Thiên Chúa, người đứng ngoài lề xã hội

382

Thiên Chúa, người đứng ngoài lề xã hội

 

Trích sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin, Linh mục  Alberto Maggi (Comment lire l’ Évangile sans perdre la foi. Nhà xuất bản Fides, Pháp).

Có một bà kia bị băng huyết đã muời hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang. Lại còn thêm nặng là đàng khác. Được nghe đồn về Đức Giêsu, bà lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người, và sờ vào áo của Người. Vi bà tự nhủ: «Tôi mà được sờ vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.» Tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: «Ai đã sờ vào áo tôi?» Các môn đệ thưa: «Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?» Đức Giêsu ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó. Bà này sợ phát run lên, vì biết cái gì đã xảy đến cho mình. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. người nói với bà ta: «Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và con đã khỏi hẳn bệnh.» (Mc 5:25-34)

“Băng huyết”: dưới đầu đề không được lịch sự cho lắm này, các thánh sử đã mô tả người đàn bà vô danh “bị băng huyết đã mười hai năm,” nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu (Mc 5:25-34). Thánh sử đưa vào câu chuyện một yếu tố rất quan trọng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đoạn này: con số mười hai, con số tượng trưng cho dân tộc Ítraen, mà ban đầu, họ có mười hai bộ tộc (St 49:1-28). Dấu chỉ  người đàn bà này bị đau từ “mười hai năm” là một cách văn hoa mà thánh sử muốn ám chỉ  nhân vật này đại diện cho Ítraen, và ý nghĩa câu chuyện không chỉ giới hạn vào nhân vật nữ ở đoạn này, mà trải rộng ra cho toàn dân Do thái. Ngày xưa, người ta có khuynh hướng đặt tên cho tất cả mọi vật, tất cả mọi chuyện và họ đã đặt tên cho người đàn bà vô danh này là Vêrônica, trước khi làm cho bà thành nữ nhân vật chính trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu trên đường lên núi sọ (Phúc âm của Nicôđêmô, 7)

Trong thế giới đông phương, khi có một người đau ốm, nếu gia đình chỉ gọi một bác sĩ đến thì xem đó như dấu hiệu gia đình không thương yêu nhiều, người ta mời càng nhiều bác sĩ đến càng tốt, kết quả là có nhiều đơn thuốc trái ngược nhau với nhiều biên lai tính tiền khác nhau. Có thể đó là lý do mà những người hồi đó không ca tụng các bác sĩ cho mấy, họ xem đó là hiệp hội các người bất lương. Nếu Thánh Kinh nhấn mạnh đến khía cạnh không mấy đạo đức của họ (“Bệnh kinh niên nhại cả thầy lang, Hc 10:10), thì một cách rõ nét hơn, sách Talmud hoàn toàn lên án nghề này: “Người tốt nhất trong các bác sĩ xứng đáng vô vực lửa.” (Qid 4:14) Sống sót, sau khi bị các bác sĩ lột sạch, từ nay bà ở trong một tình trạng tuyệt vọng. Thánh sử mô tả bà là người bị băng huyết hay bị dòng máu trào ra ngoài kỳ kinh nguyệt bình thường.

Trong văn hóa Do thái, máu tượng trưng cho cả đời sống của một con người (“Vì sinh khí của mọi thân xác là máu của nó” (Lv 17:14), mất máu có nghĩa là mất sự sống: từ từ, người đàn bà này sẽ chết. Không chỉ như thế. Một người đàn bà mắc bệnh này bị xem như không trong sạch, bị so sánh như người phong cùi (Zav 5;1-6): bà không được đến gần ai và cũng không ai được đến gần; nếu bà có chồng, bà không được gần chồng, nếu bà còn độc thân, bà không được lấy chồng. Vì tình trạng này, tôn giáo lên án bà tuyệt sản; máu chảy không ngừng cũng báo trước cái chết. Người đàn bà không có một hy vọng nào và không có phương tiện nào lành bệnh, chỉ biết chờ chết. 

Thiên Chúa, bác sĩ phụ khoa

Uy quyền duy nhất có thể cứu bà là Thiên Chúa. Nhưng bà, “không trong sạch”, không thể nghĩ đến việc quay về với “Thánh, thánh, thánh” (Is 6:3) đấng quyết định một cách dứt khoát ai đụng đến giới tính phải bị xếp vào loại không “trong sạch”. Không tin tưởng vào con người, chính Chúa làm một danh sách, với đầy đủ chi tiết, như cẩm nang y khoa, tất cả đàn ông cũng như đàn bà bị cho là “không trong sạch”, một điều kiện làm họ không tiếp cận được với Thiên Chúa (Lv 5:2-3; 22:3). Ngay cả khi sinh ra được đứa con trai, bà mẹ cũng bị cho là “không trong sạch trong vòng bảy ngày” và bà phải “thanh tẩy máu của mình trong vòng ba mươi ba ngày” (các con số này sẽ nhân lên gấp đôi nếu người đàn bà sinh đứa con gái, Lv 12:1-5). Còn đàn ông, không những họ bị xem không trong sạch khi bị bệnh lậu, một bệnh phổ biến thời bấy giờ, mà lúc “xuất tinh” cũng làm cho họ “mắc uế cho đến chiều” và “khi người đàn bà và đàn ông giao hợp có xuất tinh, thì cả hai phải tắm trong nước và mắc uế cho đến chiều.” (Lv 15:18).

Tình trạng người đàn bà còn phức tạp hơn: “Khi người đàn bà xuất huyết, bà mắc uế trong vòng bảy ngày.” (Lv 15:19) Thời gian này, người đàn bà như người mắc bệnh dịch hạch. Các người đàn bà trong tình trạng này bị cấm không được vào đền thánh và không được tham dự vào việc thờ phượng. Trong danh sách những người không được tham dự vào lễ Phục Sinh Flavius Josèphe xếp họ vào hạng “người phong cùi và những người bị bệnh lậu” (Sách cỗ do thái 3:261). Không những “ai đụng đến bà sẽ mắc uế cho đến chiều”, mà bà sẽ làm uế “tất cả vật gì bà dùng để nằm ngủ và tất cả bàn ghế mà bà đã ngồi” và tất cả những ai đụng đến bà (Lv 15:19-24). Trong trường hợp có giao hợp, người đàn ông cũng bị nhiễm và ông sẽ bị “uế trong vòng bảy ngày và tất cả giường ông nằm ngủ cũng sẽ bị uế” (Lv 15:24). Các chuyện này càng trầm trọng hơn khi người đàn bà không điều hòa kinh nguyệt, làm cho người đàn bà mắc uế trong suốt thời gian máu chảy. Ngày thứ tám, bà sẽ đem “hai con chim cu hay hai con bồ câu non cho vị thượng tế ở cánh cửa Trướng Tao Phùng.” (Lv 15:28-29)

Danh sách vừa nặng nề vừa nhục nhã đã được chính Chúa đặt ra, được truyền thống Do thái nhắc lại và phóng đại thêm làm cho phương châm này lại càng thêm thê thảm-khôi hài. Trong phần cuối của sách Talmud, người ta ghi lại tất cả những gì làm ô uế, có một đoạn dành hoàn toàn cho việc ô uế do kinh nguyệt của đàn bà. Như thế cũng còn chưa đủ, chủ đề kinh nguyệt còn trải dài cả sách Talmud, trong những toa thuốc lẫn lộn các hiểu biết về phụ khoa sơ khai cũng như các chuyện cấm kỵ không được đụng đến, các chuyện dị đoan, các chuyện khủng bố tôn giáo. Ở đó, người ta dạy “một người đàn bà kinh nguyệt không điều hòa không có quyền giao hợp, không có quyền nhận của hồi môn, cũng không được bồi hoàn của cải, và người chồng phải bỏ vợ và không bao giờ được lấy lại bà ta.” (Tb.12b); coi thường không tuân giữ các phương châm về kinh nguyệt tạo ra cái chết của người đàn bà (Tb. 31b). Người ta còn chính xác ghi cả kích thước giọt máu chảy ra đủ để phải nhờ đến nghi thức thanh tẩy (“to bằng hạt mù tạt,” (Tb. 31a.) và người ta báo cho hay rằng việc gặp gỡ một người đàn bà đang có kinh nguyệt rất nguy hiểm, bởi vì “khi một người đàn bà đang có kinh nguyệt trao đổi giữa hai người đàn ông, nếu vào đầu kỳ kinh nguyệt, bà sẽ giết một người; nếu bà đang ở cuối kỳ kinh nguyệt, bà sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn giữa hai người.” (Pes.111a)

Thiên Chúa, người giải phóng 

Trong một thế giới mà các giáo sĩ gần như giỏi về phụ khoa hơn là thần học, Đức Giêsu đã đem việc tiếp cận với Thiên Chúa về với giá trị đích thực của nó. Chính thái độ đối với người khác cho phép hay không cho phép con người hiệp thông với Thiên Chúa, chứ không phải việc tuân giữ các phương châm do con người sáng chế ra (Mt 15:1-20).

Cuộc gặp gỡ của người đàn bà tuyệt vọng bị “băng huyết”, một người đàn bà chết mòn, với sự sống mà Đức Giêsu thông hiệp, diễn ra trong khi người đang đi về nhà ông Gia-ia, ông trưởng hội đoàn, để đến “đặt tay” lên cô bé gần chết (Mc 5;23).

