Charles Scicluna, người không thể mua chuộc của giáo hoàng 

267

Charles Scicluna, người không thể mua chuộc của giáo hoàng  

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2019-05-02

© Stefano Spaziani

Tổng Giám mục giáo phận Malta điều tra về các tội ác tình dục phạm trong Giáo hội và đấu tranh chống lại sự im lặng và phủ nhận. Cái gì làm cho ngài còn hy vọng?

“Chuyên gia về các tội ác tình dục, người được tôn trọng nhất Giáo hội”, “siêu điều tra viên của Tòa Thánh”, “Eliot Ness của Vatican”… Báo chí quốc tế không thiếu lời khen ngài. Phải nói Tổng Giám mục giáo phận Malta, Đồng Tổng Thư Ký Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) Charles Scicluna là người của các nhiệm vụ bất khả thi, người được gởi đến điều tra các vụ khó nhất của Giáo hội: Marcial Maciel và Binh đoàn Chúa Kitô, các vụ lạm dụng tình dục ở Chi-lê. Một trong các cột trụ chính của mọi suy tư và cải cách hiện nay về vấn đề này. Ngài ở gần ba giáo hoàng gần đây và các điều tra của ngài được tiếng là chính xác và nghiêm túc, tất cả đều được dùng để học hỏi trong thể chế. 

Những năm gần đây, ngài trở thành khuôn mặt uy tín về các chủ đề này trong Giáo hội công giáo. Một gương mặt với đôi mắt lấp lánh qua đôi kiếng tròn, đôi khi ánh lên một cái nhìn sâu đậm, nghiêm túc và chuyển qua gần như đen tối. Týp người với lời nói không tiết kiệm, không hời hợt, có sức nặng mà những người có cơ hội làm việc với ngài mô tả, người không nói hàng hai. Giám mục Mario Grech, giáo phận Gozo, cựu chủ tịch hội đồng giám mục Malta, người biết ngài từ khi còn ở chủng viện, và xem ngài như người đỡ đầu, người bạn cho biết: “Đây là người làm việc chăm chỉ, vui tính, uyên bác, thẳng thắn, tài năng, rất mộ đạo, khiêm tốn, hay giúp đỡ, tôn trọng, có tinh thần hợp tác và đoàn kết. Ngài có một tinh thần trong sáng và xuất sắc, một quả tim nồng hậu và đôi mắt nói lên lời. Nhưng trước hết ngài là con người của cầu nguyện”. Tóm lại, ngài có một sức mạnh thầm lặng.

Ngài có một tinh thần trong sáng và xuất sắc, một quả tim nồng hậu và đôi mắt nói lên lời. Nhưng trước hết ngài là con người của cầu nguyện

Một vài ngày sau buổi họp thượng đỉnh của các chủ tịch hội đồng giám mục trên thế giới để bảo vệ trẻ vị thành niên ở Vatican tháng 2 vừa qua, ngài cho chúng tôi cuộc hẹn ở Dinh Tòa Thánh. Tòa nhà to lớn được xây vào thế kỷ 16, ngày xưa là trụ sở các nhà tù Vatican và Tòa án dị giáo, bây giờ là trụ sở của Bộ Giáo lý Đức tin, tòa án của các vụ liên quan đến việc bảo vệ đức tin, đạo đức và phẩm giá các bí tích – nhất là các vụ giải hòa và bí tích Thánh Thể, mà trong đó có các tội nghiêm trọng nhất. Một cuộc hẹn rất hiếm vì ngài ít gặp các ký giả, chỉ sẵn sàng trả lời các câu hỏi trực tiếp nhất của họ, công việc làm của ngài không có thì giờ để ngài gặp họ.

Sau khi băng qua một sân rất rộng toàn bằng cột và đá, chúng tôi gặp ngài ở văn phòng Bộ Giáo lý Đức tin, ngài vừa được Đức Phanxicô đề cử làm Đồng Tổng Thư Ký vào tháng 11 năm 2018. Ngài mặc áo tu sĩ đen, với nụ cười trên môi ngài đón chúng tôi ở phòng chờ, nơi có thể nhìn thấy vòm của Đền thờ Thánh Phêrô. 

