Trao đổi với Véronique Lévy: Kinh nghiệm trở lại tận căn

246

Trao đổi với Véronique Lévy: Kinh nghiệm trở lại tận căn

eleonoredv.over-blog.com, Eléonore de Vulpillières, 2018-03-26

Trong gia đình Lévy không phải chỉ có người anh cả Bernard-Henri Lévy là cầm viết. Cô em út Véronique, thua anh cả 24 tuổi cũng cầm viết, cô là văn sĩ, là nhà thơ, cô sống kinh nghiệm trở lại thật tận căn. Xuất thân từ một gia đình do thái thế tục hóa, từ rất nhỏ cô đã yêu Chúa Kitô, tình yêu đã dẫn cô đến giếng rửa tội Phục Sinh năm 2012. Trong quyển sách Xin cho con thấy nhan Chúa (Montre-moi ton visage, nxb. Cerf, 2015), cô kể câu chuyện đi tìm Chúa Kitô thiết tha của mình. Quyển sách thành công lớn và năm sau cô xuất bản quyển sách thứ nhì Thờ phượng (Adoration) thánh vịnh thời hiện đại, diễm tình ca của một tình yêu nóng bỏng cho Chúa Giêsu. Véronique Lévy nói với chúng tôi về các chủ đề trọng tâm trong kinh nghiệm sống của cô, sắc sảo nhắc cho chúng ta nhớ “Chúa mửa những người nguội lạnh”. 

Véronique Lévy trước bức tranh Pieta (hình: Yann Revol) 

Từ ba năm nay, sau quyển sách Xin cho con thấy nhan Chúa, những người chung quanh cô đón nhận chứng từ trở lại tận căn của cô như thế nào?

Quyển sách đã tạo một niềm hăng say lớn lao. Tôi ngạc nhiên về số lượng thư nhận mỗi ngày; tôi cảm động trước tấm lòng tin tưởng độc giả gởi gắm cho tôi qua các giấc mơ đôi khi bị gãy đổ của họ… Tôi đọc ở đó nỗi khát khao sâu xa được gặp Chúa Kitô của họ, sự trở về của “người con hoang đàng”, hy vọng của một tín hữu kitô mới. Các linh mục, các tu sĩ cũng liên lạc với tôi; người công giáo giữ đạo hay người ở bên lề. Rất nhiều người nói với tôi, các chữ nóng bỏng của tôi sưởi ấm tâm hồn họ, quả tim, lời cầu nguyện của họ đã bị tro nguội lạnh phủ lên.

Trong quyển sách Xin cho con thấy nhan Chúa đan chéo ba mối dây. Từ tảng đá Lời Chúa sinh ra hai mối kia: câu chuyện kể, ký ức sống và ơn qua sự Hiện diện của Chúa Kitô trong đời tôi, từ khi sinh ra cho đến khi được rửa tội, rọi sáng cho trọng tâm câu chuyện, đối thoại yêu thương được chuyển qua Chúa Giêsu trong Bánh Thánh ở nhà nguyện Thờ phượng, một đền thờ Đức Mẹ.

 

 

 

Quyển sách thứ hai, Thờ phượng được Đức Giám mục Rey viết lời tựa thì tận căn hơn. Quyển sách này được xem như thánh vịnh thời hiện đại. Đó là diễm tình ca sôi sục: lời trần trụi đón nhận Thánh Tâm trần trụi của một “Thiên Chúa quyền năng” của tình yêu. “Bài ca của tôi, đó là Thiên Chúa”, sách Khải huyền đã viết. Đó không phải là kitô sao? Nâng lên, ngợi ca Chúa mà Lời hằng Sống đã cứu chúng ta và người khác, những người ở trong lưới tử thần. Cho Sự Sống và cho Sống Lại của Ngài! 

Cô định nghĩa rửa tội như “một cái chết, một sinh ra”. Cô chết như thế nào và cô sinh ta như thế nào?

