Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (4/8) 

280

Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (4/8)

Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, The Holy Longing: The Search for a Christian Spirituality, Ronald Rolheiser 

Giáo Hội là sợi dây thừng –  Phép rửa và sự cưỡng bách

Giáo hội là những con người, nhưng cũng là sợi dây thừng thánh hiến chúng ta và đưa chúng ta đến nơi chúng ta không muốn. Nhận phép rửa vào một giáo hội Kitô là được thánh hiến, là thành một con người khác. Vậy điều này ngụ ý gì?

Trong phần kết của phúc âm thánh Gioan, Chúa Giêsu và thánh Phê-rô có một cuộc trao đổi rất rõ ràng. Chúa Giêsu hỏi ông Phê- rô ba lần: “Con có yêu mến ta không?” Ba lần, Phêrô trả lời có. Dựa vào lòng mến của thánh Phê-rô, Chúa Giêsu nói với ông: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.”

Xét về bản chất, những gì mô tả ở trên, chính là phép rửa cho Phê-rô, và là động năng của bất cứ một phép rửa đích thực nào để gia nhập giáo hội. Bí tích Rửa tội thánh hiến chúng ta, sự thánh hiến này là sợi dây thừng buộc chặt sẽ đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta không muốn đến, cụ thể là những đau khổ để chúng ta được trưởng thành. Tuy nhiên, cần giải thích điều này kỹ hơn.

Đối với hầu hết chúng ta, từ thánh hiến thuộc về lãnh vực thánh. Khi nghĩ về một điều gì được thánh hiến chúng ta nghĩ đến nhà thờ, bàn thờ, chén thánh, hay quyển Kinh Thánh. Khi nghĩ về một người được thánh hiến chúng ta nghĩ đến người có lời khấn với chiếc áo dòng đặc biệt, như các tu sĩ, nữ tu, và mẹ Tê-rê-xa. Tự nó, quan niệm này không sai. Để thánh hiến điều gì đó có nghĩa là thay đổi nó khỏi cách dùng thông thường: như một chén thông thường được chọn làm chén thánh, một chiếc bàn thông thường được chọn làm bàn thánh, một tòa nhà thông thường được chọn làm nhà thờ, và một con người thông thường người được chọn để thành tu sĩ.

Tuy nhiên, nghĩ về thánh hiến theo nghĩa này, tuy không sai, nhưng làm cho từ đó mang một nghĩa về lòng mộ đạo và sự tách rời riêng biệt mang tính tôn giáo làm giảm phần lớn ý nghĩa của nó. Thánh hiến một ai hay một vật nào đó có nghĩa là gì?

Thánh hiến có nghĩa là để ra một bên, thay cách dùng thông thường để bứt ra khỏi hình thức bình thường. Rất lâu trước khi được dùng cho nhà nguyện, bàn thờ, chén thánh, lời khấn, từ này mô tả một cái gì đó trong đời sống thông thường. Xin xem ví dụ sau:

Trong những năm 1960 ở Nữu Ước, có một vụ giết người khét tiếng. Một phụ nữ bị đâm chết trên đường phố trong khi có hơn ba mươi người đứng ở cửa sổ nhà họ nhìn xuống. Không một ai gọi cảnh sát. Họ không muốn dính líu vào. Về sau, khi vụ việc đưa ra ánh sáng, có một cuộc tranh luận gay gắt về tội lỗi thực sự của những người chứng kiến bàng quan. Theo một cách nào đó, họ không có tội khi chứng kiến vụ sát nhân và không làm gì cả sao?

Đối với một Kitôâ hữu thì câu trả lời đã rõ. Việc nhìn thấy người phụ nữ đó bị đâm là thánh hiến họ, chọn lựa họ, thay đổi họ, và tách họ ra khỏi sự thông thường. Tại thời điểm đó, họ bị mất tự do và buộc phải hành động. Nếu bạn nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy một người bị đâm trong một công viên, ngay lúc đó, bạn được được thanh tẩy và thánh hiến theo đúng nghĩa của những từ đó. Cho đến thời gian đó, bạn có thể thắt lưng và đi đâu tùy thích, nhưng bây giờ, nhìn thấy cảnh này, ai đó đã cột dây thừng quanh bạn và đưa bạn đến nơi mà bạn không muốn đi. Bi kịch thay, ở Nữu Ước đêm đó, hơn ba mươi người từ chối phép rửa của họ. Và kết quả là người phụ nữ mất mạng.

