Các thuyền nhân muốn trả nợ cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp

255

Các thuyền nhân muốn trả nợ cơ quan Cứu trợ Công giáo Pháp

lavie.fr, Benjamin Sèze, 2020-01-30

Khanh Renaud – La Vie

Các gia đình này đến Pháp cách đây 40 năm nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan cứu trợ Pháp, bây giờ họ muốn trả “món nợ” này để đến lượt họ, họ giúp các người di dân khác. Thư từ gởi đến nhỏ giọt. Ba thư cho năm 2019, một thư năm 2018, một thư khác năm 2017… mười mấy thư năm 2013. Như dòng nước chảy liên tục từ 20 năm nay khắp nước Pháp. Bà Mary Gobalasingham, kế toán cho Trung tâm Tương trợ người Tị nạn và người Xin tị nạn (Cèdre), một chi nhánh của cơ quan Cứu trợ Công giáo Paris cho biết: “Thời gian gần đây, chúng tôi nhận trung bình hai thư một năm.” Họ viết tiếng Pháp vụng về, tất cả là thuyền nhân đến Pháp cách đây 40 năm trong “cơn sốt thuyền nhân.”

Trong một bức thư gởi từ Nîmes tháng 5 năm 2013, Ông T. viết: “Chúng tôi xin cám ơn tất cả những ai đã giúp chúng tôi để được định cư ở đây.”  Ngày 25 tháng 4 năm 2019 bà Chhieu-Dung Sieu ở Ivry-sur-Seine, Val-de-Marne gởi chi phiếu 1200 âu kim viết: Chúng tôi xin cám ơn rất nhiều. Tôi xin trả món nợ mà quý vị đã cho tôi mượn.”

Chìm trong quá khứ gần như bị xóa mờ

Từ năm 1975 đến năm 1991, nước Pháp nhận 130 000 người đến từ Cam-bốt, Lào và Việt Nam, họ trốn chế độ cộng sản nhưng đôi khi cũng muốn trốn cảnh nghèo khổ. Với thời gian, với các cuộc xung đột khác, các làn sóng người di cư khác gần như đã xoa mờ mảng lịch sử này. Các bức thư Trung tâm Tương trợ người Tị nạn và người Xin tị nạn nhận như một cú đột phá đi vào quá khứ gần như đã bị lãng quên này. Các lời cám ơn kèm theo chi phiếu của các gia đình muốn hoàn lại số tiền cho cơ quan đã ứng cho họ trong chuyến đi từ thành phố Hồ Chí Minh, hoặc từ các trại tị nạn ở Thái Lan, Phi Luật Tân, Malasia đến Pháp… Tiền của một đời sống mới. Vài ngàn quan Pháp thời đó bây giờ đổi qua âu kim, đôi khi trả sát từng xu, đôi khi làm tròn số.

Các khoản tiến này thời đó được Ủy ban liên chính phủ về di cư Âu châu (Cime), qua các cơ quan trung gian như cơ quan Cứu trợ Công giáo. Một sáng kiến đáp ứng cho quyết định được đưa ra tại Hội nghị Quốc tế tại Genève tháng 7 năm 1979 để đưa một phần người tị nạn từ các biên giới Thái Lan hay được vớt trên biển Đông đến “các nước giàu.” Bất kỳ người lưu vong nào từ Cam-bốt, Lào, Việt Nam đến đều được xem là người tị nạn. Năm tháng trôi qua, cơ quan Cứu trợ công giáo quên các con nợ đơn lẻ này, thêm nữa cơ quan cũng không bao giờ đòi, ngoài lời nhắc nhở đơn giản vào thời đó…

Trong số các nhân viên của Trung tâm Tương trợ người Tị nạn và người Xin tị nạn có người còn không biết có chuyện này. Để tìm tông tích, họ phải xuống tầng hầm lục trong phòng văn khố rộng mênh mông! Đi giữa các kệ bụi bặm cao ngất, tìm tòi trong ánh đèn nê-ông các ghi chú bằng bút phớt trên các thùng giấy. Và bỗng họ thấy ở tận cùng cái kệ hàng chục thùng có ghi chữ “Mượn OIM” Tổ chức Di cư Quốc tế, và kể từ năm 1989 chuyển qua thành Trung tâm Tương trợ người Tị nạn và người Xin tị nạn.

Bên trong là các hồ sơ vàng úa xếp theo năm đến Pháp và tên theo thứ tự abc. Trong số các tài liệu còn giữ, có giấy chứng nhận mượn tiền cấp vào ngày họ ra đi, đôi khi kèm theo một bức thư gởi nhắc một hoặc hai năm sau, nhưng rất hiếm khi nhận được thư trả lời.

