Đức Giáo hoàng kể kinh nghiệm của Jorge Mario Bergoglio

313

 Đức Giáo hoàng kể kinh nghiệm của Jorge Mario Bergoglio

 

Buổi gặp với người trẻ và người lớn tuổi ngày thứ ba 23 tháng 10 tại Viện Augustinianum, Rôma © Vatican Media

fr.zenit.org, Hélène Ginabat, 2018-10-26

Cô Jennifer Tatiana Valencia Morales người Cô-lông-bi 20 tuổi. Cô làm việc cho tổ chức “Unbound” và di chuyển bằng xe mô-tô trong các làng miền núi ở Cô-lông-bi để đến giúp người trẻ và người lớn tuổi. Cô hỏi Đức Phanxicô một câu hỏi về các “câu chuyện cuộc sống” như 250 người lớn tuổi kể cuộc đời của họ trong quyển sách “Minh triết mọi thời”. 

Jennifer Tatiana Valencia Morales:

Trọng kính Đức Phanxicô, khi đọc các câu chuyện người lớn tuổi trong quyển sách này, con đã rất xúc động. Cha đã nghe rất nhiều chuyện trong đời của cha. Điều gì đã thúc đẩy khi cha làm dự án này và lắng nghe câu chuyện đời của những người lớn tuổi trong quyển sách này? Cuộc đời của họ sống trong hoàn cảnh khó khăn cùng cực, những người không quan trọng dưới mắt xã hội, dưới mắt người khác. Không một ai nghe họ. Sau khi nghe những câu chuyện này, cha có thấy mình xúc động, mình thay đổi không? Cha có thích nghe các câu chuyện đời sống? Điều này có giúp cha khi cha làm giáo hoàng không?                        

Câu trả lời của Đức Phanxicô:

Câu hỏi cuối cùng: “Cha có thích nghe các câu chuyện đời sống? Điều này có giúp cha khi cha làm giáo hoàng không?” Có, cha rất thích nghe. Cha thích. Trong các buổi tiếp kiến ngày thứ tư hàng tuần,đầu tiên là cha chào giáo dân, cha ngừng ở nơi có trẻ em và người lớn tuổi. Và cha có nhiều kinh nghiệm khi nghe người lớn tuổi. Cha kể cho con nghe chỉ một chuyện nói về gia đình.

Có một lần nọ, có một cặp mừng sinh nhật sáu mươi năm đám cưới, nhưng họ còn trẻ vì thời đó họ lập gia đình sớm. Bây giờ để người con trai lập gia đình, bà mẹ phải ngưng ủi áo quần cho anh, nếu không anh không ra khỏi nhà! Nhưng thời đó người ta lập gia đình sớm. Cha hỏi họ: “Như vậy có đáng công đi con đường này không?” Và họ nhìn cha, rồi nhìn nhau, và họ lại nhìn cha, họ chảy nước mắt và họ trả lời cho cha: “Chúng con yêu nhau!” Chưa bao giờ, chưa bao giờ cha hình dung một câu trả lời “hiện đại” của một cặp mừng sinh nhật sáu mươi năm đám cưới. Khi nào mình cũng gặp những chuyện mới, những chuyện mới giúp mình đi tới đàng trước.

Rồi còn một chuyện khác: chuyện khi cha còn nhỏ, tình cờ cha nghe các người lớn tuổi nói chuyện với nhau. Cha thích nghe chuyện của họ. Một trong các bà láng giềng của cha thích nghe opera, cha lúc đó 16-17 tuổi, cha đi theo bà đi nghe opera, đúng, cha ngồi ở “chuồng gà” rẻ tiền hơn… Và rồi hai bà nội-ngoại của cha, cha nói chuyện nhiều với các bà: cha tò mò muốn biết đời sống của họ, cha xúc động khi nghe đời sống của họ. Chuyện mà cha nhớ nhiều nhất về người lớn tuổi là có một bà đến giúp mẹ của cha làm việc nhà: bà người vùng Sicile nước Ý, di dân đến Argentina, bà có hai người con: bà từng nếm cảnh chiến tranh thế giới lần thứ hai, bà ra đi với hai người con: bà kể chuyện chiến tranh và cha học rất nhiều từ đau khổ của những người này, thế nào là bỏ nước ra đi, cha liên lạc với bà cho đến khi bà qua đời ở tuổi 90. Có một thời gian vì tính ích kỷ của cha, cha đã xa bà, cha rất đau khổ vì không gặp lại bà.

