Phương thức giao tiếp trong một xã hội phân cực

304

Phương thức giao tiếp trong một xã hội phân cực 

laciviltacattolica.com, Linh mục Dòng Tên Diego Fares, 2019-03-11

Làm thế nào chúng ta có thể thông đạt cho nhau trong một xã hội phân cực? Làm sao chúng ta có thể quảng bá sự hợp nhất, việc gặp gỡ và tinh thần hòa giải khi vẫn tin tưởng vào sự khác biệt? Đâu là cách hành sử, thái trạng cần có để trở thành những nhà giao tiếp thành thạo trong một môi trường mà sự phân cực luôn tìm cách hằn dấu trong mọi tranh luận – dẫu công khai hay riêng lẽ?

Sự phân cực luôn có đó tự thuở có con người, tuy vậy ngày nay nó có khuynh hướng gia tăng một cách lũy tiến khi trực diện với những thay đổi và những điều không chắc chắn trên phạm vi rộng lớn. Tại Mỹ, nơi gần nửa số cử tri, cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, hiện xem những đối thủ chíùnh trị của họ như là một hiểm họa cho phúc lợi của đất nước, sự phân cực đang lan tỏa này làm rộ lên những nghiên cứu và dự án nhằm vượt thắng nó.

Nhà tâm lý xã hội Jonathan Haidt là người tiên phong trong nỗ lực này. Trong tác phẩm mang tựa đề Chánh niệm (The Righteous Mind), ông nhấn mạnh tầm quan trọng của những “trực giác luân lý” và việc người ta sục tìm các luận cứ hầu biện minh cho các trực giác này. Những nhóm tự do và bảo thủ cần học điều mà trực giác luân lý tác động trên họ nếu họ dự tính vượt qua hố sâu chia cách.

Tổ chức dân sự Better Angels cố gắng để “giải cực nước Mỹ” bằng cách tăng cường các dự án thực tiễn nhằm xích lại gần nhau, những người ủng hộ của cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa. Ông David Blankenhorn, người sáng lập tổ chức này, tự xem mình như người bị thương tích trong những cuộc chiến văn hóa trong lòng đất Mỹ, đã đề ra bảy thái độ để giải cực sự xung nghịch bắt nguồn từ bảy nhân đức cổ điển của Kitô giáo.

Theo ông Blankenhorn, ba nhân đức cao nhất là:

  1. “Phê bình từ trong,” có nghĩa là phê bình người khác phải được khởi nguồn từ một giá trị chung (cần ghi nhận rằng trực giác luân lý thường mang tính phổ quát); 2. “Thừa nhận một gia sản bấp bênh,” có nghĩa là nhận thức rằng trong lúc một số xung đột xem thiện nghịch với ác, đa phần những đối nghịch này lại xảy ra trong lòng những điều thiện, vì thế không cần quá chú tâm vào việc tách rời thiện khỏi ác cho bằng nhận thức và lượng định sự thiện trong tương tranh giữa chúng với nhau; 3. “Tính toán lớn hơn hai,” nghĩa là vượt qua được khuynh hướng phân chia theo các cặp đối kháng thường dẫn tới những tương phản giả tạo.

Chúng ta cũng có thể tìm thấy các nổ lực để vượt qua những chia rẽ sâu sắc ngay trong lòng Giáo hội công giáo Mỹ giữa những nhóm “bảo thủ” và “cấp tiến.” Chẳng hạn vào tháng sáu năm 2018 Đại học Georgetown bảo trợ một buổi họp với sự tham dự của 80 đại biểu công giáo có thẩm quyền nhằm mục đích vượt qua sự phân cực dựa trên học thuyết xã hội của Giáo hội và giáo huấn của Giáo hoàng Phanxicô. Một trong các diễn giả, hồng y Blase Cupich, tổng giám mục Chicago, giải trình sự khác biệt giữa “phe nhóm” và “phân cực.” Theo Hồng y, phe nhóm gồm chứa chia rẽ và bất đồng, tuy nhiên nó cho phép làm việc với nhau hầu đạt tới mục đích chung. Ngược lại, trong phân cực sự tách biệt và không tin tưởng lẫn nhau ngăn trở sự hợp tác. Hồng y Cupich nhắc lại rằng đối với Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị, phân cực là một tội, “vì nó làm dấy lên những chướng ngại dường như bất khả vượt qua trong việc hoàn tất chương trình của Thiên Chúa cho nhân loại.” 