Đời sống bấp bênh của các gia đình bị bứng gốc

Ngày 1 tháng 6 năm 1982, ông T. ở Nîmes  viết: “Tôi vừa có việc làm nhưng chưa ổn định được đời sống gia đình.” Chín tháng sau khi đến Pháp, người cha gia đình người Việt này giải thích ông không trả được số nợ 4350 quan: “Hai con gái tôi đi học, vợ tôi không kiếm được việc làm vì tuổi, vì trình độ kiến thức và vì không biết tiếng Pháp.”

Trong bức thư viết tháng 12 năm 1984, ông Samoeun Kenya người Cam-bốt kể từ khi đến Pháp được hai năm rưỡi này, ông chỉ làm việc có “18 tháng.” Các công việc theo mùa. Ông giải thích: “Năm nay tôi hết việc vào tháng 10. Từ đó tôi không có việc làm, gia đình tôi sống trong hoàn cảnh túng thiếu.” Các bức thư này, đôi khi nhờ người thông dịch viết đã nói lên hoàn cảnh bấp bênh của các gia đình đến Pháp định cư.

Cô Julie Sieu nhớ lại: “Thật khó khăn.” Cô cùng với mẹ là bà Chhieu-Dung và ba anh đến Pháp ngày 6 tháng 9 năm 1979, khi đó cô mới 6 tuổi. Năm 1975 khi Khmer đỏ chiếm Phnom Penh, cả gia đình đi bộ về thành phố Hồ Chí Minh, người cha đã chết ở đây vì bệnh. Cả gia đình sống lây lất cho đến khi có người dì giúp làm giấy tờ để cả gia đình qua Pháp, dì đi làm công ở Pháp.

Cô Julie tiếp chúng tôi tại căn hộ nhỏ của mẹ cô. Tháng 12 năm 1979, theo lời khuyên của dì Julie, bốn anh em được gởi đến các gia đình ở miền quê Sarthe. Bà Chhieu-Dung bây giờ đã 80 tuổi, bà nói: “Tôi nghĩ đây là dịp may cho các con tôi. Khi đó tôi phải đi tìm việc và tôi không biết gì để giúp các con học tiếng Pháp, làm bài.” Sáu tháng sau thì Julie về ở với mẹ ở quận 13. Bà Chhieu-Dung làm đủ việc, và phải làm chui, khi thì đi may, khi thì dọn dẹp trong khách sạn, khi thì làm nhân viên bảo trì đêm khuya trong văn phòng, làm người canh chung cư… bà làm đủ việc, kiêm đủ việc. Julie là cô gái “không có nhiều tiền” nhưng cô tự an ủi “nhiều bà con qua Mỹ gặp nhiều chuyện rắc rối” hơn chúng tôi.

Một dân tộc Pháp chào đón

Vì bà Chhieu-Dung không biết tiếng Pháp nên Julie lo điền giấy tờ. Cô đưa mẹ đi mọi chỗ, đi bác sĩ, đi đến các cơ quan xã hội…  bây giờ cô đã là bà mẹ của một đứa con 8 tuổi, cô cho biết: “Tôi chỉ mới biết viết. Đối với một đứa bé thì công việc này nặng nhọc. Nhưng chung chung tôi bằng lòng với cuộc sống của tôi.” Cô đi học không có vấn đề. Cô nhớ lại, cô giáo, bạn bè và cha mẹ bạn bè rất quan tâm đến hoàn cảnh của cô, sau giờ học họ mời cô về nhà ăn bữa ăn nhẹ và mời cô đi nghỉ hè với gia đình của họ ở miền quê.

Vào thời đó người dân Pháp còn cởi mở với việc định cư người Á châu. Kết quả của một “cú chính trị”, ông Jean Haffner tin chắc như thế, ông giúp cơ quan Cứu trợ Công giáo đón nhận các gia đình này. Nhưng bối cảnh lúc đó không thuận lợi: hệ quả của cú sốc dầu hỏa, nạn thất nghiệp tăng từ nhiều năm, năm 1974 chính quyền của Tổng thống Jacques Chirac ngưng việc nhập cư của công dân nước ngoài. Nhưng cuộc khủng hoảng nhân đạo đang rung chuyển vùng Đông dương đã tạo một cú sốc lớn trong dư luận quần chúng. Năm 1979 bác sĩ Bernard Kouchner huy động giới trí thức và chính trị gia cùng làm việc bên cạnh ông.

