Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (2/8)

299

 Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (2/8)

16Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

Tâm trạng cô đơn có thể giúp chúng ta trở nên nhận thức tốt hơn và biết cảm thông hơn.

Gioan Thánh Giá đã nói rằng giá trị của cô đơn và cô tịch là việc nó làm cho chúng ta “dịu dàng, và mang cái dịu dàng này hòa hợp với dịu dàng.”6 Thật đúng làm sao! Có ít điều trong đời sống có thể tạo được tính hòa nhã, hiểu biết, cảm thông trong lòng chúng ta như tâm trạng cô đơn. Các nhà thần nghiệm, chiêm niệm, thi sĩ, triết gia, những người nhạy cảm trên các phương diện khác đã liên tục minh chứng điều này, họ nói cho chúng ta biết cách thức để chúng ta, từ trải nghiệm của tâm hồn cô đơn và rối loạn của mình, có thể nhận ra các mối dây gắn kết cộng đồng nhân loại và cả những mãnh lực chia rẽ nó. Hiểu được tâm hồn của mình, với tất cả phức tạp và mơ hồ, khát vọng cao quý và năng lực vị tha, hiểm ác và tham lam tiềm tàng của nó, chúng ta có thể nhận thức đầy đủ hơn về người khác và về thế giới chúng ta đang sống. Sự cảm thông và hiểu biết được sinh ra nơi thâm sâu nhất và cô đơn nhất trong chúng ta, vì điều thâm sâu nhất cũng là điều phổ quát nhất. Chúng ta hiểu được người khác khi hiểu được chính mình. Một giáo sư của tôi đã nói: “Người cô đơn là người thông hiểu!” Thật đúng làm sao! Tuy nhiên khi đảo ngược lại vẫn đúng và sắc sảo như thế: “Người thông hiểu là người cô đơn!”

Nhiều tác phẩm gần đây đã nói cách sâu sắc và nhạy bén về vấn đề này. Ngòi bút thiêng liêng Henri Nouwen nói giùm cho mọi người khi ông viết:

Trong cô tịch của tâm hồn, chúng ta có thể chân thành lắng nghe những khổ đau của thế giới vì chính trong cô tịch, chúng ta nhận ra rằng chúng không phải là người đau khổ xa lạ, không quen biết, mà đó là nỗi đau thật sự của chúng ta. Ở đó tôi có thể nhận thấy điều phổ quát nhất cũng là điều riêng tư nhất và thật sự tôi không còn lạ lẫm gì nữa với nhân loại. Ở đó, tôi có thể nhìn thấy thảm họa Hiroshima, Mỹ Lai, Attica và Watergate là những thực tại của tâm hồn nhân loại, trong đó có thực tại của chính tôi, và điều đó minh chứng hùng hồn trước hết cho sự thực rằng tôi dự phần riêng của mình vào trong thân phận nhân loại. Ở đó, tôi có thể thực sự đáp lời thế giới.

Trong bài thơ “Vá lại bức tường” (Mending Wall) của mình, Robert Frost đã viết:

Trước khi xây lên một bức tường, tôi nên hỏi để biết

Tôi đang xây bức tường ngăn đường vào hay đường ra

Và tôi muốn công kích ai đây.

Có điều gì đó không yêu thích bức tường,

Có điều gì đó muốn hạ nó xuống.

Tất cả chúng ta muốn thông hiệp, hiểu biết và cảm thông. Có một cái gì đó trong chúng ta không thích bức tường, muốn hạ nó xuống! Tuy nhiên, nếu không thực hiện cuộc lữ hành nội tâm đau đớn, không nắm lấy cô đơn của mình, không học được điều riêng tư nhất cũng là điều phổ quát nhất, thì chúng ta sẽ tiếp tục tin rằng cần phải có những bức tường và không nhận biết chính xác được điều mà chúng ta đang ngăn chặn, đường vào hoặc đường ra, chúng ta sẽ tiếp tục xây những bức tường nữa. Và rồi, chúng ta không thể hiểu trọn vẹn về người khác bởi vì chúng ta không hiểu trọn vẹn chính mình, chúng ta sẽ tiếp tục sống trong sợ hãi và định kiến, đề phòng và ngờ vực, xây lên các bức tường ở bất cứ nơi nào có thể.

J.B. Thái Hòa dịch

 Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

Những lợi ích ẩn dấu của Cô đơn (1/8)