Lập trường của Đức Phanxicô về phân cực

Giáo hoàng Phanxicô nhận định rằng “chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phân cực và xu hướng loại trừ đang bùng phát và được coi như là cách thế duy nhất để giải quyết những xung đột.”

Trong thông điệp cho Ngày Truyền thông Thế giới gần đây nhất, ngài nói, “Trên mạng xã hội, sự đồng nhất thường được đặt nền trên sự đối nghịch với kẻ khác, kẻ không cùng một nhóm với mình: chúng ta tự định vị mình với những gì phân cách hơn là với những gì gắn kết – điều này làm dấy lên lòng nghi kỵ và bùng ra mọi loại định kiến (chủng tộc, giới tính, tôn giáo và các loại định kiến khác).” Đức Phanxicô cho rằng việc thuộc về nhau là động lực sâu xa nhất của trách vụ bảo vệ chân lý, một chân lý được mặc khải thực sự trong việc chịu lễ. Ngài diễn tả Giáo hội như là “mạng lưới được đan dệt với nhau bởi sự hiệp thông trong bí tích Thánh Thể nơi mà sự hiệp nhất được đặt nền không phải trên những cái “thích” nhưng là trên chân lý, là tiếng “Amen”, bằng vào đó mỗi một người kết hợp với Nhiệm Thể Đấng Cứu Thế, và hân hoan đón tha nhân.”

Một trong những diễn từ quan trọng nhất của Giáo hoàng Phanxicô về đề tài này là bài nói chuyện của ngài trước lưỡng viện Hoa Kỳ: “Nhưng có một cám dỗ khác mà chúng ta phải đặc biệt cảnh tỉnh: đó là chủ nghĩa giản lược chỉ nhìn thấy sự thiện hoặc sự ác; hay nếu muốn quý vị có thể biễu đạt cách khác: kẻ công chính và người tội lỗi. Thế giới hiện tại, với những vết thương chưa liền miệng đang ảnh hưởng tới quá nhiều người trong số anh chị em chúng ta, đòi hỏi chúng ta đối đầu với mọi hình thức của sự phân cực đã phân rẽ nó thành hai phe phái [tà/thiện] này. Giáo hoàng tiếp tục lưu ý một nghịch lý khả thể: “Trong nổ lực vượt thoát kẻ thù bên ngoài, chúng ta có thể bị mê hoặc để nuôi dưỡng kẻ thù bên trong. Bắt chước sự thù hằn và bạo lực của những nhà độc tài và những kẻ sát nhân là phương cách tốt nhất để thế chỗ họ. Đó chính là điều mà quý vị, như một dân tộc, từ khước.” Theo quan điểm của Kitô giáo, sự khước từ này, sự phản kháng này là một “chuẩn mực của thánh đức và tính chính thống kitô giáo, một chuẩn mực không gặp thấy nhiều trong phương thế hành động cho bằng trong phương cách kháng cự.” Khước từ là chọn lựa cá nhân, một chọn lựa nhận biết rằng phân cực bắt rễ từ thâm tâm con người được châm thêm lửa bởi phong cách truyền thông và tuyên truyền chính trị.

Trong thông điệp cho ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 50, ngài lưu ý những cách thế mà việc lạm dụng truyền thông có thể dẫn tới “sự phân cực và chia rẽ hơn nữa giữa cá nhân và đoàn thể.” Tương tự như vậy, chính trị trở nên bệnh hoạn nếu nó cổ vũ cho xung đột, làm leo thang quyền lực hoặc gia tăng ảnh hưởng của những chính khách “trung gian”, khác với chính trị lành mạnh cổ vũ cho sự hòa giải con người vì công ích trong đó các chính khách “đại diện” hy sinh chính mình nhằm mưu ích cho con người.