Một ví dụ khác nhẹ nhàng hơn nhưng không kém rõ ràng:

Thử tưởng tượng một đêm mùa hè ấm áp, bạn đi thăm vài người bạn và thưởng thức món thịt nướng. Đó là một buổi hẹn hợp lý và không nghi ngờ gì, Chúa đang muốn bạn tận hưởng. Nhưng vừa ra đường lớn, bạn là người đầu tiên chứng kiến một tai nạn giao thông trầm trọng. Một số người bị thương nặng, có thể chết. Vào lúc đó, bạn bị mất tự do. Bạn được phép rửa, thánh hiến, được chọn, được đặt riêng, và buổi hẹn của bạn phải bị đình lại, không phải vì nó sai, nhưng vì điều gì đó cao hơn đã chiếm lấy, theo đúng nghĩa của nó, sự tự do của bạn. Trước khi bạn thấy tai nạn đó, như thánh Phê-rô trước lúc tuyên xưng đức tin, bạn có thể thắt lưng và đi bất cứ đâu bạn muốn, bây giờ tai nạn này thắt lưng bạn và đưa bạn đến nơi mà bạn không muốn đến. Tai nạn đã làm cho bạn thành người được thánh hiến và thanh tẩy bạn vào giáo hội.

Điều ngụ ý ở đây có phần nào đúng với từ giáo hội. Chúng tôi sử dụng thuật ngữ giáo hội tính để chỉ khoa thần học về giáo hội. Từ nguyên của từ này được biểu lộ rõ nhất. Ecciesiology xuất phát từ tiếng Hy Lạp chỉ giáo hội, ekklesia, tự nó phát xuất từ hai từ tiếng Hy Lạp, ek kaleo (ek-nghĩa là ra khỏi và kaleo, là “gọi”). Như vậy, ekklesia, giáo hội, nghĩa đen có nghĩa là “được gọi ra khỏi.” Nhưng chúng ta được gọi ra khỏi điều gì?

Chúng ta được gọi ra khỏi chương trình thông thường của mình, chương trình chưa có chỗ cho vụ tai nạn giao thông, chưa nhìn thấy người phụ nữ bị đâm bên cửa sổ, hay trong trường hợp chúng ta, là chưa gặp được con người và Tin mừng của Đức Kitôâ và cộng đoàn đức tin trên thế giới. Giáo hội thắt dây cho chúng ta, lấy đi sự tự do của chúng ta, và đưa chúng ta đến nơi mà chúng ta không muốn, nhưng lại là nơi nên đến.

Vì vậy, ví dụ tốt nhất về ý nghĩa thực sự của giáo hội, phép rửa, và thánh hiến là việc có con và nuôi dạy con cái. Một gia đình là một giáo hội, và thực sự có thể nói, đúng là hầu hết các cha mẹ được chính con cái mình rửa tội và nuôi dạy mình!

Tưởng tượng một câu chuyện điển hình. Hai cô cậu trẻ gặp nhau, yêu nhau, và kết hôn. Ở giai đoạn này của cuộc sống, họ chưa trưởng thành. Họ dự trù xây dựng một cuộc sống hạnh phúc và, dù tốt bụng và chân thành, cả hai vẫn còn ích kỷ với tính vị kỷ tự nhiên của tuổi trẻ. Rồi, dù chưa thật sự nhận thức các hệ lụy của việc có con, họ bắt đầu có con. Từ giây phút có đứa con đầu, trừ khi họ quá chai cứng, thì dù muốn hay không, họ sẽ bắt đầu trưởng thành. Trong 25 năm hay 50 năm nữa, mỗi lúc nhìn chung quanh, những bàn tay nhỏ xíu hay không còn nhỏ xíu sẽ hướng về họ, xin một cái gì từ họ – thì giờ, năng lượng, tiền bạc, chìa khóa xe, điện thoại, cảm thông, thấu hiểu, và tâm hồn họ. Dù muốn hay không, họ sẽ trưởng thành chính chắn. Từ hai mươi lăm đến năm mươi năm họ sẽ sống dưới áp lực của một cưỡng bách rõ ràng, phải suy nghĩ về người khác ngoài bản thân mình. Tất cả những năm thực hành đó cuối cùng sẽ mang lại lợi ích. Qua thời gian con cái họ lớn lên, họ sẽ được trưởng thành.

Và, trong những năm có con và nuôi dạy con, họ được thánh hiến, biến đổi và thanh tẩy theo đúng nghĩa sâu xa của khái niệm này. Họ ở tại hiện trường tai nạn, cái tai nạn đã lấy đi tự do của họ, buộc họ phải họ hoãn lại chương trình bình thường hợp lý hoàn hảo của họ. Thay vào chương trình bình thường này, họ bị cưỡng bách, đòi hỏi họ phải hy sinh lối sống, nghề nghiệp, sở thích, các bữa ăn ngon, kỳ nghỉ, du lịch, và còn nhiều thứ khác nữa. Như Chúa Giêsu đứng trước mặt thánh Phê-rô, con cái họ đứng trước mặt họ mỗi ngày, hỏi: “Ba mẹ có thương con không?” Nếu ba mẹ trả lời “có”, thì nói theo thuật ngữ Thánh Kinh, con cái sẽ trả lời: “Cho đến bây giờ, ba mẹ tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý, nhưng bây giờ chúng con thắt lưng và dẫn ba mẹ đến nơi ba mẹ không muốn đến, cụ thể là ba mẹ không còn tính ích kỷ tự nhiên và ba mẹ sẽ trưởng thành, sẽ hy sinh.”