Thánh sử nhấn mạnh đến việc người đàn bà đã nghe nói về Đức Giêsu, những gì bà nghe đã khơi dậy trong bà một nguồn hy vọng mới, cho bà sức mạnh để làm được hành vi như bà đã làm. Đức Giêsu nổi tiếng như một người, mà bằng lời và bằng cử chỉ cụ thể, loan báo tình yêu của Thiên Chúa cho tất cả mọi người, không phân biệt đạo đức, tôn giáo, không phân chia họ thành những hạng người tinh tuyền hay ô uế (Mc 1;10-45; 2:1-17). Nhất là, Đức Giêsu không chấp nhận một trở ngại nào được đặt ra giữa tình yêu Thiên Chúa và nhân loại.

Người đàn bà nắm lấy cơ hội được gặp gỡ Đức Giêsu, bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” Luật Chúa cấm bà không được chạm đến ai, nhưng ước muốn được sống thì mạnh hơn là điều cấm kỵ luân lý và tôn giáo. Nếu bà tuân giữ Lề Luật, bà sẽ không phạm tội, nhưng bà sẽ chết; nhưng nếu bà dám phạm tội, bà sẽ có cơ may được sống. Người đàn bà rẽ đám đông theo Đức Giêsu, và lúc đến được sau lưng người, hy vọng không ai thấy bà, bà chạm vào gấu áo người và “tức khắc, máu cầm lại, bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.” Nhận ra ngay, Đức Giêsu liền quay lại đám đông và hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?”

Giữa đám đông, các đồ đệ, những người duy nhất không nhận ra cường độ của giây phút này, và với thái độ không giữ ý, họ nói với Đức Giêsu: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: “Ai đã sờ vào tôi?” Luôn luôn hẹp hòi, họ tháp tùng Đức Giêsu nhưng họ không theo người được. Họ đứng bên cạnh nhưng họ không gần người, vì vậy họ không nhạy cảm với đời sống mà Đức Giêsu thông hiệp với tất cả những ai đến gần người. Đối với các đồ đệ, Đức Giêsu “nhìn đám đông”, nhưng ánh nhìn của Đức Giêsu thấy đang tìm chung quanh “để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó.”

Bây giờ là giây phút lôi kéo người đàn bà khốn khổ ra ngoài ánh sáng mặt trời và dự tính cho bà một hình phạt đích đáng nào đây. Hành vi của bà đã truyền cái ô uế của bà qua Đức Giêsu, và bây giờ đến lượt Đức Giêsu bị ô uế. Sách Lêvi cho biết vi phạm luật ô uế sẽ bị hình phạt của Thiên Chúa: “Các ngươi sẽ tránh cho con cái Ít-ra-en khỏi các sự nhơ uế của chúng, ngõ hầu chúng khỏi chết vì các nhơ uế của chúng mà làm cho Nhà tạm của Ta ở giữa chúng phải ra nhơ uế.” (Lv 15:31) Người đàn bà này đã vượt quá các giới hạn, và bây giờ bà chờ bị sỉ nhục trước công chúng và bị phạt. Tất cả điều đó không làm cho bà mất vui vì được khỏi bệnh và được trở lại với đời sống. Vừa “sợ phát run”, bà can đảm thú tội. Thay vì bị khiển trách, người đàn bà tưởng mình sẽ ở ngoài tình yêu Thiên Chúa vì bị bệnh, lại nhận được lời khen ngợi và thấy lời thú tội của mình là hành vi tuyên xưng đức tin: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con.” Và trong bản văn của thánh Mát-thêu, Đức Giêsu còn công khai khuyến khích bà (“Yên tâm”, Mt 9:22).

Cái gì dưới mắt tôn giáo là phạm thượng, thì đối với Đức Giêsu là cách diễn đạt đức tin. Thay vì bị phạt vì vi phạm luật, Đức Giêsu chúc bà có một tương lai an bình: “Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh.” Vực thẳm mà tôn giáo đào ra giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và ô uế của con người đã được phá bỏ bởi Đức Giêsu, khi người quay qua người đàn bà và gọi bà là “con gái của ta”, thành ngữ đầy hiệp thông mật thiết đã xóa bỏ mọi khoảng cách. Khi lành bệnh, người đàn bà bị áp bức vì bệnh  không bị bắt phải đem của lễ đến đền thờ để tạ ơn như luật ghi (Lv 15:29), nhưng “hãy về bình an”, chữ bình an, tiếng hê-brơ là “shalom”, nói lên toàn bộ các điều kiện làm cho một con người được hạnh phúc.

Ignace Trần An Huy dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Làm sao đọc Phúc Âm mà không mất đức tin

Bao nhiêu lần, vậy con?

Chúa Giêsu và Đức Thiên Chúa