Lịch sử, ký ức, số phận cao cả và bi thảm của con người

41

Lịch sử, ký ức, số phận cao cả và bi thảm của con người

Osservatoreromano, Andrea Monda, 2024-09-28

“Ai không nhớ về quá khứ sẽ bị kết án lặp lại nó”, đó là câu nói của George Santayana được khắc bằng ba mươi thứ tiếng trên tượng đài ở lối vào trại tập trung Dachau, Đức. Câu này không thể không đến trong tâm trí khi nghe bài phát biểu đầu tiên của Đức Phanxicô trong chuyến tông du Luxembourg và Bỉ khi ngài nói về một Châu Âu “bị lãng quên”, như thể Châu Âu bị bệnh “xơ cứng” đã quên đi những sai lầm bi thảm của mình trong quá khứ. Vì thế ngày thứ năm 26 tháng 9 ở Luxembourg và ngày hôm sau ở Bỉ, ngài tuyên bố: “Bài học lịch sử, magistra vitae, như thường lệ vẫn chưa được nghe thấy. Con người khi quên quá khứ, không để quá khứ dạy bảo thì chúng ta có thể ngã thêm lần nữa, dù sau lần ngã trước chúng ta đã đứng dậy, chúng ta quên đau khổ và cái giá phải trả đáng sợ các thế hệ trước đã trả. Trong ký ức không hoạt động này, còn có những thế lực khác trong xã hội, trong con người luôn làm chúng ta rơi vào những chuyện đáng tiếc đã làm. Theo nghĩa này, nước Bỉ quý giá hơn bao giờ hết với ký ức của lục địa Châu Âu.”

Triết gia Hegel đã nói: “Tất cả những gì con người học được từ lịch sử là con người không học được gì từ lịch sử”, một câu quá cay đắng đã tạo một chuỗi phản ứng bác bỏ và nổi loạn. Chắc chắn tin tức của những năm gần đây, với chiến tranh nổ ra ngay trong lòng Châu Âu dường như đã chứng minh Santayana đúng trước và Hegel đúng sau: con người luôn rơi vào những sai lầm giống nhau. Thật vậy, con người là động vật duy nhất làm như vậy: một loài động vật khác, ngoài con người sẽ không rơi xuống hố lần thứ hai. Vì con vật được hướng dẫn bởi bản năng, chính xác là nó “không thể sai lầm”.

Một cân nhắc cay đắng khác tự động nảy sinh, theo đó, sự đa dạng của con người sẽ nằm ở trong khả năng mắc sai lầm, mong manh và dễ bị tổn thương. Vậy đây có phải là “ưu thế” của con người không?

Sự chú ý, đúng hơn sự yêu quý mà trong những năm gần đây người phương Tây dành các con vật nuôi trong nhà như chó và mèo đã như lên án nghiêm khắc với chính con người, như thể chúng ta đã làm thất vọng đồng loại, bây giờ chúng ta phải lo hết mình cho các sinh vật khác, an toàn hơn, ổn định hơn, không sai lầm hơn. Động vật là vậy, không hơn không kém. Ngược lại, chỉ có con người mới làm thất vọng, thất bại, phản bội lời hứa luôn xảy ra trong những lúc gặp gỡ. Vì thế, phạm trù “ưu việt” và “vĩ đại” luôn được áp dụng cho loài người cần xem xét lại. Con người thất bại ở nơi mà con vật không thất bại.

Tuy nhiên, sự thất bại này gắn liền với chiều kích nhân bản của con người, một sinh vật có tinh thần, điều mà những sinh vật khác thiếu: tự do. Đó là lý do vì sao con người thất vọng hay nói đúng hơn là ngạc nhiên. Con người không phải như vậy, còn có điều gì đó hơn thế, vì con người sống trong sự trở thành, con người liên tục thay đổi, với cả nghịch lý, con người lặp lại những sai lầm tương tự. Đó là lý do vì sao có “lịch sử loài người”, nhưng không thể có lịch sử tương tự về khoáng sản, thực vật hay động vật. Lịch sử là chiều kích của sự tồn tại của mỗi con người, dù đó là vô số sai lầm mà con người tiếp tục phạm phải. Vì lý do này, như Đức Phanxicô nói, không có những câu chuyện “nhỏ” nhưng mọi câu chuyện của con người đều vĩ đại, chính xác vì đó là con người, là đời chúng ta, là sinh vật được ban tặng món quà tự do quá mạnh. Con người được tự do trước hết chính là nhờ bản năng không thể sai lầm nhưng cũng là dấu hiệu của một sự cần thiết, một nhu cầu, làm mọi hành vi của các loài động vật khác trở nên máy móc, tự động, gần như “tự động hóa để cuối cùng là lặp đi lặp lại. Động vật hiếm khi làm chúng ta ngạc nhiên, còn con người thì không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên. Và con người thường gây ngạc nhiên trong chính con mắt mình. Cho đến cuối cùng, họ vẫn là một bí ẩn với chính họ.

