Bậc sống độc thân linh mục: Đức Bênêđictô XVI ra khỏi im lặng

578

Bậc sống độc thân linh mục: Đức Bênêđictô XVI ra khỏi im lặng

 lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2020-01-12

Trong một quyển sách cùng viết với hồng y Robert Sarah, Đức Giáo hoàng danh dự xin Giáo hội đừng bị “ấn tượng”.

Gần bảy năm sau khi từ nhiệm ngôi Thánh Phêrô ngày 11 tháng 2 năm 2013, Đức Giáo hoàng danh dự Bênêđictô 92 tuổi ra khỏi im lặng để xin Đức Phanxicô đừng dấn thân trên con đường cho các ông đã lập gia đình được chịu chức. Cùng với hồng y Robert Sarah, người Guinea, các ngài viết một tác phẩm có tên “Từ sâu thẳm tâm hồn chúng tôi” (Des profondeurs de nos cœurs), được nhà xuất bản Fayard phát hành ngày 15 tháng 1 – 2020. Báo Figaro có được độc quyền có ấn bản này.

Chủ ý này mang nét lịch sử vì tầm quan trọng lời của Đức Giáo hoàng danh dự và thẩm quyền thần học của ngài. Đã hai lần, một lần năm 2017 về vấn đề phụng vụ, một lần vào mùa xuân năm 2019 khi ngài phân tích về cuộc khủng hoảng lạm dụng, Đức Bênêđictô XVI đã công khai cầm viết nhưng rất kín đáo. Lần này ở một tầm mức rộng lớn hoàn toàn khác: ngài cho rằng tương lai Giáo hội công giáo sẽ bị tổn hại nếu đụng vào vấn đề bậc sống độc thân của linh mục, một trong các cột trụ của Giáo hội.

Vì thế quyển sách là lời biện hộ rất có cấu trúc nhằm để biện minh cho bậc sống độc thân của linh mục, nhưng cũng là thông điệp mạnh mẽ ủng hộ các linh mục, mà hai tác giả thấy họ “hoang mang trước việc đặt lại vấn đề không ngừng bậc sống độc thân của linh mục”. Quyển sách dày 175 trang dành tặng các linh mục: “Kính tặng các linh mục trên toàn thế giới.” Quyển sách có hai văn bản, nhất quán, dễ đọc, bố cục mạnh, một do Đức Giáo hoàng danh dự viết, một là của hồng y và cả hai cùng viết lời nói đầu và lời kết.

Trong các trang này, không có một lời gây hấn hay tranh cãi nào chống giáo hoàng hiện nay mà còn ngược lại. Đức Giáo hoàng danh dự và hồng y Sarah đều xem mình là “giám mục” trong “sự vâng phục hiếu thảo với Đức Phanxicô”, luôn “đi tìm sự thật trong tinh thần yêu thương sự hợp nhất Giáo hội.” Như thế bài viết của các ngài không có “ý thức hệ làm phân chia” và cũng không có “cãi cọ cá nhân, các điều động chính trị, trò chơi quyền lực, thao túng ý thức hệ và các chỉ trích cay đắng, đó chỉ là trò chơi của ma quỷ, của kẻ chia rẽ và dối trá”. 

Cảnh báo

Nhưng các ngài không che giấu sự bất khả thi của mình để giữ “im lặng”: “Silere non possum! Tôi không thể im lặng”, các ngài kiên định lên tiếng và trích lời Thánh Âugutinô. Đặc biệt là sau “thượng hội đồng kỳ lạ của giới truyền thông” về Amazon vào tháng 10 vừa qua, đã được hai phần ba người tham dự bỏ phiếu đề nghị phong chức linh mục cho các phó tế vĩnh viễn, để bù đắp cho việc thiếu linh mục ở vùng Amazon. Vì thế các ngài xin Giáo hội đừng bị “ấn tượng” bởi “những người chủ trương không tốt, dựng kịch bản, nói dối quỷ quyệt, những sai quấy thời trang muốn hạ phẩm chất bậc sống độc thân của linh mục”.

Trong những tuần tới Đức Phanxicô sẽ công bố một tông huấn hậu thượng hội đồng để chính thức hóa biện pháp này. Trừ khi ngài đi lui, nếu không là cả một ngạc nhiên. Trước công chúng, Đức Phanxicô luôn công khai ủng hộ bậc sống độc thân của linh mục, nhưng ngài cởi mở cho một giải pháp địa phương đặc biệt để đáp ứng cho cuộc khủng hoảng ơn gọi. Một ý tưởng mà hồng y Sarah trong phần kết luận của mình đã xin Đức Phanxicô từ bỏ: “Có một mối liên hệ bản thể-chức thánh và bậc sống độc thân. Bất kỳ sự suy yếu nào của mối liên hệ này đều đặt vấn đề cho giáo huấn công đồng và của các giáo hoàng, Đức Phaolô-VI, Đức Gioan-Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI. Tôi khiêm tốn xin Đức Phanxicô dứt khoát bảo vệ chúng tôi khỏi tình huống như vậy, bằng cách phủ quyết mọi suy yếu nào của luật độc thân chức thánh, dù giới hạn ở vùng này hay vùng khác.”

