Nathalie Becquart: “Các người trẻ có thể tăng tốc độ cải cách như Đức Phanxicô mong muốn”

159

Nathalie Becquart: “Các người trẻ có thể tăng tốc độ cải cách như Đức Phanxicô mong muốn”

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2018-10-02

Bài phỏng vấn nữ tu Dòng Xaviê Nathalie Becquart, cựu giám đốc Phân vụ quốc gia để phúc âm hóa giới trẻ và ơn gọi của Hội đồng giám mục Pháp. Nữ tu tham dự trong tư cách dự thính viên của Thượng hội đồng Giới trẻ. Trong thời gian diễn tiến Thượng hội đồng, cùng với các nữ tu khác, một nữ tu Nam Hàn, Mỹ, Kenya và Ý, nữ tu Becquart viết trong trang blog Tiếng nói Nữ tu (Sisters’ Voice) để “tiếng nói của các nữ tu” được nghe.

Làm thế nào nói đến thượng hội đồng trong bối cảnh của cơn khủng hoảng hiện nay? Đâu là các điểm cần lưu ý?

Đây là những gì các bạn trẻ đã viết rất mạnh trong bản tài liệu cuối cùng của tiền thượng hội đồng: “Một Giáo hội khả tín là một Giáo hội không sợ để cho người khác thấy mình mong manh. Giáo hội có thể nhanh chóng và chân thành nhận các lỗi lầm  của quá khứ, hiện tại và chấp nhận mình gồm những người ở trong tình trạng sai lầm hay không thấu hiểu. Trong số các lỗi lầm phải thừa nhận, chúng ta có thể đưa ra các vụ lạm dụng tình dục và các cách quản trị kinh tế không đúng. Giáo hội sẽ phải củng cố quan điểm không khoan nhượng đối với các vụ lạm dụng tình dục trong thể chế. Khi khiêm tốn công nhận tính chất con người của mình, chắc chắn Giáo hội sẽ thấy sứ điệp sẽ khả tín hơn, đến được với các bạn trẻ trên thế giới nhiều hơn. Nếu Giáo hội hành động như thế, thì Giáo hội sẽ khác với các thể chế và các tổ chức quyền uy khác mà đa số người trẻ không tin tưởng.”

Một vài ngày sau khi công bố tài liệu này, và khi đệ trình lên Đức Phanxicô trong ngày Lễ Lá năm nay, ngài đã nhận thấy các sai lầm của mình trong việc lượng định và nhận định tình trạng lạm dụng ở Chi-lê và ngài đã viết cho các giám mục Chi-lê.

Một cách nào đó, cơn khủng hoảng hiện tại thúc bách nhanh hơn trong việc ý thức, đã đến lúc khẩn cấp và cần thiết phải có ý thức về việc cải cách Giáo hội như Đức Phanxicô mong muốn ngay từ đầu triều giáo hoàng của ngài. Mặt khác, chắc chắn ngài đã thấy nơi người trẻ, qua việc đòi hỏi sự thật, tính xác thực, nhất quán của họ, những yếu tố có thể là động lực, là bộ máy gia tốc cho cuộc cải cách này. Để đến được nhiều hơn với người trẻ và để tháp tùng họ, Giáo hội phải nhúc nhích và thượng hội đồng phải góp phần vào trong công việc này.

Theo cùng một cách mà Giáo hội tìm cách lắng nghe người trẻ, Giáo hội còn phải nghe tiếng nói của các nạn nhân các vụ lạm dụng, cùng đi với họ, lắng nghe tiếng khóc và các đau khổ của họ… 

Nhưng Giáo hội có thật sự cho các phương tiện để lắng nghe người trẻ không?

Qua việc chuẩn bị thượng hội đồng, Giáo hội đặt nặng hơn việc lắng nghe người trẻ. Đức Phanxicô đã đòi hỏi họ: “Các con phải làm cho tiếng hét của các con được lắng nghe”, và các bạn trẻ đã nói, đã diễn tả mạnh mẽ ở hiện trường, ở các tòa giám mục và ở các cuộc họp của tiền thượng hội đồng… Như tôi đã chia sẻ vào cuối buổi họp: “Một Giáo hội thượng hội đồng là giáo hội của lắng nghe, theo cùng một cách mà Giáo hội tìm cách lắng nghe người trẻ, Giáo hội còn phải nghe tiếng nói của các nạn nhân các vụ lạm dụng, cùng đi với họ, lắng nghe tiếng khóc và các đau khổ của họ. Theo tôi, điểm lưu ý chính của thượng hội đồng là lắng nghe. Lắng nghe người trẻ, lắng nghe những người đau khổ nhất…. và lắng nghe Thần Khí. Phải nghe các lời kêu gọi của Thần Khí trong thế giới này.

Một cách nào đó, trong bối cảnh khủng hoảng hiện tại, thượng hội đồng phải giúp chúng ta tìm ra con đường cho khuôn mặt của Giáo hội Tin Mừng, mà qua đó, các bạn trẻ được cảm hứng nhiều hơn, rõ ràng hơn. Tôi trích lời các bạn trẻ: “Một Giáo hội đích thực, dễ gần, đơn giản, sáng tạo. Một Giáo hội dám lấy hiểm nguy, không sợ đề cập đến các vấn nạn, các thực tế và dám cho người trẻ toàn chỗ của họ. Một Giáo hội thượng hội đồng là một giáo hội mọi người đi chung với nhau, tín hữu và mục tử, giáo dân, linh mục tu sĩ thánh hiến, nam nữ, người trẻ cũng như người lớn tuổi, cùng lắng nghe và cùng đón nhận nhau.”

Trong các suy tư hiện nay, rất nhiều người đều nói, quan trọng là phải để cho phụ nữ ở các địa vị lấy quyết định: đâu là các con đường dò tìm để làm tăng giá trị các ơn gọi phụ nữ (nữ tu, giáo dân) trong Giáo hội?

Đây cũng là vấn đề mà tôi dựa trên những gì các bạn trẻ nói ở tiền thượng hội đồng, khi câu hỏi này được đặt ra vì thế hệ này lớn lên trong một thế giới nam nữ hỗn hợp: “Giáo hội có thể đóng một vai trò thiết yếu để đảm bảo người trẻ không bị gạt ra bên lề nhưng được đón nhận. Giáo hội cũng có thể đóng vai trò này để cổ động cho phẩm cách phụ nữ vừa trong Giáo hội, cũng như ở ngoài xã hội nói chung. Ngày nay, vấn đề phụ nữ chưa có một chỗ tương đương với nam giới vẫn còn là một vấn đề của xã hội. Và trong Giáo hội cũng vậy. Tuy vẫn có các ví dụ đáng kể của các phụ nữ thánh hiến và trách nhiệm của họ trong các cộng đoàn tu. Tuy nhiên đối với các phụ nữ trẻ, điều này không phải lúc nào cũng được thấy rõ. Vấn đề chủ chốt trong suy tư của các nhóm chúng tôi là trong môi trường nào, người phụ nữ có thể triển nở trong Giáo hội và ngoài xã hội. Giáo hội có thể đề cập và thảo luận các vấn đề này với một tinh thần cởi mở qua các ý tưởng và kinh nghiệm sống. Các người trẻ cũng còn nói: “Các bạn trẻ cũng có cảm tưởng phụ nữ không có một vai trò rõ ràng trong Giáo hội. Nếu các bạn trẻ còn cảm thấy khó khăn để có cảm nhận được thuộc về và có vai trò lãnh đạo trong Giáo hội, thì vấn đề còn rắc rối hơn với các phụ nữ trẻ. Sẽ hữu ích nếu Giáo hội làm rõ vai trò của phụ nữ và giúp các bạn trẻ hiểu hơn vai trò này.”

Các bạn trẻ không thể xây dựng và lớn lên mà không có “các hình ảnh gương mẫu”, không có các “mô hình để lấy đó làm bản sắc”… Chính vì vậy, quan trọng là trên đường đi của mình, các bạn trẻ nữ công giáo có thể gặp các gương mặt phụ nữ dấn thân trong Giáo hội để họ có ước muốn mình cũng làm được như vậy. Càng ngày càng có nhiều phụ nữ có vị trí cao ở trường học, giảng dạy ở cấp cao dù con đường này còn phải tiếp tục đi trong nhiều nước. Việc phát triển công việc cho phụ nữ, việc họ có được các vị trí quan trọng, có trách nhiệm trong xã hội là một trong các tiến triển mạnh nhất của thế kỷ này… Sự tiến triển mới trong tương quan nam-nữ này trong xã hội cũng có tác động lên Giáo hội. Vì thế các chuyện cũng nhúc nhích trong Giáo hội, dù trong nhiều lãnh vực, vai trò phụ nữ chưa được thấy rõ.

Và cơn khủng hoảng ơn gọi nữ tu hiện nay còn quan trọng hơn là ơn gọi nam tu sĩ!  

Đúng vậy, trong nhiều nước ở phương Tây, ơn gọi nữ giảm nhiều hơn là ơn gọi nam tu sĩ… Chắc chắn chúng ta cũng có thể giải thích chuyện này do sự khó khăn lớn nhất của các phụ nữ trẻ có học, trong một vài hình thức, họ xem nữ tu như người “phục vụ” các linh mục, đôi khi các vai trò này bị xem là vai trò thấp kém. Một trong các thách thức lớn ngày nay là đào tạo, vì đào tạo không phải lúc nào cũng được nâng cao trong đời sống tu hành. Một công việc mà các dòng tu phải đương đầu để hiểu các người trẻ ngày nay và để tái hội nhập lại đặc sủng của họ…

Không những công việc này cần thiết cho các nhà dòng nhưng cũng là cần thiết cho toàn Giáo hội. Việc đào tạo phải được tiếp diễn trong tiến trình giải tu sĩ hóa để tiến tới trong tương quan nam-nữ, tìm con đường để tiếp nhận và đảm đương cho sự khác biệt này nhưng vẫn nói lên một cách cụ thể sự bình đẳng phẩm cách giữa nam nữ qua các quá trình quyết định có tính cách ngang nhau hơn. Điều này đòi hỏi phải tìm các phương tiện để cùng hiểu nhau, cùng làm phong phú cho nhau, cùng cộng tác trong tinh thần đối tác chân thực, tinh thần đồng trách nhiệm, giúp gặp nhau trong nhẹ nhàng để cùng nhau giải quyết các thách thức của sứ mạng. Chắc chắn đó là công trường quan trọng mà thế giới ngày nay kêu gọi chúng ta…

Nếu Giáo hội không nhúc nhích thì càng ngày Giáo hội càng khó đến được với phụ nữ – cũng như với nam giới – của thời buổi này, một thời buổi tiến triển trong một thế giới ngang hàng nhau hơn. 

Như thế theo xơ, vấn đề ngang nhau giữa nam-nữ trong Giáo hội phải đề cập đến trong bối cảnh sứ mạng phải không?

Chắc chắn, phải đề cập đến trong bối cảnh sứ mạng chứ không phải trong bối cảnh điều hành nội bộ…  Nếu Giáo hội không nhúc nhích thì càng ngày Giáo hội càng khó đến được với phụ nữ – cũng như với nam giới – của thời buổi này, một thời buổi tiến triển trong một thế giới ngang hàng nhau hơn. Một cách cụ thể, điều này có thể thực hiện qua nhiều việc giúp cho tiếng nói của phụ nữ, của đàn ông được nghe nhiều hơn, được xem trọng và được “thấy rõ” trong một sứ mạng năng động để phục vụ cho việc loan báo Tin Mừng. Chẳng hạn trong các giáo phận Pháp, chúng ta đã thấy càng ngày càng có nhiều phụ nữ trong các hội đồng cố vấn, các phụ nữ lo việc tài chánh cho giáo phận, làm ở tòa án giáo phận, đại diện cho giáo phận và bây giờ phụ nữ là nhà đào tạo trong chủng viện. Vì sao chúng ta không hình dung có một ngày nào đó, phụ nữ sẽ giữ chức vụ kiểu “tổng đại diện” bên cạnh các giám mục và vẫn duy trì linh mục tổng đại diện? Như thế sẽ có một cái nhìn đúp, trong sự hợp tác để phục vụ sứ vụ của giám mục và Giáo hội địa phương mà giám mục là chủ chăn.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Thượng hội đồng giới trẻ tháng 10-2018 qua các con số

Thượng hội đồng giới trẻ với 5 vấn đề được đặt ra