Năm 1974, khi mới được bầu chọn làm giám tỉnh dòng Tên, Đức Bergoglio đã nhấn mạnh trong Bài tập Linh thao, tội lỗi là “cái tàn phá sự quy thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa và Mẹ Thánh – Giáo Hội.” Tội lỗi cũng làm tan rã sự gắn kết của chúng ta với nhân loại. Ngài cũng nhắc tới rằng “kẻ thù đích thực và duy nhất là kẻ thù của chương trình Thiên Chúa,” vì như Thánh Phaolô đã viết: “Trong mọi sự, Thiên Chúa hoạt động vì sự thiện hảo của những ai yêu mến Người” (Rm 8:28). Ngài còn thêm: “Và đây chính là phương thức biện phân điều chính yếu và cái thứ yếu, điều chân thực và cái giả tạo”, những “mâu thuẩn nhất thời trong dòng thời gian của Thiên Chúa,” đó chính là “sự mâu thuẩn to lớn nhất trong tất cả những mâu thuẩn của chúng ta.” 

Một thái trạng giải phân

Hãy suy xét bốn cách hành xử của Đức Phanxicô hầu giúp chúng ta định hình thái trạng cần thiết để tìm ra phương thế truyền đạt hiệu quả trong một xã hội phân cực. Có hai điều “không” và hai điều “có”. Trước hết, không tranh luận với những người cố tình gây phân cực, và không để bị bối rối trước các mâu thuẫn giả tạo. Đoạn, nói về hành động hơn là chỉ bằng lời nói, với lòng thương xót như mô thức tối thượng, và nói có bằng “phương ngữ mẹ đẻ” có thể chạm tới tâm can mỗi người trong văn hóa đặc thù của họ.

Chúng ta hãy nhìn lại vài tình huống mà Đức Phanxicô, bằng chỉ vài lời (đôi khi một dáng điệu, một ngắt quảng hay im lặng đầy ý nghĩa) đã thông đạt tuyệt vời trong môi trường phân cực.

Thử quan sát hội nghị về đối thoại liên thế hệ tổ chức tại Giáo hoàng Học viện Augustinianum – Rôma, nhân dịp giới thiệu cuốn sách có tựa đề Chia sẻ minh triết qua thời gian (Sharing the Wisdom of Time). Ngài đã trò chuyện với các ông bà đang tỏ ra cần sự giúp đỡ để có thể nói chuyện với con cháu mình. Ngài nói: “Làm cha mẹ, dù chúng ta cố gắng hết sức để trao truyền đức tin, con cái đôi khi rất phản kháng, chúng xa lánh chúng ta, chúng từ chối nền giáo dục công giáo mà chúng được khuyến dạy. Chúng ta phải nói với chúng điều gì?”

Ngài ngưng lại một chút rồi trả lời một cách dứt khoát: “Có lần tôi đã tự phát nói về việc chuyển tải niềm tin: niềm tin phải được truyền tải bằng phương ngữ”. Lúc nào cũng thế. Phương ngữ thân thuộc, một phương ngữ… Hãy nghĩ đến bà mẹ của bảy anh em trong sách Macabê: Trình thuật Kinh thánh lặp lại hai lần rằng người mẹ động viên các con “bằng phương ngữ”, bằng tiếng mẹ đẻ, bởi vì đức tin được truyền tải như thế, đức tin được truyền tải trong nhà.” Ngài nói thêm: “Đừng bao giờ tranh biện. Đừng bao giờ. Bởi vì đây là một cái bẫy: trẻ con muốn lôi kéo cha mẹ vào tranh luận. Đừng tranh luận. Tốt hơn nên nói thế này: “Cha/mẹ không thể trả lời được vấn đề này, hãy tìm câu trả lời khác ở đâu đó, nhưng hãy tìm kiếm – tiếp tục tìm kiếm…” Luôn loại bỏ sự bất đồng trực tiếp vì nó tạo nên xa cách. Và hãy luôn làm chứng bằng “phương ngữ”, nghĩa là bằng những cử chỉ và những vuốt ve mà con cái hiểu được.”

Thế mạnh của cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa Giáo hoàng và các ông bà/cha mẹ hàm chứa một cốt lõi của sự hội thông khả dĩ hóa giải được những người tìm phân cực một cách vô tình hay hữu ý. Chúng ta nên học theo hai thái độ này: làm chứng “bằng phương ngữ” và tránh tranh luận. Tránh tranh luận giả định một nhận định sáng suốt: nói không với phân cực giả tạo và nói có với mô thức thắng vượt nó – mô thức của lòng thương xót.