Tuy nhiên, chúng ta tự hỏi: nếu tất cả những điều này là kết quả của trạng thái tự do đối với bản năng, một bản năng để phân biệt giữa các con người, thì “cái giá” phải trả cho “món quà” này sao lại cao đến thế? Chiến tranh, bạo lực, tranh giành quyền lực, bất công, phân biệt đối xử… chúng ta phải trả giá cho tự do này bao nhiêu? Cái giá phải trả cao đến mức con người thường sẵn sàng bỏ tự do để có thêm một chút an ninh, yên tĩnh và phải làm nhanh chóng: chúng ta giao toàn bộ quyền lực cho một người, để người đó lo, chúng ta sẽ mù quáng làm theo ủy nhiệm, theo mệnh lệnh.

Ngày nay có vô số niềm vui và tiện nghi do Internet và trí tuệ nhân tạo mang lại, nhưng bản chất vẫn như nhau: tự do là một gánh nặng quá nặng nề, tốt hơn hết là nên bỏ nó.

Một số người phản đối điều này vì chúng ta sinh ra không phải để sống thô thiển, nhưng vấn đề lại nảy sinh: làm sao chúng ta có thể sống như những con người thoát khỏi bản năng, tránh rơi vào những sai lầm thông thường? Trí nhớ sẽ phục vụ mục đích này, nhưng làm thế nào chúng ta có thể làm cho trí nhớ thực sự hoạt động, hữu ích và hiệu quả?

Con người đã làm một điều gì đó, họ đã phát minh ra một thứ mà ngày nay rất không được ưa chuộng: các thể chế. Chỉ một từ thôi cũng đủ làm nhức tai, đặc biệt với thế hệ trẻ. Trên thực tế, từ “thể chế” nghe có vẻ u ám, vô danh, điếc tai và quan liêu, nó “có mùi” quyền lực nên cuối cùng nó bị cho là một loại giết người. Nhưng không phải vậy. Các thể chế ra đời chính xác vì con người nhận ra, nếu chỉ có tự do của mình thì con người không thể quản lý tự do, con người trở thành con mồi của bản năng. Chúng ta nên dịch từ “thể chế” thành từ “công ty” và mọi thứ sẽ thay đổi. Nói cách khác, nhân loại đã tự nhủ: đi một mình thì chẳng đi đến đâu, thực ra là sẽ sụp đổ, nhưng nếu đoàn kết lại chúng ta sẽ ít mắc sai lầm hơn, sẽ chống lại được cám dỗ nhiều hơn, chúng ta sẽ cố gắng hơn để vượt lên, để làm điều đúng đắn và không phải là điều dễ dàng nhất. Nhưng cần phải tận tụy và an ủi người khác, phá vỡ nỗi cô đơn, vượt lên khuynh hướng tự nhiên là xao lãng và quên lãng.

Tổ chức đầu tiên có “sứ mệnh” này trong DNA là ngành báo, đã giúp lương tâm tồn tại hoặc ít nhất nên như vậy, nhưng, ngay cả trước khi có báo chí, đã có trường học, nơi lưu giữ ký ức và sức nặng của kinh nghiệm, con người đã nghĩ ra một nơi, với không gian và thời gian, nơi này đã giúp các thế hệ gặp gỡ, cùng đồng hành, cùng nghiên cứu quá khứ với đôi mắt hướng về tương lai, người lớn và người trẻ có thể vượt qua cuộc hành trình trong suốt cuộc đời, cố gắng không rơi vào những sai lầm tương tự. Ngày nay, “thể chế” trường học không còn được quý trọng và ưu ái, “thể chế” gia đình còn ít được kính trọng hơn, dù trước cả trường học, gia đình đã có cùng một sứ mệnh.

Tái khám phá vẻ đẹp của các thể chế con người, làm sạch bụi bặm chúng ta đã phủ lên chúng, là cách sống của những người tự do và khôn ngoan. Vì sống một mình, chúng ta biết, chúng ta sẽ quên quá khứ và hậu quả của những hành động mình gây ra, nhưng nếu có người đồng hành, có thể người đó hơi khó chịu, chúng ta có thể gọi là “thầy” (thường họ là con cái hơn là cha mẹ để họ là người thầy thực sự của người khác), khi đó quá khứ có thể thực sự trôi qua và không quay trở lại, chúng ta chào đón tương lai, không sợ hãi nhìn thẳng vào tương lai.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch