George Steiner, bậc thầy đọc sách

256

George Steiner, bậc thầy đọc sách

france-catholique.fr, Gérard Leclerc, 2020-02-05

Bài phát thanh trên đài truyền thanh Đức Bà ngày 5 tháng 2-2020.

Cái chết của học giả vĩ đại George Steiner mời chúng ta xem lại một công trình phê bình cực kỳ quan trọng. Đó là văn hóa mang lại cho tâm hồn của nó một nền văn minh được tạo thành từ các di sản và các trao đổi. Không kể đến sự phong phú chung là Kinh Thánh.

Khi nghe tin học giả George Steiner qua đời vào tối thứ hai 3 tháng 2, tôi tìm sách của ông trong thư viện của tôi. Có phải trên hết ông là người của sách, người đọc không bao giờ no và người truyền lại những gì mình đọc đó sao? Tiếc thay thư viện của tôi đang dọn dẹp, tôi không thể tìm ra thùng đựng tạm thời các sách của ông. Tôi muốn đọc lại vài trang Sau Babel (Après Babel) tôi đã đọc khi sách vừa được xuất bản giữa những năm 70, nhà văn Pierre Boutang đã thúc dục tôi phải đọc gấp. Steiner đã mở cả một thế giới cho tôi, thế giới của lời và viết, qua nghệ thuật đa âm các ngôn ngữ, đúng là một kho báu kỳ diệu.

Là học giả nổi tiếng thế giới, nhà văn Georges Steiner trước hết được biết đến như nhà phê bình, một công việc mà ông làm cực kỳ khiêm tốn. Trả lời cho nhà báo Stéphane Barsacq khi được hỏi về vấn đề này, ông nói: “Tôi mong, nếu độc giả còn nhớ đến tôi, đúng, tôi thích tôi được xem là thầy đọc sách. Còn thầy suy nghĩ thì tôi không dám mong muốn, nhưng thầy đọc sách thì được.” Và để mình được hiểu hơn, ông mượn câu của nhà thơ Nga Alexandre Pouchkine: “Chính tôi viết thư, bạn chỉ cần bỏ chúng vào thùng thư.” Sự phong phú của cuộc đời ông, giáo sư của chúng tôi cho rằng đó là bỏ thư vào thùng thư. Và còn nữa: “Khi bạn để cả ngày để dạy Vua Lear (Le roi Lear, vở kịch của Shakespeare) hay Phèdre (vở kịch của Jean Racine) hay Chia sẻ buổi trưa (Partage de midi, vở kịch của Paul Claudel), bạn tự nhủ: “Để làm gì?” Bởi vì sự phong phú của các bản văn này, của những người này ở một thứ trật hoàn toàn khác thứ trật của chúng ta… Nhưng, thưa thầy thân mến, để có thể truyền tải, phải biết thấm nhập vào thiên tài của người khác và cũng phải biết cách dịch, và đó là một trong những khả năng đẹp nhất của trí óc con người!

Steiner có một nỗi ám ảnh mà ông bảy tỏ với nhà báo Barsacq bằng các từ ngữ trực tiếp nhất: “Thời hiện đại sẽ rất khó khăn, không còn nghi ngờ gì nữa… Có một hình thức mị quần chúng, đầy trả thù, họ nói: chúng tôi quá ngán văn hóa quý vị, quý vị quấy rầy chúng tôi với thứ văn hóa của quý vị.” Không phải các siêu sao đã thay thế các nhà văn đó sao? Và không phải chỉ dành cho giới trẻ. Ở Điện Élysée, dù vậy dưới thời Tổng thống François Mitterrand, văn hào Régis Debray đã tranh đua gay gắt với chính trị gia Jack Lang để mang lại chỗ đứng nổi bật cho các nhà văn so với các ngôi sao của các showbiz. Nhưng Steiner vẫn là một nhân chứng, người bảo vệ sự giàu có thực sự của tinh thần và của trái tim. Tôi nghĩ đến nguồn gốc Do Thái của ông, tuy thường phức tạp nhưng chủ yếu là do ông gắn bó với Thánh Kinh, quyển sách của các quyển sách. Quyển sách này ông biết hơn ai cả, đó là quyển sách tưới tẩm cho tất cả nền văn học phương Tây vĩ đại!

Marta An Nguyễn dịch