Các thái độ này lặp lại thêm một lần nữa trong hai giai đoạn khác của triều giáo hoàng Đức Phanxicô. Lần thứ nhất trên chuyến bay trở về sau chuyến tông du Ai-Len. Một nhà báo chất vấn ngài về những cáo buộc được che giấu lâu nay vừa bị Sứ thần Tòa thánh tại Mỹ, Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò tung ra sáng hôm đó. Câu hỏi có ý định đưa Giáo Hoàng vào tình thế phải tuyên bố rõ ràng rằng liệu những cáo buộc này (về những lạm dụng tình dục liên quan đến cựu Hồng Y McCarrick) có thật hay không. Thay vì đáp lại trong khuôn khổ thuật ngữ của Viganò, Đức Phanxicô trả lời rằng ngay lúc này ngài sẽ không nói một lời nào về việc đó. Hơn nữa, ngài mời gọi các ký giả tự điều tra để tìm thực hư của những cáo trạng này. Sự im lặng của ngài đã được lý giải bằng nhiều thể cách, đồng thuận nhiều hay ít. Nhưng điều quan trọng là ngài đã chọn giữ im lặng. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.

Lần khác trên chuyến bay trở về sau chuyến tông du Miến Điện và Băng-la-đét. Trong suốt chuyến thăm, một sự phân cực đã hình thành quanh câu hỏi liệu Đức Phanxicô có nhắc tới tộc người Rohingya, một nhóm sắc dân mà nhà cầm quyền quân phiệt Miến Điện không công nhận. Ngài không nhắc tới tên sắc tộc này đang lúc còn ở Miến Điện, nhưng khi tới Băng-la-đét, trong một cuộc gặp gỡ đau xót với 16 người tị nạn của nhóm sắc tộc này, ngài nói rằng: “Sự hiện diện của Thiên Chúa ngày hôm nay cũng còn được mệnh danh là Rohingya.”

Trong cuộc họp báo trên máy bay, ngài giải thích rằng dùng tên của sắc tộc này trong các diễn từ chính thức có nghĩa là đóng sập cửa vào mặt những người mình đang đối thoại, một hành động gây hấn như thế chắc chắn sẽ làm cho “sứ điệp của ngài không đến được đích. “Ngược lại, trong các diễn từ ở Miến Điện, ngài đã đề cập đến tầm quan trọng của việc hội nhập hết thảy mọi người, những quyền lợi và định chế công dân, và sau đó trong các cuộc tiếp xúc riêng tư; ngài đã cho phép mình “đi xa hơn nữa.”

Trong buổi họp liên tôn tại Dhaka, tên của sắc tộc tộc bị loại bỏ tự động buột ra khỏi miệng ngài khi ngài tiếp đón những người tị nạn. Ngài lên tiếng: “Tôi bắt đầu cảm nhận được điều gì đó tận sâu trong lòng: ‘Tôi không thể để những cảm xúc này qua đi mà không nói một lời’ và tôi đã xin máy vi âm. Tôi bắt đầu nói… Tôi không nhớ tôi đã nói gì. Tôi biết có một lúc tôi xin được tha thứ. […] Tôi đã khóc. Tôi khóc mà không ai thấy. Họ cũng khóc.” Đức Phanxicô nói thêm suy nghĩ của mình: “Một khi tôi thấy con đường trọn vẹn, hành trình trọn vẹn, tôi cảm nhận được là sứ điệp đã được loan truyền.” Ngài có một sứ điệp cần được thông đạt, một sứ điệp chú trọng vào lòng xót thương và dung nhập. Và để chuyển tải sứ điệp này, ngài đã có thể vượt qua được những sự phân cực. 

Đừng tranh luận với những người chỉ biết buộc tội

Mẫu mực và lời khuyên nhủ của Đức Phanxicô không chi khác hơn là: tránh tranh luận giữa một môi trường phân cực, dù trong phạm vi gia đình như trong những khuyến dụ của Đức Phanxicô dành cho các bậc cha mẹ khi con cái họ cố lôi kéo họ vào những cuộc tranh luận, hay trong những bàn cãi công cọng nơi mà những cáo buộc đầy khiêu khích được tung ra bởi giới truyền thông, như trường hợp của Sứ thần Tòa thánh Viganò.

