Chiếc áo phao rất chính trị của Đức Phanxicô

214

Chiếc áo phao rất chính trị của Đức Phanxicô

lepoint.fr, Jérôme Cordelier, 2019-12-21

Đức Phanxicô trưng chiếc áo phao trước sự hiện diện của 33 người tị nạn đến từ Lesbos ngày thứ năm 19 tháng 12-2019.

Với chiếc áo phao móc trên thập giá, Đức Phanxicô làm cho mọi người chú ý đến số phận của những người di dân, nhưng vẫn làm cho những người bảo thủ chống.

Ở thời buổi của các thủ tục cầu kỳ phức tạp, chắc chắn phương tiện tốt nhất để chuyển một sứ điệp là sự đơn giản. Một hình ảnh mộc mạc, thích ứng thường có nhiều may mắn chạm đến lương tâm con người hơn là một bài diễn văn dài. Đó là luật truyền thông, một người ngoài tám mươi, đứng đầu một trong các thể chế lâu đời nhất thế giới, đôi khi bị cho là lỗi thời lại vừa nhắc điều này cho các chuyên gia sắc bén nhất trong lĩnh vực này. Đây đúng là một cú chính trị, Đức Phanxicô treo chiếc áo phao trên thập giá ngay Vatican, ở một sân bên trong Dinh Tông Tòa!

Chiếc áo phao trưng lần đầu tiên trước sự hiện diện của 33 người tị nạn đến từ đảo Lesbos, Hy lạp có lịch sử của nó. Đức Bergoglio cho biết: “Chiếc áo phao này của một người di dân chết trên biển Địa Trung Hải tháng 7 vừa qua. Không ai biết người đó là ai và đến từ đâu, chỉ biết biết là chiếc áo phao được tìm thấy ngoài khơi biển Địa Trung Hải ngày 3 tháng 7 năm 2019, với các chi tiết chính xác của nơi tìm thấy. Chúng ta đứng trước một cái chết do bất công.”

“Giữ cho đôi mắt mở ra và tâm hồn mở ra”

Trong khi các Quốc gia Âu châu đóng cửa biên giới, đầu tiên hết là nước Ý, Đức Phanxicô như chúng ta biết đã đưa việc bảo vệ người di dân là trục chính trong triều giáo hoàng của mình, ngài muốn “nhắc chúng ta phải mở mắt, mở lòng để dấn thân cứu từng mạng người, một bổn phận đạo đức của người tin cũng như không tin.” Chính Đức Phanxicô cũng là con của người di dân, trong bài diễn văn đọc trước Nghị viện Âu châu Strasbourg năm 2014, ngài đã nói lời tiên tri, đừng để biển Địa Trung Hải thành “nấm mồ vĩ đại” và thêm một lần nữa, ngài kêu gọi đừng “toàn cầu hóa sự dửng dưng”.

Đức Phanxicô phẫn nộ, làm thế nào mà tiếng kêu tuyệt vọng của bao nhiêu anh chị em chúng ta thà đối diện với bão tố trên biển còn hơn là chết dần chết mòn trong các trại tập trung ở Libya, nơi họ bị tra tấn, bị làm nô lệ bỉ ổi? Làm thế nào chúng ta có thể thờ ơ trước các lạm dụng và bạo lực mà các nạn nhân vô tội phải chịu, và để họ trong bàn tay không thương tiếc của những người buôn người vô đạo đức? Làm sao chúng ta có thể “đi qua” như thầy tư tế, thầy Lê-vi trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu (xem. Lc 10,31-32), để chúng ta không chịu trách nhiệm về cái chết của họ? Sự lười biếng của chúng ta cũng là một tội!”

“Thập giá, biểu tượng của đau khổ và hy sinh”

Cử chỉ này sẽ làm lay chuyển thế giới công giáo bị chia rẽ về chính sách di dân và các bài giảng của giáo hoàng về chủ đề này. Những người bảo thủ nhất đã phản ứng trên mạng về lời tuyên bố của Đức Phanxicô, họ kêu gọi “ngưng việc nhập cư ồ ạt”. Tình tiết còn nghiêm trọng hơn, theo ký ức thì đây là lần đầu tiên một giáo hoàng dùng thập giá như “bệ đỡ” trực tiếp cho một ý kiến đã gây tranh cãi trong nội bộ của mình, một số người sẽ nổi giận. Đức Phanxicô biện minh như sau: “Chiếc áo phao mặc cho thập giá bằng nhựa là để nói lên kinh nghiệm thiêng liêng mà tôi nắm bắt được trong các lời nói của nhân viên cứu hộ. Nơi Chúa Giêsu Kitô, thập giá là nguồn cứu rỗi, ‘điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa’ (1Co 1,18). Trong truyền thống kitô giáo, thập giá là biểu tượng của đau khổ và hy sinh, cứu chuộc và cứu rỗi.”

Bài phát biểu của giáo hoàng vừa có tích cách phúc âm vừa có tính cách chính trị. Ngài xin: “Phải nghiêm túc dấn thân để giải tỏa các trại tập trung ở Libya, bằng cách lượng định và làm tất cả các giải pháp có thể. Phải tố cáo và truy tố những kẻ buôn người, khai thác và ngược đãi người di cư, mà không sợ tiết lộ các thông đồng và đồng lõa với các thể chế. Phải để lợi ích kinh tế qua một bên, để con người được ở trọng tâm, tất cả mọi con người mà cuộc sống và nhân phẩm của họ quý giá trong mắt Chúa. Phải cứu giúp vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm với người anh em và Chúa sẽ phán xét chúng ta về điều này vào ngày phán xét. Xin cám ơn.”

Đức Phanxicô cũng nói lên chứng từ của những người cứu hộ, mà “trong mỗi sứ mạng của họ, họ đã thấy được ở trong một gia đình nhân loại duy nhất, hợp nhất trong tình huynh đệ là điều tốt đẹp”. Chiếc áo phao treo trên thập giá này là hình ảnh khiêu khích đối với một số người, những người quên Thập giá luôn là biểu tượng của chướng tai gai mắt, nhưng đó cũng lại là sức mạnh của thập giá. Còn đối với những người khác, Thập giá là biểu tượng đẹp nhất cho sứ điệp Giáng Sinh, Đấng sẽ có tác động lớn nhất cho thế giới hối hả đương đại của chúng ta, qua việc di cư, một vấn đề lớn, trọng tâm và tập thể. Chiếc áo phao “bị đóng đinh” này, vật thể biểu tượng của thời đại chúng ta là nét nói lên sự tài tình của Đức Phanxicô.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Phanxicô trưng bày “chiếc áo phao bị đóng đinh”

Hình ảnh buổi Đức Phanxicô gặp các người di cư ở Dinh Tông Tòa ngày thứ năm 19 tháng 12-2019.