“Chỉ có tình yêu mới làm chúng ta nhân bản hơn, trọn vẹn hơn”

491

“Chỉ có tình yêu mới làm chúng ta nhân bản hơn, trọn vẹn hơn”

Bài giảng của Đức Phanxicô trong buổi Canh thức với các bạn trẻ tham dự ngày JMJ Panama ở Cánh đồng Thánh Gioan-Phaolô II, ngày 26 tháng 1 – 2019.

seletlumieretv.rg, 2019-01-26

Các con thân mến, cha xin chào buổi chiều,

Chúng ta đã xem hoạt cảnh Cây Sự Sống giới thiệu câu chuyện đời Chúa Giêsu, câu chuyện của tình yêu, câu chuyện của đời sống hòa nhập với đời sống chúng ta, bám rễ trong tng miếng đất của mỗi người. Đời sống này không phải là sự cứu rỗi treo lơ lửng “trên mây” để chờ rơi xuống, cũng không phải là một “ứng dụng” mới cần phải khám phá, cũng không phải là kỹ thuật đầu óc, ha trái của một kỹ thuật muốn vượt lên chính mình. Đời sống này cũng không phải là một “hướng dẫn” mà chúng ta học sự mới lạ nhất. Cứu rỗi mà Chúa trao ban cho chúng ta là mời gọi chúng ta dự phần vào câu chuyện tình yêu, dệt với đời sống chúng ta; để sống và sinh ra giữa chúng ta, để chúng ta cho hoa trái nơi chúng ta ở, nơi con người thật của chúng ta. Chính đó là nơi Chúa đến trồng và gắn vào; là người đầu tiên nói “vâng” với đời sống chúng ta, và Ngài muốn chúng ta nói “vâng” với Ngài.

Bằng cách này Chúa đã làm Đức Mẹ ngạc nhiên, mời gọi Mẹ dự phần vào câu chuyện tình yêu này. Tất nhiên cô gái trẻ không ở trên “các trang mạng xã hội” thời đó, cô không “là người ảnh hưởng”, không đòi cũng không tìm cách để mình là người có ảnh hưởng, nhưng cô là người phụ nữ có ảnh hưởng nhất trong lịch sử.”

Maria, người ảnh hưởng của Chúa. Trong vài chữ, Mẹ dám nói “vâng” và tin tưởng vào tình yêu, vào lời hứa của Chúa, sức mạnh duy nhất làm cho mọi sự thành mới.

Sức mạnh của “xin vâng” của người thiếu nữ trẻ này luôn lôi cuốn sự chú ý, câu “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” Mẹ nói với thiên thần. Đó là điều khác với sự chấp nhận thụ đng hay cam chịu, một “xin vâng” nói lên: chúng ta sẽ thấy điều gì sẽ xảy ra. Một cái gì thêm nữa, một cái gì khác. Đó là “xin vâng” của người muốn dấn thân và dám àm, của người muốn thay đổi, không có một bảo đảm nào ngoài sự biết chắc mình là người mang lời hứa. Chắc chắn Mẹ có một sứ mạng khó khăn, những khó khăn không phải là lý do để nói “không”. Mẹ sẽ có các khó khăn, chắc chắn, nhưng đó không cùng khó khăn khi sự hèn nhát làm chúng ta bị tê liệt, mọi sự không rõ ràng cũng không được bảo đảm trước. “Xin vâng” và mong muốn phục vụ thì mạnh hơn là các nghi ngờ và khó khăn.

Chiều hôm nay chúng ta nghe chữ “xin vâng” của Đức Mẹ vang lên và nhân lên từ thế hệ này qua thế hệ khác. Rất nhiều bạn trẻ noi gương Đức Mẹ đã không ngại bất trắc và được hướng dẫn bởi một lời hứa. Cám ơn chứng từ của Erika và Rogelio. Các con đã chia sẻ nỗi sợ, các khó khăn và hiểm nguy khi con gái Inés của con chào đời. Con đã nói: “Chúng con là cha mẹ, trong nhiều trường hợp, chúng con chấp nhận  một em bé có bệnh hay bị khuyết tật”, điều này chắc chắn và dễ hiểu. Nhưng ngạc nhiên nhất là khi chúng con nói thêm: “Khi sinh con gái chúng con quyết định yêu thương cháu hết lòng”. Trước khi con gái ra đời, đứng trước các chẩn đoán và khó khăn nảy sinh, các con đã quyết định và nói như Mẹ Maria: “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”, và các con quyết định yêu thương em bé. Đứng trước đời sống mong manh của con gái con, bất lực và cần được giúp đỡ, câu trả lời của các con là “xin vâng” và các con đã có Inès. Các con tin rằng thế giới này không phải chỉ có những người mạnh!

