Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (7/8)

186

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (7/8)

 

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser 

Cô đơn có thể dạy cho biết rằng chúng ta là những người hành hương trên mặt đất này.

Tin mừng dạy rằng chúng ta đang sống trong thời một thời đại và một thế giới chưa hoàn tất, vẫn tiếp tục lữ hành hướng đến sự cứu rỗi hoàn toàn, và chúng ta là những người hành hương trên mặt đất này. Vì thế, đặc nét đời sống của chúng ta được xem như một cuộc hành hương, rày đây mai đó. Cũng như dụ ngôn mười cô trinh nữ cầm đèn,14 giả dụ chúng ta đang đi đến đêm tân hôn, với tất cả những gì cần đến vì chúng ta chuẩn bị cho đêm giao hợp sắp đến. Và giả dụ chúng ta là những nguồn sáng lưu động, với ngọn đèn cháy. Khi lãng quên mất điều này, như năm cô trinh nữ dại dột để đèn của mình bị tắt, thu mình đi, gom góp những thứ đồ đạc bền vững, và thay vì dự liệu cho lễ cưới, chúng ta lại cố để nhồi nhét cho thật nhiều những khoái lạc và trải nghiệm trong những năm tháng cuộc sống dương thế, như thể chàng rể sẽ không tới, rồi chúng ta thô bạo với chính mình, với người khác và với kết hoạch muôn đời mà Thiên Chúa đã định ra cho hạnh phúc của chính chúng ta. Ý nghĩa của chúng ta không phải là sống như những người ngả mình thoải mái, nghe một bản hòa âm trọn vẹn, trong một thành đô bất diệt. Chúng ta là những người hành hương, những cô gái trẻ được đính hôn đang trên đường đến lễ cưới, là những ngọn đèn di động và không mang bất cứ vật dụng lâu dài nào.

Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng lãng quên điều này. Chàng rể dường như không đặc biệt không vội vã đến, mà cám dỗ thì lại luôn luôn có đầy. Tắt đèn đi, mở hành lý ra và ở lại đây! Vì lý do này, nỗi đau của cô đơn trong chính mình có thể là một hỗ trợ mạnh mẽ cho chúng ta. Khi kềm giữ chúng ta trong tình trạng thao thức và bất mãn luôn mãi, tâm trạng cô đơn ngăn không cho chúng ta dỡ hành lý ra và ngụ lại nơi nào. Nó nhắc chúng ta về lễ cưới, giữ chúng ta khát khao chờ đợi chàng rể, và giúp chúng ta nhìn ra rằng các hứa hẹn về nhà cửa đồ đạc lâu bền không sánh được với thỏa mãn trọn vẹn. Ngay khi chúng ta bắt đầu dỡ bỏ đồ đạc và dọn vào ở, cô đơn và thao thức làm cho chúng ta lại háo hức lên đường. Nếu năm cô trinh nữ khờ dại biết tế nhị lắng nghe nỗi cô đơn của họ, thì họ đã không để đèn bị tắt. Nếu được lắng nghe, thì nỗi đau của cô đơn sẽ dạy chúng ta, như Karl Rahner đã nói rất đúng, trong đời này, “tất cả mọi hòa âm vẫn còn dang dở”. Như thế cô đơn có thể dạy cho chúng ta biết tình trạng thực của mình, những hiện hữu nhân tính.

Nghịch lý thay, việc nhận ra chúng ta là người lữ hành trên mặt đất này vừa đem lại cho chúng ta cả nỗi đau lẫn giải phóng. Một mặt, nó gây đau đớn vì bắt chúng ta phải đương đầu với cuộc sống một cách thực tế, đẩy chúng ta đối diện với cơn gió, và từ bỏ những mơ mộng sai lầm cũng như những kỳ vọng không thực tế của chúng ta. Mặt khác, việc nhận ra và chấp nhận hiện sinh về tình trạng hành hương của chúng ta cũng mang tính giải phóng, vì qua nó, chúng ta học được cách để cảm kích trọn vẹn hơn chiều kích thiên phú trong đời sống chúng ta. Qua cô đơn, chúng ta được dạy để chấp nhận cuộc sống với lòng tôn kính và tôn trọng các giá trị của nó. Một minh họa sẽ giúp giải thích điều này.

Trong bộ phim Xử án Billy Jack (The Trial of Billy Jack) của những năm 1970, có cảnh Billy bị xét xử trước một phiên tòa đầy thù địch. Anh nhận ra cuộc đời của anh đang lâm nguy, nhưng anh không sợ hãi và đầy điềm tĩnh khi đối diện với điều có thể xảy ra này. Anh nói với thành phần hội thẩm về bí mật của mình:

“Khi ông thức dậy mỗi sáng, và tự hỏi mình, “Nếu tôi chết hôm nay, thì việc nào là việc quan trọng tôi sẽ làm hôm nay?” Khi nghĩ như vậy, ông sẽ thấy được sự tầm thường tương đối trong nhiều hành động và bận tâm hàng ngày của mình. Nhưng rồi, ông nghĩ xa hơn và tự hỏi: “Nhưng nếu hôm nay tôi chết, thì tôi muốn làm điều gì trong ngày cuối cùng này?” Có lẽ ông sẽ muốn làm nhiều thứ mà ông vẫn thường làm. Như thế, ông nhìn ra những việc đó thật quý giá biết bao. Ông thấy đó, tương đối hóa đời sống, công việc và những bận tâm của ông, ông sẽ thấy được cả sự tầm thường lẫn sự quý báu của chúng.”

