Giáo hoàng Phanxicô, người cháu của gia đình di dân

573

Giáo hoàng Phanxicô, người cháu của gia đình di dân

lemonde.fr, Ariane Chemin, 2018-10-15

Jorge Bergoglio thực sự là người như thế nào? Người so sánh phá thai với “thích khách” (trong tiếng Ý ngài nói là sicario, người giết lén, không phải là người giết thuê như báo chí dịch) hay là người khóc ở đảo Lampedusa năm 2013 cho số phận của người di dân? Nữ ký giả Ariane Chemin báo “Le Monde” có loạt bài về tiến trình của ngài. Đây là bài đầu tiên trong năm bài Theo dấu vết của Giáo hoàng Phanxicô. Bài hôm nay nói về nguồn gốc Ý của bà nội Rosa của ngài, người xém chết khi vượt biển Đại Tây Dương.

Có bao nhiêu người chết? Hai trăm năm mươi? Ba trăm? Hay nhiều hơn? Thi thể của họ nằm trên giòng nước mờ đen. Đàn ông, đàn bà, trẻ con, họ không bám được vào bè, vào phao. Đại dương đã nuốt tiếng kêu kinh hoàng của họ khi ánh đèn của các tàu buôn đến cứu, quét đi bóng tối nhưng lại không còn thấy thi thể của họ. Kiệt sức, họ bị chết đuối, đôi khi còn bị cá mập xé xác. Theo sổ đăng ký hành khách, trong số họ có 118 “người Syria”, các nhà buôn đến từ Liban hay Damas, nhưng đa số là người Ý, họ đi từng gia đình, có cha có mẹ, có cả ông bà nội ngoại…

Chúng ta không ở trong thời thuyền bơm ở biển Địa Trung Hải của thế kỷ 21, nhưng ở vào đầu thế kỷ 20 ngoài khơi Ba Tây, trên chiếc tàu khách Principessa Mafalda, chiếc tàu được đưa ra thị trường ba năm trước chiếc Titanic. Tàu được chuẩn bị ở cảng Gênes nước Ý ngày 11 tháng 10 năm 1927 với 971 hành trách trên tàu, khoang tàu đầy cả giấc mơ Argentina. Từ thế kỷ 19, hàng triệu người di dân vượt biển Đại Tây Dương, trọn đời sống của họ chất trong chiếc va-li dưới hầm tàu để đi tìm một miền đất thanh bình và thịnh vượng.

Lúc đó Argentina là nước mạnh thứ sáu trên thế giới, một nước đang tăng trưởng, giàu có và sinh động. Ở Buenos Aires, ba trên bốn người dân là người gốc Âu châu. Người dân ở đây có tên là “Người của cảng” (Portenos), câu truyền miệng trên hè phố: cả thủ đô “từ trên tàu bước xuống”.

Chiếc tàu Principessa Mafalda đã ghé cảng Barcelona, Rio, Santos và Montevideo. Khi đi qua vùng xích đạo, thuyền trưởng đã ăn mừng trên tàu với ban nhạc giao hưởng. Hành khách hạng ba được mời lên dự chung với hành khách hạng nhất. Các bà lịch sự nhảy điệu tango trên hai sàn tàu bóng loáng bằng gỗ của phòng nhảy, bậc thầy tango Carlos Gardel lên tàu vài tháng trước đó hẳn đã hát một điệu milonga đặc biệt.

Và bỗng nhiên tai nạn xảy đến. Ngày 25 tháng 10 – 1927, một vài ngày trước khi cập bến, trước 18pm giờ chiều, chân vịt bên mạn tàu bị vỡ. Nước tràn vào. Khoang tàu ngập nước. Mười phút sau vì tiếp xúc với nước lạnh các nồi nước nóng bị vỡ. Điện tắt, tàu chìm trong bóng tối. Cựu giáo sư sử địa Jean-Paul Maugis giải thích: “Đến 21 giờ 15, tàu bắt đầu chìm ở phần đuôi, kéo theo một số hành khách, những người không có xà-lúp, hoặc quá hoảng sợ đã nhảy qua bờ thành tàu”.