Bối cảnh gia đình trong đó Đức Phanxicô nhấn mạnh phương thức tránh tranh luận cho chúng ta thấy được cách “vi khuẩn phân cực” ký sinh ngay trong lòng những người yêu nhau. Chính điều này giúp chúng ta nhận ra được những thủ thuật thường làm chúng ta vấp ngã khi chúng ta bị cuốn hút vào tâm thái tranh luận. Với những ai yêu mến chúng ta, tránh tranh luận đi đôi với việc sử dụng phương ngữ, vì biết rằng những người này sẽ hiểu được thứ ngôn ngữ yêu thương này.Với những người không yêu chúng ta, chống đối chúng ta, tránh tranh luận bằng cách im lặng và nên hành sử như Chúa Giêsu khi Ngài đáp lại các lời  khiêu khích của các luật sĩ, và biệt phái, Ngài để họ “tự nghĩ một lúc”. Giáo hoàng còn nói: “Với những người không thiện ý, với ai chỉ tìm tai tiếng, chia rẽ, chỉ tìm sự tàn diệt dù trong chính gia đình mình: cứ im lặng. Và, dĩ nhiên, cầu nguyện.”

Sự yên lặng ngăn chúng ta khỏi vướng vào các lời tố cáo và lên án lòng vòng mà đàng sau chúng luôn là lòng dạ ác độc của “Đại Cáo Viên”. Trực diện với sự đàn áp quá quắt này, một thái độ khả dĩ là bắt chước thái độ của Chúa Giêsu. “Mục tử, trong những phút khó khăn, những lúc ác thần công hãm, lúc bị kết án, kết án bởi Đại Cáo Viên thông qua rất nhiều người, rất nhiều người quyền lực, mục tử chịu đựng, mục tử hy sinh đời mình và cầu nguyện.” Chính sự im lặng này mạc khải một đối nghịch thật sự và duy nhất: đối nghịch giữa Cha-của- những-Điều-Gian-Dối và Đức-Kitô-chịu-Đóng-Đinh. “Trong giờ phút tăm tối và khổ lụy nhất, khi những gút mắc không thể nào gỡ được, khi những uẩn ức không thể nào minh oan, lúc đó chúng ta phải im lặng. Sự dịu dàng của thinh lặng sẽ cho thấy chúng ta yếu đuối hơn và như vậy thần dữ sẽ tự tin để lộ nguyên hình cùng những dự tính thật sự của nó, nó không còn trá hình như một thiên sứ, nhưng đã bị lột trần.” Phương thức chống lại Đại Cáo Viên này là cách hành sử của Chúa Giêsu, Người không nói về chính mình, tuy vậy Người chiến thắng bằng lời của Thiên Chúa.”

Từ chối tranh luận không liên quan gì với thái độ chủ hòa hay nhu nhược, mà theo luận lý của sự phân cực, sẽ dẫn tới thiên vị (“im lặng là đồng lõa”). Cũng chẳng phải để tránh xung đột. Không gì có thể đi xa hơn cách nghĩ và thái độ của Đức Giáo Hoàng – người luôn đón nhận xung đột và căng thẳng như là những cơ hội đầy sáng tạo. Hơn nữa, im lặng là để nhận chân hành vi của dữ thần trong ý định che dấu những mâu thuẫn thật sự, và đề xuất hòa bình như một sự mặc cả hơn là một cuộc lữ hành.

Trong lần suy nghĩ với các sinh viên học viện dòng Tên Maximo tại Buenos Aires nhân dịp kết thúc niên học 1980, Đức Bergoglio chỉ ra rằng có rất nhiều cám dỗ nghịch lại sự hợp nhất, nhưng chủ yếu là “từ chối chấp nhận khuôn mẫu của đời sống tâm linh như một cuộc chiến; bạn sẽ đánh mất sự hợp nhất hoặc vì bị giận dữ lừa dối hay vì bị dụ bởi viễn cảnh một thành tựu ấu trĩ làm gia tăng mâu thuẫn.” Ngài còn nói thêm: “Sự nổi giận sai lệch đề xuất một loại ‘hòa bình bằng mọi giá’ lừa bịp trong đó bạn mặc cả cái-không-thể-mặc-cả và làm mất đi khả năng lên án. […] Một cám dỗ khác là khắc họa ý nghĩa cuộc đời như là một trận chiến.”