Việc nhận ra tình trạng lữ hành của mình có thể giúp chúng ta có được dạng nhận biết này. Qua việc nhận biết chúng ta chỉ đi qua trên mặt đất này trong một thời gian ngắn, chúng ta học để nhận ra bản chất tương đối và tạm thời của tất cả mối quan hệ, hành động, và bận tâm của chúng ta trong cuộc đời. Tuy nhiên, nghịch lý thay, nó lại dẫn chúng ta đi đến việc nhận ra không phải trong tư duy khắc kỷ mà nhận ra bản chất thật sự, chúng là tặng vật mà chúng ta vô cùng bất xứng để lãnh nhận. Chỉ khi ý thức được chúng ta được trao ban một điều ngắn hạn, thì chúng ta mới nhận ra trọn vẹn chiều kích ân sủng của nó. Thật vậy, nếu biết rằng, ngày mai chúng ta chết, thì ngày cuối cùng này, chúng ta sẽ mau chóng nhận ra sự quý báu biết bao nơi các tặng vật của cuộc sống, nơi tình bạn, tình yêu, sức khỏe và công việc.

Nếu hiểu được đúng đắn và thích đáng về tình trạng lữ hành của mình, chúng ta có thể học được điều này: Tất cả mọi sự đều là tặng vật quý báu. Nhận ra điều này rất quan trọng, vì chúng ta thường đi trên cuộc đời và đẩy đưa những vật, những người theo kiểu chúng ta đương nhiên được hưởng. Sự sống, tình thân, sức khỏe và công việc được xem là của riêng chúng ta. Chính vì lý do này, chúng ta không thể cảm kích và đón nhận chúng với lòng tôn kính và tôn trọng cách thích đáng. Thay vì nhìn nhận chúng với đúng bản chất là tặng vật quý báu, chúng ta nhận chúng như chuyện đương nhiên, quá chắc chắn về chúng, quá đòi hỏi chúng, và thường xâm phạm cũng như sử dụng chúng theo kiểu thiếu tôn trọng và tôn kính.

Và rồi mất đi ý thức về chiều kích ân sủng trong đời sống và tình thân của mình, chúng ta lại tự hỏi vì sao chúng ta quá tham lam và nhỏ nhen, bóc lột và lợi dụng, chua cay và chỉ nghĩ cho mình. Nếu chúng ta bị hạ xuống để chỉ có được những gì thực sự xứng đáng với mình, như ông Job, thấy mình đang ngồi trên đống phế thải, yếu ốm đau đớn và chẳng có gì trong tay, trong cảnh nghèo khốn đó, chúng ta sẽ nhìn ra được sự sống và tình yêu, sức khỏe và vui thú, là những tặng phẩm chúng ta không xứng đáng. Một khi học ra được chúng ta là những lữ hành đi trên mặt đất này, thì đột nhiên đời sống chúng ta bớt hẳn tính “bình thường” và tẻ nhạt. Bỗng nhiên, những thành viên trong gia đình và những người quan tâm đến chúng ta, nhưng từng bị xem là điều tất nhiên và không được chúng ta tôn trọng và cảm kích trọn vẹn, giờ đây lại trở nên quý báu hơn biết chừng nào. Một người thông tuệ đã từng nhấn mạnh: “Dù nó có tẻ nhạt đến mấy, vẫn không có vết xe nào giống vết xe của anh!” Một lữ hành rày đây mai đó sẽ không đi theo vết xe cũ. Đối với họ, không có “bình thường” hay trải nghiệm tẻ nhạt. Họ không xem bất cứ cái gì như một chuyện đương nhiên. Đúng hơn, trong nhiệt tình với người mới gặp, nơi chốn đang xem, họ liên tục lưu lại hình ảnh và thu góp ký ức quý báu. Việc nhận ra chúng ta là lữ hành dạy cho chúng ta thật nhiều để chúng ta gặp gỡ cuộc sống với lòng tôn kính những giá trị của nó vì nó làm cho chúng ta nhận ra giá trị thật của cuộc sống, một tặng vật quý báu mà chúng ta không xứng đáng có.

Chấp nhận tình trạng hành hương cũng có tác dụng dạy cho chúng ta biết để không quá kỳ vọng vào các mối quan hệ. Một khi chấp nhận sự kiện chúng ta là lữ hành, không còn cố gắng thu gom (đôi lúc là cưỡng đoạt) từ đời sống đủ khoái lạc và hạnh phúc để lấp các chỗ trống rỗng trong lòng, từ đó lần đầu tiên chúng ta sẽ được tự do đủ để không còn tìm kiếm bạn bè mới và trải nghiệm mới như thể là “cứu rỗi” có thể có được, như giải pháp tối cùng có thể có được ở chính ngay đời này. Bản giao hưởng của chúng ta bắt buộc phải còn dang dở. Nhận ra được điều này có thể giúp chúng ta thật nhiều để biết tôn trọng người khác cách trọn vẹn hơn.

Nếu chúng ta tế nhị lắng nghe, thì cô đơn có thể dạy chúng ta biết phải sống thế nào trong thời cánh chung tạm thời này, thời gian giữa thời điểm Chúa Giêsu đến lần đầu và thời điểm Ngài trở lại lúc chung cuộc, để hoàn tất vương quốc của Ngài. Như nhiều điều khác – sống trong cộng đoàn, đọc Lời Chúa, tham dự lễ bẻ bánh, thách thức và củng cố nhau, qua phụng vụ, qua lặp lại lời và những sự kiện cứu độ của đời sống Chúa Kitô, cô đơn giữ chúng ta luôn mãi thao thức và bất thỏa, từ đó giúp giữ ngọn lửa trong chúng ta lời hứa của Đức Kitô rằng, một ngày, Ngài sẽ trở lại, mở con dấu thứ bảy và lau khô mọi dòng lệ trên trái đất.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (1/8)

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (2/8)

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (3/8) 

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (4/8) 

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (5/8) 

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (6/8)