Dưới tác động của chính quyền, cùng liên kết với các cơ quan, các ủy ban đón nhận ra đời khắp nơi trên nước. Đó là một trong các kỷ niệm đầu tiên đến trong đầu ông Vutha Ken. Ông là người Cam-bốt, 48 tuổi, đến Pháp năm 1982 cùng với gia đình và bốn anh chị em: “Chúng tôi sống 5 tháng với các người tị nạn khác ở Valdahon. Tòa thị chính có một buổi đón tiếp chúng tôi. Người dân trong khu vực giúp đỡ chúng tôi như đưa đi bác sĩ, nha sĩ. Họ giúp cha mẹ tôi tìm việc và chỗ ở. Hàng xóm cho chúng tôi xem truyền hình ké nhất là khi có các cúp đá bóng. Họ mời chúng tôi vào nhà, cho chúng tôi uống sữa cacao. Chúng tôi không biết tiếng nên chỉ ra dấu. Họ rất dễ thương và không đoán xét chúng tôi”.

Kỳ thị bình thường

Bây giờ gia đình ông Vutha sống ở Jougne, ông là công nhân của một nhà máy làm dụng cụ nha khoa. Gia đình ông là gia đình Á châu duy nhất sống ở đây, ông cho biết: “Đôi khi chúng tôi cảm thấy mình bị cô lập. Trong các ngày cuối tuần hoặc nghỉ hè, chúng tôi ở trong nhà không dám ra ngoài, chỉ đi bộ đi chợ. Chúng tôi không có xe. Chúng tôi sợ cái nhìn của người khác, chúng tôi sợ phản ứng của họ. và chúng tôi cũng không biết đi đâu.” Ở trường các thầy cô thì rất hiểu biết và thiện cảm, nhưng học sinh thì không, chúng chế giễu: “Tàu chệt, Tàu chệt!” và nheo mắt làm mắt xếch. Tôi rất buồn, nhiều lúc tôi không ngủ được.”

 Bây giờ cô vẫn còn cảm thấy mình sống bên lề

Mọi thứ lắng xuống theo thời gian. Các anh em đã bắt đầu quen, đã chơi đá bóng với các bạn khác trong xóm. Còn cha mẹ thì thích ứng khó hơn. Người con trai nói: “Mẹ tôi luôn ở nhà, bà không nói được tiếng Pháp.” Còn ông Samoeun, người cha gia đình thì “dè dặt” dù ông có một vài bạn đồng nghiệp đến nhà uống cà-phê với ông. Ông Vutha nói: “Chung chung thì cha mẹ chúng tôi không có đời sống xã hội.”

Cô Duyên B. người Việt Nam nói đến việc hội nhập khó khăn. Cô cho biết: “Chúng tôi không nói ra nhưng chúng tôi khổ nhiều vì bị kỳ thị. Cô nhắc đến một vài kỷ niệm đau lòng, bây giờ cô vẫn còn cảm thấy mình sống bên lề vì nguồn gốc Á châu, cũng như người da đen và người Ả rập đã từng bị.” Cô đến Pháp cách đây 35 năm khi mới 3 tuổi, dù cô cho mình là người Việt Nam nhưng “sau hai chuyến đi về Việt Nam, tôi mới thấy mình có văn hóa Pháp.”

Vấn đề gốc gác và quan hệ với nước nhập cư luôn là vấn đề của các gia đình Á châu. Khác xa với các biểu tượng cứng nhắc và có tính cách chính trị, thật ra vấn đề này có tính cách rất thân thiết. Ai cũng cố gắng có một ý tưởng về bản sắc, về những gì tạo nên mình: một quốc tịch, một tên riêng, một di sản văn hóa… Khi Julie 18 tuổi, có có quốc tịch Pháp, cô lấy tên Julie thay vì tên Kien ngày xưa. Cô thú nhận: “Có thể tôi hơi ngớ ngẩn, nhưng lúc đó tôi bỗng nhiên cảm thấy mình là người Pháp hoàn toàn.” Còn ông Vutha thì không bao giờ nghĩ mình cần phải thay tên. Dĩ nhiên ông có quốc tịch Pháp, ông không muốn giữ quốc tịch Cam-bốt. Các anh chị em của ông gắn bó với văn hóa Cam-bốt, họ nói tiếng Cam-bốt và lấy vợ lấy chồng người Cam-bốt.

