện này ở trong số những chuyện khác, đã ngăn cản không cho chúng ta chủ động biết đâu là hạnh phúc thật của mình.

Không phải tất cả những chuyện này là sai, rất nhiều lo âu khắc khoải được dạy nhân danh đời sống thiêng liêng Kitô, nhưng các nhà phê bình Kitô giáo thì ngây ngô vì họ nghĩ rằng theo lẽ tự nhiên thì con người hài lòng về mình và nếu không có chú ý quá độ của Kitô giáo về những vấn đề nan giải như đau khổ, cái chết và sự sống đời sau thì chúng ta không lo âu bệnh hoạn đến như vậy. Không có nền triết học về sự sống, không có khoa nhân chủng học, không có khoa tâm lý nào, và mạnh hơn nữa, cũng không có nền tu đức nào có thể tự cho là hoàn thiện mà không gắn với vô thường, với các vấn đề về đau khổ và chết. Đó là những thực tế gặm nhắm tâm hồn. Không một phủ nhận nào, cố gắng tập trung vào giây phút hiện tại nào hay cố gắng xua đuổi một vài nhận thức được xem như bóng ma trong tâm trí người theo Kitô giáo mà có thể làm chúng ta miễn nhiễm chống lại được các thực tế của đau khổ và chết chóc, và sự cần thiết để biến đổi chúng ta mà những chuyện này mời gọi chúng ta làm.

Như thế, nền tu đức Kitô giáo không có gì phải biện hộ cho sự kiện, trong đó, trọng tâm nhất của tất cả các mầu nhiệm là mầu nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm của đau khổ, chết chóc và chuyển hóa. Trong nền tu đức Kitô giáo, Đức Kitô là trọng tâm và trọng tâm của Đức Kitô chính là cái chết của Ngài, và sự lớn lên trong một đời sống mới, mang đến cho chúng ta một Thần Khí mới.

Đây là mầu nhiệm trọng tâm của Kitô giáo. Nhưng không may đây lại là điểm hiểu lầm lớn và không được biết đến trong nền thần học và tu đức Kitô giáo. Chúng ta thường nói trên đầu môi điều then chốt là Chúa Giêsu chịu đau khổ, chịu chết vì chúng ta, nhưng hiếm khi chúng ta cố gắng tìm hiểu điều đó có ý nghĩa gì và làm thế nào chúng ta có thể tiếp cận với nó trong chính đời sống chúng ta.

Mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô là gì? Làm thế nào chúng ta có thể hiểu và sống mầu nhiệm ấy? 

Mô hình mầu nhiệm Phục Sinh 

  1. Một vài câu chuyện minh họa cho Phục sinh

Trước khi xem rõ nền thần học về mầu nhiệm Phục sinh, một vài câu chuyện sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu phần nào vấn đề thần học này. Qua hương vị ba câu chuyện ở ba nơi rất khác nhau, mỗi câu chuyện sẽ nói cho chúng ta điều gì đó về sự chuyển hóa phục sinh.

Câu chuyện thứ nhất là từ tiểu thuyết gia Brian Moore. Một trong những tác phẩm đầu tay của ông, quyển Đam mê cô độc của Judith Hearne (The Lonely Passion of Judith Hearne ) đúng là câu chuyện phục sinh. Câu chuyện tóm tắt như sau:

Ngày xưa ở Dublin, có bà tên là Judith Hearne. Bà là một phụ nữ tài năng trên nhiều khía cạnh. Mạnh khỏe, thông minh, hấp dẫn, giáo sư đáng kính, vững vàng về mặt tài chánh, có tương quan tốt với gia đình và bạn bè thân tín, bà được yêu thương và được kính trọng. Tuy nhiên, bà có một vấn đề. Bà sắp mãn kinh, chưa lập gia đình và không có con. Cả về mặt sinh lý và tâm lý, vừa ý thức và vừa không ý thức nhắc cho bà một chuyện nền tảng của con người là, “Không tốt cho con người nếu nó ở một mình” đặc biệt khi tiếng chuông đồng hồ sinh lý gióng lên!

Vì thế, không nhận thức rõ thực tế, bà bắt đầu tuyệt vọng. Mọi chuyện trong cuộc sống của bà – sức khỏe, công việc, gia đình, bạn bè – bắt đầu không có ý nghĩa đối với bà, trừ một chuyện bà muốn thật sự là, có chồng có con.

Bà bị xáo trộn dữ dội, và trong tình trạng tuyệt vọng vô thức này, bà gặp một người đàn ông, một ông Mỹ, bà yêu ông. Tuy nhiên ông không thích kiểu tình yêu lãng mạn của bà, ông theo đuổi bà chỉ vì nghĩ đến túi tiền của bà, ông muốn hai người mở một tiệm ăn.

Một buổi tối nọ, sau buổi hẹn hò, Judith đi bước trước. Bà ngõ lời muốn làm đám cưới. Ông từ chối và nói rõ ý định của ông. Sự từ chối này làm giọt nước tràn cái ly. Bà suy sụp. Bà nghiện rượu và xuống tinh thần, bà vào nhà thờ, nguyền rủa Chúa và phạm thượng đến Mình thánh Chúa. Bà vào bệnh viện, được săn sóc và phục hồi nhanh chóng.

Câu chuyện đến hồi kết thúc tốt đẹp. Một thời gian ngắn trước khi rời bệnh viện, người đàn ông Mỹ đến thăm bà. Anh mang một bó hoa hồng đến phòng bà, hối lỗi nói với bà là, anh đã sai và muốn cưới bà. Câu trả lời của bà còn đi xa hơn các quyển sách về thần học, đó là câu trả lời nói lên năng động của tinh thần Hiện Xuống. Bà trả bó hoa hồng cho ông và trả lời:

“Cám ơn nhưng không cám ơn. Tôi không muốn làm anh khổ, tôi muốn nói vì sao tôi cần kể cho anh nghe một câu chuyện. Khi anh là một cô bé, anh mơ một cuộc sống toàn hảo. Anh sẽ lớn lên, có một thân hình đẹp, gặp một người đàn ông toàn hảo, lấy họ, có con xinh đẹp, sống với họ trong một căn nhà đẹp, ở một xóm có hàng xóm tốt, có bạn tốt. Nhưng… khi anh lớn tuổi và giấc mơ này không xảy ra, anh xem lại, anh thấy các mong chờ của anh có phần nào giảm bớt. Anh bắt đầu tìm một người không cần phải hoàn hảo lắm… rồi cho đến lúc ở tuổi tôi, trong vô thức tuyệt vọng, anh lấy bất cứ ai, dù họ không có gì đặc biệt! Và rồi, tôi đã học được một điều gì đó qua sự việc tôi đánh mất chính tôi và tìm lại được chính tôi; tôi học được nếu tôi lãnh nhận được tinh thần mà từ đó tôi biết tôi là ai, thì cũng chẳng quan trọng tôi độc thân hoặc lập gia đình, ngã nào tôi cũng có hạnh phúc. Hạnh phúc của tôi không tùy thuộc người bên ngoài tôi, nhưng tùy thuộc vào bình an nội tại của tôi.

Câu chuyện kết thúc khi bà rời bệnh viện, mạnh mẽ và hạnh phúc trở lại, lấy tấm danh thiệp của ông làm chiếc tàu bay giấy và ném ra ngoài cửa xe.

Tinh thần Hiện Xuống đã tái diễn ở đây vì, như Sách thánh nói cho chúng ta biết, Thần Khí không phải là thần khí chung chung, nhưng Thần khí được ban cho mỗi người chúng ta một cách riêng biệt nhất, để trong những hoàn cảnh đặc biệt của từng người, chúng ta nhận ra mình trong đó.  Tinh thần Hiện Xuống không chỉ diễn ra bao quát, nhưng còn trên mỗi cá nhân, và, đối với Judith Hearne, bà nhận tinh thần này của một người tới tuổi mãn kinh, không chồng, không con.

Câu chuyện thứ nhì là câu chuyện được John Shea chia sẻ trong phần đầu quyển sách Các câu chuyện Đức tin, Stories of Faith. Shea kể chuyện một thanh niên chăm sóc người cha đang hấp hối. Người cha còn trẻ, hấp hối vì ung thư nhưng cũng khó để chết. Căn bệnh ở giai đoạn cuối, ông đau đớn cùng cực, cơ thể ông rã rời, đáng lý ông đã chết từ lâu, ông nằm bệnh viện như muốn bám vào sự sống. Cơ thể ông đầy các ống và dù có chích móc-phin, ông vẫn đau đớn.

Mỗi tối, sau giờ làm việc, anh đến ngồi bên giường bệnh cầm tay cha, bất lực nhìn cha đau đớn. Cuối cùng, một buổi tối nọ, anh cũng ngồi như thế, anh nói với cha: “Cha ơi, cha tin tưởng vào Chúa và cha ra đi nhé! Cha về với Chúa thì tốt hơn là sống như thế này.”

Gần như ngay lập tức, người cha có được bình an và ông ra đi. Người con nhận ra anh vừa nói một chuyện rất thật – một sự thật về chuyện tin tưởng vào Chúa và ra đi. Giống như Chúa Giêsu, cuối cùng trút hơi thở trong tay Chúa Cha.

Câu chuyện cuối cùng là câu chuyện trong Cựu Ước kể về cái chết của đứa con ngoài giá thú của Vua Đa-vít.

Lúc người con trai ngoài giá thú của vua Đa-vít sắp chết, ở địa vị người cha, ông mặc áo thô, ngồi trên đống tro và bắt đầu ăn chay cầu nguyện, ông cầu xin Chúa cứu con mình. Nhưng khi nghe tin con chết, ông cổi áo thô, không cầu nguyện nữa, ông vào nhà tắm gội, xức dầu thơm, ăn một bữa thật ngon, rồi ngủ với vợ, một sự sống mới được thai nghén, đó là vua Sa-lô-mon.

Thái độ này làm bạn bè ông ngạc nhiên, họ bảo ông, lý ra ông phải làm ngược lại chứ: “Khi con ông còn sống thì ông ăn chay cầu nguyện, còn bây giờ, khi con đã chết, ông lại ăn uống?”

Nhưng vua Đa-vít, với lời lẽ sâu sắc, đã giải thích mầu nhiệm phục sinh cho họ: “Khi con tôi còn sống tôi đã ăn chay cầu nguyện, xin Chúa gìn giữ nó. Nhưng giờ đây con tôi đã chết, tôi không thể đem nó về với tôi được, nhưng tôi phải sống, phải đối diện với sự thật này, và tôi phải tiếp tục tạo ra một cuộc sống mới.”

Đối với vua Đavit, một cuộc phục sinh nào đó như vừa xảy đến. Con ông đã chết, song nó vẫn còn sống, không cùng một thể thức như trước, nhưng một cuộc sống mới, mà trong đức tin, nó bắt đầu sống mạnh mẽ hơn.

Mầu nhiệm Phục Sinh là mầu nhiệm, qua đó, chúng ta làm sao để sau khi trải qua cái chết, đón nhận cuộc sống mới và thần khí mới. Chúa Giêsu, qua lời rao giảng và qua cuộc đời của Ngài, Ngài đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng điều này và nó sẽ xảy đến như thế nào.

Bây giờ chúng ta xem xét mầu nhiệm đó.

Nguyễn Kim Long dịch 

(Còn tiếp)