“Đời sống ông bà ngoại tôi là keo dính cho gia đình chúng tôi”

255

“Đời sống ông bà ngoại tôi là keo dính cho gia đình chúng tôi”

Ông Edmond Michelet, bà Marie Madeleine Dienesch và Thủ tướng Georges Pompidou rời Điện Élysée sau cuộc họp các bộ trưởng ngày 19 tháng 6 – 1968.

la-croix.com, Evelyne Montigny, 2014-07-02

Agnès Brot, cháu gái của ông Edmond và bà Marie Michelet: “Cặp vợ chồng ông bà ngoại tôi là keo dính cho gia đình chúng tôi”Bà Agnès Brot cho biết:

 

“Tôi may mắn được sống gần ông bà ngoại tôi, một cặp vợ chồng tuyệt vời. Đứa con trai nhỏ nhất của tôi là chít thứ 100 của ông bà, kỷ niệm về cuộc đời của họ vẫn còn in đậm trong ký ức của những người từng quen biết ông bà. Tình yêu của họ cho nhau đập mạnh vào mắt để không ai có thể không thấy. Nhìn ông bà tôi sống, tôi hiểu thế nào là hài hòa và thanh thản.

Chúng tôi gọi ông ngoại là Papamond và bà ngoại là Mamé, hai người có 8 người con. Sau người con trai Jean đầu lòng là đến mẹ Christiane của tôi. Rồi đến Geneviève và Monique, sau đó là cậu Jacques chết lúc sinh ra. Rồi đến các cậu Bernard, Yves và cuối cùng là cậu Claude nhà văn.

Gia đình ở Brive-la-Gaillarde, nhưng nôi của gia đình ở Marcillac nơi có căn nhà nghỉ mát. Mẹ tôi luôn gần với ông ngoại tôi, hai người chưa nói đã hiểu nhau. Cũng như ông, mẹ tôi nếm mùi đau đớn khi mất con. Và mẹ tôi bị hai lần. Vì thế ông ngoại tôi thương mẹ tôi với một tình thương vô cùng dịu dàng.

Chúng tôi sống ở Marcillac gần ông bà, vì thế tôi rất gần với ông bà, nhất là với bà ngoại vì ông ngoại lúc đó là bộ trưởng nên đi đây đi đó rất nhiều. Khi ông ngoại qua đời tôi mới 14 tuổi. Chỉ sau khi ông mất tôi mới nhận ra ông là con người của hòa bình, của hòa giải lớn đến như thế nào.

Ngay cả ngày nay, ông ngoại vẫn là hình ảnh gương mẫu cho con cháu của ông. Các giai thoại về ông truyền từ đời này qua đời kia. Đối với chúng tôi là hàng cháu, ông là một người ông tuyệt vời, rất dịu dàng và có một ý chí kiên cường, loại bỏ hết tất cả mọi cãi cọ trong nhà! Lòng nhân từ của ông thuộc về huyền thoại, nhưng dù sao ông cũng là con người, tôi còn nhớ một vài cơn giận khủng khiếp của ông!

Ông ngoại tôi vừa là người thực tế vừa là người trí thức (dù ông không học nhiều) và cũng rất thực tiễn, còn bà tôi là người phá cách! Bà là nghệ sĩ dương cầm tài năng, rất yêu nghệ thuật và yêu say đắm cuộc đời. Một vài năm sau khi ông tôi mất, từ Marcillac hai bà cháu đạp xe đạp đến Lộ Đức. Bà tôi lúc đó 73 tuổi! Không có gì làm cho bà sợ, đó là người phụ nữ tự do phi thường, người không bao giờ nói xấu ai và luôn vui tính.

Bây giờ gia đình chúng tôi rất đông và ở phân tán khắp nơi, nhưng chúng tôi giữ liên lạc qua nhật báo nội bộ trong gia đình và từ ba mươi năm nay, chúng tôi ‘xuất bản’ mỗi hai tháng một lần nhật báo có tên: Le Marcillac. Báo được bán cho gia đình và bạn bè. Chúng tôi nói tất cả mọi chuyện trừ chính trị: các sự kiện lớn trong gia đình, các sinh nhật, các lời con trẻ, các câu chuyện có thật, các bài viết nổi bật… và các ý chỉ cầu nguyện!

Ông bà chúng tôi có một đức tin sống động và ông bà đã truyền được cho một số lớn trong gia đình chúng tôi. Đền thánh Rocamadour, nơi chúng tôi thường xuyên đi bộ đến hành hương vẫn là điểm cắm neo thiêng liêng của gia đình. Mỗi năm chúng tôi tổ chức hành hương gia đình được giám mục Benoỵt Rivière anh họ của tôi hướng dẫn: ba ngày học hỏi, đi bộ và cầu nguyện, sau đó kết thúc bằng buổi dã ngoại cùng với gia đình và bạn bè.

Người ta thường nói đàng sau người đàn ông vĩ đại thường có bóng dáng của phụ nữ. Tôi nghĩ tình yêu và lòng tin tưởng mà bà tôi dành cho ông tôi đã mang lại cho ông một sức mạnh phi thường để đương đầu với các khó khăn trong cuộc đời, nhất là giai đoạn ông bị lưu đày ở trại tập trung   Dachau, nước Đức.

Nơi ông bà tôi, cầu nguyện, tình dịu dàng và hành động gần như không thể tách rời nhau.”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Edmond Michelet: “Chúng ta hãy tha thứ cho những người đối xử xấu với mình”

Một chữ để làm im bặt các lời nói xấu

Giám mục Benoît Rivière, giáo phận Autun kể trong tập sách 15 cầu nguyện ngày với Edmond và Marie Michelet (Prier 15 jours avec Edmond et Marie Michelet, nxb. Nouvelle Cité) : “Khi vào bàn ăn, và có ai bắt đầu nói xấu người khác, thường là người đó vắng mặt, chúng tôi nghe ông chúng tôi nói một cách nhẹ nhàng nhưng rất có uy : “Caritas!” (Tình yêu mà Chúa thích). Chỉ chữ này là làm ngừng mọi lời nói xấu và hướng mọi người vào một con đường tốt hơn.”