Nói “xin vâng” với Chúa là dám ôm lấy cuộc sống với tất cả sự mong manh, nhỏ bé của nó và thường là với tất cả các nghịch lý và tầm thường của nó, cùng một tình yêu mà Erika và Rogelio đã nói với chúng ta. Đó là ôm lấy quê hương, gia đình, bạn bè của chúng ta với tất cả những mong manh và thấp bé của nó. Ôm lấy cuộc sống khi chúng ta đón nhận với tất cả những gì không hoàn hảo, tinh tuyền hay chắt lọc, nhưng không kém phần xứng đáng với tình yêu. Một người, họ có xứng đáng với tình thương vì họ khuyết tật và mong manh không? Một người, họ có xứng đáng với tình thương vì  họ là người lạ, vì họ bị lầm, vì họ bị bệnh hay bị tù không? Chúa Giêsu đã làm như sau: Chúa ôm người phung cùi, người mù, người bị liệt, người thâu thuế, người tội lỗi. Trên thập giá, Chúa ôm người trộm và tha thứ cho những người đóng đinh mình.

Vì sao? Vì chỉ những ai được yêu mới có thể được cứu. Chỉ những ai được ôm mới có thể được biến đổi. Tình yêu của Chúa lớn hơn tất cả mâu thuẫn, mong manh, thấp bé của chúng ta nhưng chính xác qua các mâu thuẫn, mọi mong manh, mọi thấp bé của chúng ta mà Ngài muốn viết lịch sử tình yêu này. Ngài đã ôm người con hoang đàng, đã ôm Thánh Phêrô sau khi Thánh Phêrô chối Chúa và Ngài luôn ôm chúng ta sau khi chúng ta sa ngã, nâng đỡ chúng ta để chúng ta đứng dậy. Bởi vì sa ngã là hủy hoại đời mình, là cứ nằm xuống đất và không để mình được giúp đỡ để đứng dậy.

Thật cũng khó để tìm hiểu tình yêu của Chúa! Nhưng là một ơn ban, biết rằng chúng ta có một Người Cha, ôm chúng ta dù chúng ta bất toàn!

Bước đầu tiên là đừng sợ khi nhận sự sống khi nó đến, để nắm lấy cuộc sống!

Cha cám ơn lời chứng của con, Alfred, cha cám ơn con đã can đảm chia sẻ với mọi người. Cha ấn tượng khi con nói: “Con đã bắt đầu làm việc ở cao ốc cho đến khi dự án chấm dứt. Thất nghiệp, mọi thứ mang một màu sắc khác: không trường học, không nghề nghiệp, không công việc”. Cha tóm tắt trong bốn “không” làm cho cuộc sống của chúng ta không gốc rễ, bị khô héo: không việc làm, không giáo dục, không cộng đoàn, không gia đình.

Không ai có thể lớn lên mà không có gốc rễ mạnh để được hỗ trợ tốt và để bám rễ. Như thế sẽ bị “bứng gốc” dễ dàng khi không có chỗ để cắm vào. Đây cũng là vấn đề cho người lớn tuổi chúng tôi, chúng tôi buộc phải đặt câu hỏi và hơn nữa, đây là vấn đề mà các con đặt cho chúng tôi và chúng tôi có bổn phận phải trả lời: đâu là gốc rễ chúng tôi cho các con, đâu là nền tảng để chúng con xây dựng, chúng tôi có cung cấp cho các con không? Chỉ trích các người trẻ thì dễ, ngồi đó để than van nếu chúng tôi tước đi cơ hội để làm việc, giáo dục và cộng đồng mà các con cần để bám vào và mơ về tương lai. Vì mơ tương lai là biết lý do không những vì sao tôi sống, nhưng còn biết tôi sống vì ai, vì ai cuộc sống tôi mới đáng sống.