Đó là phép rửa và đó cũng là giáo hội. Khi thánh Phaolô được hoán cải thành Kitôâ hữu, ngay lập tức ngài có được một bài học về căn bản tính của giáo hội, và không khác với những lời Chúa Giêsu nói với thánh Phê-rô rằng ông sẽ “chịu khốn khổ vì danh Ngài,” bởi kết ước mà chính ông đã chọn. Kinh Thánh cho thấy sau đó ông đứng dậy và hướng về tương lai giáo hội “với đôi mắt mở to, mà không thấy gì cả,” đó là mô tả tuyệt diệu một cách cơ bản cho tất cả chúng ta trong ngày chúng ta thực hiện các kết ước trong hôn nhân, thiên chức làm cha mẹ, chức tư tế, đời sống tôn giáo, hay bất cứ ơn gọi sâu sắc nào khác, chúng ta chăm chú nhìn về tương lai với đôi mắt mở rộng nhưng không thấy gì, hướng về tương lai với tấm lòng nhiệt huyết. Thường thường chúng ta thật mù mờ, và cũng may là như thế. Đòi hỏi cưỡng bách của phép rửa có nghĩa là, theo tầm mức mà chúng ta không có gì cả, chính đó là những gì làm cho chúng ta trưởng thành và được ân sủng.

Tôi có một người bạn, một giáo dân làm việc mục vụ toàn thời gian. Công việc của ông rất khó khăn vì thường thường giáo dân chỉ rãnh buổi tối nên gần như tối nào ông cũng đi làm việc. Ông nói với tôi, thỉnh thoảng có những buổi tối lái xe đến nhà thờ để gặp tín hữu, tự chiếc xe của ông chỉ muốn hướng vào rạp hát hay sân vận động, ngồi sau tay lái, ông ghen tị với những người đang ở đó, hay những người đang ở nhà xem đá banh, ông thưa với Chúa: “Nếu con được sinh ra lần nữa, sống một đời sống khác, thì lúc đó, con không muốn làm gì dính đến gia đình, giáo hội, hàng xóm, và cộng đồng nữa. Con muốn sống cuộc sống của một người trẻ vô tư, có vé xem cả mùa tất cả mọi sự kiện… và suốt đời không phải đi làm ca đêm.” Đó là một suy nghĩ  lành mạnh; ông đã cảm nhận được giáo hội là gì, là có một dây thừng cưỡng bách quanh ông.

Một điều cuối cùng về sợi dây thừng cưỡng bách: Đây không phải là điều mà chúng ta có thể bỏ đi sau khi đã chấp nhận. Cam kết trong giáo hội không phải như vậy. Người ta không giữ chiếu khán xuất nhập để rồi, có ý thức hay không ý thức, nói theo cảm tính với gia đình: “Tôi sẽ ở lại với các người cho đến lúc nào tôi thấy các người còn tốt, tôi sẽ ở lại cho đến lúc các người làm tôi thất vọng hoàn toàn.” Giáo hội luôn dạy, và đúng như vậy, rằng phép rửa là không thể xóa, phép rửa ghi vào tâm hồn một dấu ấn không phai. Ai có con sẽ hiểu điều này, khi bạn ôm đứa con lần đầu, dấu ấn đó không bao giờ phai trong tâm hồn. * Làm một người con trong giáo hội cũng vậy. Trong Kinh Thánh, chúng ta biết rằng, sau khi ông Noê đưa hết thú vật và gia đình vào tàu (biểu tượng của giáo hội), Thiên Chúa “giữ họ trong đó.” Bất cứ cam kết giao ước chân tín, đích thật nào cũng đều giữ chúng ta trong đó. Như một bà mẹ vừa sinh con, hay như một cặp vừa hứa trọn đời chung thủy, chúng ta không thể chọn lựa ở trong hay ra khỏi giáo hội, cũng như không thể làm cho nó phải phù theo tâm tính hay theo từng giai đoạn tăng tiến của chúng ta. Chỉ cần chúng ta không hiểu điều này, theo ngôn từ của giáo hội, chúng ta vẫn còn là những đứa trẻ non nớt cần được chăm sóc, và ngược với người trưởng thành, là người trách nhiệm chăm lo gia đình.

Nguyễn Kim Long dịch

(Còn tiếp)

Xin đọc thêm:  Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng  (1/8)

Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (2/8)

Một vài Linh đạo chính yếu trong đời sống thiêng liêng (3/8)