Sống trong lòng nhân từ của Thiên Chúa

404

Sống trong lòng nhân từ của Thiên Chúa 

Trích sách Tập sống vượt lên nỗi sợ, Forgotten among the Lilies, Learning to Love Beyond Our Fears, Ronald Rolheiser 

Mấy năm vừa qua, cả trong công việc giảng dạy và viết lách, tôi thường bị thách đố bởi những người cảm thấy tôi nhân nhượng trên các sứ điệp Ki-tô giáo. Có nhiều kiểu phê bình khác nhau, nhưng chung chung là:

“Cha đơn giản hóa quá!” Cha nói như lên thiên đàng dễ lắm. Cha nói như không có hỏa ngục, hay, ít nhất, chẳng có ai ở đó. Có phải Kinh Thánh chẳng nói là con đường dẫn đến sự sống thì hẹp – và ít người tìm thấy con đường đó? Liệu cha có đang làm cho mọi người lạc lối khi cha cho họ ấn tượng hầu hết mọi người sẽ lên thiên đàng?”

Tôi đã trích dẫn nhiều lần cách nhìn của một vài nhà thần bí, họ thấy các linh hồn xuống hỏa ngục như những bông tuyết.

Làm cách nào giải thích hết tất cả chuyện này? Có đúng là chỉ một thiểu số được cứu thoát còn đa số sẽ xuống hỏa ngục không?

Có đúng là có một nơi chốn nào đó, có một quyển sổ, một luật nhân quả, để ghi lại và tính toán tội lỗi của mọi người?

Dưới sự lo sợ về cách nói lên thiên đàng quá dễ là ẩn náu một bản năng lành mạnh. Như Đức Giê-su, bản năng này xác quyết những chọn lựa của chúng ta trong cuộc đời này là nghiêm túc; rằng tội lỗi là hệ trọng và có thật; rằng con đường đến với sự sống, cuộc đời ở đây và bây giờ, là không dễ tìm thấy được (chúng ta có thể kiểm chứng qua kinh nghiệm – ai là người thật sự hạnh phúc?). Chúng ta có thể đánh mất thiên đàng. Hỏa ngục là một chọn lựa có thật.

Nhưng chuyện ít lành mạnh trong khẳng định này về con đường hẹp, chuyện quan trọng phải rao giảng các nguy cơ của hỏa ngục là cái nhìn cho rằng Chúa ủng hộ chuyện này. Rốt cùng, bất cứ cái nhìn nào thấy các linh hồn đi vào hỏa ngục như bông tuyết thì đó không phải là cái nhìn nghiêm túc về Thiên Chúa mà Đức Giê-su đề cập đến.

Để khẳng định rằng đa số những người lạc lối trên con đường vĩnh cửu, là những người từ chối tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa, quyền lực của tình yêu tối thượng này cứu chuộc tội lỗi và các tổn thương.

Ngắn gọn, tình yêu của Thiên Chúa mà Đức Giê-su gọi là Cha, Đấng cũng là Cha của chúng ta, sẽ không chịu đựng được tình cảnh hàng triệu triệu người sẽ xuống hỏa ngục đời đời như bông tuyết, trong khi chỉ một số ít tìm được lối đi hẹp. Một Thiên Chúa này sẽ phải nhập thể lại, đó là chưa kể phải tạo dựng lại.

Việc Đức Ki-tô đến để cứu chuộc chúng ta không phải là câu chuyện của một vở kịch thần bí nào đó mà Thiên Chúa nghĩ là cần thiết phải diễn để hòa giải mối bất hòa nào đó do tổ tiên chúng ta gây ra. Không. Tâm điểm nhập thể nằm ở sự mạc khải của quả tim Thiên Chúa, một quả tim của tình yêu vô bờ bến, đã hy sinh để cứu chuộc tội lỗi cho hầu hết, có thể là cho tất cả mọi người.

Điều này có nghĩa là gì?

Trước hết điều đó có nghĩa Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện và không có gì chúng ta làm, kể cả tội, lại có thể thay đổi tình thương này dù chỉ một giây. Thiên Chúa ở với chúng ta, yêu thương chúng ta, ngay cả khi chúng ta gián trá hư hỏng. Chúng ta có thể xuống hỏa ngục và, dù phải ở đó, Thiên Chúa cũng không ngừng yêu thương chúng ta. Đó thật sự là ý nghĩa của cụm từ “Người đã xuống hỏa ngục.” Chúng ta được yêu thương vô điều kiện và mãi mãi, ngay cả khi chúng ta mang tội.

Vì thế chúng ta sống dưới luật của lòng nhân, chứ không phải luật công bình. Không có một quyển sổ, lề luật nào, để ghi lại và trừng phạt tội lỗi con người. Tội lỗi không nhất thiết được xóa bỏ, cũng không cần thiết phải được chuộc lại, bởi con người. Tội lỗi có thể được tha thứ, được gột sạch một cách tự nhiên, không kèm theo bất cứ trừng phạt nào, vì đã có hiến tế của Đức Ki-tô.

Thật kỳ thú khi chúng ta thấy trong số các tôn giáo lớn trên thế giới chỉ có Ki-tô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo không tin vào luân hồi. Tại sao? Bởi vì tất cả đều tin vào cùng một Chúa, một Chúa không đòi hỏi đền đáp nhưng có thể làm cho mọi chuyện trong sạch nhờ một vòng ôm. Không nhất thiết phải tái sinh mãi cho đến khi được xứng đáng.

Chúng ta được yêu thương vô điều kiện và mãi mãi. Sự cứu chuộc, lên thiên đàng, không gì khác hơn là chấp nhận điều này.

Dĩ nhiên chúng ta có thể cự lại nó, và trên đời này chúng ta thường hay cự nó. Điều đó giải thích lý do vì sao ở đây, ngay trong cuộc sống này, hầu hết chúng ta chưa tìm được con đường dẫn đến sự sống. Ít người trong chúng ta thật sự hạnh phúc, thật sự được cứu chuộc bằng tình yêu.

Thật dễ để xuống hỏa ngục trong cuộc đời này. Tuy nhiên lại không dễ để ở đó mãi mãi. Tại sao? Vì ở đây, trong cuộc đời này, thường thường không ai có thể đi vào hỏa ngục của chính mình – với những tổn thương, bất hòa, tội lỗi, cuồng hoảng, hoang tưởng, và sợ hãi – và hít thở ở đó một tình yêu vô điều kiện, được thấu hiểu và chấp nhận. Vì thế trong đời này chúng ta thường sống trong hỏa ngục, khốn khổ, cay chua để khỏi bị châm chích, phạm tội để bù lại cho việc sống ngoài tình yêu.

Tuy nhiên, tình yêu của Thiên Chúa có thể làm được, như chúng ta thấy trong cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, Chúa xuống hỏa ngục, ôm lấy và mang bình an đến cho những quả tim đang bị giày vò và cuồng hoảng.

Các lựa chọn đạo đức của chúng ta trong cuộc đời này là khẩn thiết. Chúng ta có thể có những chọn lựa, nhưng thường thường, chúng ta khó chấp nhận một tình yêu vô điều kiện. Ngoài ra còn có nguy cơ của việc phạm tội một cách không chân thật, của việc biện minh và tự làm mình thiên lệch khiến cho một hỏa ngục vĩnh viễn trở thành một khả thể thật sự.

Song điều này tôi cho là hiếm. Ít ai cự được trước một tình yêu vô điều kiện. Đó là lý do hầu hết mọi người đều vào được thiên đàng.

Nói điều đó, tôi không nhân nhượng trên các sứ điệp Ki-tô giáo. Tôi tin rằng, tôi đang khẳng định một chân lý cao cả nhất.

Xin đọc: Thập giá là tình yêu không điều kiện của Thiên Chúa

Tình yêu xuyên qua các cánh cửa đóng kín