Như Alfred đã nói với chúng ta, khi người nào đó buông xuôi, không có việc làm, không giáo dục, không cộng đoàn, không gia đình thì cuối ngày họ cảm thấy trống rỗng và họ lắp khoảng trống này bằng bất cứ cái gì. Bởi vì chúng ta chưa biết mình sống cho ai, mình chiến đấu cho ai, mình yêu thương ai.

Cha còn nhớ một lần khi nói chuyện với các bạn trẻ, một trong các bạn hỏi cha: Thưa Cha, vì sao ngày nay nhiều người trẻ không tự hỏi liệu có Chúa hay không, hay tại sao họ khó để tin và vì sao họ không có nhiều dấn thân trong cuộc sống? Cha đã trả lời: còn các con, các con nghĩ gì? Trong số các câu trả lời hôm đó có một câu làm cha xúc động và nó liên hệ đến kinh nghiệm mà Alfred chia sẻ: “Vì nhiều người trong chúng con dần dần thấy mình không tồn tại cho người khác, thường cảm thấy mình vô hình”. Đó là văn hóa bỏ rơi và thiếu cân nhắc. Cha không nói tất cả, nhưng nhiều người cảm thấy họ không có nhiều hoặc không có gì để mang lại, vì họ không có không gian thật sự, nơi họ cảm thấy mình được gọi. Làm thế nào họ nghĩ Chúa tồn tại nếu đã từ lâu họ đã ngưng tồn tại cho người anh em mình?

Chúng ta biết rõ điều này, không phải chỉ cần kết nối mỗi ngày để cảm thấy mình được biết đến, được yêu thương. Cảm thấy mình được công nhận và yêu thương thì quan trọng hơn là “ở trên mạng”. Điều này có nghĩa là họ tìm các khoảng không gian, nơi với bàn tay, với quả tim, với cái đầu của họ, họ cảm thấy mình thuộc về một cộng đoàn rộng lớn hơn, một cộng đoàn cần đến họ và cũng cần đến các con.

Các chuyện này các thánh biết rất rõ. Cha nghĩ đến gương của Thánh Don Bosco, người không đi tìm các người trẻ ở những nơi xa xuôi hay những nơi đặc biệt, nhưng ngài đã học để nhìn mọi thứ đang xảy ra trong thành phố với cái nhìn của Chúa, và ngài đã đến với hàng trăm trẻ em, hàng trăm thiếu niên bị bỏ rơi không học hành, không việc làm, không có bàn tay nâng đỡ của cộng đoàn. Rất nhiều người sống trong cùng thành phố, rất nhiều người chỉ trích người trẻ, nhưng họ không biết nhìn người trẻ với cặp mắt của Chúa. Thánh Don Bosco đã làm, đã đi bước trước: ôm cuộc sống như nó là, và từ đó ngài không sợ khi làm bước thứ nhì: cùng với các người trẻ thành lập một cộng đoàn, một gia đình nơi có việc làm, có học hành, nơi các người trẻ thấy mình được yêu thương. Mang đến cho họ gốc rễ và cắm rễ sâu để họ có thể vươn lên đến trời.

Cha nghĩ nhiều đến những nơi như ở Châu Mỹ La Tinh, nơi cổ động cho cái gọi là gia đình Kitô, cùng với tinh thần của Hiệp hội Gioan-Phaolô II mà Alfred nói cho chúng ta biết và có nhiều trung tâm khác nhận sự sống như nó đến trong sự trọn vẹn và trong sự phức tạp, bởi vì họ biết “đến như cây cối mà vẫn còn có niềm hy vọng, bị chặt rồi, còn có thể mọc lại xanh tươi, và không ngớt đâm chồi nảy lộc” (G, 14, 7).

