Văn hóa và truyền thông

123

Văn hóa và truyền thông

Trích sách “Chính trị và Xã hội“, Dominique Wolton và Đức Phanxicô, Nxb. L’Observatoira, 2017. Chương 4

Tháng 7-2016. Bầu khí buổi sáng luôn nhẹ nhàng. Ban an ninh và các cận vệ Thụy Sĩ bắt đầu biết chúng tôi. Thêm nữa các cận vệ biết nói tiếng Pháp. Luôn có một sự tin tưởng. Đức Thánh Cha luôn trực tiếp và sẵn sàng… Ngài ở nhà ngài, đi vào và đi ra thẳng. Chúng tôi làm việc, nhưng chúng tôi cũng cười và cũng nói chuyện tầm phào, một cách tự nhiên như vô tận, như không cạn, đôi khi bi thảm với các chủ đề chúng tôi đề cập đến. Tôi thường bị đánh động bởi sự đơn giản trong cách ngài nói. Rất sắc bén, thật dễ hiểu và ít nghi thức. Làm thế nào ngài làm được? Thỉnh thoảng tôi phải tự nhéo mình để nhớ ra là mình đang nói chuyện với ai. Ngài thích phong cách “Pháp”, vì Pháp cũng có một phong cách riêng. Thật tự do, thật thanh thản, gần như ân cần tin tưởng và thiện cảm thì lúc nào cũng có. Và luôn là vấn đề lịch sử, luôn và mãi mãi. Từ phúc âm hóa, từ Giáo hội trong một thế giới mở, từ mục vụ, các kinh nghiệm của quá khứ, các chế độ độc tài và dân chủ, hành động của Giáo hội. Phần thông dịch ít được dùng. Đức Thánh Cha nói tiếng Pháp giỏi hơn ngài nghĩ; ngài hoàn toàn hiểu tiếng Pháp. Các trao đổi được bổ túc bằng ngôn ngữ vô giá của đôi mắt, của cử chỉ và của cách đối xử. Một bầu khí hơi hơi phép lạ chiếm ngự…

* * *

Dominique Wolton: Cha biết, tôi nghĩ sự cô đơn tương đối trong bầu khí cha sống ở đây. Cha hiểu?

Đức Phanxicô: Tôi hiểu.

Dominique Wolton: Một mình.

Đức Phanxicô: Không.

Dominique Wolton: Không, đương nhiên, không. Nhưng cha không thể đi ra ngoài, không thể đi bộ, đi dạo.

Đức Phanxicô: Đúng, nhưng tôi hạnh phúc…

Dominique Wolton: Lý thuyết truyền thông mà tôi bảo vệ nhiều năm nay là một lý thuyết nhân bản và chính trị, chứ không phải kỹ thuật và kinh tế. Như cha! Nhưng lý thuyết nhân bản này rất thiểu số vì tất cả mọi người đều thích kỹ thuật và kinh tế. Dù vậy, điều quan trọng nhất là con người, là đối thoại, không phải kỹ thuật. Mặt khác, nếu nhìn kỹ, vượt ra ngoài sự chuyên nghiệp đáng sợ của kỹ thuật, thì quan hệ nhân bản luôn là điều phải đi tìm… Điều này giống như việc cha chủ trương xây cầu. Và việc đầu tiên trong các việc này là bắt tay!

Đức Phanxicô: Tôi rất thích nói bằng ngôn ngữ của cử chỉ. Đó là một cách truyền thông rất đẹp. Bởi vì trong năm giác quan, quan trọng nhất là sờ… 

Dominique Wolton: Chúng ta gặp nhau ở đây: tôi làm số mới nhất của tạp chí Hermès với chủ đề “Con đường của các giác quan” (số 74, 3-2016). Nhất là nâng cao giá trị của sờ, nếm, ngửi so với nghe và nhìn, hai giác quan này ngày nay bị kích động quá độ.

Đức Phanxicô: Tôi đã ở ngưỡng cửa tử thần năm 21 tuổi vì bị sưng phổi nặng. Bác sĩ đã cắt một phần lá phổi. Tất cả mọi người đến thăm tôi, gia đình, bạn bè, tất cả đều nói tôi “can đảm!” Còn tôi, tôi chỉ muốn đem họ về làng hết, tất cả! Rồi có một nữ tu đến thăm tôi, một nữ tu lớn tuổi đã giúp tôi chuẩn bị rước lễ lần đầu. Xơ cầm tay tôi. Xơ truyền cho tôi một sự bình an… Trước khi ra về, xơ nói với tôi “con đang noi theo gương Chúa Giêsu”. Và ông nghĩ xem, mình nghe gì khi dự các tang lễ! Những câu “Ôi mẹ ơi!”. Vậy thì ôm nhau trong tình yêu, quàng tay nhau có hơn không! Mình chẳng nói gì được trước huyền ẩn của một người. Khi tôi muốn truyền một cái gì đó cho ai, tôi phải cố gắng nghĩ, rằng, tôi đứng trước huyền ẩn của người khác. Và tôi phải nói chuyện trong sâu thẳm nhất của huyền ẩn của tôi, kinh nghiệm của tôi, một cách thinh lặng nhất có thể. Và trong các hoàn cảnh giới hạn, thì chỉ cần sờ đến họ. Nghĩ lại, thì đó là ngôn ngữ của trẻ con. Khi tôi nhìn một em bé, khi đứng trước một em bé, tôi không hỏi em. “Sao, con khỏe không, con học ra sao rồi?” Tôi làm như vậy, như vậy (cử chỉ). Đó là diễn tả sự gần gũi bằng cử chỉ.