Đó là kỷ niệm đẹp với người lớn tuổi, cha không sợ họ. Cha luôn ở với người trẻ, nhưng… Và với các kinh nghiệm này, cha hiểu khả năng mơ của những người lớn tuổi, vì luôn có một lời khuyên: “Đi tới như vậy, làm như vậy… ta kể cho con nghe chuyện này, đừng quên chuyện kia…” Một lời khuyên không phải là một mệnh lệnh, nhưng là cởi mở, với một tấm lòng dịu dàng. Và các lời khuyên này mang lại cho cha ý nghĩa thế nào là sự thuộc về. Căn tính của chúng ta không phải là thẻ căn cước chúng ta có: căn tính có gốc rễ của nó, khi nghe các người lớn tuổi nói chuyện, chúng ta tìm được gốc rễ của mình, như một cái cây, nó cần gốc rễ để lớn lên, để nở hoa, để kết trái. Nếu con cắt rễ thì nó không lớn, nó không cho trái và nó sẽ chết. Có một bài thơ của thi sĩ Bernardez mà cha hay lặp lại, Bernardez là một trong các nhà thơ lớn của Argentina: “Cái gì nở hoa trên cây thì nó đến từ cái gì ở lòng đất”. Nhưng đừng để gốc rễ chôn mình vào đó, như người bảo thủ khép kín, không. Và cha nghe điều này trong phòng hội Thượng Hội đồng, một trong các giám mục minh triết nói – làm như khi đi tìm nấm truffle, một loại nấm quý và hiếm- nó nảy sinh gần gốc rễ, nó tích tụ tinh hoa bao nhiêu năm trời và rồi nó như món nữ trang đắt tiền mà muốn có nó trong tay phải tốn cả… gia tài!

Tìm lại gốc rễ, với câu chuyện và điều này giúp con có cảm nhận mình thuộc về một dân tộc. Sau đó, sự thuộc về này mang lại cho con căn tính. Nếu con nói với cha: tại sao ngày hôm nay có nhiều người trẻ “lỏng lẻo?” Trong sự lỏng lẻo văn hóa này mà con không biết đó là “chất lỏng” hay chất khí”… Không phải lỗi của họ! Đó là lỗi do sự tách ra khỏi gốc rễ của lịch sử. Đây không phải là việc phải giống người lớn tuổi, nhưng lấy cái tinh hoa của họ, như lấy nấm quý truffe và lớn lên, cùng đi tới đàng trước với lịch sử. Căn tính là thuộc về một dân tộc.

Và cha có một kinh nghiệm khác, lúc đó cha đã là linh mục, giám mục, như những người trẻ làm khi họ đi thăm nhà hưu dưỡng. Ở Buenos Aires, cha có một kinh nghiệm nhỏ: các người trẻ nói ‘mình đến đó không? nhưng với người già thì quá chán!’. Đó là phản ứng đầu tiên. Rồi họ đến với cây đàn ghi-ta và họ bắt đầu… và người lớn tuổi bắt đầu thức dậy, và rồi chính các bạn trẻ lại không muốn về! Họ tiếp tục chơi đàn và chơi… vì sợi dây liên kết đã được thắt chặt.

Cuối cùng là một hình ảnh trong Thánh Kinh: Khi Đức Mẹ và Thánh Giuse đem Chúa Giêsu vào Đền thánh, thì chính hai người lớn tuổi đón tiếp họ. Ông Simêon, người lớn tuổi minh triết, suốt cuộc đời ông mơ mình gặp được Đấng Cứu Chuộc. Ông cất lời ngợi khen Chúa, ông mở đầu phụng vụ ca ngợi Chúa. Và bà Anna lớn tuổi, người cũng ở trong đền thánh có cùng niềm hy vọng với ông, bà đi loan báo khắp nơi: “Đó là như vậy, đó là như vậy…”, bà biết trao truyền những gì bà vừa thấy khi gặp Chúa Giêsu. Hình ảnh của hai người lớn tuổi. Thánh Kinh lặp cho biết, họ được Thần Khí thổi. Và bà nói những người trẻ Maria, Giuse và Giêsu là những người giữ lề luật Chúa. Đây là một hình ảnh rất đẹp của đối thoại và của phong phú, phong phú của thuộc về và phong phú của căn tính. Cha không biết là cha đã trả lời đúng câu hỏi của con…

Marta An Nguyễn dịch