Ban an ninh nhức đầu vì giáo hoàng thích gần giáo dân 

319

Ban an ninh nhức đầu vì giáo hoàng thích gần giáo dân

Kiểm soát an ninh tại Quảng trường Thánh Phêrô

la-croix.com, Catherine Marciano, Afp, Vatican, 2020-01-03

Ngày 31 tháng 12, một nắm tay kéo mạnh xém làm ngài bị té ở Quảng trường Thánh Phêrô: ban an ninh của Đức Phanxicô nhức đầu vì ngài thích gần giáo dân.

Ít dè dặt hơn Đức Bênêđictô XVI tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô bắt tay, ôm choàng giáo dân và không ngần ngại uống tách trà giáo dân mời.

Từ ngày mở đầu triều giáo hoàng của mình ngày 19 tháng 3-2013, cựu Tổng Giám mục Buenos Aires, người quen đi tàu điện ngầm một mình để thăm giáo dân, đã mở đầu một chuỗi thách thức cho các nhân viên bảo vệ an ninh.

Đối với người chủ trương Giáo hội là “bệnh xá làng quê” thì không có chuyện ngài ở đàng sau chuỗi dây an toàn. Linh mục Federico Lombardi, cựu phát ngôn viên của ngài trước đây đã giải thích: “Quý vị phải tôn trọng phong cách cá nhân của mỗi giáo hoàng. Các nhân viên có trách nhiệm an ninh hiểu điều này và họ không phải là người quyết định.”

Ngày 31 tháng 12-2019, một phụ nữ kéo mạnh tay Đức Phanxicô ở Quảng trường Thánh Phêrô.

Sau gần bảy năm tại chức, Đức Phanxicô hiểu mặt trái của tấm huân chương. Ngày thứ tư 1 tháng 1-2020, ngài đã phải công khai xin lỗi vì “thiếu kiên nhẫn”. Ngài tỏ ra rất bực mình và để rút tay ra, ngài đã đập nhẹ nhiều lần vào tay người phụ nữ có khuôn mặt Á châu.

Ngày hôm sau ngài đã thú nhận: “Biết bao nhiêu lần chúng ta mất kiên nhẫn. Và điều này đã xảy ra với tôi.”

Tháng 2 năm 2016 trong một thánh lễ ở sân vận động Mêhicô, trong bầu khí hào hứng, ngài đã bực mình vì một giáo dân quá nhiệt thành xô lấn, xém làm ngài té trên một em bé ngồi xe lăn.

Tại Quảng trường Thánh Phêrô, cảnh sát Ý được hiến binh Vatican và các cận vệ Thụy Sĩ hỗ trợ, họ thường mặc đồ dân sự. Nhưng tất cả phải tuân theo mong muốn của giáo hoàng là được tự do di chuyển.

Có thể hơi quá một chút theo “chỉ huy trưởng Alfa”, mật mã của người sáng lập Gis, nhóm đặc nhiệm hiến binh Ý mà tên thật được giữ kín. Ông nói với hãng tin Ý Agi: “Chính ra ban an ninh của giáo hoàng phải xin lỗi”, ông tự thú nhận đã buông thả vì “đã quá quen thuộc” hoặc “thiếu chú ý.”

Một đơn vị vệ sĩ của hiến binh Vatican liên tục đi theo giáo hoàng kể cả khi ngài ra nước ngoài. Họ là những người chúng ta thấy luôn chạy bên cạnh xe giáo hoàng. Được đào tạo cực kỳ thành thạo, đôi khi họ phải thích ứng với những chuyện bất ngờ.

Như vào tháng 1 năm 2018, khi đi ngang qua thành phố Iquique ở miền bắc Chi-Lê, ngài đã ngừng xe lại để cấp cứu một nữ cảnh sát vừa bị té ngựa.

Đáng lo hơn, vị lãnh đạo của hơn một tỷ người công giáo là mục tiêu của các video tuyên truyền của nhóm hồi giáo cực đoan.

Năm 2017, ông Christoph Graf, chỉ huy trưởng Đội Cận vệ Thụy Sĩ đã tuyên bố: “Có thể là vấn đề thời gian trước khi có một cuộc tấn công ở Rôma, nhưng chúng tôi đã chuẩn bị.”

Vượt ra ngoài các bộ đồng phục huy hoàng, bây giờ các quân nhân này được huấn luyện rất nghiêm nhặt.

Rất nhiều sự cố nghiêm trọng đã xảy ra cho các giáo hoàng cận đại.

Vụ nghiêm trọng nhất là vụ ám sát Đức Gioan-Phaolô II năm 1981, khi ông Mehmet Ali Agca, người Thổ Nhĩ Kỳ len lỏi vào đám đông bắn vào ngài làm ngài bị thương nặng.

Năm 2007, một người Đức đã nhảy vào xe giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI ở Quảng trường Thánh Phêrô và vào lễ Giáng Sinh năm 2009, một phụ nữ đã làm ngài té ở vương cung thánh đường.

Từ vụ tấn công năm 1981, “xe giáo hoàng được bọc thép và giáo dân muốn dự các sự kiện tổ chức ở Quảng trường Thánh Phêrô hay Đền thờ thánh Phêrô đã phải qua máy dò kim loại.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch 

Xin đọc thêm: Nếu giáo hoàng mất kiên nhẫn, ngài xin lỗi

Video. Ngày thứ ba, 31-12-2019, khi Đức Phanxicô ra Quảng trường Thánh Phêrô chào giáo dân, ngài bị một nữ giáo dân kéo giựt tay lại.

Kiểm soát an ninh tại Quảng trường Thánh Phêrô