Dominique Wolton: Lần đầu tiên tôi thấy cha, tôi thấy cần phải sờ đến cha. Phải có tiếp xúc. Khi đó tôi không biết là mỗi người có được sờ các giáo hoàng không, nhưng tôi cảm nhận mình cần phải sờ…

Đức Phanxicô: Khi tôi học triết năm 28 tuổi, tôi không biết tôi đã nói chưa, tôi đọc một bài viết của một văn sĩ Đức, ông nói giác quan nhân văn nhất của con người, đó là sờ. 

Dominique Wolton: Về vấn đề này, tôi có vài câu hỏi về thinh lặng, thinh lặng và truyền thông.

Đức Phanxicô: Theo kinh nghiệm của tôi, tôi có thể nói, tôi không thể giao tiếp mà không thinh lặng. Trong các kinh nghiệm chân thật nhất của tình bạn, cũng như trong tình yêu, tình yêu với người cha, người mẹ, với anh em, những giây phút đẹp nhất là những giây phút hòa lẫn lời nói, cử chỉ và thinh lặng. Một người bạn đến gặp tôi tuần vừa qua: “Sao khỏe không? – Khỏe.” Chúng tôi ngồi đó với nhau, bạn và tôi… Chúng tôi nói một vài chuyện. Ông nói về vợ ông, về các con, về các cháu. Thật tốt. Rồi đến một lúc, chúng tôi ngồi im lặng với nhau. Trong bình an. Thật là đẹp.  Rồi ông hỏi tôi một câu, tôi hỏi ông một câu. Chúng tôi ngồi một giờ với nhau, nhưng tôi nghĩ trong vòng hơn nửa giờ chúng tôi không nói gì. Có một giao tiếp của bình an, của tình bạn. thật là đẹp. Tôi rất vui và ông cũng rất vui. Thinh lặng này không phải là thinh lặng như hồ cứng trên cổ áo, đó là loại thinh lặng cứng nhắc, thinh lặng hình thức và đó không còn là thinh lặng. 

Dominique Wolton: Đó là nghi thức…

Đức Phanxicô: Đó không còn là thinh lặng. Thinh lặng, là dịu dàng, trìu mến, ấm áp, nồng hậu. Và cũng là đau đớn trong những lúc khó khăn. Chúng ta không thể có một hiệp thông có phẩm chất mà không có khả năng thinh lặng. Chính trong thinh lặng mới nảy sinh khả năng lắng nghe, hiểu, tìm để hiểu, đau khổ khi mình không thể hiểu. Tôi không hiểu và tôi đau khổ. Nhưng truyền thông đích thực là truyền thông nhân bản.

Bây giờ chúng ta nói về Chúa. Hiệp thông là ba ngôi vị, một huyền bí trong cách nó được truyền tải. Nhưng Thánh Kinh nói Chúa dựng con người theo hình ảnh của Ngài. Cũng một cách mà chúng ta hiệp thông với nhau. Với lời, với vuốt ve âu yếm, với tình dục, với thinh lặng…. Tất cả những chuyện này là thiêng liêng. Hiệp thông không mua, không bán. Hiệp thông là trao tặng. Chúng ta có thể hiệp thông một cách đích thực, như chúng ta đang làm. Ngược lại, giả bộ giao tiếp là lèo lái, là thủ thuật. Hồi đó tôi có xem các chương trình truyền hình những người quan trọng nói chuyện, một nghệ sĩ, một bác sĩ, một nhà khoa học, một sinh viên, nhưng từ những năm 1990 tôi không còn xem truyền hình nữa, tôi có lời hứa với Đức Mẹ. Nhưng tôi ít khi được dự một buổi trao đổi đích thực.

Dominique Wolton: Chỉ có các vai trò? Nhưng cha biết, truyền thông luôn có một cái gì rắc rối hơn nữa. Đôi khi có một cái gì vuột khỏi tay các nhân vật chính…

Đức Phanxicô: Tôi nghĩ lại những gì tôi đã viết cho các bạn trẻ trước khi tôi gặp họ ở Krakow năm 2016. Tôi dùng hình ảnh xây dựng cầu, không xây tường. Tôi không biết tôi đã nói với ông chưa, tôi đã có trong đầu: cái cầu nền tảng là cái cầu nào? Đâu là mối dây liên kết người này có thể liên kết với người kia? Cái cầu nhân bản nhất? Cầm tay. Khi tôi bắt tay ai, tôi xây chiếc cầu.

Dominique Wolton: Chắc chắn rồi… Cây cầu đầu tiên là cây cầu đó. Cha sẽ mời tất cả mọi người làm các chiếc cầu trước mặt cha?