Bản sắc và hội nhập

Các vấn đề về bản sắc và hội nhập luôn nổi bật trong các cuộc tranh luận về nhập cư. Và kể từ năm 2014 các vấn đề này đã được đề cập mạnh mẽ khi có cái gọi là “cuộc khủng hoảng di cư”. Các hình ảnh của các gia đình và người di cư trên những chiếc thuyền tạm bợ ở Địa Trung Hải đã khuấy động tâm can của Vutha, Julie và Duyên. Cô Duyên nói: “Những người tị nạn này là tôi.” Năm 1982, người phụ nữ trẻ này đã từng nếm qua hoàn cảnh. Cô nhớ lại đêm tối khi cô và gia đình lên chiếc thuyền nhỏ ở một bãi biển Việt Nam. Mẹ tôi nói: “Các con không được làm ồn. Các con không được khóc, nhưng chúng tôi đói”.

Mọi người nghĩ người tị nạn vô tư xuống tàu

Ký ức này vẫn còn trong tâm trí họ, hình ảnh những người bị chết đuối khi được chuyển từ ghe lên tàu Argentina cứu họ. Vutha thấy mình ở trong cảnh này: “Tôi có thể hiểu tại sao họ đi, tại sao họ dám chấp nhận rủi ro. Tôi nghĩ tôi có thể cảm thấy những gì họ cảm thấy. Ông Vutha và cô Duyên đôi khi muốn nói các chuyện này với đồng nghiệp, “nhưng họ không hiểu.” Họ nghĩ người tị nạn ra đi vô tư vì muốn đến Pháp. Nhưng không đúng vậy, cô Duyên nhấn mạnh. Tất cả chúng tôi đều có một cuộc đời, một gia đình và khi chúng tôi bị tước đi tất cả những chuyện này thì thật là khó cho chúng tôi. Cha mẹ tôi không bao giờ muốn rời Việt Nam, và nỗi đau này tôi cảm nhận suốt đời. Cách đây ít lâu khi biết tin tức thời sự về người di dân, mẹ của cô Duyên hỏi con gái mình những người tị nạn ngày nay có nhận được nhiều giúp đỡ như mình ngày xưa không. 

“Trả hết nợ”

Cô Julie Sieu cho rằng “Chúng tôi may mắn hơn những người đến Pháp bây giờ.” Khi cùng với mẹ muốn trả món nợ cho cơ quan Cứu trợ Công giáo, cô nghĩ: “Như thế cơ quan sẽ giúp được thêm người khác.” Trên bàn trong phòng khách của căn hộ ở Ivry-sur-Seine, Julie đặt một chồng hồ sơ nhỏ, lấy từ một phong bì giấy cứng vàng, cô nói: “Mẹ tôi giữ tất cả mọi thứ: vé máy bay từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Paris, thẻ thông hành, thẻ chích ngừa. Bà hay nói với tôi: ‘Con không được làm mất, mấy giấy tờ này mẹ rất quý. Mẹ đã giữ chúng từ hơn 40 năm nay. Đó là kỷ niệm của mẹ.”

Trong số các giấy tờ quý báu này, chúng tôi thấy mẫu đơn cứu trợ màu xanh được Ủy ban liên chính phủ về di cư Âu châu (Cime) cấp lúc đó dưới hình thức cho vay, đơn in bằng tiếng Anh có ghi địa chỉ của hội Cứu trợ Công giáo. Bà Chhieu-Dung không biết cơ quan có còn tồn tại không, có còn ở địa chỉ cũ không, dù 40 năm qua cơ quan không hề gởi thư nhắc. Nhưng ký ức về sự giúp đỡ này không bao giờ xóa nhòa. Cô Julie nói: “Mẹ tôi rất lo lắng về món nợ này. Bà sợ chết đi mà chưa trả, bà giao lại cho chúng tôi”.

Đối với cô Duyên, gần như đây là nỗi ám ảnh. Từ nhỏ tôi đã biết mẹ tôi “nợ” cơ quan Cứu trợ Công giáo. Bà luôn nói với tôi: “Nếu có chuyện gì xảy ra, con đừng quên trả món nợ này. Chuyện này rất quan trọng với mẹ, vì trong văn hóa của mẹ, dứt khoát mẹ phải trả mọi món nợ.” Vì thế năm 2013, mẹ của cô đã trả món nợ đã mượn, cô Duyên viết chi phiếu chẵn 1000 âu kim kèm theo vài chữ viết tay cho các thiện nguyện viên của hội: “Mẹ tôi, hai anh tôi, chị tôi và tôi (cha tôi nữa nhưng bây giờ ông đã ở gần Chúa), chúng tôi vô cùng cám ơn hội.” Khi dán bì thư, cô đã khép lại một trang lịch sử của gia đình, nhưng cô không biết nghĩa cữ này đã mở ra một trang ít được biết đến trong lịch sử nước Pháp.

Marta An Nguyễn dịch