Gia đình Đức Phanxicô thoát nạn

Không ý thức và không ký ức, người ta thường nghĩ các giáo hoàng sinh ra tại Rôma ở ban-công Thánh Phêrô như Mẹ Vô Nhiễm! Vụ đắm tàu này Jorge Bergoglio đã nghe khi còn nhỏ! Bà nội Rosa kể thảm kịch này mà vẫn còn run như thử bà ở trên tàu. Mùa thu năm 1927, đáng lý bà Rosa Bergoglio lên tàu Principessa Mafalda để đi Buenos Aires. Bà và chồng là ông Giovanni, cũng là người vùng Piémont như bà, cùng với người con một là Mario lúc đó gần được 21 tuổi dự định đi Argentina. Nhưng “vì giấy tờ” chưa xong nên chưa đi được.

Chiếc tàu Principessa Mafalda lên đường mà không có gia đình trẻ này, may mắn hay phép lạ họ đã không tách nhau người trước kẻ sau để đi!

Cách đó mấy năm, gia đình Bergoglio có mở một cửa hàng tạp hóa bán bánh mứt ở Turin, có thể do chưa thanh toán xong cửa hàng mà làm chậm chuyến đi chăng? Hoặc thiếu hồ sơ của một người trong gia đình Bergoglio như thiếu bằng cấp của Mario? Bà Lucia Capuzzi, người nghiên cứu nguồn gốc Piemont của Đức Phanxicô nghĩ là do lý do thứ nhì. Bà Capuzzi kể với nhật báo Ý Avvenire: “Tháng 12 năm 1926, vài tuần trước khi gia đình Bergoglio lên tàu, thanh niên trẻ Mario nhận tin mình được Ngân hàng Ý ở Asti nhận làm việc. Gia đình hoãn chuyến đi và bỏ ngày lên đường như dự định.” Chiếc tàu Principessa Mafalda rời cảng Gênes mà không có gia đình trẻ Bergoglio, may mắn hay phép lạ họ đã không tách nhau người trước kẻ sau để đi.

Thảm kịch lưu vong này ít gây chú ý nơi những người dựng huyền thoại. Từ năm năm nay, phim tiểu sử, phim hoạt hình, phim ảnh, tài liệu, album nhạc kể về Đức Phanxicô dưới nhiều khía cạnh, nhưng chưa bao giờ cuộc đời Đức Phanxicô được khám phá dưới khía cạnh này. Người ta chỉ kể các câu chuyện họ thích. Ở Buenos Aires có “tua du lịch giáo hoàng” cho khách du lịch, tua bắt đầu đi từ căn nhà nơi sinh của ngài đến tòa tổng giám mục Buenos Aires, nơi ngài làm việc trước khi qua Rôma. Nhưng thật ngạc nhiên, tua quên dừng lại ở bến cảng Buenos Aires ,cũng như không nhắc đến khách sạn di trú, bây giờ đổi thành viện bảo tàng địa phương Ellis Island. 

Các chuyến đi ngạc nhiên đến đảo Lampedusa và Lesbos

Có phải vì chuyến đắm tàu hụt của thời những người xây dựng thế giới mới ở Argentina không? Họ không nhắc tới chiếc tàu Principessa Mafalda trong số các áp-phích hay bản vẽ các chiếc tàu hơi nước trong viện bảo tàng này. Ở Buenos Aires, mọi dấu vết Jorge Bergoglio để lại từ tám mươi mốt năm nay đều trở thành di tích và mỗi di tích có một tấm bản ghi chi tiết nơi kỷ niệm này, nhưng các phòng mở ra cho dân chúng thì không ghi lại kỷ niệm nào của gia đình ở giai đoạn này. “Giáo hoàng đầu tiên không phải là người Âu châu, giáo hoàng đầu tiên của thời toàn cầu hóa” nhưng theo nhà văn Umberto Eco, trước hết, Đức Phanxicô là con của gia đình di dân.

Ở nhà thờ chính tòa “của mình”, ngài luôn lặp lại: “Tất cả những ai ở chung quanh bàn thờ này, kể cả tôi đều là người di dân, con của những người di dân”. Sau khi được bầu chọn, ngài cũng nói như thế ở Rôma, linh mục Dòng Tên người Canada Michael Czerny, người được Đức Phanxicô đặc trách lo cho người tị nạn cho biết: “Tôi nghe ngài nói: ‘Tôi là người di dân làm việc’”. Còn về phần mình, ông Andrea Riccardi, nhà sáng lập cộng đoàn Sant’Egidio, một tổ chức nhân đạo hoạt động “trong hành lang” nhân đạo và ngoại giao của Tòa Thánh cho biết: “Phanxicô không hiểu chữ ‘rối loạn tâm thần, psychose’ của người Âu châu khi họ nghe nói đến người di dân. Ý tưởng của ngài về quốc gia không phải là “nhóm sắc dân, nhưng là những người có ý chí.”

Đức Phanxicô không hiểu chữ ‘rối loạn tâm thần, psychose’ của người Âu châu khi họ nghe nói đến người di dân

Tháng 7 năm 2013, vài tháng sau khi được bầu chọn, ngài làm cho giới truyền thông ngạc nhiên khi ngài đến đảo Lampedusa, nước Ý, nơi sóng làm trôi dạt xác người di dân lên bờ. Ngài nói: “Tôi đến để khóc.” Trong bài giảng của mình, ngài cho biết mình cảm thấy “như có gai nhọn đâm vào tim”. Ngài có nghĩ đến bà nội Rosa hay đến chiếc tàu Principessa khi ngài ném vòng hoa xuống biển đó không? Thần học gia Dòng Tên Juan Carlos Scannone và cũng là cựu giáo sư tiếng hy lạp của ngài tiếp chúng tôi ở Trường Maximo de San Miguel ở ngoại ô Buenos Aires giải thích: “Ở đây chúng tôi nói, hành vi này của ngài là thông điệp đầu tiên của Bergoglio. Rõ ràng là như vậy.”

Ngày hôm đó ở Lampedusa, Đức Phanxicô tố cáo sự “toàn cầu hóa của thái độ dửng dưng” và sự “tê hóa lương tâm” của thời đại này. Bà nội của ngài đã kể cho ngài nghe một bầu khí khác ở Argentina vào cuối những năm 1920. Vào thời đó, ở Buenos Aires, các người láng giếng mở rộng cửa để đón những người mới đến, họ cũng là người Ý. Họ cùng ăn các món ăn Ý vùng Piemont như món risotto, món gnocchi mỗi thứ sáu cuối tháng trước khi vui chơi với nhau. Tình bằng hữu họ nâng đỡ lẫn nhau khi họ vượt biển Đại Tây Dương, từ hai đến ba tuần, mỗi người thay phiên nhau cầu nguyện Chúa để được tới bến an toàn…

Năm 2016, toàn thế giới lại ngạc nhiên khi, dưới chân máy bay ở đảo Lesbos, Hy Lạp, Đức Phanxicô lên máy bay với mười hai người tị nạn Syria. Ngài thở dài trên máy bay: “Các em bé bất hạnh này thấy gì…. Các em thấy một em bé bị chết đuối.” Vài tuần sau ngài tiếp các người tị nạn này ở Vatican. Các em bé tị nạn mang hình các em vẽ đến cho ngài xem. Từng làn sóng lớn, các bàn tay đưa ra trên làn sóng… Điện ảnh gia Paolo Mancinelli quay phim bữa ăn của họ trong phòng ăn. Trong một phim ngắn, “Tình yêu nhưng không” (L’Amore Senza Motivo) một cuốn phim khôi hài, Đức Phanxicô giơ cao bức vẽ của các em, ngài nói với các người dự bữa ăn hôm đó: “Anh chị em nhìn xem, gần như đây là ký họa của các chiếc tàu.”

Năm 1929, gia đình Bergoglio cập bến Buenos Aires

Cuối cùng gia đình Bergoglio đến đất hứa ngày 1 tháng 2 năm 1929, một năm sau chiếc Principessa Mafalda bị đắm, một năm sau dự định vì trục trặc giấy tờ. Nhà sử học về di dân Fernando Devoto ở trường đại học Buenos Aires giải thích: “Thời đó để rời Gênes chỉ cần một giấy phép (nulla osta), một tài liệu dễ dàng có được.” Và rồi gia đình Bergoglio ba người rời nước Ý vào mùa đông để đến vùng cực nam bán cầu. Khi tàu cập bến Buenos Aires, bà nội Rosa là một trong những người đầu tiên xuống tàu, dù trời nóng ẩm, nhưng người phụ nữ nhỏ nhắn 45 tuổi này vẫn mặc chiếc áo măng-tô lông chồn, cổ đeo xâu chuỗi hạt trai: trong cổ áo lông chồn, bà cựu thợ may giấu số tiền bán tiệm kẹo bánh ở Turin của bà, cả một gia tài của gia đình.