Tương tự như vậy, trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) ngài nói: “Khi xung đột xảy ra, một số người chỉ đơn giản trố mắt nhìn và bỏ đi như chẳng có sự gì xảy ra, họ phủi tay và tiếp tục cuộc sống của mình. Số khác ôm chấm lấy nó như thể mình là tù nhân của nó: họ mất sức chịu đựng, ném những bối rối và bất mãn của mình vào các định chế và như vậy họ làm cho sự hiệp nhất thành bất khả. Nhưng cũng có cách thứ ba và đây là cách tốt nhất để hành sử trước xung đột: Đó là ý chí đối diện với mâu thuẫn nhằm giải quyết và biến nó thành một mắt xích của một tiến trình mới.”

Đứng trước một thế giới phân cực trầm trọng, việc cố lãng tránh hay làm ngơ không phải là một chọn lựa, nhưng là một cám dỗ. Có thể hiểu được rằng trong một môi trường rập khuôn nguy cơ bị lây nhiễm những thái trạng như vậy rất ư trầm trọng. Tuy vậy điều Đức Phanxicô khuyến khích chúng ta thực hiện là dấn thân vào thế giới đó, nhận lấy các nguy cơ, nhưng với suy xét thận trọng. Ngài khuyên chúng ta có một thái độ truyền giáo rõ ràng: lên án chính mình, điều này đem chúng ta đến gần với lòng thương xót của Chúa, hơn là bị lôi kéo vào động thái mình là nạn nhân và kết án người khác. Đó là trạng thái gắn kết với sứ mạng truyền giáo: ra đi và loan báo Tin Mừng. Thay vì bị kẹt trong tranh tụng và “phản kích”, Giáo hội tiến bước “tới những ai cần Giáo Hội nhất,” tới những ai chưa đón nhận Phúc Âm. Chính khi bị bắt bớ, Giáo Hội trở nên truyền giáo.

Đừng nhìn thấy mâu thuẫn trong khi chỉ là tương phản

Thay vì tranh biện, chúng ta phải phân định. Nơi nào có phân cực, nơi đó không chỉ có sự va chạm ý tưởng mà còn là sự va chạm tinh thần. Thần xấu, đặc biệt trong tình huống khổ nạn, sẽ tìm cách biến các bất đồng thành xung đột. Nói như nhà văn Gustave Thibon: “Một trong những dấu hiệu chính của sự nghèo nàn tinh thần là thấy mâu thuẫn khi thật ra chỉ là những tương phản.”

Bốn nguyên tắc của Đức Phanxicô, đặc biệt hai nguyên tắc nổi bật nhất, là những chuẩn mực cho sự phân định này. Cần phải có sự minh bạch để thấu tỏ rằng “hợp nhất vượt thắng xung đột” là một sự tỉnh táo trong nhẫn nại. Đây là sự tỉnh táo giúp chúng ta “bằng lòng chịu đựng xung đột” nhằm giải quyết nó mà không để bị cầm tù trong nó. Sự tỉnh táo cũng cần thiết đễ phân định rằng “thực tại quan trọng hơn ý nghĩ.” Nó quan trọng hơn bởi lẽ mâu thuẫn xảy ra trên bình diện ý nghĩ chứ không trong thực tại.

Theo linh mục thần học gia người Ý Romano Guardini, mâu thuẫn là “cái” chỉ hiện diện trong tư tưởng và ngôn ngữ, không phải trong thực tại. Thực tại – điều mà Guardini gọi là “cốt lõi sống” – luôn luôn đa dạng. Mọi thái cực đều tìm được chỗ của mình trong chính thực tại này. Mỗi người là một mạng lưới các tương quan gồm cả các tương phản, nhưng tương phản không có nghĩa là đối nghịch hay mâu thuẫn. Linh mục Guardini diễn tả những căng thẳng giữa trên/dưới, trong/ngoài, rỗng/đặc, cấu thể/sinh lực. Một thực tại không tương phản với thực tại trước nó, nhưng giả định nó, chuyển hóa nó hoặc vượt qua nó. Chính vì vậy, Đức Phanxicô đã viết trong bức thư gởi người dân Chi-lê: “Phân định đòi hỏi phải học để biết lắng nghe những gì Chúa Thánh Thần muốn nói với chúng ta. Và chúng ta chỉ có thể làm được như vậy khi nào chúng ta có thể lắng nghe được thực tại đang xảy đến quanh mình.”

Trong bài viết mang tựa đề “Một vài suy tư về sự Hiệp nhất tâm hồn” (Some Reflections on the Union of Souls) ấn hành năm 1990, Đức Bergoglio làm sáng tỏ sự khác biệt giữa một bên là mâu thuẫn và bên kia là tương phản: mâu thuẫn đóng sập cửa trước các chọn lựa, từ chối bàn bạc tới chúng; đó là sự biệt lập. Trong khi đó tương phản bộc bạch ra rằng những điều – mà thoạt thấy và/hay thực thấy trong căng thẳng – lại có thể dẫn tới đồng thuận. Sự khác biệt trong ý nghĩ, cảm xúc, tưởng tượng và hành động trỗi lên khi chúng ta cầu nguyện và phân định, có thể đạt tới một “sự hiệp nhất sâu xa mới, tiếp nối nhưng khác biệt với những gì trước khi bắt đầu tiến trình phân định này.”

Sự hài điệu mới này luôn có thể bị đánh mất, do vậy chúng ta cần thường xuyên để ngõ cho một tổng hợp mới. “Toàn bộ tiến trình định hình cho “cái” chúng ta có thể định nghĩa bằng từ nguyên học là ‘xung đột’[…]. Xung đột nội tại này, tôi thích gọi là “đối lập” hơn là “đối nghịch,” là hệ nội chiếu cho thấy rằng chúng ta có sự hợp nhất trong khác biệt, nhờ vậy hiểu được nghĩa của hiệp nhất trong khác biệt trong cơ chế của Xã Hội,” cùng thể ấy cũng hiểu được nghĩa của hiệp nhất trong khác biệt của Giáo Hội và xã hội.

Chính vì lý do này mà Đức Phanxicô có thể tin tưởng vào tiến trình Công Nghị đôi lúc giao động và đối kháng, hình thành nên việc thực hành mục vụ mới trong Tông huấn Niềm vui Yêu thương (Amoris Laetitia). Qua chiêm nghiệm, trao đổi, cầu nguyện và phân định, “tinh thần thiện hão đã chiến thắng,” cho dù có bao nhiêu cám dỗ trong suốt hành trình.

Đồng thuận với mô thức lòng thương xót 

Sự suy xét chu đáo khiến chúng ta mạnh dạn nói không trong những cuộc tranh luận phân cực bắt nguồn từ tiếng vâng nền tảng và sâu thẳm hơn: Tiếng vâng của lòng thương xót Chúa dành cho mọi tạo vật. Lòng thương xót vô điều kiện của Chúa trở thành cụ thể trước mắt chúng ta qua Chúa Giêsu, là thực tại duy nhất có thể chữa lành và hòa điệu hóa mọi mâu thuẫn sai lệch bằng sức mạnh của tình yêu Chúa, mà “bản chất chính là thông hiệp.” Lòng thương xót “là sự sung mãn của công lý và là biểu tỏ rực rỡ nhất chân lý của Thiên Chúa,” như Đức Phanxicô từng lặp lại. Đây là mô thức cuối cùng, cao cả nhất và sứ mệnh của chúng ta là loan truyền nó bằng cả lời nói và việc làm.

Chúng ta tìm gặp khuôn mẫu này trong dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu mà Chúa Giêsu huấn dạy. Dụ ngôn này không chỉ hàm chứa mặc khải siêu nhiên, nó còn là một mặc khải khía cạnh dòn yếu nhất của con người. Thực hành những việc phần xác của lòng thương xót, nói như vậy vì chúng liên hệ tới thân xác kẻ khác, bổ sung cho những việc phần hồn của lòng thương xót hàm chứa trong sự hiệp thông mỹ mãn: chỉ dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dễ ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu nguyện cho kẻ sống và kẻ chết. Thực hành các mối thương xót này có nghĩa là đưa ra một sứ điệp rõ ràng chạm đến đáy lòng của bất kỳ ai giữ các việc làm này.