Đức Phanxicô: Đúng. Lần đầu tiên chuyện này lập tức đến trong đầu tôi là khi tôi ở Kenya. Ở sân vận động Nairobi, ở đó có tất cả các người trẻ. Có cả Tổng thống nước Cộng hòa Kenya, có chính quyền của ông và các bộ trưởng. Người ta nói với tôi, một trong các chủ đề “nóng” nhất ở đây là chủ đề thị tộc, một loại chế độ bộ lạc rất mạnh ở Phi châu. Kenya là một nước có đa số người dân theo kitô giáo – công giáo và anh giáo – và Tổng thống là người công giáo. Nhưng tất cả những người ở đó là kitô giáo, hồi giáo, tất cả. Cũng có những người Phi châu của các bộ lạc đối nghịch. Còn tôi, tôi không nói tiếng Anh giỏi vì tôi có vấn đề về ngữ âm, ngay cả tiếng Tây Ban Nha, tôi cũng không nói đúng. Tôi khổ sở với phát âm, tôi phải tập nhiều để phát âm đúng. Mà tôi lại phải đọc bài diễn văn này. Nhờ Chúa, tôi có được một linh mục thông dịch rất giỏi, cha từ Gibraltar đến, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh là hai tiếng mẹ đẻ của cha. Cha hiểu những gì tôi nói và cha có thể sửa lại những gì tôi nói vì cha hiểu tôi. Đến một lúc tôi nói với cha: “Tôi không thể nói như vậy trước một sân vận động đầy cả người trẻ.” Khi đó tôi bắt đầu nói tự phát bằng tiếng Tây Ban Nha. Và cha ứng biến theo tôi ngay lập tức. Nếu cha không hiểu một cái gì, cha tự sáng chế ra. Cùng trong một dòng tư tưởng. Đến một lúc, khi tôi nói đến điểm mấu chốt của chế độ bộ lạc, tôi nói: “Xin ngưng chế độ bộ lạc! Xin các con lặp lại với cha: ‘xin ngưng chế độ bộ lạc!’ Nhưng các con hãy nói với bàn tay, chúng ta cùng xây cầu!” Và cả sân vận động cầm tay, ngay cả Tổng thống nước Cộng hòa cũng cầm tay. Họ đã xây cầu, họ bắt đầu suy nghĩ đến việc làm cây cầu nhân loại đầu tiên, đó là nắm tay nhau.

Dominique Wolton: Ở thánh lễ cũng vậy, và đó là những gì được làm. Đúng vậy, giao tiếp trước hết là nhân bản và thể lý.

Đức Phanxicô: Chúng ta không phải là thiên thần!

Dominique Wolton: Chắc rồi. Còn tôi, điều tôi thích ở Châu Mỹ La Tinh, cũng như ở Phi châu là mọi người chạm vào nhau. Ngược lại với ở Mỹ. Họ cười tươi với nhau nhưng lại xa cách. Lạnh lùng. Không ai chạm vào ai, mọi người đều sợ bị cho là sách nhiễu…

Đức Phanxicô: Và tại sao? Tôi nghĩ là tôi đã nói, qua cuốn phim Bữa tiệc của Babette (Le Festin de Babette).

Tôi nói trong tinh thần công giáo, nhưng chuyện này cũng hơi mạo hiểm khi đề cập đến, bởi vì có thể bị cho là không có tinh thần đại kết. Dù vậy, là kitô hữu, cũng khó mà hình dung một dâng mừng lại chỉ dựa trên một người. Cũng cần phải bẻ bánh, uống trong chén, ôm nhau, chào nhau… Những gì chúng ta thấy rõ trong phim, đó là sự biến đổi của những người bị “khép kín” trong lời, và sau vụ suy sụp đó, họ được may mắn nhờ bà nấu bếp để học có hạnh phúc theo một cách khác.

Và rồi có một chuyện khác mà tôi muốn nói về giao tiếp.

Cá nhân tôi, gần như tôi không uống. Không phải mỗi ngày. Nhưng về mặt nhân bản, người ta không hình dung có sự giao tiếp đậm đà mà không ăn, không uống, không làm cái gì chung với nhau. Chạm vào nhau, ăn, uống. Như Thánh Kinh nói, rượu làm cho tâm hồn con người vui. Nơ-khe-mi-a trong sách Esdras, khi thấy người dân khóc trong đền thờ sau khi nghe lời của luật, ông nói với họ: “Anh chị em đừng khóc, nhưng anh chị em về nhà, ăn, uống và cho thức ăn cho những người không có gì ăn.” Và đó là cách kết thúc lễ hội của Chúa… Giao tiếp luôn kết thúc trong nhân bản, và đó là tôi không nói về mặt tôn giáo hay thiêng liêng, nhưng về mặt nhân bản… giao tiếp thật sự ở trong ăn, uống.

Ở Argentina, chúng tôi có một thành ngữ rất hay: khi muốn nói chuyện với ai, người ta thường hay nói: “Gặp nhau đi uống cà-phê”. Chúng tôi hiểu là để nói chuyện làm ăn, để giao tiếp… Nhưng là “cà-phê”. Ở đây tôi nghĩ là rượu. Tôi kể một giai thoại vui để ông cười. Ở Armenia, người ta tặng tôi chiếc thuyền No-e. chắc ông đã thấy trên truyền hình: chiếc thuyền bằng đồng nặng cả tấn, tôi nghĩ vậy. Và khi đó chúng tôi có một cây ô-liu nhỏ, cây thật, cùng với thượng phụ, chúng tôi trồng xuống đất. Nhưng thuyền thì chưa đến vì nó nặng quá, người ta phải chở trên một chiếc tàu đặc biệt. Tôi hỏi thượng phụ, “Nhưng có ông No-e ở trong đó không?” Và ngài trả lời tôi: “Không, không!” và tôi nói thêm: “Nhưng tôi không biết ông còn say không…”, vì chính ông là người sáng chế ra rượu. Người Armenia nói họ có rượu cô-nhắc ngon nhất thế giới. Họ bán với nhãn hiệu Ararat. Thượng phụ trả lời không, ông không say vì rượu mà say vì Ararat… Có một cảnh rất hay về uống rượu quá độ: cảnh ông No-e say, vì đó là một cảnh rất dịu dàng. Con trai ông No-e nhìn cha mình trần truồng, say rượu, ông cười. Có hai người con trai khác nói chuyện với ông và đắp chăn cho ông. Uống quá rượu cũng làm cho dịu dàng. Tất cả để nói, người ta không thể có giao tiếp thật sự mà không xây cầu, không ăn uống. Lời nói suông không đủ. Cũng có một cách giao tiếp nhưng không khác, đó là nhảy. 

Dominique Wolton: Đúng, thật là tuyệt vời với cơ thể.

Đức Phanxicô: Mọi người giao tiếp với nhau qua điệu nhảy. Có nghĩa họ dùng cơ thể họ, cả cơ thể. Cũng có một cách giao tiếp khác: khóc. Cùng khóc chung. Khi một người cha, người mẹ săn sóc con bị bệnh, họ hy vọng con mình lành. Nhảy, bắt tay, ôm nhau, ăn uống chung và khóc… Nếu người ta không làm những chuyện này thì làm sao có giao tiếp. Đã có những lúc, tôi thành thật nói, khi giảng, tôi phải ngừng vì tôi muốn khóc. Khi tôi thật sự đắm mình trong bài giảng là tôi giao tiếp với giáo dân. Tôi sẽ kết thúc về các cách giao tiếp bằng một việc thiết yếu, mà không có việc này thì không có giao tiếp gì: trò chơi. Trẻ con giao tiếp với nhau qua trò chơi. Trò chơi có phẩm chất phát triển khả năng sáng tạo. Trẻ con, đó là các nhà sáng tạo! 

Dominique Wolton: Đúng. Chúng luôn sáng tạo.

Đức Phanxicô: Bộ môn túc cầu của chúng ta ngày nay bị xuống cấp, nó đánh mất ý nghĩa nhân bản của giao tiếp mà bộ môn túc cầu tài tử ngày xưa đã có. Đó là những ví dụ để minh họa cho chiều kích này mà tôi không muốn người ta quên: không có giao tiếp thật sự mà không có chiều kích nhưng không. Nhưng không có nghĩa là mất thì giờ. Tôi không biết tôi đã nói với ông chuyện một cặp vợ chồng mừng 60 năm đám cưới chưa? Ở đây, trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ. Có những cặp đã đám cưới sáu tháng, họ đến xin ban phép lành, đôi khi cô dâu đã có bụng to, họ xin tôi ban phép lành cho cái bụng. Nhưng, thật là đẹp! Trong số họ có những ông bà lớn tuổi, đám cưới từ năm mươi, sáu mươi năm. Tôi lúc nào cũng đặt các câu hỏi làm cho họ cười: “Ai trong hai người là người kiên nhẫn nhất?” Câu trả lời lúc nào cũng giống nhau: “Cả hai!” Tôi thấy có một cặp khá trẻ, vì bà vợ đám cưới lúc 15 tuổi, ông chồng lúc 17 tuổi. Bây giờ họ 75 và 77 tuổi, 60 năm đám cưới. Nhưng họ rất đẹp, họ có đôi mắt đẹp tuyệt vời. Tôi hỏi họ: “Quý vị có gây nhau không?” Và họ trả lời: “Liên tục. – Nhưng bây giờ ông bà hạnh phúc với quá trình này?” Họ im lặng, rồi họ nhìn vào mắt nhau, và họ trả lời: “Chúng tôi thương nhau”. Nhưng làm sao họ nói về tình yêu của họ? Trước hết họ nhìn nhau, rồi họ trả lời. Cử chỉ nói lên tất cả.

Thường những người lớn tuổi nhất có khả năng giao tiếp rất tốt – nhưng không phải tất cả: một vài người còn bực tức và gây hấn người kia. Họ có khả năng này vì họ có minh triết. Minh triết đến với năm tháng.

Các người lớn tuổi nói với tôi rất nhiều, tôi có một lòng dịu dàng vô biên với họ. Khi tôi thấy các người lớn tuổi, đặc biệt là các bà lớn tuổi với cặp mắt sáng ngời, tôi thường xin ngừng xe lại. Họ nói những chuyện rất khôn ngoan. Tôi nghĩ thế giới ngày nay là thời buổi của những người lớn tuổi, những ông bà nội ngoại.

Thế giới này muốn hiệu năng, muốn có việc làm nhưng họ lại loại người trẻ, họ không cho người trẻ công ăn việc làm, họ cũng loại người già vì họ để người già vào nhà già. Họ ở trên con đường tự tử. Có câu của ngôn sứ Giôen 3, 1: “Con trai, con gái, các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” Đã đến lúc người già phải mơ và họ kể cho chúng ta giấc mơ của họ. Để người trẻ hoàn thiện lời ngôn sứ và thay đổi thế giới. Nếu chúng ta có thể nói, đây không phải là giờ của người lớn, những người chín chắn. Không, các nhân vật chính sẽ cứu thế giới là hai nhóm người này, và người trẻ lấy những giấc mơ này và mang theo mình để đi đến đàng trước.

Có một cảnh làm tôi xúc động rất nhiều trong Phúc Âm: cảnh dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh. Trong đoạn này, Thánh Kinh nói đến bốn lần chính người trẻ sẽ hoàn thiện luật và ba lần nói đến hai cụ già Simêon và Anna, những người được Thần Khí tác động. Chính họ có khả năng có những giấc mơ của Thần Khí. Người trẻ phải nhận các giấc mơ này và hoàn thiện lời sứ ngôn. Người ta sẽ nói tôi đang rao giảng! 

Dominique Wolton: Khi cha tiếp các nguyên thủ Quốc gia hay các nhân vật khác trong các lần gặp gỡ riêng, cha có thì giờ để thinh lặng không?

Đức Phanxicô: Thường thường là không. Không, vì phải theo nghi thức. Với một vài người trẻ, có, với các nguyên thủ Quốc gia thì không, nhưng với hai nhà cầm quyền và một vài nghị viên trẻ, có, tôi có giữ thinh lặng. 

Dominique Wolton: Vì sao cha không xin một cách hệ thống giây phút thinh lặng với các nguyên thủ Quốc gia? Trong các cuộc gặp quốc tế, có thể tốt để xin họ giữ một giây phút thinh lặng. Khi đó có thể có một cái gì sẽ xảy ra, một đối thoại đích thực. Bởi vì thế giới bây giờ điên lên vì tốc độ, hoạt động liên tục, ồn ào và nếu trong chuyến đi chính thức cha nói: “Nếu quý vị muốn, chúng ta giữ thinh lặng một vài phút”, điều này có thể được và với một sức mạnh thật sự.

Đức Phanxicô: Tôi đã làm với đám đông ở quảng trường Thánh Phêrô. Giờ Kinh Truyền Tin hay các lúc khác, tôi xin thinh lặng và mọi người hưởng ứng lời xin này, họ giữ thinh lặng.

Dominique Wolton: Buổi chiều ngày bầu chọn, khi cha ra ban-công, cha xin giáo dân giữ thinh lặng.

Đức Phanxicô: Một giây phút thinh lặng để cầu nguyện. Và họ đã đáp ứng. 

Dominique Wolton: Chủ đề thinh lặng này nếu cha có thể làm cho quen thuộc là chủ đề nền tảng đối với thế giới lúc nào cũng ồn ào nhanh chóng náo nhiệt này. Tìm một giây phút thinh lặng sẽ hữu ích. Làm sao để nói đến điều tốt, tình yêu tha nhân, lòng thương xót trong một thế giới đầy tiếng động, đầy lời nói, đầy hoạt động qua về liên tục?

Đức Phanxicô: Theo kinh nghiệm của tôi với các phương tiện thông tin đại chúng và thế giới truyền thông thì họ giữ lại những tin nào thích hợp với họ. Các phương tiện truyền thông đại chúng phải đối diện với bốn mối nguy. Tôi không nói đến sự trao đổi, tôi nói đến các phương tiện truyền thông đại chúng. Mối nguy thứ nhất là bóp méo thông tin. Họ chỉ nói một phần câu chuyện, phần nào thích hợp với họ. Tôi nghĩ đến các tờ báo tin tức: họ để độc giả có một phán đoán sai lầm về thực tế, bởi vì họ chỉ nói một nửa các sự kiện. Mối nguy thứ nhì là vu khống, là bôi nhọ người khác.

Vu khống, như người thợ cạo thành Sevilla nói, đó không phải là làn gió nhẹ nhưng là cơn cuồng phong. Mối nguy thứ ba là thóa mạ. Một người có thể có sai lầm trong quá khứ. Rồi họ thay đổi và cũng có thể họ xin tha thứ. Người ta nhận thấy cách đối xử của họ đã khác. Mối nguy của các phương tiện truyền thông là để đạp đổ uy quyền của người này, họ nhắc lại quá khứ. Đó là thóa mạ. Mối nguy thứ tư là “căn bệnh” của phương tiện truyền thông, buồn bã, chán nản, không hứng khởi, chỉ thích thú trong các câu chuyện nhìn trộm, tục tĩu, hung tợn nhất. Bốn mối nguy này có khắp nơi trong các phương tiện truyền thông xã hội.

Dominique Wolton: Cũng vậy với internet.

Đức Phanxicô: Và chúng ta quen với chuyện này. Chúng ta đã quen. Trên các phương tiện truyền thông, rất khó để tìm một người nào đó nói về một tình trạng mà không bôi bẩn, chỉ nói một phần sự việc, không xúc phạm đến nhân phẩm người khác. 

Dominique Wolton: Đúng, nhân vị con người.

Đức Phanxicô: Theo tôi, các phương tiện truyền thông phải bảo vệ nhân phẩm. 

Dominique Wolton: Tất cả những gì cha nói, tôi đã viết từ hai, ba mươi năm nay. Nhưng tôi viết thì không ai nghe. Tôi hy vọng người ta sẽ nghe cha hơn… Vì sao Giáo hội không nói đến “truyền thông” một cách chung mà chỉ nói “truyền thông xã hội”? Nhất là sau Công đồng Vatican II.

Đức Phanxicô: Nhưng về khoa nhân chủng học của truyền thông, chúng ta không tìm được nhiều chuyện trong các văn bản. Có thể ông biết ở đâu đó có một cái gì? Trong Thần học thân xác của Đức Gioan-Phaolô II. Ngài nói đến hôn nhân và thần học thân xác, chuyện này đã gây tai tiếng rất nhiều. Nhưng ngài nói làm thế nào một người đàn ông, một người đàn bà thông hiệp với nhau một cách tự nhiên mà không sợ. Tôi nghĩ, đó là lần đầu tiên một giáo hoàng, hay Giáo hội chính thức nói đến thông hiệp riêng tư, chứ không phải xã hội. Nhưng thông hiệp luôn có tính cách xã hội, dù thông hiệp này ở trong phạm vi riêng tư.

Dominique Wolton: Đúng, luôn luôn. Vì thông hiệp là một giao tiếp, là người khác.

Đức Phanxicô: Và giao tiếp là trao mình trong bàn tay của người khác. 

Dominique Wolton: Và xin cha đọc năm trang tóm tắt mà tôi đã đưa cha về lý thuyết truyền thông, bởi vì chính xác đó là những gì tôi viết cách đây ba mươi năm…

Đức Phanxicô: Vậy thì tại sao mình làm quyển sách này…? 

