Mười sách linh đạo hàng đầu của tôi năm 2018

448

Mười sách linh đạo hàng đầu của tôi năm 2018

Ronald Rolheiser, 2018-12-31

Năm nay, tôi có đọc một số tiểu thuyết và sách bình luận xã hội rất hay, nhưng tôi xin tập trung vào các quyển sách có liên hệ rõ rệt đến linh đạo.

Trước hết, tôi xin có lời biện bạch. Thị hiếu là riêng cho mỗi người, xin các bạn lưu ý khi đọc các sách do tôi giới thiệu. Đây là những quyển sách tôi thích, tôi cảm được, và tôi tin là sẽ có ích cho ai đang tìm hướng dẫn và hứng khởi trên đường lữ hành. Có lẽ chúng sẽ không nói với bạn hệt như đã nói với tôi.

Những sách linh đạo nào tôi thấy hữu ích nhất trong năm 2018?

Phúc âm của Julia, Soi rọi Cuộc đời và những Mặc khải của Julian thành Norwich [Julian’s Gospel, Illuminating the Life and Revelations of Julian of Norwich], của Veronica Mary Rolf.

Julian thành Norwich là một trong các nhà thần nghiệm Kitô giáo lớn nhất, nhưng đối với đa số độc giả, suy tư của thánh nữ thì không dễ tiếp cận chút nào. Quyển sách này là một giới thiệu rất hay về cuộc đời và những bài viết của thánh nữ, và nêu bật thánh nữ là một ốc đảo linh đạo trù phú đến mức nào vào một thời mà hầu hết thế giới Kitô giáo nghĩ về Thiên Chúa theo kiểu rất khắc nghiệt.

Thử Kinh Lạy Cha, Một Thực hành Thiêng liêng đem lại Biến đổi [To Dare The Our Father, A Transformative Spiritual Practice], của John Shea.

Shea lấy từng phần trong Kinh Lạy Cha để thách thức chúng ta về những khía cạnh khác nhau trong đời, nhất là đối diện với đấu tranh để hòa giải với tha nhân. Phần về cuộc đấu tranh của Chúa Giêsu trong vườn Giếtsêmani đặc biệt sâu sắc và thấu suốt.

Đây là Tất cả sao? [ Is This All There Is?], của Gerhard Lohfink

Một học giả kinh thánh tầm thế giới đi vào vấn đề đời sau được nhắc đến trong Kinh thánh. Đây là kiến thức học giả hàng đầu được biến chuyển sao cho dễ hiểu với tất cả mọi người. Lohfink là một học giả và là thầy giáo có tài. Đây là khóa học cấp đại học về đời sau cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu, bất kỳ mức độ học thuật của họ như thế nào.

Linh đạo Một Nghệ thuật Sống [Spirituality An Art of Living], của Benoit Standaert

Standaert là một tu sĩ dòng Biển Đức người Hà Lan, và quyển sách dễ đọc nhờ được chia thành nhiều bài suy niệm ngắn, là hòn ngọc của khôn ngoan và thách thức. Những người với nền tảng kiến thức Tin Lành và Anh giáo, được học theo kiểu kinh điển của Oswald Chambers sẽ hiểu ý tôi khi tôi nói đây là một quyển “Cần Hết sức” cho mọi Kitô hữu.

Linh hồn Không tuổi, Hành trình Cuộc đời hướng đến Ý nghĩa và Niềm vui [Ageless Soul, The Lifelong Journey Toward Meaning and Joy], của Thomas Moore

Moore luôn lỗi lạc, và quyển sách này cũng không ngoại lệ. Ngài là một trong những hộ vệ linh hồn vĩ đại nhất cho thế hệ chúng ta. Nhưng quyển sách có một chủ đề khá phải dè chừng. Có người sẽ thấy nó hơi quá đà vì thiếu những hạn chế tôn giáo. Có lẽ là thế, nhưng nó là một quyển sách xuất sắc.

Sáng tạo và Thập giá, Lòng thương xót của Chúa cho một Hành tinh Lâm nguy [Creation and the Cross, The Mercy of God for a Planet in Peril], của Elizabeth Johnson

Một trong những thần học gia hàng đầu của thế hệ chúng ta, đã đẩy suy tư của xơ và của chúng ta nữa đi xa hơn về việc sự nhập thể của Thiên Chúa, trong Chúa Kitô, là một “nhập thể sâu xa” tác động đến tạo hóa vật chất cũng như nhân loại. Chúa Kitô đến không phải chỉ để cứu con người trên trái đất này, mà còn để cứu chính trái đất. Chúa Kitô cũng đi vào tự nhiên. Xơ Johnson giúp giải thích vì sao chúng ta cần hiểu rõ điều này hơn. Quyển này bao gồm một tổng hợp thần học chuyên ngành về các quan điểm Kitô giáo đối với lý do Chúa Kitô đến trái đất.

Mười hai Quy luật Cuộc sống, Thuốc giải cho Hỗn loạn [12 Rules for Life, An Antidote to Chaos], của Jordan Peterson

Đây là một trong những quyển sách được tranh luận nhiều nhất trong năm qua. Một quyển sách hay, thông tuệ, dù cho bạn không đồng ý với toàn bộ hay hầu hết mọi lời ông nói. Một vài người bảo thủ đã dùng quyển sách này một cách rất chọn lọc để áp dụng phù hợp cho mục đích của họ, cũng như một số người theo chủ nghĩa tự do đã bác bỏ bất công quyển sách này vì một vài luận điểm tấn công những quá đáng của phái tự do. Với tôi, cả hai kiểu trên đều không đúng. Chiều sâu và sắc thái chung của Peterson không phải để bị cánh hữu lợi dụng và cánh tả chỉ trích. Xét cho cùng, Peterson đã rơi vào cảnh như Chúa Giêsu khi Ngài có Bài giảng trên núi. Tiêu đề của quyển sách này cũng thật đáng tiếc, vì nó đem lại ấn tượng đây chỉ là một quyển sách tự lực nữa mà thôi. Nhưng nó không phải vậy đâu.

Thinh lặng và Vẻ đẹp [Silence and Beauty], của Makoto Fujimura

Đây là một quyển sách hay, viết bởi một nghệ sĩ khá hòa hợp với mỹ học. Đây là một quyển sách về nghệ thuật, đức tin và tôn giáo. Fujimura là một Kitô hữu và một nghệ sĩ có tâm. Với hầu hết mọi người, điều này sẽ dẫn đến căng thẳng, nhưng Fujimura không chỉ cho thấy mình có thể giữ đức tin và nghệ thuật sát cánh bên nhau, ông còn có một lời biện giải sắc sảo cho tôn giáo.

Tiểu sử của Thinh lặng [Biography of Silence], của Pablo d’Ors

Cha Ors là người Tây Ban Nha với các tiểu thuyết và các sách linh đạo. Quyển sách nhỏ, ngắn và dễ đọc này có thể là một món hay với bất kỳ ai, dù vô thức cảm thấy cầu nguyện không đáng để mình bỏ thì giờ và bỏ công. Viết từ thói quen suy niệm thinh lặng, cha Ors cho ta thấy cầu nguyện có thể đem lại ơn ích gì cho cuộc sống. 

Hướng đến Đền tội Đồng cỏ [Towards a Prairie Atonement], của Trevor Herriot

Herriot là tác giả người Canada, và trong quyển sách mới nhất này, ông cho rằng khi mình làm tổn thương ai đó, thì cần có việc đền tội để hòa giải, thì mối quan hệ của chúng ta với trái đất cũng thế. Vì những xâm phạm lâu nay, chúng ta cần có việc đền tội tích cực đối với trái đất.

Tôi xin chúc các bạn đọc sách vui vẻ!

J.B. Thái Hòa dịch