Tôi trả lời qua lời tuyên xưng của Thánh Phaolô: “Được rửa tội trong Chúa Giêsu Kitô, là trong cái chết của Ngài mà chúng ta được rửa tội.” Đúng, rửa tội là cắt đứt tận căn với quá khứ lang thang, với nữ tính phân mảnh của tôi, tôi bị ngộp dưới mặt nạ và các kiểu tấn công phát sinh từ cuộc chiến tiềm tàng giữa các giới tính. Chúa Kitô đã làm khiên mộc rớt xuống. Từ cuộc sống đi quyến rũ đến đời sống khiết tịnh với Chúa Kitô; từ hãi sợ đến tin tưởng; từ hương vị đến hư không, đến Hy vọng; từ muốn kiểm soát đến phó thác vào Đấng đã làm vỡ tâm hồn tôi để mở rộng đến tâm hồn vô tận của Ngài, qua Ơn sủng Ngài đặt để trong các Bí tích của Giáo hội. Đúng, qua rửa tội, Chúa Giêsu đã bóc lớp võ trói chặt tâm hồn tù túng của tôi; Ngài xuất hiện trong cái mong manh của sự sinh ra, gần như vô nhiễm để đến gặp Ngài, tự do khỏi mọi ràng buộc. Trong sự trong sáng của lời nói “vâng” của một đứa bé… như Mẹ Maria, với lời xin vâng “Fiat” của Mẹ, không thắc mắc. 

Cô viết, “tôi ấn tượng với tòa nhà thiêng liêng công giáo”. Tại sao?

Từ khi còn nhỏ, Giáo hội đã thu hút tôi, trong lòng tôi đã cảm thấy đó mới thật là Israel. Tôi núp sau các tượng đá của các thánh, trong bóng Đức Mẹ. Tôi nghe từ miệng một em bé giảng phúc âm cho tôi, những lời của Chúa Kitô: những lời làm cháy bỏng tâm hồn tôi… Nó có hương vị buốt lòng, có sự êm ái dịu dàng của vĩnh cửu.

Tôi còn nhớ linh mục mặc áo dòng tôi gặp ở công viên bệnh viện Pitié Salpêtrière … mẹ tôi bị ung thư và nhập viện ở đó; cha nghiêng mình về phía bà; bà sợ và tôi nói với linh mục mẹ tôi không phải là người công giáo. Thật đáng tiếc. Tôi không bao giờ quên ánh nhìn của cha khi cha ra đi… Đó là cái nhìn của Chúa Kitô. Cái nhìn như lột trần tâm hồn vì Tình yêu của Ngài. Trong thế giới biển khổ này, linh mục này là dấu hiệu của lòng thương xót không bờ của Chúa; cha ở đó như người đưa đò tình yêu về Nước Chúa.

Khi đó tôi nhận ra, Giáo hội còn hơn cả một thể chế với thứ trật: Giáo hội là chiếc cầu giữa đất và Trời, Giáo hội là chiếc cầu vồng. Giáo hội là gia đình, là Thân thể, là Gương mặt. Là những bàn tay để chúc lành, để ôm, để an ủi cho những ai lạc hướng. 

Cái gì làm cô xúc động đặc biệt trong phụng vụ thánh thể?

Khi tôi sáu tuổi… Một ngày nọ cô bạn Coralie cùng tuổi đưa tôi vào nhà thờ. Thánh lễ như một giấc mơ. Và hoàn toàn ngây thơ, tôi đứng trong hàng chờ rước lễ, bị thu hút bởi bánh Thánh… tôi nhận Bánh Thánh. Tôi không biết là phải rửa tội mới được rước lễ…. tôi xúc động, tôi không dám nuốt chiếc bánh nhẹ mong manh đặt trong lưỡi tôi, đó là hạt mầm rất quý. Tôi để chiếc bánh tan ra và hạt mầm chôn trong lòng tôi. Tôi không hiểu gì hết, nhưng tôi xúc động bởi ơn ban nhẹ nhàng và rạng rỡ của một sự Hiện diện còn xa lạ. Tôi còn nhớ Lời khi linh mục dâng bánh rượu: “Tất cả các con hãy lãnh nhận mà ăn, vì này là Mình Thầy. Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống, vì này là Chén máu Thầy…” Tôi được nuôi bằng Mình và Máu, như bào thai trong bụng mẹ. Chúa của tín hữu kitô tận hiến mình làm thức ăn. Còn nhỏ, điều này làm cho tôi chấn động. Dấu ấn còn ở đó, không chối cãi được.