Một ngày nọ, Đức Phanxicô đã buông lời: “Gia đình tôi không rời Ý vì lý do chính trị.” Gia đình ba người đoàn tụ với ba anh em của ông Giovanni đã rời Ý bảy năm trước đó, họ ở thành phố Parana, 500 cây số phía bắc thủ đô Buenos Aires, họ có công ty lát gạch ở đó. Người Ý ở đây rất nhiều, họ nói tiếng Tây Ban Nha là lạ, ít vang và nhẹ hơn tiếng Tây Ban Nha ở Âu châu. Ở tiểu bang Entre Rios sự thành công của người Piemont không phải là chuyện tình cờ. Thành phố gọi căn nhà của họ là “dinh Bergoglio”: bốn tầng dùng chung một thang máy, nhà có vòm theo kiểu thời Belle Epoque.

Ông Giovanni bắt đầu làm việc với các anh mình. Người con trai Mario làm kế toán cho hãng. Gia đình vừa đoàn tụ thì không đầy ba năm sau, thị trường chứng khoán Wall Street sập, khủng hoảng kinh tế giáng xuống Argentina. Năm 1932, gia đình phải bán “dinh Bergoglio.” Văn sĩ Borgès, văn sĩ người Argentina nổi tiếng được Đức Phanxicô yêu chuộng viết trong tập thơ Người nhiệt tình của Buenos Aires: “Mỗi buổi sáng tôi phải nâng đỡ, nâng đỡ đời sống lớn lao (…), mỗi buổi sáng, tôi phải xây dựng lại”. Gia đình Bergoglio vay 2 000 peso, họ rời thành phố Parana và về thủ đô.

Rosa, bà nội có học, “người cố vấn” của giám mục

Đức Phanxicô kể với hai nhà báo Sergio Rubin và Francesca Ambrogetti “Tôi tin tưởng ở con người” (Flammarion, 2013): “Ông bà của tôi bắt đầu làm việc tự nhiên như khi họ mới đến.” Thời đó Buenos Aires đã có dáng dấp của một thành phố đông dân như Âu châu. Giáo sư Devoto nhớ lại: “Từ năm 1913, thành phố đã có một tuyến xe điện ngầm.” Đường xá thẳng tắp theo kiểu Mỹ, có đến 8 000 số. Tòa nhà chọc trời đầu tiên ở đại lộ Mayo có đường cho xe hơi Ford, Chevrolet, Mercedes-Benz. Nhà phóng sự lớn nước Pháp Albert Londres đến thủ đô Buenos Aires để làm phóng sự, ông càu nhàu: “Đó là một Capharnaüm ngổn ngang gấp ngàn lần Capharnaüm.” 

Vì phải bắt đầu lại từ số không, bà nội Rosa mở một tiệm ‘trà-kem mà người di dân Tây Ban Nha để cho người Piemont khai thác.

Gia đình Bergoglio ở khu phố Flores, một khu phố không thay đổi từ đó đến bây giờ. Ban-công và giàn cây hình vòm nở hoa ở các căn nhà thấp, nhà thơ Oliverio Girondo viết: “Khu phố có các cô gái có đôi mắt dịu dàng như hạt hạnh nhân”. Vì phải bắt đầu lại từ số không, bà nội Rosa mở một tiệm ‘trà-kem’ mà người di dân Tây Ban Nha để cho người Piemont khai thác. Người con trai Mario giao hàng trong khi anh chờ đợi một chân kế toán. Năm 1934, trên băng ghế nhà thờ, anh gặp Regina, cô gái cũng ở vùng Piemont như anh dù cô sinh trưởng ở Argentina. Một năm sau họ làm đám cưới và sinh đứa con trai đầu lòng là Jorge – tên riêng phổ biến ở địa phương. Jorge được rửa tội ngày lễ Giáng Sinh năm 1936 ở nhà thờ Amalgro thuộc khu vực người Ý, Buenos Aires (chặng thứ ba của tua giáo hoàng). Bên ngoài hoa tipa dọc theo đường đã nở hoa màu vàng, hoa jacaranda đã nở hoa màu tím. Đó là mùa hè ở Argentina.

Hoa tipa

Hoa jacaranda, Buenos Aires

Và không phải bất cứ người mẹ đỡ đầu nào nhà Bergoglio cũng chọn cho người con mới sinh của mình. Bà nội Rosa là một nữ giáo dân đặc biệt. Khi bà còn sống ở Asti trong vùng Piemont, bà đã tham gia hết mình trong phong trào Công giáo Tiến hành, một trong các phong trào giáo dân tiên khởi của phong trào dân chủ kitô (bị giải tán dưới thời Mussolini). Năm 1924 khi bà 40 tuổi, bà còn là “tham vấn gia” của giám mục địa phương. Bà có những buổi diễn thuyết trong toàn bang và được hoan nghênh nhiệt liệt, năm 2016 một tờ báo văn hóa địa phương nhắc lại.

Sau Jorge là đến Oscar, Marta, Alberto, Maria Elena… Sau lần sinh thứ năm, bà Regina Bergoglio kiệt sức và phải nằm tại chỗ một thời gian dài. “Bà nội đem tôi về nhà bà ở tiệm tạp hóa, buổi chiều bà đem tôi về nhà tôi.” Jorge lớn lên như người dân Buenos Aires chính hiệu, sau giờ tan học , cậu bé để nguyên áo tay dài trắng chạy chơi ở thềm tiệm của bà nội hoặc chơi diều giữa các hàng cây tiêu huyền. Đó là trường học ngoài đường. Tổng Giám mục Matteo Zuppi giáo phận Bologne nói với chúng tôi: “Ngài không quên tiếng lunfardo, tiếng lóng đặc biệt của Buenos Aires.” Cọng thêm một vài thành ngữ mang hình ảnh như “đá một phát vào nơi mặt trời không chiếu tới” cho những người đứng lên chống các cải cách của ngài.

Cây tiêu huyền

Giáo hoàng đô thị đầu tiên

Người anh cả Jorge của các cháu của bà nội luôn là ông hoàng. Tay trong tay, bà nội Rosa dắt Jorge đi khắp thủ đô: La Boca, Lugano, San Telmo, Recoleta. Jorge ngược xuôi đại lộ Corrientes và các cửa kiếng các tiệm ở đó, đúng là dòng suối ánh sáng, chú bé còn phiêu lưu đến các khu phố nghèo, nơi những người nghèo lục lọi thùng rác, đến các khu phố ổ chuột của thủ đô, nơi mà giám mục Buenos Aires sau này đi đến đây bằng xe buýt, xe điện ngầm với thẻ người già. Những nơi này khác với Wadowice, thị trấn nơi Đức Gioan-Phaolô II lớn lên hay làng Bavaria của Đức Bênêđictô XVI, nhà hiện tượng học và là nhà hàn lâm Pháp Jean-Luc Marion nhấn mạnh: “Bergoglio không những chỉ là giáo hoàng châu Mỹ đầu tiên, ngài còn là giáo hoàng đô thị đầu tiên, người duy nhất không sinh ra ở vùng quê nước Ý, Đức hay Ba Lan. Ngài sinh trưởng ở thành phố khổng lồ có 15 triệu dân, như thế cái nhìn về thế giới của ngài phải khác.”

Chiều thứ bảy là “chiều nhảy nhót”, cả khu phố quy tụ quanh điệu nhảy tango, điệu nhảy của người di dân vui vẻ hồn nhiên và buồn man mác mà Jorge rất thích: Đức Phanxicô cũng là giáo hoàng của điệu tango. Đêm khuya, các con trai còn đưa các cô về nhà, nhưng sáng hôm sau, đúng 8 giờ sáng, đứa nào cũng đi lễ ở nhà thờ các giáo xứ đặt dưới sự bảo trợ của Thánh Don Bosco, nhà sáng lập Dòng Salê (1815-1888), một người dân của vùng Piemont thế kỷ trước. “Linh mục ngoài đường” này đặc biệt quan tâm đến các em bé bị bỏ rơi, các người nghèo của thành phố Turin, Thánh Bosco là thánh mà bà nội Rosa Bergoglio tôn kính. Trong ngày lễ bao đồng của mình, giáo hoàng tương lai đã phát hình Thánh Don Bosco cho các người tham dự thánh lễ. 

Bên cạnh các nhà thờ, các tu sĩ Dòng Salê ở Buenos Aires mở các trường dạy nghề, trường liên hợp tác và nhất là các đội bóng, trong đó có đội bóng San Lorenzo là đội bóng mà giáo hoàng là fan nồng nhiệt của đội.

Giáo sư Devoto giải thích: “Bosco luôn đưa ra các thay đổi cho xã hội của các thành phố đô thị, lao động và kỹ nghệ. Thời đó ngài sáng chế ra một chuyện rất hiện đại: làm gì với thời gian rảnh rỗi. Trong bài hát Azzurro rất hay, nhạc sĩ Paolo Conte kể các chúa nhật mùa hè ở Ý, người dân lúc nào cũng tìm ra một linh mục để nói chuyện phiếm.” Bên cạnh các nhà thờ, các tu sĩ Dòng Salê ở Buenos Aires mở các trường dạy nghề, trường liên hợp tác và nhất là các đội bóng, trong đó có đội bóng San Lorenzo là đội bóng mà giáo hoàng là fan nồng nhiệt của đội.

Ở Argentina có một tôn giáo là tôn giáo đá banh, nhưng cũng có lớp giáo lý dưới sự điều khiển của bà nội Rosa, người hướng dẫn các buổi cầu nguyện, đi đàng thánh giá, hành hương, làm tuần cửu nhật, cầu nguyện với thiên thần để tránh ác quỷ. Ngày thứ sáu Tuần thánh, Jorge đi đàng thánh giá. Đức Phanxicô kể: “Khi đến cảnh Chúa Giêsu hấp hối, bà nội kêu chúng tôi quỳ xuống và nói với chúng tôi: ‘Nhìn kià, Ngài đã chết nhưng ngày mai Ngài sẽ sống lại’”. Bà còn dạy cho cháu mình lần hạt, cầu nguyện với Đức Mẹ, chạm vào ảnh tượng và chân đẫm máu của tượng Chúa Kitô. Linh mục thần học gia Scannone kể: “Chúng tôi không những chỉ hôn mà còn chạm đến, không phải chỉ sờ vào gỗ hay thạch cao. Chúng tôi có một thành ngữ để nói về chuyện này, đó là ‘nhận ơn’, một loại nhân đức của tiếp xúc.”

Được mạc khải lúc 17 tuổi

Trong các gia đình mộ đạo, ngày chúa nhật là ngày đi thăm người bệnh, ngày mang trà bánh đến thăm hàng xóm láng giềng, nhà này đĩa bánh, nhà kia chén trà, nhưng họ không đi thăm những người ly dị: vào thời đó, người công giáo, người tin lành không lui tới thăm hỏi người đã ly dị. Với hàng xóm người Piemont, bà nội Rosa nói tiếng Piemont với họ. Jorge học tiếng Piemont với bà nội, nhưng các gia đình Ý thấy không lợi ích gì để học thổ ngữ của vùng này. Như các gia đình di dân khác lo cho sự thành công của con cái, họ muốn con mình quên tiếng mẹ đẻ. Một ngày nọ, chú bé Jorge muốn trả lời thư của bạn bà nội gởi từ Turin nước Ý qua, chú vấp một lỗi chính tả, chú xin cha mình giúp, Đức Phanxicô kể: “Cha sốt ruột trả lời cho tôi, rồi ông bỏ đi.” Năm 2013, khi Bergoglio đến Rôma, cha ứng khẩu tiếng Ý, cha phải nói tiếng Tây Ban Nha.

Khi thân mẫu khóc thì ngược lại, bà nội Rosa lại khuyến khích: “Nếu Chúa gọi con, con tạ ơn Chúa…”

Ở tuổi đó, Jorge bắt đầu mê chính trị, chú bé mảnh khảnh tuổi vị thành niên, (các bạn bè gọi ngài là người mảnh khảnh, ‘el flaco’) Jorge giỏi đọc sách hơn là giỏi đá banh vì Jorge có “đôi bàn chân phẳng”. Đức Phanxicô kể cho các tác giả quyển sách “Phanxicô đó” (Aquel Francisco, Raíz de Dos, 2014) biết, cha bị vợ chồng tổng thống Argentina, ông bà Evita và Juan Peron (1946-1955) mê hoặc. Thanh niên tuổi vị thành niên lui tới ủy ban địa phương “ái hữu Peron, cấp tiến, xã hội” khi một buổi sáng tháng 9 năm 1953 “vào khoảng 9 giờ sáng”, anh được Chúa mạc khải. Anh chưa được 17 tuổi, nhưng khi ở tòa giải tội nhà thờ Thánh Giuse ở Flores (chặng thứ tư của tua giáo hoàng), nhà thờ của giáo xứ từ khi còn nhỏ của Jorge, anh cảm nhận mình sẽ là linh mục. Sau này ngài nói: “Tôi tin chắc, chắc chắn là như thế”.

Ngài không thổ lộ ơn gọi của mình cho bạn bè biết, trong đó có “cô bạn gái.” Ngài tiếp tục theo học môn hóa học để vào y khoa, ngành mà thân mẫu ngài thích ngài theo học. Nhưng vài tháng sau, mẹ ngài thấy sách thần học để trên bàn học của con mình. Jorge thú nhận, anh muốn vào chủng viện. Bà mẹ vừa khóc vừa muốn thuyết phục con: “Con học cho xong, mẹ không nghĩ con làm cha xứ.” Ngược lại, bà nội Rosa lại khuyến khích cháu: “Nếu Chúa gọi con, con tạ ơn Chúa…”

“Lòng can đảm” của bà nội

Từ đó có sự chuyển biến giữa bà nội và bà mẹ, người thu mình cuối nhà thờ và biến mất khỏi các câu chuyện thời thơ ấu của ngài. Trong các bài giảng của mình, Đức Phanxicô chỉ nói về bà nội người Ý của mình và luôn lặp lại ngày nay “một dân tộc không nghe ông bà là một dân tộc chết”, ngài nhắc lại hoài niệm một thời. Hồng y người Pháp Paul Poupard trong tư dinh sang trọng của ngài ở Trastevere, Rôma, trước tấm chân dung của ngài, ngài giải thích: “Bergoglio với Rosa thì cũng như thánh Giăng Đắc với mẹ của minh. Bạn biết đó, khi thánh nữ thách thức các thẩm phán xét xử mình, cô giải thích với họ, cô chỉ tin tưởng ở mẹ mình”. 

Đức Phanxicô để thư của bà nội trong quyển kinh nhật tụng của mình

Bà nội qua đời ở tuổi 90 ở nhà hưu dưỡng công giáo trong vùng Caballito, không xa khu phố Flores. Ngày 1 tháng 8 năm 1974, ngày bà nội qua đời, Jorge Bergoglio quỳ thật lâu dưới đất. Với sự ra đi của bà, ngày hôm đó Bergoglio mất đi một phần ký ức Ý của mình. Nhiều hơn là các người khác trong gia đình, Jorge Bergoglio hiểu được “sự can đảm” của bà nội trước “nỗi đau bị bật gốc”. Ngài cũng ngạc nhiên khi thấy bà khóc, khi người con trai duy nhất Mario của bà qua đời vì bị nhồi máu cơ tim khi còn quá trẻ.

Vị giáo hoàng tương lai khi đó mới 33 tuổi và sắp thụ phong linh mục. Ngày 13 tháng 12 năm 1969, ngày lễ chịu chức, bà nội Rosa dù yếu nhưng còn linh hoạt, bà ngồi hàng ghế đầu nhà nguyện các cha Dòng Tên, trên tay cầm bức thư và bó hoa. Một “món quà khiêm tốn nhưng có giá trị thiêng liêng cao”, bà xin lỗi khi nói với cháu, bà chúc cháu một “đời sống hạnh phúc và sống lâu”, khuyên cháu khi gặp “đau khổ” hay “buồn phiền”  thì nhớ đến “Mẹ Maria dưới chân thánh giá”. Lời này chưa bao giờ rời khỏi tâm trí của Bergoglio. Bức thư vẫn còn gấp kỹ trong quyển sách nhật tụng của ngài, quyển sách mà ở Rôma, ngài mở ra mỗi buổi sáng và gấp lại mỗi buổi tối, vuốt ve nó như kinh Mân Côi của bà nội di dân người vừa Tây Ban Nha vừa Piemont, nước Ý của mình.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Tiểu sử của Đức Phanxicô