Tức giận, thất vọng, tức tối của các nạn nhân

Không chờ đợi, chúng tôi hỏi ngài câu hỏi nóng bỏng trên đầu môi: ngài là người mà tai đã nghe những chuyện không nói ra được, làm sao ngài còn có thể hy vọng? Ngài nói ngay, khi tôi gặp các nạn nhân, tôi đứng trước cơn giận, thất vọng, tức tối, tôi nghe tiếng của Chúa Giêsu trên thập giá: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha bỏ con?” Họ cũng cảm thấy mình bị bỏ rơi. Họ cũng đã xuống vực thẳm của ruồng bỏ, của cô đơn, của nỗi sợ tuyệt vọng và họ cần chạm đến sự chữa lành của Chúa Giêsu…”.  Ngài triển khai thêm bằng lời suy niệm của hồng y Phi Luật Tân Luis Antonio Tagle trong lời nói đầu gần đây tại cuộc họp thượng đỉnh về các vụ lạm dụng: “Chúa Kitô đã không xấu hổ về các vết thương của mình, ngày đầu tiên sau khi sống lại, Ngài cho các tông đồ thấy vết thương của mình, sau đó là ông Tôma. Chúng ta phải ở trong cùng tiến trình hành hương chữa lành, không núp trong phủ nhận hay thinh lặng xấu hổ trên các vết thương của Chúa Giêsu nơi những người đang đau khổ hiện nay, nhưng phải đối diện với các vết thương của anh chị em chúng ta: chúng ta sẽ gặp các vết thương của Đấng Sống Lại ở đó”. Xác tín này ngài lặp đi lặp lại trong suốt cuộc phỏng vấn với chúng tôi. Nó là vừa nguyên tắc thần học về cam kết của ngài cho một văn hóa minh bạch, vừa là nguồn mang đến cho ngài sức mạnh để chu toàn sứ mạng của mình, với tất cả những gì liên quan đến việc đương đầu với Sự Dữ.

Nhưng sức mạnh cá tính và tinh thần của ngài cũng bắt nguồn từ một tuổi thơ ấu hạnh phúc ở thành phố Qormi, một thị trấn có 17 000 người dân ở tây-nam vùng Valette, trên đảo Malta, nơi ngài sống tuổi thơ và tuổi vị thành niên của mình. Gần gũi với gia đình, ngài rất vui khi nhắc đến thời gian sống trong gia đình: “Hai chị và em trai tôi lập gia đình, mỗi người có hai người con. Chúng tôi là một gia đình thuận hòa. Cha tôi mất năm 2015 sau khi tôi được đề cử làm Tổng Giám mục và mẹ tôi còn sống. Ở Malta, tôi sống trong căn nhà của gia đình.” Ngài vừa cười vừa nói thêm: “Tôi thích ở đó với con chó Chappy giống yorkshire của tôi”. Từ tuổi thơ ấu, ngài giữ kinh nghiệm với thân phụ ngài, ngài thích đến xưởng làm việc của ông: “Một trong các kinh nghiệm thời tuổi trẻ của tôi là ở xưởng gỗ với cha tôi… Cha rất thông minh và có năng khiếu trong công việc này. Qua năm tháng, ông thuê thêm nhân viên và thành lập một xưởng nhỏ! Nhưng cuối cùng cha tôi làm việc ít hơn. Tất cả bàn ghế trong nhà của chúng tôi là do cha tôi đóng”. Như Chúa Giêsu và Thánh Giuse chăng? Cha cười trả lời: “Quý vị có thể nói như vậy!” 

Một ơn gọi dần dần chín muồi

Chính ở vũ trụ được bảo bọc này, trên hòn đảo có hơn 90% dân số là người công giáo giữ đạo mà ơn gọi dần dần được nảy sinh trong cuộc sống của ngài. “Chúng tôi may mắn có được các linh mục thánh thiện ở giáo xứ Qormi nơi tôi lớn lên. Tôi mong được giống như các linh mục này. Khi đến tuổi vị thành niên, tôi để giấc mơ này ấp ủ trong lòng, tôi còn giấc mơ khác, tôi muốn làm luật sư, muốn lập gia đình…” Nhưng khi tôi học luật ở Đại học Malta – ngài tốt nghiệp ngành luật ở đây -, ơn gọi nắm lấy tôi khi một ngày nọ có người cho tôi một quyển sách Tân Ước nhỏ. “Tôi cũng bắt đầu làm các việc tông đồ trong hội Đạo Binh Đức Mẹ (hội của giáo dân làm thiện nguyện trong Giáo hội, do một thành viên của Dòng Thánh Vinh Sơn Phaolô thành lập), từ đó tôi tiếp xúc với các người trẻ và các gia đình gặp khó khăn… Chúng tôi còn làm sứ vụ xã hội ở ngoài Malta như ở đảo Sicile ở Ý. Tất cả những chuyện này làm cho ơn gọi của tôi được chín dần, chậm nhưng chắc chắn”.

