Việc huy động đóng góp cho Nhà thờ Đức Bà mang lợi ích đến cho toàn bộ di sản

343

Việc huy động đóng góp cho Nhà thờ Đức Bà mang lợi ích đến cho toàn bộ di sản

la-croix.com, Bernard Gorce, 2019-12-01

 

Một phần gian giữa của Nhà thờ Đức Bà trong quá trình củng cố. Ảnh: Stephane de Sakutin/Pool via Reuters

Chi phí xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà ước tính 1 tỷ âu kim. Tất cả các khoảng quyên góp thu được đến hôm nay là 922 triệu âu kim. Một sự đóng góp quảng đại mang lợi ích đến cho toàn bộ di sản.

Ngày 16 tháng 4 năm 2019, Nhà thờ Đức Bà vẫn còn đứng vững trên các mái nhà thủ đô Paris, tuy biến dạng nhưng vẫn còn đứng nguyên. Sau giai đoạn chữa cháy là giai đoạn tái thiết, Tổng thống Pháp táo bạo hứa tái thiết trong vòng năm năm! Và lòng quảng đại của hàng trăm ngàn người trên thế giới đóng góp thật đáng kinh ngạc!

Trong ký ức của các chuyên gia về di sản, đã bao giờ có một biểu hiện xúc cảm vượt mọi biên giới xã hội, lứa tuổi và tín ngưỡng như vậy chưa? “Chúng tôi xin đóng góp một chi phiếu nhỏ 10 âu kim”, gia đình T., ở Saint-Victor de Morestel trong vùng Isère tặng bên cạnh các gia đình giàu có ở Pháp hứa tặng hàng trăm triệu âu kim. Chỉ trong vài tuần, con số 922 triệu âu kim hứa và cam kết đã được đăng ký.

Một cuộc quyên góp của xúc cảm và rất tự phát

Chỉ ba tháng sau vụ cháy, vào giữa tháng 7-2019, Quốc hội đã phê chuẩn nguyên tắc đăng ký quốc gia để “gìn giữ và tái thiết” nhà thờ chính tòa. Ngoài Công khố, bốn tổ chức có quyền nhận các khoản đóng góp: Trung tâm các tòa nhà quốc gia, Quỹ Nhà thờ Đức Bà, Quỹ nước Pháp và Quỹ di sản. Cuộc vận động của Quỹ nước Pháp và Quỹ Di sản đã kết thúc.

Bà Céliat Vérot, Giám đốc điều hành Quỹ Di sản giải thích: “Chúng tôi ngừng quyên một tháng sau vụ hỏa hoạn, người dân rất tự phát. Nhờ cuộc huy động đại chúng này mà chúng ta thấy việc đóng góp vào quỹ rất nhanh, như việc thể hiện cốp pha của tòa nhà.” Còn Quỹ nước Pháp thì nhiệm vụ của Quỹ ngưng với việc nạp vào tài khoản Nhà nước các số tiền đã nhận.

Nhưng việc đóng góp của Quỹ Nhà thờ Đức Bà thì vẫn tiếp tục, trung bình có 80 đóng góp mỗi tuần với cao điểm khi chương trình “Gốc rễ và đôi cánh” được phát hình gần đây. Quỹ này do Tổng Giám mục giáo phận Paris điều hành có một đặc điểm so với các Quỹ khác: các ân nhân có thể lựa chọn dùng tiền của mình vào việc tái thiết nhà thờ hay “các chương trình của nhà thờ chính tòa.”

Như thế Nhà thờ Đức Bà có thể giúp hỗ trợ các sinh hoạt trong quá trình xây dựng. Chẳng hạn giúp Trường nhạc thiêng liêng, giúp đài truyền hình KTO thực hiện các chương trình truyền hình thánh lễ của Đức Tổng Giám mục giáo phận Paris cử hành ở nhà thờ Saint-Germain l’Auxerrois. Rất nhiều dự án đang nghiên cứu như thành lập một đền thờ Đức Mẹ ở sân trước, tòa thị chính đã đồng ý, hoặc thiết lập một “khoảng không gian bào tàng” ở Hôtel-Dieu bên cạnh. Ông Christophe Charles, đại diện của Quỹ Nhà thờ Đức Bà giải thích: “Chương trình Nhà thờ Đức Bà phải làm nổi bật khía cạnh thiêng liêng của Nhà thờ Đức Bà trong suốt thời gian xây dựng công trình”. 

Công trình 1 tỷ âu kim, con số có tính cách chỉ định

Trong tinh thần này, cần thiết là phải dệt sợi dây liên kết lâu dài với các ân nhân. Một bức thư đầu tiên báo cáo thời sự đã được gởi đi vào đầu tháng 11. Ông Christophe Charles ghi nhận: “Tôi đã làm trong lãnh vực gây quỹ 20 năm nay, nhưng tôi chưa bao giờ thấy nhiệt tình giúp đỡ và khuyến khích như lần này”.

Nếu cơn sốt đóng góp làm các chuyên gia ngạc nhiên, nhưng cốt yếu đóng góp vẫn là từ các đại ân nhân, các quỹ đã ký các hợp đồng thỏa thuận với họ và được tiến hành theo nhu cầu xây cất. Cho đến giờ này, ở giai đoạn củng cố tòa nhà và an toàn cho công trình, một số tiền 85 triệu âu kim đã được nạp vào tài khoản Quốc gia mùa hè vừa qua. Ưu tiên là việc khử kim loại chì và tháo gỡ giàn giáo trước vụ cháy…. Giai đoạn tái thiết sẽ bắt đầu vào năm 2021.

Chi phí công trường dự trù 1 tỷ âu kim nhưng ông Christophe Charles cẩn thận: “Cho đến bây giờ chưa ai biết con số chính xác là bao nhiêu”, công trường sẽ có thể được tài trợ bằng các quỹ cá nhân.

Còn về việc có khả năng mọi đóng góp của người dân dồn cho Nhà thờ Đức Bà mà quên đi các trường hợp khác thì bà Céliat Vérot tương đối hóa: “Chúng tôi đã phát động gây quỹ ‘Chưa bao giờ như vậy!’, một quỹ khẩn cấp dành cho các tòa nhà bị đe dọa nhiều hơn. Đối với toàn bộ di sản thì việc huy động cho Nhà thờ Đức Bà đã tạo ra một động lực”. 

922 triệu âu kim đã thu được

922 triệu âu kim hứa và cam kết đã được đăng ký và 107 triệu đã được đóng góp.

Chủ yếu các cam kết này là các công ty và các đại ân nhân:

100 triệu âu kim của gia đình Arnault;

100 triệu của công ty LVMH;

100 triệu của gia đình Bettencourt-Meyers;

100 triệu của hãng Oréal;

100 triệu của ông François và François-Henri Pinault;

100 triệu của công ty Total.

Các đóng góp địa phương cũng ở trong các khoản đóng góp lớn:

Vùng Ile-de-France đóng 10 triệu âu kim.

Quỹ Nhà thờ Đức Bà cũng quyên được 354,1 triệu âu kim, trong đó có 9,7 triệu do tư nhân đóng và 1,7 triệu của “Quỹ Thân hữu Nhà thờ Đức Bà” có cơ sở ở Mỹ đóng.

Trung tâm các tòa nhà Quốc gia đóng 3,8 triệu âu kim và Trung tâm này vẫn còn nhận hàng chục vụ đóng góp mỗi ngày.

Quỹ di sản đã kết thúc quyên góp: 223 triệu âu kim, trong đó có 2 triệu của tư nhân.

Quỹ nước Pháp cũng kết thúc quyên góp: 7 triệu âu kim, trong đó có 2 triệu của tư nhân.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Thánh lễ đầu tiên được dâng ở Nhà thờ Đức Bà hai tháng sau vụ hỏa hoạn

Thánh lễ tại Nhà thờ Đức Bà: Biểu tượng Giáo hội sống động tiến lên giữa đống gạch vụn

Đội mũ bảo hiểm, Đức Tổng Giám mục Aupetit dâng thánh lễ đầu tiên tại Nhà thờ Đức Bà kể từ khi vụ cháy