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Điều chúng ta nói và cách chúng ta nói, mỗi một từ ngữ, một cử điệu đều có thể toát ra lòng thương xót, sự dịu dàng, và lòng tha thứ của Thiên Chúa cho hết thảy mọi người […] thường xuyên dịu dàng của Đức Kitô là mẫu mực của sự loan truyền chân lý và lên án bất công. Việc làm chính yếu của chúng ta là khẳng định chân lý trong tình yêu (xem Ep 4:15). Chỉ khi lời nói cùng với tình yêu kèm theo sự dịu dàng và lòng thương xót thì mới chạm tới đáy lòng chúng ta, những người tội lỗi.” Với Đức Phanxicô “phương cách hiệp thông như thế mới là phương cách vượt qua luận lý phân cách rạch ròi kẻ tội lỗi và người công chính” và cùng lúc tạo ra “sự gần gũi” […] trong một thế giới cách biệt, chia rẽ và phân cực.”

Chuẩn mực để phân định một hiệp thông trọn hảo cũng giống như chuẩn mực của cuộc sống mỗi một tín hữu kitô, và cuộc sống của Giáo Hội nói chung: sự tăng trưởng của lòng thương xót. “Cách tốt nhất để nhận biết lời cầu nguyện của chúng ta có xác đáng hay không là nhìn xem cuộc sống chúng ta chuyển hóa tới mức độ nào dưới ánh sáng của lòng thương xót”.

Chứng từ bằng phương ngữ

Vì thế, làm chứng “bằng phương ngữ” là nói và làm “theo cách thế của Chúa Giêsu,” với một tinh thần thiện hảo, như Thánh Peter Faber thường nói. Thuật ngữ Đức Phanxicô dùng là “làm chứng cho việc dùng phương ngữ”. Đức Phanxicô gọi nội dung của chứng từ này là “giáo điều”: các kinh nghiệm đích thực chứ không phải được biết đến. Giáo điều định hình một sự hợp nhất chân thực, vì “các việc của Chúa luôn được nhân thêm lên. Chúng không bao giờ bị bớt đi. Chúng thu thập lại.” Tuy vậy, cũng cùng lý do này đã tạo ra nghịch ý và phản kháng: “Chỉ khi Giáo Hội khẳng định giáo điều của mình, chia rẽ thật sự mới lộ diện.”

Như vậy, tư tưởng và chứng từ của Đức Phanxicô đưa lại một lối đường giải cực có thể áp dụng cho nhiều hoàn cảnh gồm các phe nhóm đối kháng: chẳng hạn, giữa nhóm tự do và bảo thủ trong Giáo Hội, hay giữa những người ủng hộ ở lại hay ra đi trong vấn đề Brexit tại Anh. Đó là hành trình đón nhận căng thẳng và bất đồng như một cơ hội để làm nên cái gì đó vượt trội trên nền tảng của một sự khác biệt được hòa giải và mô thức của thương xót, loại bỏ những cạm bẩy chết chóc mà sự phân cực vô sinh đem lại. Đó là phương cách đối thoại không khởi đi bằng các bất đồng nhưng bằng lắng nghe các mơ ước của nhau.

Tìm phương thế để làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót bằng “tiếng mẹ” là cốt lõi của phương cách hành xử có thể áp dụng cả trong bối cảnh hạn hẹp của gia đình cũng như trong các tranh biện xã hội rộng lớn hơn. Về căn bản: để thông đạt hiệu quả, việc chính yếu là định vị được sợi dây của thứ ngôn ngữ nằm tận đáy sâu của cuộc sống, nơi mà đàng sau ngôn ngữ có thể tìm thấy suối nguồn của sự dịu dàng khả dĩ kiện toàn cuộc sống chung của mỗi gia đình, mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Điều này là một thách thức: tìm thấy và không đánh mất sợi dây của phương ngữ liên kết mọi thực tại để đối phó với ngôn từ trừu tượng của những hệ tư tưởng gây chia rẽ. “Thưa anh chị em, ý niệm là để tranh cãi, hoàn cảnh thì để suy nghiệm. Chúng ta họp nhau là để suy nghiệm, không phải để tranh cãi.”

Lê Quang Phúc dịch

Linh mục Dòng Tên Diego Fares trong một lần gặp Đức Phanxicô tại Vatican