2002, năm then chốt

Năm 27 tuổi ngài chịu chức và được giám mục giáo phận gởi đi Rôma học giáo luật ở Đại học Gregorian, một trong các đại học lớn của các học viện giáo hoàng. Ngài bảo vệ luận án về hôn nhân công giáo rồi trở về lại Malta. Trong thời gian học ở Rôma, các đức tính của ngài được chú ý và bốn năm sau ngài được đưa về làm công tố viên tại Tối cao Pháp viện Tông tòa, cơ quan pháp lý cao nhất của Tòa Thánh. Đó là giai đoạn đầu tiên ngài làm ở giáo triều. 

Bước ngoặt đầu tiên là vào năm 2002, khi Bộ Giáo lý Đức tin cũng nhờ ngài làm công tố viên cho Bộ. Ngài vào đây ở thời điểm then chốt, mười tháng sau vụ điều tra của báo Boston Globe Mỹ đưa ra các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên của các linh mục thuộc bang Massachusetts, nước Mỹ và đặt nghi vấn Tổng Giám mục Law đã bao che các vụ này. Tháng 4 năm 2002, Đức Gioan-Phaolô II triệu tập 11 giám mục Mỹ về Vatican. Vào tháng 6 năm đó, Giáo hội công giáo Mỹ công bố một điều lệ để bảo vệ trẻ em và người trẻ gọi là “Hiến chương Dallas” (Charte de Dallas), ngoài các biện pháp bảo vệ trẻ vị thành niên còn xin các giáo phận kiểm kê và xử lý tất cả các trường hợp, bằng cách tham khảo với Bộ Giáo lý Đức tin.

Các nhóm, nhất là nhóm nhỏ các giáo luật gia làm việc trong phân bộ kỷ luật phải đối diện với làn sóng các hồ sơ dồn dập gởi về. Ngài nhớ lại: “Trong 7 năm tôi làm việc tại Tối cao Pháp viện Tông tòa, tôi đối diện với các trường hợp lạm dụng tình dục trên trẻ em mà các hồ sơ gởi về cho chúng tôi. Nhưng nhiệm vụ của tôi ở Bộ Giáo lý Đức tin là công tố viên nên hàng ngày tôi đã phải đọc các câu chuyện khủng khiếp này.” Mỗi thứ sáu hàng tuần có cuộc họp nhân viên điều hành của Bộ với sự hiện diện của bộ trưởng – lúc đó là hồng y Joseph Ratzinger, giáo hoàng Bênêđictô tương lai, của tổng trưởng, của thứ trưởng, của công tố viên. Các trường hợp được trình bày ra để xin ý kiến và hồng y bộ trưởng quyết định. Tổng Giám mục Charles Scicluna nhớ lại: “Hồng y Ratzinger gọi cuộc họp này là ngày thứ sáu đền tội, ngài rất sốc với các câu chuyện này… Đó là một thách thức về mặt lý tưởng của chức thánh mà chúng tôi rất trân trọng. Trong công việc khó khăn nhưng cần thiết này, điều làm cho chúng tôi đứng vững là chúng tôi cố gắng mang lại công lý cho những đang gào thét xin công lý.”

Cuộc điều tra về Marcial Maciel

Chẳng màng đến tăm tiếng riêng, ngài nhấn mạnh đến công việc của tập thể: “Nhân viên của Bộ Giáo lý Đức tin làm công việc này mỗi ngày, một công việc khó khăn và tôi kính trọng những người quảng đại đã nhiều năm làm việc này, họ cống hiến hết sức lực mình: đó là con đường thánh giá của họ.” Ngay lập tức ngài nói thêm và lặp lại từng chữ: “Nhưng điều này không là gì so với con đường thánh giá của các nạn nhân. Đó là những người đau khổ nhất và chúng ta không thể quên các đau khổ này: đó là đau khổ của Chúa Giêsu ngày nay.” Về hồng y Ratzinger, giám mục Scicluna giữ một kỷ niệm cảm động và thán phục: “Là một đặc ân lớn được làm việc với ngài vì tinh thần lãnh đạo của ngài đã tạo được sự tin tưởng nơi những người cùng làm việc với ngài. Ngài không phải là giáo luật gia, ngài là thần học gia cao cả, vì thế ngài cần các chuyên gia về giáo luật nên chúng tôi được đặc ân góp phần trong lãnh vực này, giúp Bộ xử lý nhiều trường hợp cũng như cộng tác với các giáo phận ở cấp bậc địa phương.” Cũng thời đó cha Scicluna thường hay đi đào tạo cho các nhà giáo luật ở Mỹ, ngài có hai buổi hội thảo ở Washington năm 2003. Từ đó ngài bắt đầu một loạt đi nước ngoài về tiến trình theo dõi và cách giải quyết các trường hợp.

Nhưng điều này không là gì so với con đường thánh giá của các nạn nhân. Đó là những người đau khổ nhất và chúng ta không thể quên các đau khổ này: đó là đau khổ của Chúa Giêsu ngày nay

Sau đó ngài được giao nhiệm vụ điều tra vụ Marcial Maciel, người sáng lập Binh đoàn Chúa Kitô. Bước ngoặt lớn thứ nhì của ngài ở giáo triều. Tháng 12 năm 2004, vào cuối triều Đức Gioan-Phaolô II, hồng y Joseph Ratzinger quyết định mở cuộc điều tra vụ Maciel. Và chính lúc đó toàn thế giới khóc Đức Gioan-Phaolô II vào dịp Phục Sinh năm 2005, khi đó cha Scicluna đang ở Mêhicô để thu thập tài liệu. Ngài nhớ lại: “Khi đó tôi ở trong một nhà dòng, tôi gặp các nạn nhân. Ở Mêhicô, tôi theo dõi tang lễ của Đức Gioan-Phaolô II trên truyền hình và bị chệch múi giờ.” Ngài không bao giờ đề cập đến chi tiết các hồ sơ nhưng nội dung của ngài nghe thì đã công chúng biết đến. Những người được ngài mời đến làm chứng đều kể cùng một cảnh kinh hoàng họ đã sống trong những năm 1940 và 1950. Lấy lý do là đau gan, Marcial Maciel kêu một em chủng sinh nhỏ vào phòng và bắt em phải thủ dâm cho ông, giải thích rằng như thế ông sẽ bớt đau và trấn an em bé là đã “được phép đặc biệt của giáo hoàng”. Sau đó ông Maciel bắt em chủng sinh thề giữ bí mật, còn đồi trụy đến mức làm phép giải cho các em bé trai nào cảm thấy mình phạm tội.

Không khoan dung và chủ trương nói ra

Cuộc điều tra này khó khăn nhưng lúc đó ngài chưa biết đó không phải là cuộc điều tra cuối cùng. Tháng 1 năm 2018, sau chuyến đi Chi-lê đầy biến động, Đức Phanxicô quyết định đưa ra ánh sáng các vụ lạm dụng trong Giáo hội Chi-lê và ngài đã nhờ đến giám mục Scicluna. Và câu chuyện tiếp theo như chúng ta đã biết: sau khi đọc bản báo cáo dài 2300 trang, kết quả của một cuộc điều tra tỉ mỉ được tiến hành ngay cả khi ngài phải mổ cắt bỏ túi mật khẩn cấp, Đức Phanxicô đã công nhận các lỗi lầm nghiêm trọng trong lần nhận định tình hình đầu tiên và ngài đã xin lỗi các nạn nhân. Ngài đã triệu tập tất cả giám mục Chi-lê về Rôma. Các giám mục Chi-lê đã đồng loạt từ chức và Đức Phanxicô đã chấp nhận một số. Trong tiến trình này, Đức Phanxicô đã viết Bức thư gởi dân Chúa, nói rằng vấn đề không liên quan đến các trường hợp lạm dụng riêng lẻ, nhưng kết quả của cả một hệ thống cho phép luật cấm nói.

Một chân ở Malta và chân kia ở Rôma – tháng 2 năm 2015, Đức Phanxicô đề cử ngài làm Tổng Giám mục giáo phận Malta và chủ tịch nhóm phụ trách nghiên cứu các thủ tục kháng cáo lên Bộ Giáo lý Đức tin vào tháng 1 cùng năm, trước khi đề cử ngài làm Đồng Tổng Thư Ký – giám mục Charles Scicluna vừa chủ trương “không khoan nhượng” của Đức Bênêđictô XVI vừa theo cải cách do Đức Phanxicô đề ra. Gần đây ngài làm việc để có một bản kiểm kê toàn thế giới các vụ lạm dụng tình dục vi phạm trong Giáo hội được công bố, một công việc đang được tiến hành. Trong giáo phận của ngài, ngài thành lập một hội đồng bảo vệ trẻ vị thành niên, và ngài giao phó việc này cho các giáo dân – nhất là các phụ nữ – cho các chuyên gia trong ngành tâm lý, luật pháp, bảo trợ xã hội hoặc các chuyên gia về điều tra. Ủy ban này có trách nhiệm nhận các báo cáo lạm dụng, nhưng cũng lo việc điều tra và tư vấn cho các vị có trách nhiệm trong Giáo hội.

Các nạn nhân, chính họ là nhiệm thể Chúa Kitô đã bị nhiễm độc bởi bạo hành và các lạm dụng của những người đáng lý là mục tử nhưng lại là chó sói.

Không mệt mỏi, ngài chủ trương phải nói ra. Một vài ngày trước buổi họp thưởng đỉnh các chủ tịch hội đồng giám mục thế giới vào tháng 2 tại Vatican, ngài cử hành thánh lễ trước sự hiện diện của các ký giả tường trình sự kiện này ở nhà nguyện Dinh Tòa Thánh. Đàng sau bàn thờ là một bức tranh rất lớn về phép lạ của Thánh Piô V, giáo hoàng cải cách của công đồng Trente, trong cuộc chiến chống sự hoang phí của triều đình giáo hoàng và trong việc thanh tẩy tác phong đồi trụy của hàng giáo sĩ, lịch sử kể các kẻ thù của ngài dự định đầu độc ngài bằng cách tẩm thuốc độc vào cây thánh giá ngài có thói quen hôn sau khi đọc lời nguyện. Đức Piô V cũng là người xây dựng cung điện này. Vào ngày âm mưu ám sát, Đức Piô V được cứu bởi một hành động của Chúa Kitô trên Thập giá, Chúa giơ chân lên để tránh cái hôn có thể chết người… Giám mục Scicluna đã giảng trong thánh lễ: “Chúng tôi khi nghe các câu chuyện kể và khi đối diện với các tội ác trầm trọng, chúng tôi cũng bị đầu độc trong đức tin của mình, trong hy vọng vào nhân loại của chúng tôi, bức tranh của giáo hoàng cải cách ở nền sau. Khi chúng tôi nói “chúng tôi”, tôi không chỉ nói đến những người trong ngành tư pháp, nhưng cả những người ở trong Giáo hội, ở trong Quốc gia, kể cả các ký giả, các nhà trị liệu… và cả các nạn nhân. Các nạn nhân, chính họ là nhiệm thể Chúa Kitô đã bị nhiễm độc bởi bạo hành và các lạm dụng của những người đáng lý là mục tử nhưng lại là chó sói.

Một tâm hồn mạnh mẽ

Vào cuối cuộc phỏng vấn, chúng tôi hỏi ngài ở đâu và làm sao với một người làm việc bù đầu bù óc như thế này có thì giờ để thở. Và nếu định mệnh của ngài là sứ mạng nghiêm trọng như vậy thì đôi khi các cánh cửa sổ cũng mở ra cho một thời gian thư giãn nhẹ nhàng. Ánh nhìn của ngài hướng về chân trời xa xăm. Ngài trả lời: “Đó là cái đẹp. Cái đẹp cứu và chữa lành. Tôi rất thích nhạc kịch opera, thích các bài hát hay, Don Giovanni của Mozart, Rigoletto của Verdi… Don Giovanni bi thảm nhưng hay tuyệt vời. Trong những chuyến đi của tôi, tôi luôn đi thăm các phòng triển lãm nghệ thuật, đi dự các buổi hòa nhạc. Nghệ thuật và âm nhạc có kết quả trị liệu phi thường. Vở opera yêu thích của ngài? Ngài cười: “Một câu hỏi khó! Một trong các vở opera tôi thích là vở Norma của Bellini. Bellini ở vùng Catania, đảo Sicile gần nơi tôi ở.” Và còn thiên nhiên. “Đi dạo ngoài trời cho tôi thấy thiên nhiên là một ơn của Chúa. Tôi cũng thích nhìn biển.”

Chuông Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma báo hiệu hết giờ phỏng vấn. Giám mục Charles Scicluna trở về với công việc. Nếu cuộc cải cách Giáo hội cần đến các tâm hồn mạnh, sẵn sàng loan báo sự thật cũng như đối diện với sự thật, thì chúng tôi ra về với niềm xác tín đã gặp một trong các người có tâm hồn mạnh mẽ này.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Phỏng vấn Giám mục Charles Scicluna về sự nghiêm nhặt của Giáo hội trước vấn nạn ấu dâm 

Đức Giám mục Charles Scicluna, người không thể mua chuộc được của các giáo hoàng