Dominique Wolton: Quyển sách này có thể các người thế tục sẽ thích nhiều hơn, vì cha biết, thường thường người thế tục và vô thần mến cha nhiều hơn là người công giáo, cha biết rồi, (cười). Cha là người “cộng sản” cuối cùng của Âu châu…

Đức Phanxicô: Lần nọ tôi tiếp các nghị viên Pháp cùng với hồng y Barbarin. Và trước đó, chúa nhật trước lễ Chúa Kitô Vua, tôi tiếp phái đoàn hành hương của những người nghèo Âu châu, cũng cùng với hồng y Barbarin.

Dominique Wolton: Có, tôi có biết.

Đức Phanxicô: Ngài rất tốt. 

Dominique Wolton: Ngài rất thông minh.

Đức Phanxicô: Ngài đi xe đạp đến mật nghị!

Dominique Wolton: Ý tưởng quy tụ người nghèo về đây rất hay. Vậy người kế vị cha họ sẽ làm gì? Họ bắt buộc phải làm! (cười)

Đức Phanxicô: Thần Khí sẽ lo…

Dominique Wolton: Đúng, có thể. Nhưng sự khác biệt giữa hai chúng ta, là cha, cha lúc nào cũng có Thần Khí, còn tôi thì không chắc. Cha thấy đó. (cười)

Đức Phanxicô: Ông sẽ xuống địa ngục! (cười) 

Dominique Wolton: (cười) đúng. Cha có nhiều uy quyền hơn tôi. Nhưng chúng ta thật đồng ý với nhau. Cha biết đó, ngày nay, một thế giới điên cuồng với kỹ thuật, các phương tiện truyền thông, internet, các mạng xã hội, điên cuồng với tốc độ, với tương tác. Khi tôi nói, truyền thông kỹ thuật thì luôn dễ hơn là truyền đạt giữa con người, điều này giải thích cho sự thành công của kỹ thuật, cho các cự lại thì luôn là thật. Kỹ thuật thì hấp dẫn, giao tiếp giữa con người thì thật khó. Dù vậy, chỉ có một ván bài, đó là người khác, với tình thương và với sự khác biệt.

Đức Phanxicô: Nhưng… Có một chuyện xảy ra với tôi vào một ngày chúa nhật, khi tôi sắp đến dinh tông tòa của giờ Kinh Truyền Tin. Một giám mục đến gặp tôi và nói cha đi cùng với một nhóm nhỏ khoảng một trăm người, họ đến để xin tôi ban phép lành và tôi cũng không cần buộc phải đến gần họ, họ chỉ đến xin ban phép lành. Mới đầu tôi nghĩ: “Nếu tôi chỉ ban phép lành thì tôi có thể ban từ xa như vậy” (cử chỉ). Nhưng sau khi tôi đi, tôi thấy họ chờ tôi, và như thế, không phải là lý thuyết, không phải là chính trị nhưng là một thiết yếu của con người. Và ngay lập tức, tất cả đến đụng vào tôi, trẻ em, cha mẹ… Họ chụp hình, một selfie. Và tôi không nói một lời. Một trong nhóm người này là một bé trai 12 tuổi có chiếc áo t-shirt rất đẹp có hàng chữ: “Mẹ tôi làm những chuyện tuyệt vời, nhưng với tôi bà làm quá”. Tôi hỏi em: “Mẹ con đâu?” Em trả lời: “Mẹ con đây”. Tức thì mọi người đến gần nhau. Cuối cùng tôi phải làm cho mọi sự vào trật tự: “Bây giờ chúng ta cùng đứng chụp chung một tấm hình rồi chào từ giã”. Tôi giải thích cho họ, đã đến giờ Kinh Truyền Tin, tôi không có nhiều thì giờ và họ hiểu. Chúng tôi cùng cầu nguyện với Đức Mẹ, đọc một Kinh Kính Mừng, ban phép lành rồi chúng tôi chào nhau và tôi đi. Ông sẽ hỏi: “Bài học giáo lý nào của cha ở đây?” Tôi không biết, nhưng tôi nghĩ các bài học giáo lý phải được một linh mục gần với giáo dân, cười với giáo dân, để cho giáo dân quấy rầy mình dạy. Và đó là giao tiếp, là truyền thông. Tôi không thích gặp linh mục nào dán tấm bản giờ rãnh của mình, “từ giờ này đến giờ này…”. Khi giáo dân nói “y hẹn”, và đến giờ ấn định thay vì họ gặp linh mục thì họ gặp một cô thư ký, đôi khi cô còn quạu cọ nói linh mục rất bận! Và đó là phản-truyền thông, phản-tin mừng… 

Dominique Wolton: Đúng vậy. Thường thường các linh mục không rãnh. Giáo dân không dám nói chuyện với họ. Người ta nghĩ họ làm những chuyện rất quan trọng, đương nhiên quan trọng hơn chúng ta nếu họ nói chuyện với Chúa…

Đức Phanxicô: Chính Chúa Giêsu cũng rất bận, nhưng khi một người đến nói con trai hay người giúp việc của mình bị bệnh và xin Ngài chữa lành thì Ngài nói: “Tôi đi”. Người kia nói Ngài không cần phải đi, nhưng Chúa Giêsu nói: “Không, tôi đi!” Khi Chúa Giêsu thấy các cánh cửa của thành Naim, nơi người ta chôn người con trai duy nhất của bà góa, Ngài đến gần, chạm vào bà và khóc. Rồi Ngài sờ vào hòm của đứa bé và Ngài làm phép lạ. Đến gần. Và đó là kết luận mà tôi muốn đi đến: không thể có một Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô mà xa giáo dân. Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô phải gắn bó với giáo dân, kết hiệp với giáo dân. Nếu làm ngược lại thì làm giống như một vài chính trị gia – không phải tất cả, để không vơ đũa cả nắm – họ chỉ quan tâm đến người dân trong khi tranh cử, sau đó thì họ quên. Và theo tôi, sự gần gũi trong đời sống mục vụ, đó là chìa khóa để rao giảng Tin Mừng. Chúng ta không thể rao giảng Tin Mừng mà không gần gũi.

Người ta kể cho tôi nghe một câu chuyện, một nữ giáo dân làm chứng. “Một người đàn ông giàu có sống tách rời gia đình mình, ông mất mọi liên lạc với gia đình. Vào cuối đời, ông nằm bệnh viện với căn bệnh ở giai đoạn cuối. Ở giường bên cạnh có một người đàn ông khác, cũng có cùng căn bệnh như ông. Linh mục trong bệnh viện đến, cha nói chuyện với người bệnh kia, nhưng cha không làm sao để cho ông này nói một câu. Ông hoàn toàn khép kín, ông không muốn nói chuyện với một ai. Một ngày nọ, người bệnh bên cạnh giường nhờ ông đem ống nhổ đến, lần đầu tiên ông đứng dậy và đi lấy ống nhổ. Xong ông kia lại nhờ ông đi rửa ống nhổ. Ông đem ống nhổ vào phòng tắm, rửa và mang lại cho ông này. Lúc đó ông bắt đầu cảm thấy lo lắng, một nỗi lo lắng vô cùng… Và ông bắt đầu nói chuyện với các y tá, với người khác, như thử việc gần gũi phục vụ, việc nói chuyện qua thịt da đau khổ đã mở cho ông một cánh cửa. Ba ngày sau, linh mục trở lại, ông kêu cha lại và bắt đầu kể chuyện về cuộc đời của mình… Tôi không biết ông nói chuyện gì với cha, nhưng ông xin rước lễ và tối hôm đó ông qua đời”. Câu chuyện này làm tôi nghĩ đến dụ ngôn người thợ giờ thứ mười một. Làm sao một hành vi gần gũi, một sự giúp đỡ dơ bẩn và khiêm nhường như vậy làm cho con người mở tấm lòng. Điều đó đã giải thoát ông.

Tôi sẽ kể ở đây một sự kiện lịch sử về giao tiếp. Ở quảng trường Risorgimento, có một người vô gia cư Ba Lan khi nào cũng say. Trong lúc say, ông kể chuyện ông là bạn chủng sinh, cùng ra linh mục với Đức Gioan-Phaolô II, nhưng sau đó ông rời chức thánh. Không ai tin ông. Có người kể câu chuyện này cho Đức Gioan-Phaolô II nghe. Ngài nói: “Nhưng hỏi tên ông gì”. Và đúng thật là ông! Đức Gioan-Phaolô II nói: “Mời ông đến đây.” Người ta đưa ông đi tắm và đem ông đến gặp Đức Gioan-Phaolô II. Gặp ông, ngài nói: “Nhưng anh bạn, anh làm sao vậy?!” và ngài ôm ông vào lòng. Đúng là ông đã rời chức thánh, ông ra đi với một phụ nữ.  “Nhưng anh làm sao vậy?” Và Đức Gioan-Phaolô II nhìn ông, ngài nói: “Theo lẽ hôm nay cha giải tội của tôi đến đây nhưng cha không đến. Anh giải tội cho tôi. – Nhưng làm sao được? – Được, được, tôi cho anh được phép”. Và ngài quỳ gối xuống, ngài bắt đầu xưng tội. Rồi ngài cũng làm như vậy với người vô gia cư và cuối cùng ông là cha tuyên úy bệnh viện, ông làm nhiều điều tốt lành cho bệnh nhân. Một hành vi gần gũi và khiêm nhường.

Người ta không thể nào giao tiếp với tính kiêu ngạo. Chìa khóa duy nhất để mở cánh cửa giao tiếp là khiêm nhường. Hay ít nhất có một thái độ khiêm nhường phần nào. Người ta giao tiếp ngang hàng. Người ta giao tiếp từ dưới đi lên. Nhưng nếu mình chỉ muốn giao tiếp từ trên xuống thì mình sẽ thất bại.

Dominique Wolton: Đó là thứ trật.

Đức Phanxicô: Nói đến địa ngục – đây là chủ đề mà tôi không muốn đề cập đến, nhưng… Ông có khi nào nghe nói đến lều Vézelay không?

Dominique Wolton: Không.

Đức Phanxicô: Ở nhà thờ chính tòa Thánh Maria-Mađalêna ở Vézelay có con đường Thánh Giacôbê. Có một căn lều rất đẹp. Một bên là Giuđa treo cổ và chết, bên kia là người mục tử nhân lành ôm ông Giuđa và vác ông trên vai. Khi người xem nhìn thấy cảnh này, họ tự hỏi không biết Giuđa có được cứu không. Nhưng nếu nhìn khuôn mặt của người mục tử nhân lành, đó là Chúa Giêsu thì một nửa khuôn mặt của Ngài buồn, nửa kia ngài nở một nụ cười. Và đó là huyền bí của địa ngục. Tinh thần nhưng không, khiêm nhường: đó là những chữ để có một giao tiếp tốt đẹp. Chia sẻ bữa ăn, cùng ăn uống, cùng nhảy múa, cùng mừng lễ.

Dominique Wolton: Cha giữ một khoảng cách với kỹ thuật, nhưng cha là nhà vô địch viết các câu tweet? Vì sao cha làm việc này? Vì sao lại là cha? Cha thường hay nói giao tiếp giữa con người với nhau thì quan trọng hơn là giao tiếp qua kỹ thuật?

Đức Phanxicô: Nhưng tôi, tôi phải dùng tất cả mọi phương tiện để gần với giáo dân. đó là phương tiện để đến gần.

Dominique Wolton: Đúng, nhưng có sự khác biệt hơn khi cha làm như người khác. Cha tạo nên loại giao tiếp kỹ thuật này, rất hiện diện mà cha lại nói nó rất hạn chế?

Đức Phanxicô: Tôi không vừa ý. Tôi làm với mục đích duy nhất là để mở các cánh cửa. Nhưng tôi muốn đi xa hơn. Năm 2016 tôi giao tiếp với mười một hay mười hai youtubeur trên thế giới, tôi trao đổi trực tiếp với họ. Một cô gái, tôi không nhớ là người nước nào, cô nói với tôi: “Làm thế nào con có thể giao tiếp với một người…” Tôi trả lời: “Để giao tiếp, phải có một thuộc tính cá nhân. Nếu con không có một thuộc tính, con không có nhận diện, và nếu con không có nhận diện, con không thể giao tiếp”. Cô nói với tôi: “Nhưng làm thế nào con có thể giao tiếp với một người không có nhận diện, không có thuộc về?” Tôi trả lời: “Con chỉ cần cho họ một thuộc tính ảo của con. Từ ảo tính này, mình sẽ đi đến chuyện cụ thể, chuyện thật”. Tôi làm các câu tweet để mở các cánh cửa, tôi tin chắc các câu tweet này đánh động được nhiều tâm hồn… 

Dominique Wolton: Nhưng với tầm mức toàn cầu hóa các kỹ thuật truyền thông và càng ngày càng có ít giao tiếp giữa con người, vì sao ít nhất cha không có một lời khuyên nên có một khoảng cách giữa sức mạnh và giới hạn của kỹ thuật truyền thông? Dĩ nhiên có tự do cá nhân, nhưng đàng sau đó là sức mạnh chưa từng có của các công ty khổng lồ GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon). Và còn các công ty khác nữa… Đó là các mạng lớn nhất hoàn cầu với rất nhiều quyền lực, tiền bạc, sức mạnh và kiểm soát! Những chuyện này không dính gì với giao tiếp giữa con người với nhau, dù mỗi người cảm thấy mình tự do. Tự do của phía người dùng. Nhưng đóng khung và kiểm soát về phía người tổ chức thì thật là khủng khiếp. Vì sao Giáo hội không nói “cẩn thận, cẩn thận”? Cha có thể nói “đúng, với truyền thông kỹ thuật, nhưng phải dùng một cách chừng mục”, và nhất là nâng cao giao tiếp giữa con người và nét đặc biệt của nó. Trên thực tế, nếu truyền thông kỹ thuật đi rất nhanh thì truyền thông giữa con người đi rất chậm. Và giao tiếp giữa con người là điều khó khăn nhất, quan trọng nhất và phải bảo vệ nó. Cha có thể nói những chuyện như vậy. Vì sao Giáo hội không nói gì?

Vì sao không có một tông huấn về các thách thức của giao tiếp giữa con người và kỹ thuật? Sẽ hữu ích cho mọi người hơn là im lặng như hiện nay. Thêm nữa, Giáo hội có một vị trí rất sớm trong lãnh vực truyền thanh và truyền hình. Về máy vi tính, Giáo hội có nói, còn về các mạng thì Giáo hội không nói gì. Chúng ta có thể nói ‘vâng’ với tiến bộ kỹ thuật, nhưng cẩn thận với giao tiếp giữa con người với nhau…

Đức Phanxicô: Có thể. Tuy nhiên có những vấn đề rất nặng. Chẳng hạn như đóng kín mình trong giao tiếp hoàn toàn kỹ thuật. Các gia đình ăn tối chung nhưng mỗi người một máy, từ cha mẹ đến con cái… Giữa những người trong gia đình không còn nói với nhau, họ viết cho nhau. Trước đây, họ xem truyền hình, bây giờ chỉ còn người cha, người mẹ xem. Ít nhất có một cái gì gia đình cùng bàn luận với nhau. Chúng ta phải nói về chuyện này, tôi đồng ý.

Dominique Wolton: Đúng, Giáo hội có thể nói “cẩn thận” vì trên thế giới, các vấn đề kỹ thuật, tài chánh và kinh tế rất quan trọng. Công nghệ kỹ thuật truyền thông của Mỹ kiếm nhiều tiền hơn là bán vũ khí. Nhưng vì tất cả mọi người đều mê mẩn với các thành tích này, nên người ta bỏ qua. Internet vẫn còn được cho là “tự do”, và mọi quy tắc bị xem là phản tiến bộ… Rất nhiều nhân vật nói đến “xã hội của hiểu biết”, của “văn minh kỹ thuật số”. Tuy nhiên vấn đề không phải là nhân tính hóa kỹ thuật, nhưng nhân tính hóa Con người và bảo vệ nó…

Marta An Nguyễn dịch

Trích sách “Chính trị và Xã hội“, Dominique Wolton và Đức Phanxicô, Nxb. L’Observatoira, 2017. Chương 4

Xin đọc: “Không dễ, không dễ…”

Hòa bình và chiến tranh   

Âu châu và văn hóa đa dạng