Và bây giờ khi đã lớn, đã rửa tội, các lời nguyện Thánh Thể vẫn còn làm tôi ngạc nhiên về tầm vóc ngoài khuôn khổ của nó: tình yêu điên dại mà Chúa Kitô trao tặng cho đến tận cùng và đòi hỏi chúng ta đáp trả lại cũng như vậy; những lời như lửa dính chặt vào da thịt chúng ta; lấp đầy các khát khao, các khoảng trống hãi hùng nhất.

Nhiệm thể của Ngài được trao ban, được bẻ ra theo Giao ước Đầu tiên. Máu của Ngài đổ ra trên thập giá là hôn ước của Chúa với nhân loại: “Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”.

Đúng, các lời nguyện Thánh Thể mỗi lần được đọc lên ôm trọn chúng ta và cho chúng ta ngọn lửa Tình yêu của Chúa Ba ngôi.

Cuộc trở lại của cô có được gia đình chấp nhận?

Tôi là đứa bé mơ mộng, đứa con gái ngại ngùng, bị xâu xé từng mảnh, lang thang trắng đêm trong các hộp đêm với các mối tình qua đường. Khi tôi báo cho anh cả tôi biết tôi sẽ rửa tội, anh tưởng tôi nói đùa hay chỉ là ý thích ngông cuồng thoáng qua. Và khi anh hiểu đam mê của tôi dành cho Chúa là sự dấn thân sâu đậm và bí tích rửa tội là dấn ấn không xóa đi được. Tò mò anh đến dự buổi Tiếng Gọi Quyết định (Appel décisif) ở nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris, rồi đến dự lễ rửa tội Thánh lễ nửa đêm Phục Sinh ở nhà thờ Saint-Gervais. Sau khi nhận nước rửa tội, tôi mở mắt… Bernard nhìn như thôi miên, anh phải dựa ở cột trụ bên trái của cung thánh. Trong ánh mắt nhòa lệ, tôi tin tôi nhận thức được nỗi hoài niệm của một tình yêu… cho Chúa Kitô chưa được thú nhận.

Cô viết, “Chúa không bị giam cố định trong một thừa kế, một dấu ấn di truyền”, do đó phân biệt do thái giáo và công giáo. Làm thế nào, sau đó, để nghĩ đến việc trao truyền đức tin của mình?

Trong do thái giáo có nhầm lẫn giữa trao truyền di truyền và văn hóa. Nhưng chúng ta đang nói đến cái nào? Khẳng định mình là người do thái vì mẹ, có phải đó là chủ nghĩa cộng đồng mà hồi đó sách Đệ Nhị luật đã tố cáo: “Vậy anh em hãy cắt bì tâm hồn anh em, chứ không phải trong da thịt mình”. Có phải đó là trở ngại đối với tính phổ quát của ơn cứu rỗi đã hứa với ông Abraham ngay từ sách Sáng thế không?

Một số người cho rằng không có vấn đề di truyền chủng tộc nhưng di truyền văn hóa được ghi trong truyền thống kinh điển do thái talmud và trong truyền thống bí truyền do thái kabbale. Nhưng đây đúng hơn là cuộc đi tìm có tính cách trí tuệ, một loại bí mật của những người nắm bí quyết không? Chủ nghĩa bí truyền có phải là ngộ đạo, dò tìm ánh sáng huyền bí thần thánh để tìm cách đến gần với nó không? Chủ nghĩa khăng khăng tôn trọng pháp chế của kinh talmud trong từng giới luật của sách Lê-vy có phải là một cái gì con người và quá con người không? Chúa Giêsu đã nói với người pharisêu: “Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.” (Lc 11-46)

Ngược lại, Phúc Âm không cắt đứt với Truyền thống Giao ước Đầu tiên, nhưng hoàn thiện nó, mạc khải tâm hồn như sách tiên tri Giêrêmia đã viết: “Này Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta (… ) Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. (…) Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: ‘Hãy học cho biết Đức Chúa.’, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta.” Đúng, tất cả sẽ nhận biết Ngài trong của lễ của tâm hồn đã bị gãy đổ vì tình yêu, phối hợp với Thánh Thể, với của lễ hy sinh Duy nhất và với sự vĩnh cửu của Chúa Kitô…. Vì ngôi Lời vĩnh cửu đã ở trong da thịt chúng ta, đã ghi khắc mãi mãi Vương quốc của Ngài; để chúng ta nhận biết Vương quốc của Ngài trong con người bị tổn thương nhất. Và nếu Ngài đã ôm lấy Thập giá, nếu Ngài bị đau đớn vì tội chúng ta, là để chúng ta sợ mà không nhạo báng Gương mặt yêu thương của Ngài từ nay nơi những người chịu đau khổ, những người bị lên án ở trần thế này… những người nghèo, những người tiện dân, những người điên.

Các lời viết trong sách tiên tri và trong Cựu Ước hội tụ ở điểm con người là trọng tâm đồi Cal-vê. Con người tái sinh lần nữa từ phép rửa tội, từ nước và máu xuyên qua cạnh sườn Chúa Kitô; một người được nuôi dưỡng trong Giáo hội, nhiệm thể Chúa Kitô mà nhiều nguyên tố được kết hợp nhờ ơn của các phép bí tích và nhờ Lời Chúa được ru trong lòng chúng ta. Do đó điều răn đầu tiên của Chúa được hoàn tựu: “Israel hãy lắng nghe!” Mẹ Maria trả lời qua kinh Magnificat. Phủ lên bao nhiêu mong chờ hàng thế kỷ của các tiên tri, các tổ phụ, những người nghèo… những người khiêm hèn có quả tim tinh tuyền mà Chúa hứa sẽ được thấy Chúa.

Anh Bernard-Henry của cô, ký giả Jean-Pierre Elkabbach, một vài người bạn cùng đạo với cô lấy làm tiếc về việc cô trở lại.

Sau khi tôi trở lại, anh của tôi tuyên bố trên báo Figaro: “Vấn đề là đức tin, đức tin của em tôi là khác, lãng quên, ném cho cây tầm ma điều răn ‘Con sẽ làm và con sẽ nghe’, điều răn trọng tâm đạo do thái của tôi mà tôi nghĩ em tôi đã đánh mất ý nghĩa… Tôi đã đọc sách của em tôi. Sách rất hay. Nhưng với quyết tâm muốn nhảy các giai đoạn, chạy theo kết luận là được hiệp thông, với cách đốt cháy các giai đoạn để đi đến, để tiến ‘Tới Lửa’ của Hưlderlin, em tôi ở trong thế giới tưởng tượng không phải thế giới của tôi, em tôi đã cắt đứt sợi dây trao truyền.”

Bây giờ, tôi trả lời anh: không, tôi không cắt đứt sợi dây trao truyền, ngược lại là đàng khác! Đúng hơn là tôi đã kết lại những gì đã bị cắt; những điều mà các người pharisêu, các tiến sĩ luật, những người mà tôi gọi là người ly giáo đó chăng? Sự hiệp thông Thánh Thể là Alpha và Oméga của chúng ta.

Mầu nhiệm Cứu chuộc và Ba Ngôi đã được mạc khải qua các tiên tri và tổ phụ, qua lời của tiên tri Êdêkien, Chúa đã thì thầm: “Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt”. Các điều răn tê cứng trên các tảng đá luật được nhập thể qua bảy lời nói cuối cùng khi Chúa Kitô hấp hối trên thập giá cho các lời hát câm-chết của chúng ta, từ tội ở vườn Địa đàng cho đến thời viên mãn của thời gian. Để Sống Lại.

  

Véronique Lévy rửa tội ngày lễ Phục Sinh năm 2012

Cô giải thích niềm say mê thập giá ban đầu của cô như thế nào?

Chúa đến gần tôi qua em bé gái Coralie… Khi đó tôi ba tuổi và Coralie cũng bằng tuổi tôi. Tôi gặp Coralie mỗi tháng tám ở bãi biển Antibes; một buổi chiều, em đưa tôi đến một nơi vắng vẻ, em chỉ cho tôi chân trời và nói như nói tiên tri: Phải tin nơi Chúa Giêsu Kitô, nếu không các con rô-bô sẽ thắng mình. Em đưa cho tôi cây thánh giá. Tôi giấu cây thánh giá trong hộp  quý của tôi, lòng tôi hồi hộp, tôi bí mật nhìn… Đi từ hung bạo đến sự dịu hiền của Ngài; hãi hùng vì cái chết cho Tình yêu của Ngài, tôi chỉ biết có Ngài… Chúa Giêsu, hoàng tử của tôi đang ngủ… Đây không phải là thập giá của đau đớn, nhưng là Vua trên thập giá. Gương mặt Ngài là gương mặt của tha thứ, mở chân trời bằng cánh tay rộng mở của Ngài; tôi mơ cánh tay đó đến với tôi, thời gian xóa bỏ sự vĩnh cửu của Ngài. Sau này tôi hiểu các lời huyền bí của trẻ con… nếu thịt da từ chối Đấng đến thăm mình, Đấng đến gieo sự sống lại thì thịt da đó khô cằn, bị giam hãm trong thảm họa… trong hố thẳm hư không. Thể xác bị chán ghét, bị tách khỏi Thần Khí thì thể xác đó bị tổn thương bởi khiêu dâm; phủ nhận sự mong manh của mình cho ảo ảnh của một người hùng mạnh; tách khỏi, biến đổi con người thật của mình, con người được in dấu sự Hiện diện của Chúa, mạnh hơn cả cái chết của chúng ta. Liệu nhân loại có bỏ đức tin của mình không? Có bán tống Hy vọng đã được hứa theo các mối phúc thật cho những tả tơi, những trò đùa của người máy, của rô-bô, của dòng vô tính không? Coralie là người có tầm nhìn: chỉ có Chúa Kitô mới cứu nhân loại khỏi sự biến mất của nó, mới cứu cho cái chết đã được báo trước của nó: qua sự Sống Lại của Chúa!

Vì sao thần nghiệm lại thường bị cho là điên? Các nhà thần nghiệm có phải là “những người điên vì Chúa” không?

Sự điên rồ của họ là sáng suốt; một tận căn chỉ có thể do tình yêu. Chính vì thế nó làm hãi sợ… nó phản ảnh một chút khôn ngoan của Chúa. Vì thước đo tình yêu của họ là yêu không đo đếm. Tự do của họ là tự do của Chúa Kitô, bất khả quy với mọi hệ thống của sự chết, của mọi kiểm soát. Đó là Thánh Phanxicô Axixi từ bỏ hết của cải tài sản của cha để trần trụi, chỉ có Chúa là chiếc áo Thánh Phanxicô Axixi mặc duy nhất để đi trên các con đường của nước Pháp… là Angèle de Foligno đã hét lên, “Tình yêu không phải là được yêu!” Sự tận căn này của các nhà thần nghiệm không phải là sự che chở, là khổ tu đơn độc không hiện thể; nó là vén mở của một sự sinh ra được rửa tội trong Sự thật; nhà thần nghiệm xé tung ảo tưởng của cái chết theo ánh sáng Chúa Kitô và bóng tối đen đặc nhất cũng không thể ngăn chận nó; các vua Hêrôđê và Caipha cũng không thể chận đường họ, trên con đường này họ luôn khai phá. Sự hiền dịu của các nhà thần nghiệm làm hãi sợ; đó là vị chua ngọt: đó là Sự thật của Ngài. Họ là các con đường của tình yêu, loan báo sự Công chính của Ngài ra đời, trong thinh lặng, trong cầu nguyện hay trong lời xúc phạm. Họ là muối không thể bị chà đạp dưới chân, họ là người canh tường thành, là chiến binh dưới trướng lòng thương xót Chúa. Lời của họ lật nhào xã hội, một xã hội bị lệ thuộc vào uy lực kinh tế, thống trị tâm trí con người; đời của họ lột trần các nghịch lý của một hệ thống bệnh hoạn, bỏ án tử hình nhưng lại cho quyền ngưng sự sống mong manh trong bụng mẹ… Như thử giết người vô tội là một quyền. Cha Pierre xây dựng Đường Ê-mau, ông Jean Vanier thành lập Nhà Arche cho người khuyết tật… đều vượt lên tất cả các thể chế thế tục vì dức bác ái siêu nhiên là chiếc buồm thổi Thần Khí, để đưa con tàu ra biển khơi… vượt lên các trở ngại, các chuyện dối trá. Họ ở đó, để cho thấy sự rỗng tuếch của dấu tích một kitô giáo không có Chúa Kitô; rằng các giá trị thị trường kinh tế thế giới mua đứt tinh thần, thể xác con người… phá hủy con người từ trong nôi: gia đình nó; nhân danh quyền tự do nuôi nấng, họ loại bỏ phôi thai dư, nhân danh nghiên cứu y khoa, nhân danh cho sự mồ côi bất tử của Sự sống đời đời. Đó là vì sao người ta muốn nhốt các nhà thần nghiệm trong vương quốc trống rỗng của điên cuồng. Nhưng Thánh Phanxicô, Cha Thánh Piô, nữ Thánh Jeanne là các tảng đá góc tường mà người thợ xây vứt, nhưng nhờ đó mà nó luôn pha vỡ cái chết và bạo lực.

Chuyến hành hương Đất Thánh của cô, vừa là nơi thân yêu của gia đình cô, vừa là đất Chúa Kitô sống, cô nhận thấy như thế nào?

Trong ánh sáng Chúa Kitô, đâu là sự hợp pháp thần học mà Israel có thể thể hiện? Đất Thánh này chỉ thiêng liêng và được Chúa thánh hóa khi có ngôi Lời nhập thể và có huyền nhiệm cứu chuộc. Tất cả, trong Giao ước đầu tiên đã được ban; các anh em tổ tiên chúng ta trong đức tin, các tổ phụ, các tiên tri đã loan báo Chúa đến và đã vui mừng, ông Simêôn và bà Anna đã thờ phượng Chúa, đã ngạc nhiên khi thấy lời Chúa hứa được thực hiện. Từ Bêlem, Nadarét, Galilê cho đến Giêrusalem, đến vùng sa mạc khô cằn thinh lặng, đến ngọn núi cao ngất trời Horeb hay Sinai, tôi chỉ biết giữ lại dấu ấn bước chân Ngài, lời Ngài nói qua lời các tiên tri, hương vị nước mắt và máu của Ngài, với các con đường thơm ngát của vườn thống khổ Cédron. Đúng, Chúa Kitô là chìa khóa cho nét đẹp của trái đất này; mở dấu ấn của Sách Thánh, của Tình yêu, của Sự thật như Ngài đã mở cho các môn đệ đau buồn thấy khi họ đi trên đường Ê-mau. Nếu ông Môsê không bị chôn vùi ở đất Canaan, nếu không ai tìm thấy xác ông, thì có thể Chúa muốn nói chỉ có một miền đất là đất hứa: đó là miền đất nơi sâu thẳm tâm hồn chúng ta, nơi nhịp đâp của Ngài xuyên qua, nơi chảy sữa và mật lòng thương xót Chúa. Và đó là nơi Ngài gọi chúng ta và chờ chúng ta… trong bí tích của Giáo hội. Và đó có phải là Israel thật, Israel đời đời, Israel được ông Giacóp tuyên bố sau khi chiến đấu với Thiên thần, khi Đấng vĩnh cửu ban tên cho ông; có phải người yêu dấu của Diễm ca được tiên tri Isaia cho thấy trong hình ảnh hiền thê, vừa trinh nữ vừa mẹ: Sion, “trong đó mỗi người được sinh ra” và nơi “con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông”; hiền thê này là Giáo hội của đất và trời, nhiệm thể của Chúa Kitô, sinh ra nhờ ơn sủng Chúa, tâm hồn của những người được rửa tội sống cho đến cuối thời gian, cho đến khi Chúa mở chân trời của thiên quốc Giêrusalem. Và mặt trời duy nhất là Chúa ba lần Thánh được các thiên thần Sêraphin ca hát trong thị kiến của tiên tri Isaia (6.3) và sách Khải huyền (4.8): “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Thiên Chúa của các đạo binh là Đấng Thánh!”

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc thêm: Véronique Lévy trên con đường của thập giá

Véronique Lévy trên con đường của thập giá

 

Véronique Lévy, người tình của Chúa Kitô

Véronique Lévy, em của triết gia Pháp Bernard-Henri Lévy, kể lại câu chuyện trở lại đạo của cô

Câu chuyện của một tâm hồn ở thế kỷ 21: Véronique Lévy tâm sự trong bài ca thần nghiệm yêu thương