Linh mục Dòng Tên Kakichi Kadowaki: Thiền và Kinh Thánh

450

Linh mục Dòng Tên Kakichi Kadowaki: Thiền và Kinh Thánh

 

Nhân dịp Đức Phanxicô có chuyến tông du đến nước Nhật vào ngày 23 tháng 11, chúng tôi xin trích dịch lời giới thiệu sách Thiền và Kinh Thánh (Le Zen et la Bible, Kakichi Kadowaki, nxb. Albin Michel, 1983) của linh mục Dòng Tên Kakichi Kadowaki để hiểu tiến trình tìm hiểu Thiền và Kinh Thánh của ngài.

Linh mục Kakichi Kadowaki (1926-2017) biết đạo công giáo khá trễ trong cuộc đời. Khi suy nghĩ các Bài tập Linh thao, ngài phát hiện có mối liên hệ họ hàng giữa đời sống tu sĩ kitô giáo với đời sống các thiền sư. Và trong ánh sáng này, một cách dọc Kinh Thánh mới đã mở ra cho ngài với xúc cảm, cơ thể và nội tạng. Cuối cùng qua kinh nghiệm riêng của mình, ngài đưa ra sự hợp lưu của việc ngồi thiền và tĩnh tâm theo tinh thần I-Nhã.

Linh mục Kakichi Kadowaki là tu sĩ Dòng Tên, giáo sư triết học ở Đại học  Sophia, Tokyo, ngài cố gắng vượt lên các khác biệt rõ ràng giữa hai linh đạo lớn để giúp chúng ta gần gũi hơn với cuộc hành trình thiêng liêng.

“Tôi đang ở Đức vài năm để nghiên cứu về nhà thần nghiệm Đức thời Trung cổ, Thầy Eckhart. Khi ở đó tôi được giáo sư thần học Joseph Ratzinger, (sau này là hồng y, rồi giáo hoàng) mời thuyết trình về “Thiền và Kitô giáo” trước một nhóm sinh viên tiến sĩ của ngài. Trong phần trình bày của tôi, tôi giới thiệu Thiền ngược với suy nghĩ của Thánh Tôma Aquinô và dù tiếng Đức của tôi không giỏi, giáo sư và sinh viên cũng ngồi chăm chú nghe. Khóa học mà tôi tham dự được tổ chức hàng năm vào cuối các học kỳ. Tất cả chúng tôi ở lại đêm ở khách sạn và chúng tôi thảo luận với nhau hàng giờ. Vào cuối buổi, giáo sư Ratzinger nói với tôi: “Sẽ rất thú vị nếu cha so sánh các quan điểm của Thiền với các quan điểm của Kinh Thánh. Nếu cha có thể làm, thì đây là một sự kiện, không những cho đối thoại giữa Thiền và kitô giáo mà còn liên hệ đến việc trao đổi ý thức hệ giữa Đông và Tây.” Nhận xét này đã đánh động đến tôi sâu đậm, vì lúc đó tôi chưa có một khái niệm nhỏ nào về các điểm có thể giống nhau giữa Sách Thánh và tư tưởng Zen. Sau đó, chuyện này hoàn toàn đi ra khỏi đầu tôi và cả một thời gian dài, tôi không suy nghĩ đến.

Các Công án của Thiền là Vô Môn (các câu hỏi-trả lời), một hình thức đối thoại đặc biệt trong Thiền Lâm Tế (Zen Rinzai). Chúng có một chỗ trong truyền thống Phật giáo Đại thừa và chúng ta có thể xem đó là quá trình khéo léo của Thiền thừa hưởng minh triết đặc biệt của người Trung quốc. Sách Thánh của kitô giáo là Tân Ước được viết cách đây 2000 năm là thông điệp cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô mang đến cho người do thái.

Các phương pháp đào tạo, nền tảng tư tưởng Phật giáo và Kitô giáo thì khác nhau. Phật giáo cho rằng mọi tạo vật đều có Phật tính. Kitô giáo khẳng định đức tin được Chúa Kitô mạc khải, sự tồn tại của Chúa Ba Ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất và dạy, trời và đất đều được Thiên Chúa duy nhất này tạo dựng. Một bên nhìn Lịch sử theo vòng luân chuyển, một bên nhìn theo đường thẳng của Lịch sử cứu độ. Hai bên hoàn toàn khác nhau trên nhiều điểm. Trên thực tế, các Công án của Zen và Sách Thánh của kitô giáo hoàn toàn khác nhau, dường như không có khả thể nào để tìm các điểm giống nhau trên cơ sở. Đó là suy nghĩ và ý tưởng của tôi đã không thay đổi sau nhiều năm thực hành Zen.

Tuy nhiên khi từ Đức trở về, tôi bắt đầu chú tâm vào việc thực hành Thiền mà trước đây tôi chỉ mới chạm vào. Khi kinh nghiệm về Thiền của tôi lớn dần, tôi nhận ra một sự thật kỳ lạ: tôi phát hiện ra, dù bên ngoài mang những nét rất khác nhau, nhưng cả Công án và Sách Thánh có một sự tương đồng đáng ngạc nhiên.

Mới đầu trải nghiệm này đi một con đường kín đáo thậm chí chính tôi cũng không nhận ra một cách rõ ràng. Khi tôi bắt đầu ngồi thiền (zazen, suy nghĩ ở tư thế ngồi) tôi nhận ra ngay từ đầu, tôi có thể đọc Sách Thánh lặng lẽ hơn, hiểu được chiều sâu của nó dễ dàng hơn. Mới đầu tôi không hiểu vì sao ngồi thiền lại giúp tôi hiểu ý nghĩa Sách Thánh dễ dàng hơn. Tuy nhiên với kinh nghiệm lặp đi lặp lại, tôi bắt đầu suy nghĩ và cuối cùng tìm được một câu trả lời có tính cách tâm lý: khi ngồi thiền, tâm trí tỉnh lặng, ý nghĩa thiêng liêng của Sách Thánh có cơ hội thấm nhập sâu thẳm hơn trong tâm hồn. Chắc chắn ngồi thiền có tác dụng này trong việc đọc Sách Thánh mà lý do thật sự vẫn còn ẩn giấu đối với tôi. Lúc đó tôi chưa hình dung được có một sự tương đồng nội tại giữa các Công án và Kinh Thánh. Sau này khi tôi tham dự các khóa tu thiền, tôi ngạc nhiên khám phá tôi thích Sách Thánh hơn và nhận ra ý nghĩa các đoạn mà trước đây tôi hoàn toàn không hiểu được; như thể các vảy từ đôi mắt rơi xuống. Kinh nghiệm này được lặp lại nhiều lần, tôi bắt đầu thấy các Công án và Thánh Kinh có một cái gì đó chung.

Trong quyển sách này, trước hết tôi mô tả tôi đã gặp thiền như thế nào. Kể từ khi bắt đầu thực hành, tôi thực sự đã học được từ Thiền: sự thanh lọc cơ thể và tâm hồn hoàn toàn, một con đường chiêm nghiệm sâu đậm, một sự hợp nhất của cầu nguyện và đời sống hàng ngày và còn nhiều chuyện khác nữa. Trong số này tôi đã chọn bốn chuyện giống nhau giữa các Công án và Kinh Thánh, các đặc nét mà Thiền và đời sống tu trì kitô giáo có điểm chung. Và đó là nội dung của phần đầu tiên: những gì Thiền dạy chúng ta. Tôi thêm nhiều Công án và các đoạn Thánh Kinh và thảo luận về các đặc điểm chung của chúng.

Và “cơ thể như độc giả của Công án và Thánh Kinh” là chủ đề chính của tác phẩm (trong thực tế, chủ đề đã được nói lên trong phụ đề). Và phần thứ nhì: “Các Công án và Thánh Kinh” cũng là trọng tâm của quyển sách. Tuy nhiên các Công án và Sách Thánh không những chỉ được nghiên cứu trong phần này; dù chủ đề hoặc quan điểm có thể thay đổi, nhưng chúng là những ghi chú nổi bật đi suốt quyển sách. Hơn nữa, như tôi đã trình bày chi tiết trong phần thứ nhì, sự việc đọc các Công án và Sách Thánh cùng với toàn cơ thể, chứ không phải chỉ với cái đầu là điểm quan trọng được đề cập đến trong quyển sách này. Vì lý do này, tôi đã điều chỉnh một thuật ngữ mà vị thánh Phát giáo Nichiren đã dùng: “Cơ thể là người đọc (shikidoku) trong tiếng Nhật hiện đại: ngôn ngữ đức tin (shindoku”).

Tôi đã nhận giáo huấn kitô giáo khi học giáo lý. Nhưng chỉ một mình giáo lý không mà thôi, dù nó cần thiết để đi vào đức tin, nhưng nó khôngcó khả năng làm cho tôi hiểu sâu đậm. Chính qua các Bài tập Linh thao của Thánh I-Nhã mà tôi có được kiến thức sâu sắc và cốt lõi nhất về kitô giáo và tôi học cách thực hành nó với cơ thể của mình. Sau này khi tôi bắt đầu thực hành Thiền, tôi khám phá các Bài tập Linh thao và tiếp tâm (sesshin) của Thiền rất giống nhau. Và tôi nghĩ rất nhiều giảng dạy tôi nhận được từ Thiền đã giúp tôi đổi mới cách thực hành các Bài tập Linh thao. Phần thứ ba của quyển sách “Các Bài tập Linh thao và tiếp tâm Thiền” xuất phát từ kinh nghiệm cá nhân này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Thiền và Kinh Thánh (Le Zen et la Bible, Kakichi Kadowaki, nxb. Albin Michel, 1983)