Đức Phanxicô chạy đua với đồng hồ

362

Đức Phanxicô chạy đua với đồng hồ

international.la-croix.com, Robert Mickens, Rôma, 2019-05-10

Càng ngày Giáo hoàng 82 tuổi càng giống như người đang gấp rút hoàn thành nhiệm vụ của mình cho kịp giờ.

Các tia nắng hừng đông đầu tiên vừa lóe ở Quảng trường Thánh Phêrô và Vatican, nhưng sáng chúa nhật 5 tháng 5, lúc 6h20 sáng, Đức Phanxicô đã lên đường ra phi trường Rôma Fiumicino để 40 phút sau ngài sẽ lên máy bay trong chuyến bay dài 2 giờ đến thủ đô Sophia của Bulgari.

 

Chuyến bay đi nước ngoài mới nhất này của giáo hoàng 82 tuổi bắt đầu sớm trong ngày. Đây là chuyến đi 3 ngày đến 3 thành phố của Bulgari và nước Bắc Macedoina bên cạnh. Ngài tham dự không dưới mười buổi gặp giáo dân, đọc diễn văn, giảng bài giảng. Chuyến bay đưa ngài về Rôma thứ ba lúc 8 giờ tối.

Sau khi ghé Đền thờ Đàn Bà Cả để cám ơn Đức Mẹ như thông lệ ngài vẫn tạ ơn Đức Mẹ sau mỗi chuyến đi ra nước ngoài. Sau đó ngài mới về Nhà Thánh Marta nghỉ ngơi.

Với một người ở tuổi của ngài, ngài có quyền nghỉ ngơi một chút, ít nhất là có một ngày để lấy lại sức trước khi quay trở lại sinh hoạt bình thường của mình. Nhưng với Đức Phanxicô thì không. Sáng hôm sau, ngài đã ở Quảng trường Thánh Phêrô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hàng tuần.

Rồi sáng thứ năm ngài gặp hai nhóm khá đông người ở Vatican, một nhóm với khoảng 500 gia đình người du mục Ý, những người không có giấy tờ hợp lệ và chiều hôm đó ngài đến Đền thờ Thánh Gioan Latran để họp với các nhóm lãnh đạo mục vụ giáo phận Rôma kéo dài hơn 2 giờ trong đó ngài có bài nói chuyện dài 40 phút.

Đức Phanxicô không chậm nhịp làm việc và cũng không có dấu hiệu cho thấy ngài sẽ làm chậm lại. Trái lại có vẻ như thêm một lần nữa, ngài nhấn thêm ga và gia tăng sinh hoạt mục vụ của mình trong tư cách là Giám mục giáo phận Rôma.

Các chuyến đi nước ngoài: Sứ mạng hòa bình

Đức Phanxicô là con người của sứ mạng. Ngài mang hai sứ mạng: cho thế giới và cho Giáo hội. Một trong các phương cách chính để đạt được sứ mạng đầu tiên là đi đến những nơi giúp ngài gặp được nhiều người ngoài đàn chiên công giáo của mình.

Chuyến đi từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 5 tại Bulgari và Bắc Macedoina là chuyến đi thứ 29 của ngài ra nước ngoài trong vòng 6 năm. Hơn Đức Bênêđictô XVI 5 chuyến trong nhiệm kỳ 8 năm của ngài. Và Đức Gioan-Phaolô II cần hơn 7 năm mới có chừng đó chuyến đi, dù các chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II dài hơn các chuyến đi của Đức Phanxicô. Nhưng khi đó Đức Gioan-Phaolô II còn trẻ và là thể thao gia 58 tuổi khi ngài được bầu chọn năm 1978, trong khi Đức Phanxicô được bầu lúc 76 tuổi và ngài bị thấp khớp và đau xương hông khi ngài đảm nhận chức vụ giáo hoàng.

Đáng ngạc nhiên là chuyến đi này là chuyến thứ tư kể từ đầu năm 2019. Ba chuyến đi khác đã được lên lịch cho năm 2019: chuyến đi Rumani vào ngày 31 tháng 5 sắp tới và ba nước Phi châu   (Mozambique, Madagascar và Maurice) vào tháng 9 và chuyến đi Nhật vào tháng 11 năm nay.

Một chuyến đi Uganda dự trù vào tháng 7 để kỷ niệm 50 năm SECAM (Hội nghị chuyên đề của các hội đồng giám mục Phi châu và Madagascar) đã bị hủy bỏ vào tháng 2.

Nhưng vẫn có khả năng một chuyến đi khác được thêm vào năm 2019. Tháng 4, Đức Phanxicô cho biết ngài hy vọng cùng với Đức Tổng Giám mục Canterbury sẽ sớm đi Nam Xu-đăng.

Với 7 chuyến đi nước ngoài và có thể một chuyến đi thứ 8, năm 2019 sẽ là năm Đức Phanxicô bận nhất, dù mỗi năm ngài đều có các chuyến đi ra nước ngoài, năm 2016 ngài đi 6 chuyến. Đa số ngài đi các nước Nam bán cầu hoặc các nước ở ngoại vi. Ngài thường tránh các trung tâm quyền lực và những nơi giàu có của thế giới, chỉ trừ một vài ngoại lệ như chuyến đi nước Mỹ năm 2015.

Các chuyến đi của Đức Phanxicô ở Âu châu thường giới hạn ở các nước nghèo nhất, nhỏ nhất và bên lề nhất, nhưng cũng có các ngoại lệ, như chuyến đi đến Nghị viện Âu châu tại Pháp và chuyến đi Thụy Sĩ để họp Hội đồng Đại kết của các Giáo hội.

Ngài cũng tham dự các sự kiện công giáo thế giới ở các thành phố lớn của Âu châu, ở thủ đô Krakow Ngày Thế Giới Trẻ và ở thành phố Dublin, Ngày Đại hội Gia đình Thế giới.

Đặc biệt Đức Phanxicô đến những nơi người công giáo hoặc tín hữu kitô là thành phần thiểu số.

Đó là một phần trong chiến lược của ngài nhằm xây dựng hòa bình và lòng tin tưởng đặc biệt với tín hữu khi mà thế giới có các dấu hiệu nguy hiểm của cao trào bè phải, chủ nghĩa dân tộc và sự sợ hãi đối với những người khác biệt.

Sự chống đối trong môi trường Rôma

Nhưng sứ mạng chính yếu của Đức Phanxicô là hướng về Giáo hội. Đây là mục đích trọng tâm và đầy tham vọng: cải cách não trạng, đạo đức và thậm chí cải cách cả cấu trúc thể chế công giáo Rôma.

Kế hoạch chi tiết của sứ mạng này ở trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng của ngài năm 2013. Ngài đưa ra một tầm nhìn về một Giáo hội thay đổi tận căn để phù với sứ mạng đơn giản nhưng thách thức của Tin Mừng.

Đó là sự từ chối một loạt những gì không thiết yếu trải qua bao nhiêu thế kỷ, góp phần tạo ra một loại văn hóa và các cấu trúc thường ăn sâu trong quyền lực và trong vòng kiểm soát của hàng giáo sĩ hơn là theo gương và lời của Chúa Giêsu Kitô.

Tài liệu và tầm nhìn của Giáo hội đã không được dân Chúa đáp ứng rộng rãi. Những người được chịu chức – đặc biệt các linh mục và giám mục – là những người công giáo đã phê phán hoặc bác bỏ Tông huấn này nhiều nhất.

Các linh mục trẻ đặc biệt là một trong các thách thức lớn nhất của Đức Phanxicô. Họ không ở bên cạnh ngài. Hầu hết các linh mục dưới 50 tuổi đã được đào tạo theo một loại đạo đức giáo sĩ mà Đức Phanxicô muốn cố gắng xóa bỏ.

Dĩ nhiên cũng có các ngoại lệ. Nhưng đặc biệt những người ở chức linh mục trong thời giáo hoàng trước dường như đang là trở ngại quan trọng nhất cho các cố gắng của Đức Phanxicô để thay đổi não trạng của người công giáo toàn cầu.

Đức Phanxicô sẽ phong chức cho một số tân linh mục vào ngày chúa nhật “Chúa Chiên Nhân Lành” ở Đền thờ thánh Phêrô, đây cũng là dịp để ngài trực tiếp nói với các người lãnh đạo trong đời sống thánh hiến và với chính quyền trong Giáo hội.

Đức Phanxicô cũng đối diện với sự chống đối ở Vatican trong các cố gắng nhằm cải cách giáo triều La Mã.

Các cố gắng này sẽ được hoàn tựu trong một tài liệu đang được các giám mục, các bề trên dòng và các nhà thần học ngoài giáo triều xem xét lại và sẽ được công bố trong vài tuần hay vài tháng tới.

Một minh chứng cho sức mạnh của phe đối lập ở Rôma qua cách Đức Phanxicô và các cộng sự của ngài đã công bố “tự sắc” gần đây về các thủ tục trong việc tố cáo các vụ lạm dụng tình dục.

Bình thường trước khi công bố một tài liệu quan trọng, Văn phòng báo chí Tòa Thánh sẽ thông báo trước khoảng một tuần. Nhưng lần này, văn bản được công bố ngay.

Theo một số người, lý do là để giữ cho các lực lượng đáng gờm trong bộ máy quan liêu của Vatican không làm tổn hại đến việc phát hành tự sắc.

Công nghị để phong các tân hồng y

Cuối cùng, một biểu hiệu khác về ý thức cấp bách của triều giáo hoàng Đức Phanxicô là sự quan tâm của ngài về con số hồng y dưới 80 tuổi và có đủ điều kiện để bỏ phiếu ở mật nghị ở mức tối đa.

Có nhiều khả năng Đức Phanxicô sẽ tổ chức một công nghị vào ngày 28 tháng 6, một ngày trước ngày lễ Thánh Phêrô và Phaolô, bổn mạng thành phố Rôma. Nếu ngài muốn giữ con số hồng y cử tri là 120 theo như Đức Phaolô VI thì Đức Phanxicô cần thêm 6 hồng y để thay thế các hồng y lớn tuổi sẽ đến tuổi hết quy định  trong vài tháng tới.

Nhưng ngài cũng có thể thêm vào số ấn định này hoặc ấn định một con số hoàn toàn mới. Có thể ngài sẽ có một tài liệu chính thức để cập nhật các thủ tục bầu giáo hoàng hiện nay, một văn bản bao gồm các thủ tục chính xác trong trường hợp có sự từ chức của Giám mục giáo phận Rôma.

Nếu Đức Phanxicô phong thêm 6 tân hồng y thì ngài đã phong 62 hay 63 hồng y cử tri. Trong số họ, một vài hồng y như hồng y Gerhard Müller, không thể xem là “giám mục của Đức Phanxicô” hoặc là những người sẽ bầu giáo hoàng tiếp tục có tầm nhìn của Đức Phanxicô. Tuy nhiên cũng có các hồng y của thời Đức Gioan-Phaolô II hay Đức Bênêđictô XVI rất ủng hộ Đức Phanxicô. Trong số này có các hồng y Luis Tagle, Reinhard Marx, Oscar Rodriguez Maradiaga SDB và Christoph Schönborn OP, đó là chỉ nêu ra một vài hồng y.

Nếu có công nghị vào cuối tháng 6 thì Đức Phanxicô sẽ loan báo trong khoảng hai tuần tới. Tên và số tân hồng y ngài chọn sẽ còn nói lên ý nghĩa cấp bách của Đức Phanxicô trong việc cải cách Giáo hội.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch