Thánh giá ở Nhà thờ Đức Bà được làm để cự với lửa
fr.aleteia.org, Marzena Devoud, 2019-04-18
Theo ông Marc Couturier, điêu khắc gia đã thực hiện cây thánh giá ở Nhà thờ Đức Bà thì “cây thánh giá được làm theo tiêu chuẩn phải làm để cự với lửa”.
Cây thánh giá còn nguyên là dấu hiệu của hy vọng. Đứng vững giữa đống đổ nát, sáng rực một cách lạ lùng… Một ngày sau vụ cháy, thế giới mới biết đến Thánh giá Vinh quang ở cung thánh Nhà thờ Đức Bà Paris. Bức hình đã được chia sẻ hàng triệu lần. Như dấu hiệu của Hy vọng vẫn còn nguyên bất chấp sự tàn phá của ngọn lửa. Nhà điêu khắc Couturier nói với báo Aleteia: “Nghệ thuật đã sống sót với lửa”.
Thánh giá và Vinh quang của nhà điêu khắc Marc Couturier được dựng lên ở cuối cung thánh, đàng sau bàn thờ chính và bức tượng La Pietà, tác phẩm vĩ đại của Nicolas Coustou có từ năm 1723. Cây thánh giá được đóng khung một cách hài hòa với cái vòm. Các thiên thần đứng canh mỗi bên, gần bên cạnh là hai tượng các vua quỳ xuống, bên trái là tượng vua Lu-i, tác phẩm của Coysevox, bên mặt là tượng vua Lu-i, tác phẩm của Guillaume Coustou, cả hai có từ năm 1715.
Cây thánh giá Vinh quang được nhà điêu khắc Marc Couturier tạc năm 1994 đã thoát được ngọn lửa một cách kỳ diệu. Ngày hôm sau vụ cháy, các tín hữu hay không tín hữu, các cư dân mạng đã chấn động, họ rất ấn tượng trước hình ảnh cây thánh giá vàng vẫn còn nguyên đứng vững trên các mảnh vụn còn bốc khói…
“Đức tin vượt lên các hòn đá”
Vô số phản hồi nói lên biểu tượng của cây thánh giá vẫn còn chiếu sáng giữa cung thánh bị phá hủy và không còn hình dạng: “Đức tin vượt lên các hòn đá”, “Thánh giá tỏa sáng trong hỗn loạn”, “Một dấu chỉ mạnh cho đức tin của chúng ta”, “Trong thử thách, Chúa Kitô chiến thắng”… Cũng có rất nhiều người chia sẻ bức hình nhưng họ không để lại một lời bình nào, vì như Linh mục Grosjean viết trên trang Twitter của cha: “Bức hình này đáng giá hơn tất cả các bài giảng”.
“Cây thánh giá được làm theo tiêu chuẩn phải làm để cự với lửa”
Với một số người am hiểu thì cây thánh giá này sẽ là một trong các tác phẩm thành công nhất của nghệ thuật thiêng liêng đương đại. Được phủ bằng vàng lá và được làm bằng gỗ chịu nhiệt, tác giả là nhà điêu khắc Marc Couturier.
Trang Aleteia liên lạc với ông, ông rất vui khi thấy cây thánh giá đã cự được với sức mạnh tàn phá ghê gớm của ngọn lửa. Ông nhấn mạnh: “Cây đàn ống vĩ đại, các tác phẩm điêu khắc, các cửa sổ kính màu là sự hợp nhất ánh sáng và màu sắc. Nghệ thuật đã sống sót với lửa. Tôi không quá lo lắng vì tôi biết cấu trúc sẽ bảo vệ cây thánh giá. Vì các trụ tạo nên một dàn bảo vệ rất vững chắc, cũng như chấn song nhà thờ. Dĩ nhiên nếu cung thánh sập thì sẽ khó khăn rất nhiều. Cuối cùng, cây thánh giá được làm theo tiêu chuẩn phải làm để cự với lửa. Cự với lửa và được ghi vào lịch sử.” Tuy nhiên nhà nghệ sĩ đã không tưởng tượng là cây thánh giá chiếu sáng đến mức như vậy: “Thật là huyền bí, thật là lạ lùng! Vì cây thánh giá không được bật sáng… thứ ánh sáng này phát ra từ cây thánh giá, thật đáng kinh ngạc… Cây thánh giá hoàn thành nhiệm vụ của mình: tỏa sáng trong đêm tối và trong hỗn loạn”.
Với những người trẻ hơn thì cây thánh giá này dường như đã ở đây từ nhiều thập kỷ. Nhưng nó chỉ mới được dựng lên gần đây và đó là do quyết tâm của hồng y Lustiger, cựu Tổng Giám mục giáo phận Paris. Vào thế kỷ 19, trong thời ông Viollet-le-Duc điều khiển việc sửa chữa thì cây thánh giá đã không còn ở trong cung thánh Nhà thờ Đức Bà. Ông Couturier cho biết: “Đức Hồng y Lustiger đã chiến đấu để đặt cây thánh giá lại và ngài muốn một tác phẩm đương đại.” Ông Couturier, nhà điêu khắc và là nghệ sĩ tạo hình được chọn trong bốn ứng viên do giáo phận Paris cùng hợp tác với Ủy ban công trình công cộng của nhà nước tổ chức tuyển chọn. Ông cho biết: “Cũng không phải dễ để Hồng y Lustiger đưa ra cuộc thi, ngài bị chống đối mạnh. Không ai muốn có cây thánh giá đương đại. Và bây giờ khi tôi nhìn cây thánh giá sáng ngời, tôi nghĩ nhiều đến ngài, đến quyết tâm của ngài. Cây thánh giá này cũng là tác phẩm của ngài”.
Ông Marc Couturier thổ lộ với trang Aleteia: “Nhà thờ Đức Bà Paris ư? Tôi đã sống ở đó một thời gian vào ban đêm. Đức Mẹ gắn với rất nhiều sự kiện huyền bí. Và đó như một cái gì tự nhiên ở Mẹ… Chúng tôi đã ở đó hàng giờ để dựng cấu trúc cho tác phẩm. Phải có các bản mẫu với kích thước thật mà chúng tôi chỉ có thể thực hiện ban đêm khi không còn du khách. Đôi khi nhạc sĩ đàn organ đến lúc 2 giờ sáng để đánh đàn với một âm thanh hùng tráng… Thật là huyền bí”.
Marta An Nguyễn dịch
Xin đọc thêm: Hàng trăm người cầu nguyện ở Quảng trường Thánh Micae
“Cứu hay chết”: Các anh hùng của Nhà thờ Đức Bà
Fabrice Luchini: “Chúng ta gần như có thể nghĩ về một dấu hiệu”
Hình ảnh bên trong Nhà thờ Đức Bà