Và luôn luôn chúng ta có thể “mọc lại xanh tươi và không ngớt đâm chồi nảy lộc” khi có cộng đoàn, hơi ấm của mái ấm, nơi mọc rễ, nơi cho sự tự tin cần thiết và chuẩn bị cho quả tim mở ra một chân trời mới: chân trời của một trẻ em được yêu thương, được tìm kiếm, được gặp gỡ và được giao sứ mạng. Chính qua các gương mặt cụ thể mà Chúa hiện diện. Nói “xin vâng” cho câu chuyện tình yêu này là nói “xin vâng” mình là khí cụ để xây dựng trong khu vực, trong cộng đoàn của mình để có thể đi vào thành phố, ôm và dệt các quan hệ mới. Người “ảnh hưởng” của thế kỷ 21 là người canh giữ gốc rễ cho những gì  ngăn chận làm cho đời sống chúng ta mờ dần, bốc hơi thành hư vô. Các con hãy là những người canh giữ cho những gì giúp chúng con cảm nhận mình là thành phần của nhau. Rằng chúng ta thuộc về nhau.

Và đây là kinh nghiệm của cô Nirmeen trong ngày JMJ ở Krakow. Cô đã gặp một cộng đoàn sống động, vui vẻ đến gặp cô, mang đến cho cô cảm nhận mình thuộc về và giúp cô sống niềm vui được Chúa Giêsu gặp.

Có một vị thánh ngày nọ đã tự hỏi: “Tiến bộ của xã hội chỉ là có cho được chiếc xe đời mới nhất hay có được kỹ thuật mới nhất trên thị trường phải không? Có phải như vậy là tóm tắt được sự vĩ đại của con người không? Không có gì khác ngoài sống như vậy sao? (Thánh  Saint Alberto Hurtado, Meditación de Semana Santa para jóvenes, 1946). Cha xin hỏi các con: đó có phải là điều vĩ đại của các con không? Các con không sáng tạo gì khác? Mẹ Maria đã hiểu điều này và Mẹ nói: “Xin được như vậy!” Erika và Rogelio cũng đã hiểu và cũng đã nói: xin được như vậy! Alfredo đã hiểu và đã nói: xin được như vậy! Nirmeen đã hiểu và đã nói: xin được như vậy!

Các con thân mến, cha hỏi các con: các con đã sẵn sàng nói “xin vâng” chưa? Tin Mừng dạy cho chúng ta biết, thế giới sẽ không tốt hơn vì có ít người bệnh, người yếu, người mong manh hay người lớn tuổi mình phải săn sóc, cũng không phải vì có ít người tội lỗi hơn. Nhưng thế giới sẽ tốt hơn khi có nhiều người như các bạn này, sẵn sàng và dám dự kiến cho ngày mai và tin vào sức mạnh biến đổi của Chúa. Các con có muốn “ảnh hưởng” theo cách của Mẹ Maria, dám nói “xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” không? Chỉ có tình yêu mới làm cho chúng ta nhân bản hơn, trọn vẹn hơn, tất cả những thứ còn lại chỉ là giả dược, tốt nhưng trống rỗng.

Chốc lát nữa chúng ta sẽ gặp Chúa Giêsu trong giờ chầu Thánh Thể. Cha chắc chắn chúng con có nhiều điều để nói với Ngài, để kể cho Ngài nghe các hoàn cảnh khác nhau trong đời sống chúng con, gia đình chúng con, xứ sở chúng con.

Khi ở trước mặt Ngài, chúng con đừng sơ, chúng con mở lòng ra với Ngài, để Ngài làm mới lại bằng lửa tình yêu của Ngài, ngài thúc đẩy để các con ôm cuộc sống với sự mong manh, với sự thấp bé nhưng cũng với sự cao cả và nét đẹp của nó. Ngài sẽ giúp các con thấy được nét đẹp của các sinh vật sống.

Các con đừng ngại nói với Chúa Giêsu các con muốn dự phần vào câu chuyện tình yêu của Ngài trong thế giới để các con còn làm hơn thế nữa!

Các con thân mến, cha cũng xin các con, khi ở trước Chúa Giêsu, các con cầu nguyện cho cha để cả cha nữa, cha đừng sợ khi ôm sự sống, để cha giữ gốc rễ và nói như Mẹ Maria: xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch