Bản ngợi ca Giáo hội

231

Bản ngợi ca Giáo hội

 

Ronald Rolheiser, 2018-09-03

Carlo Carretto là tu sĩ người Ý, ngài qua đời năm 1988. Ngài đã sống khổ tu trong Sa mạc Sahara nhiều năm, dịch Kinh thánh qua tiếng Tuareg, và từ sự cô tịch trong sa mạc, ngài đã viết nên những quyển linh đạo tuyệt vời. Những tác phẩm và đức tin của ngài thật đặc biệt khi có thể kết hợp lòng sốt sắng trẻ thơ với tinh thần bài trừ ảnh tượng thánh sắc bén (khi cần thiết). Ngài yêu mến giáo hội sâu sắc, nhưng không mù quáng trước những lỗi lầm và thất bại của Giáo hội, và ngài không ngại chỉ ra những khiếm khuyết đó.

Về sau, khi vấn đề sức khỏe buộc ngài phải rời sa mạc để về nghỉ hưu tại một nhà dòng ở quê hương Ý quốc. Khi ở đó, ngài đã đọc một quyển sách của một nhà vô thần đã công kích lời của Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi, “Cứ tìm rồi sẽ thấy”, một câu dĩ nhiên có nghĩa là nếu tìm kiếm Thiên Chúa với tâm hồn chân thành thì sẽ tìm thấy Ngài. Nhà vô thần này đã đặt tên quyển sách là “Tôi tìm và chẳng thấy,” lập luận rằng theo kinh nghiệm của ông, một tâm hồn chân thành có thể tìm kiếm Thiên Chúa mà chẳng được gì.

Carretto đã viết một quyển sách để đáp lại luận điệu này, “Tôi tìm và đã thấy.” Với ngài, lời của Chúa Giêsu là thật. Trong cuộc tìm kiếm của mình, bất chấp có nhiều chuyện mình gặp có thể gợi lên sự vắng mặt của Thiên Chúa, ngài vẫn tìm thấy Thiên Chúa. Nhưng ngài thừa nhận có những khó khăn, và một trong những khó khăn đó chính là Giáo hội. Giáo hội có thể, và đôi khi đã, qua tội lỗi của mình, khiến nhiều người khó tin vào Thiên Chúa. Carretto thành thật thừa nhận theo cách hạn chế điều này, nhưng lập luận rằng đấy không phải là toàn cục.

Do đó trong quyển sách của ngài vừa có tình yêu sâu đậm đối với đức tin và Giáo hội của mình, vừa không ngoảnh mặt làm ngơ trước những lỗi phạm của các kitô hữu và Giáo hội. Có lúc quyển sách của ngài như một Bản ngợi ca Giáo hội. Tôi đọc thấy thế trong những dòng này:

Tôi phải phê phán người, Giáo hội của tôi quá chừng nhưng tôi yêu người quá chừng!

Người đã làm tôi khổ nhiều nhưng tôi nợ người nhiều.

Tôi muốn thấy người bị phá hủy nhưng tôi cần người hiện diện.

Người đã gây ra nhiều tai tiếng nhưng chỉ mình người giúp tôi hiểu ra sự thánh thiện.

Trong đời này tôi chưa bao giờ thấy điều gì ngu dân, thỏa hiệp, sai phạm đến thế, và cũng trong đời này tôi chưa bao giờ chạm đến điều gì tinh tuyền, quảng đại, và đẹp đẽ đến thế.

Nhiều lần tôi thấy như mình đã đóng sầm cánh cửa lòng trước mặt người, nhưng biết bao lần tôi cầu nguyện xin cho mình chết trong cánh tay người!

Không, tôi không thể thoát khỏi người, vì tôi kết hợp với người, dù không hoàn toàn như người.

Mà tôi biết đi đâu? Đi xây một giáo hội khác?

Nhưng tôi không thể xây một Giáo hội khác không có những khuyết điểm như thế, vì chúng là những khiếm khuyết tôi mang trong mình.

Và nếu tôi xây Giáo hội khác, thì đó là Giáo hội của tôi, chứ chẳng phải của Chúa Kitô.

Không, tôi đủ tuổi để biết mình chẳng hơn gì người khác.

Tôi sẽ không rời bỏ Giáo hội được đặt nền móng trên đá này, bởi nếu thế tôi sẽ dựng một Giáo hội đặt nền móng trên thứ đá dễ vỡ hơn, là bản thân tôi.

Mà đá có là gì đâu?

Cái hệ trọng là lời hứa của Chúa Kitô, cái hệ trọng là chất kết dính các tảng đá nên một, là Chúa Thánh Thần. Chỉ mình Thánh Thần có thể xây dựng Giáo hội với những hòn đá xấu xí bất toàn như chúng ta đây.

Đây là sự biểu lộ của một đức tin trưởng thành, một đức tin không quá lãng mạn và lý tưởng hóa cần được che chắn khỏi những thứ tăm tối trong đời, đây là một đức tin đủ thật để không yếm thế, bịt mắt chẳng nhận ra sự thiện rõ ràng cũng đang chảy trong Giáo hội. Thật vậy, Giáo hội vừa cực kỳ thỏa hiệp vừa đầy ân sủng đến tuyệt vời. Những đôi mắt ngay thẳng có thể thấy ra cả hai. Một tâm hồn chính chắn có thể chấp nhận cả hai. Trẻ con và tân tòng cần được che chắn đừng bị dấn sâu vào mặt tăm tối của mọi chuyện, những người trưởng thành hay chướng tai gai mắt cần phải mở to mắt ra trước sự thiện rõ ràng đang hiện diện.

Nhiều người đã bỏ Giáo hội vì nó làm cho họ bị chướng tai gai mắt với những tội lỗi đã thành thối, những điểm mù quáng, sự thủ thế, bản chất tự quy, và cả sự kiêu ngạo. Những vụ xâm hại tình dục của các linh mục mới được phơi bày, và việc che đậy do tay giới chức trong Giáo hội, đã khiến rất nhiều người băn khoăn không biết liệu có bao giờ họ còn có thể tin tưởng vào cơ cấu, hàng giáo phẩm của Giáo hội nữa không. Với nhiều người, vụ tai tiếng này có vẻ quá chấn động không thể chịu nổi.

Tôi tin bản ngợi ca của Carlo Carretto, có thể giúp chúng ta, dù chúng ta là người ngoan đạo hay đang khó chịu. Với người ngoan đạo, nó sẽ cho họ thấy người ta có thể chấp nhận Giáo hội bất chấp tội lỗi của nó và thấy ra rằng việc chối tội lỗi đó không phải là hành động của tình yêu và trung thành. Với những người chướng tai gai mắt, nó có thể là một thách thức muốn chúng ta đừng vì chuyện nhỏ bỏ chuyện lớn, đừng vì thế mà không thấy ra trong Giáo hội yếu đuối và tội lỗi, khốn khổ và tai tiếng, vẫn không bao giờ tắt ơn ban sự sống dư tràn của Thiên Chúa.

J.B. Thái Hòa dịch