Hồng y Sarah là người theo dõi tất cả công việc của Thượng hội đồng về Amazon, ngài cũng là thành viên, ngài cảnh báo: “Khả năng phong chức cho các ông đã lập gia đình sẽ là một thảm họa cho mục vụ, sự nhầm lẫn về mặt giáo hội học và là một bóng tối trong việc hiểu biết chức linh mục.” Trong phần kết luận, cùng với Đức Bênêđictô XVI ngài nói thêm “chức thánh dẫn đến việc đồng nhất với Chúa Kitô. Tuy nhiên, hiệu quả của chức vụ vẫn độc lập với sự thánh thiện của sứ vụ viên, nhưng chúng ta không thể bỏ qua kết quả phi thường được tạo ra bởi sự thánh thiện của các linh mục.”

Cả hai vị không đánh giá thấp một chút nào về sự khó khăn khi sống độc thân. Các ngài nêu ra các khó khăn này ở nhiều nơi và thậm chí còn đưa ra các lời khuyên cụ thể cho các linh mục. Nhưng dưới mắt họ, đây không phải là lý do để từ bỏ luật này. Tuy nhiên, vì đây không phải là giáo điều, như lập luận của những người chống luật độc thân, với bằng chứng trong tay, các ngày tháng của các công đồng, Giáo hội công giáo đã để mười lăm thế kỷ để áp dụng biện pháp này với các linh mục. Và theo họ thì đã đến lúc cho phép kết hôn lại, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng liên quan đến các vụ lạm dụng tình dục. 

Lập luận vững chắc

Câu trả lời cho sự phản đối chính này là cốt lõi của quyển sách. Và Đức Bênêđictô XVI đã đưa ra một lập luận thần học xứng đáng bậc thầy. Ngài dựa trên gốc rễ do thái của đạo kitô giáo, các linh mục là những người “đặc biệt riêng”, không chấp nhận luận đề của Luther, và chứng minh rằng chức tư tế và độc thân được hợp nhất từ “giao ước mới” của Thiên Chúa với nhân loại, qua Chúa Giêsu, mà sự hiến dâng trọn vẹn là khuôn mẫu của linh mục.

Ngài viết, sự “khiết tịnh bản thể” này không phải là việc “coi thường thể xác và tình dục”. Nhưng là sự lựa chọn có chủ ý, ngài nhấn mạnh và giải thích, dù “trong Giáo hội xưa cổ” từ thiên niên kỷ thứ nhất, “người đàn ông có vợ chỉ có thể nhận chức thánh nếu họ cam kết tôn trọng sự khiết tịnh tình dục” với vợ mình, theo gương mẫu của Thánh Giuse.

Còn về hồng y Sarah, ngài nhiệt tình bảo vệ bậc sống độc thân của linh mục, đặc biệt ngài xúc động vì “rất nhiều linh mục đã mất định hướng, bị rối loạn, đau lòng trong đời sống thiêng liêng của họ vì giáo điều của Giáo hội bị đặt lại vấn đề một cách hung bạo”.

Vì thế ngài đề nghị có một “suy tư lắng dịu và cầu nguyện về thực tế thiêng liêng của bí tích chịu chức”, được dựa trên ba mươi lập luận về mặt thần học, lịch sử, mục vụ và trải nghiệm. Điểm mạnh của quyển sách, nơi tất cả thẩm quyền và kinh nghiệm của ngài trong cương vị “người con của Phi châu”, sinh ra từ đất nước của thuyết vật linh, xác quyết rằng chỉ có sự “tận căn của Tin Mừng” mới thu hút: “Trong Giáo hội, các cuộc khủng hoảng luôn được vượt lên nhờ quay về với nền tảng Tin Mừng chứ không phải bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn của thế gian.” Bằng chứng là sự “nở hoa của các Giáo hội Phi châu”. Ngài chất vấn: “Làm thế nào người dân vùng Amazon lại có linh mục hạng hai?” Ngài van xin: “Chúng ta đừng làm mất đi sự phong phú của chức thánh. Chúng ta đừng làm mất đi ý nghĩa đích thực của bí tích Thánh Thể”.

Làm thế nào các quan điểm này sẽ được Đức Phanxicô chấp nhận? Ngài có chấp nhận mở một cuộc thảo luận thật sự không? Nếu ngài từ chối thì sẽ có nguy cơ của một cuộc khủng hoảng dữ dội? Hoặc đánh tan bằng những lời khen ngợi thân tình? Đức Phanxicô chưa bao giờ trả lời công khai cho các hồng y nghi ngờ về các kết luận của thượng hội đồng gia đình về vấn đề những người ly dị tái hôn… Như thế ngài có đóng cánh cửa với Giáo hoàng danh dự không?

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch