Véronique Lévy trên con đường của thập giá
lefigaro.fr, Astrid De Larminat, 21-03-2015

Cô em út của văn sĩ triết gia Pháp Bernard-Henri Lévy viết một quyển sách kể câu chuyện trở lại đạo Công giáo của mình. Một tiến trình khác mọi người.
Ngày chúa nhật đầu tiên Mùa Chay năm 2012, nhà thờ Đức Bà Paris chật ních. Tổng giám mục Vingt-Trois địa phận Paris tập họp lại các người lớn sẽ được rửa tội vào đêm Canh Thức Phục Sinh sẽ tổ chức bốn mươi ngày sau đó. Bỗng nhiên, trong những người tham dự, người ta loan báo có sự hiện diện của Bernard-Henri Lévy. Ông đến đây làm gì, trong hàng ghế dành riêng cho gia đình các tân tòng? Các câu tweets trao qua đổi về. Và thế là tin động trời được loan ra: Véronique Lévy, cô em của một trong các khuôn mặt lớn của cộng đồng Do Thái Pháp trở lại đạo Công giáo.
Khi cô Véronique báo cho anh mình biết cô sẽ rửa tội, “BHL” (tên tắt báo giới thường gọi triết gia Bernard-Henri Lévy) nhận ra ngay đây không phải là chuyện ngông cuồng của cô em gái nhỏ hơn mình 20 tuổi, tin này không một ai trong gia đình ông xem là chuyện thường. “Qua cách nói tin tưởng và mang một chiều sâu khi em tôi nói, tôi hiểu ngay đây không phải là chuyện con nít nhưng là một kinh nghiệm nội tâm đích thực, ông nói. Tôi có ấn tượng ngay, về mức độ hiểu biết thần học Kitô cũng như Do Thái của em tôi, mà trước đây em tôi chẳng biết gì.” Bernard, trong vòng thân tình chỉ gọi ông là Bernard, chấn động. Ấn tượng trước hết là vì có sự biến đổi của Véronique: trước đây cô mong manh, bất ổn; ông nhận ra một sức mạnh mới đã thổi vào tâm hồn em mình và đã làm cho cô hân hoan. Nhưng một phần trong tâm hồn ông thì lại buồn vì việc trở lại này: “Cha mẹ chúng tôi sẽ nghĩ gì? Trong lễ rửa tội, tôi đã nghĩ chắc việc này sẽ làm ông bà thất vọng lắm. Đó là một sự cắt đứt mà chắc chắn chưa bao giờ xảy ra trong truyền thống hàng ngàn năm của dòng họ Lévy, ông thổ lộ. (Lévy là một trong 12 chi tộc Do Thái trong Cựu Ước). Tôi có cảm tưởng như mình đã thất bại trong việc trao truyền một cái gì đó cho cô em út đáng tuổi con của tôi.”
Ai là cô Véronique bí mật này, một người chưa bao giờ xuất hiện ngoài công chúng? Khi người ta thấy cô lần đầu ngoài đường, cô đang hút điếu thuốc Marlboro, tóc vàng, người mảnh dẻ yếu ớt, da trắng muốt, cô như “Cô gái trẻ Violaine (tên một vở kịch của Claudel”) với nét rất trẻ con trong cách diễn tả, dù các đau đớn chồng chất trong cuộc đời của cô đã làm cho cô có khuôn mặt dạn dày của một cuộc đời truân chuyên. Cô có vẻ như sợ hãi. Nhưng khi ngồi bên ly cà phê và khi nói đến chủ đề mà cô muốn nói, Chúa Giêsu Kitô, thì cô có tự tin ngay, cô diễn tả một cách dễ dàng, chính xác, ngay cả có nét quyền uy trong đó. Cô giải thích cách nào cô viết quyển sách vừa mới xuất bản, “Xin cho con thấy nhan Chúa” (Montre-moi ton visage), trong đó cô kể câu chuyện phiêu lưu của mình với Đấng Bị Đóng Đinh. Sự giải thích này không phải là không hữu ích vì: trọng tâm của quyển sách là ghi lại cuộc đối thoại nội tâm mà cô nói chuyện với Chúa Kitô trước Thánh Thể, một cuộc đối thoại yêu thương lâu dài với người tình thiêng liêng của cô. Véonique Lévy ngời sáng với đức tin mới toanh nhưng không điên. Jean-François Colosimo, giám đốc nhà xuất bản Éditions du Cerf, người xuất bản quyển sách của cô, ông cho biết loại văn phong này không có gì là quá đáng và nó phổ thông nơi các phụ nữ có cảm nghiệm thần bí, họ nói về đời sống nội tâm theo cách của những người yêu nhau, đôi khi họ dùng những hình thức mộc mạc sống sượng để nói lên tình yêu của họ đối với Chúa. “Nếu độc giả ngạc nhiên với quyển sách này thì họ chưa biết Kitô giáo. Kitô giáo không phải là một tôn giáo của luật nhưng là tôn giáo của sự gặp gỡ với Chúa Giêsu, Đấng khơi dậy một cái gì rất con người trong tâm hồn chúng ta để làm cho chúng ta trở lại”, ông nói thêm. “Chứng nghiệm đức tin thì giống như phải lòng ai. Khi yêu ai đó một cách không điều kiện, người ta hy sinh tất cả cho tình yêu này, người ta dửng dưng trước mọi chỉ trích của người khác, người ta chỉ hạnh phúc với sự hiện diện của người đó.”
Đó là một sự cắt đứt mà chắc chắn chưa bao giờ xảy ra trong truyền thống hàng ngàn năm của dòng họ Lévy
(Bernard-Henri Lévy, triết gia, anh của cô Véronique)
Mới đầu, cô tân tòng trẻ không muốn xuất bản cuộc đối thoại giữa một tâm hồn với Chúa Kitô, trong đó có phần đối thoại với Đấng Sống Lại. Người ta giải thích cho cô nếu cô ghép cuộc đối thoại này vào trong câu chuyện đời của cô thì sẽ rõ ràng hơn.. Điều này thuyết phục được cô vì cô muốn chứng tỏ Chúa đã tác động trên đời sống như thế nào, “trong cuộc sống của tất cả mọi người”, cô nhấn mạnh, cô dùng tay làm dấu chứng tỏ quan trọng là phải ghi lại. Bà Georgette Blaquière, một gương mặt của đạo Công giáo thế kỷ 20 đã nói: “Tin ở Chúa không phải là tin có sự hiện diện Chúa nhưng tin mình hiện diện là để cho Chúa.”
Véronique Lévy cho biết cô được nghe nói đến Chúa Kitô lần đầu tiên là ở bãi biển Antibes đông người khi cô lên… ba! Coralie, một cô bé cũng chẳng lớn tuổi hơn mình bao nhiêu đã nói cho cô biết về Chúa Giêsu Kitô, rồi theo năm tháng, trong những lần đi nghỉ hè chung, Coralie dạy cô đọc các kinh của Công giáo, dạy ‘giáo lý” và tăëng cô một cây thánh giá. Cô bé Véronique mê người giăng hai tay trên thập giá, cô không thấy đây là đau đớn nhưng thấy đây là tình thương, một tình thương hiền lành, dịu dàng, một tình thương không điều kiện và tuyệt đối. Niềm đam mê trẻ con này, cô không nói cho gia đình biết, cô biết cha mẹ mình là người Do Thái, dù họ không giữ đạo Do Thái nhưng Do Thái vẫn là Do Thái. Cha của cô để cô ngồi trên đầu gối và nói: “Con là công chúa. Con mang tên của một dòng họ rất lâu đời, một dòng họ quý phái, một trong mười hai chi tộc của Israel, dòng họ Lévi. Con đừng bao giờ quên điều này.”
Một niềm đam mê trẻ thơ
Là công chúa, Véronique giữ phong cách và dáng vẻ hoàng tộc, thêm vào đó là một tính nhạy cảm cùng cực có thể bị xem như một hình thức tra tấn. Bà ngoại mà cô rất yêu quý mất khi cô 12 tuổi, đã làm cho cô rơi vào tình trạng âu lo tột độ. Để gạt Thần Chết (Thanatos), cô cầu viện đến Thần Yêu (ÉÙros). Bị lôi cuốn điên cuồng trong ham muốn đi quyến rũ, cô son phấn quá lố, ăn mặc như đàn bà khi mình chỉ là cô gái mới lớn. Đứa bé mờ nhạt không ai biết trở thành người đi khiên khích. Một buổi tối, trước mặt các khách mời của mình, cha cô hỏi lớn lên con làm gì, cô trả lời: “Làm điếm”. Như thế là quá nguy hiểm, cha mẹ gởi cô vào nội trú. Khi cô quên đi đam mê thời thơ ấu thì niềm đam mê được khơi lại qua cuốn phim Giêsu Nadarét của đạo diễn Zeffirelli được chiếu ở nhà nội trú. Mỗi lần cô nghe nhắc đến Giêsu là cô quay về.
Trong vòng hai mươi lăm năm tiếp theo, Chúa Giêsu vẫn đi theo cô, vẫn ở trong cuộc sống sứt chỉ đường tà, bừa bãi thậm chí là phóng đãng của cô, vẫn đến với cô qua những cuộc gặp gỡ, những sự kiện và nhất là trong các giấc mộng. Cô cố gắng sống: học văn chương, học y tá, học kịch nghệ, làm nữ trang, học yêu, tất cả những gì cô làm cuối cùng đều thất bại, đều kiệt sức. Có một cái gì đó thiếu, nhưng cô không biết đó là cái gì. Trong khoảng thời gian cuối trước khi cô trở lại, cuộc sống của cô đen tối hẳn. Cô sống về đêm, trong quán bar của Bastille, nơi đây trở thành nhà của cô, “bầu bạn với bọn khốn khổ đầu trộm đuôi cướp lầm đường lạc lối”, những người khốn khổ mà cô thương vì cô biết “trong sự quá đỗi của họ là tấm lòng khao khát, là một cuộc đi tìm, là niềm nhớ nhung của một cái gì tuyệt đối”.
Câu nói cô nghe trong giấc mộng của mình “Ta sẽ lấy quá tim đá của con, thay vào đó Ta sẽ cho con quả tim bằng thịt” đã làm cô thức tỉnh và mở lòng mình ra đón Chúa. Mặc áo đen tuyền, đi giày cao gót, cô chờ một tình yêu điên cuồng. Bóng tối ôm chặt lấy cô: cô mê các con quỷ hút máu người. Và chính khi đó cô gặp một người đàn ông kỳ lạ, quá hấp dẫn để có thể chân tình đưa cô đến nhà thờ Saint-Gervais trước khi ông biệt tăm. Khi linh mục Pierre-Marie Delfieux, nhà sáng lập dòng Huynh Đệ Giêrusalem ở Saint-Gervais, thấy Véronique ở một dãy ghế trong nhà thờ, cô như chiếc giẻ rách. “Chỉ trong vòng vài tuần, Thiên Chúa đã tái dựng lại tôi”, cô nói.
Một trùng hợp kỳ lạ
Anh của cô xác nhận: “Trong cuộc sống của Véronique, có một sự cọ sát với thần dữ, với một đỉnh cao trước ngày Véronique trở lại; ở đó cũng có ân sủng và có sự cứu rỗi: Véronique trở thành một người khác. Véronique đã tái xây dựng lại tâm hồn mình. Tiến trình thiêng liêng này chạm đến bản thân con người ở mọi chiều kích, từ cao xuống thấp.” Cô càng cầu nguyện thì cô càng hóa thân. Cô viết: “Giáo hội là một bệnh viện cho những tâm hồn bị tổn thương mà khoa tâm thần hay phân tâm không thể nào làm thuyên giảm. Giáo hội mang đến những gì mà thế tục đã lãng quên, đó là tha thứ và cứu chuộc. Giáo hội mở ra con đường tự do, giải các nút thắt. Đấng vĩnh cửu không phân chia, Ngài kết hiệp, Ngài bổ nhiệm, Ngài ra lệnh và thứ trật này là tốt lành.”
Sự trở lại đã tái tạo con người của cô. Trước hết là nữ tính bị hư hại của cô, nếu bạn kết tội Giáo hội coi thường phụ nữ thì Giáo hội sẽ moi ruột moi gan bạn. Trong căn tính Do Thái của cô cũng vậy. “Trước đây tôi là người không có gốc rễ, bây giờ trong sự bắt đầu này, tôi tìm được nguồn gốc của tôi.” Vì theo cô, chính Phúc Âm đã cho cô thấy cốt tủy của Do Thái giáo. Trong quyển sách của mình, cô gọi những người giả hình pharisêu theo cách nói phóng khoáng của một cô gái Israel: “Sự từ chối Chúa Kitô của họ là hành vi không chính thức của một cuộc ly dị với ơn thánh của dân tộc chứng nhân”, cô viết. Và còn nữa: “Sự toàn cầu hóa của Ơn Cứu Rỗi làm cho họ sợ sao?” Cô em gái của tác giả quyển “Bản Di chúc của Chúa” (Testament de Dieu) nói thẳng. Cô, người chưa bao giờ đọc Thánh Kinh, đọc các bài về thần nghiệm, về thần học, về các Tổ phụ của Giáo hội. Khi cô đọc đoạn nào hứng thú, cô gọi điện thoại cho anh cả của mình, cô đọc cho anh nghe trọn cả đoạn. Cô không sợ anh cô chán ngấy? Cô trả lời: “Tôi nói với Miền Đất Hứa trong lòng anh tôi.”
BHL là người theo thuyết bất khả tri. Ông nói rõ: “Đối với tôi, tôi không đặt vấn đề có Chúa hay không.” Nhưng ông không dửng dưng với câu chuyện này. Khi cô em sắp trở lại, ông không hay biết gì. Khi chuẩn bị cho cuộc triển lãm về tính xác thực và hội họa, ông đi khắp các viện bảo tàng trên thế giới để tìm các bức tranh của bà Vêronica mà theo truyền thống bà là người lau mặt cho Chúa Kitô và khuôn mặt của Ngài đã in dấu trên chiếc khăn: một hình ảnh mở một khe về việc cấm không được trình bày hình ảnh của Chúa. Sự trùng hợp này đã làm cho ông giao động, ông công nhận điều này. Cũng vào thời gian đó, Philippe, em trai của ông bị té từ lầu sáu xuống vào ngày sinh nhật của mình. Bác sĩ không hy vọng. Trong lúc Bernard-Henri đang cố gắng xin bác sĩ cứu thì Véronique để các tượng thánh trên đầu giường anh mình, cô giấu các tượng phép lạ dưới gối và cọ cầu nguyện ngày đêm. Một buổi sáng Noel, cô đến bệnh viện thấy anh Philippe tỉnh dậy và thở không cần ống thở. Cô đang đọc Phúc Âm cho anh mình thì Bernard bước vào. Bất bình trước cảnh sùng đạo kiểu công giáo của em mình, ông trách cô đã lợi dụng sự yếu đuối của người bệnh, ông la cô. Nhưng sau đó thì ông nguội lại và cho phép cô để tượng Thánh Nhan trên bàn và cầu nguyện – nhưng phải im lặng cầu nguyện…
Vài tháng sau, theo lời xin của em mình, anh Philippe đến tham dự một thánh lễ ở nhà thờ Saint-Gervais. Ngày hôm đó, huyền bí thay, các tu sĩ hát bài Shema Israel (hai chữ đầu tiên của kinh Torah: Nghe đây, Israel) và hát kinh Lạy Cha bằng tiếng hêbrơ. Gia đình Lévy sống đối thoại Do Thái-Kitô trong da thịt mình.
Marta An Nguyễn chuyển dịch