Phản ứng như thế nào

359

Phản ứng như thế nào

Ronald Rolheiser, 08-27-2018

Đôi khi chúng ta chỉ còn biết cách vùi miệng vào cát và chờ đợi. Đây là lời khuyên trong sách Ai Ca và dù cho đây có lẽ không phải là cách hay nhất để phản ứng trước những tiết lộ mới đây về vụ giáo sĩ xâm hại tình dục và sự bao che trong Giáo hội công giáo La Mã, nhưng có lẽ đây là phản ứng thiết thực nhất với tôi, trong tư cách một linh mục công giáo La Mã thời nay. Ngoài lời cầu nguyện ra, tôi khá là ngập ngừng trong phản ứng với tình thế này vì ba lý do.

Thứ nhất, tôi ngập ngừng vì thấy thêm một lời xin lỗi và phản đối ầm ĩ thật chẳng ích gì. Từ khi báo cáo về vụ xâm hại tình dục và che đậy này được đưa ra ở Pennsylvania cách đây vài tuần, hầu như giáo phận nào cũng đưa ra lời xin lỗi, hầu như giáo xứ, linh mục nào ở Mỹ, kể cả Giáo hoàng cũng đưa ra lời xin lỗi. Trong khi những lời xin lỗi đó hầu như đều là thành tâm, không có ý gì muốn biện hộ, và nói thẳng với các nạn nhân, nhưng phần lớn chúng đều không được đón nhận sốt sắng cho lắm. Phần lớn người ta phản ứng thế này: “Giờ xin lỗi thì ích gì? Các vị đã ở đâu khi những chuyện này xảy ra chứ?” Những lời xin lỗi hầu như chỉ gặp phải sự châm biếm và giận dữ hơn là đón nhận. Đúng là cần phải nói lên lời xin lỗi, nhưng tôi không chắc mình thêm một lời thì có ích gì không.

Lý do thứ hai khiến tôi ngập ngừng là vì tôi thấy hiện giờ mọi người đang quá đau lòng và giận dữ vì chuyện này đến nỗi lời lẽ, dù nói hay đẹp đến mấy, cũng chẳng đi vào được đầu họ, cũng hệt như khi chúng ta nói “cô ấy đang ở một nơi tốt đẹp hơn” với ai đó đang đau đớn giày vò vì một người thân yêu qua đời. Chúng ta có những lời chân thành, nhưng thời điểm này quá dữ dội nên người ta không nghe nổi. Những lời đó để sau thì sẽ hữu hiệu hơn. Và lúc này chính là thời điểm như thế, khi chúng ta đang ở giữa sự giận dữ bùng nổ và đau buồn u ám. Và cũng chính vì cảm xúc này, mà rất nhiều người đang giận dữ và đau đớn vì những vụ xâm hại tình dục và che đậy này, không thể nào nghe nổi những lời xin lỗi. Cảm xúc vừa tuôn trào còn dữ dội hơn.

Và lý do cuối cùng là: Là một linh mục với lời khấn độc thân khiết tịnh, tôi đau lòng nhận ra rằng hiện giờ tôi đang ở thế khó lòng mà nói gì về chuyện này. Các nạn nhân là người ở thế trên về mặt đạo đức, lời của họ có giá trị hơn, nhưng những người có liên quan về mặt hình tượng đến những kẻ thủ ác, những người như tôi, thì bị người ta lắng nghe với sự nghi ngờ. Tôi chấp nhận điều đó. Làm sao khác được? Ngay lúc này, lời nói của tôi có thẩm quyền đạo đức gì về vấn đề này? Lời xin lỗi của tôi thêm được gì?

Nhưng, bất chấp những lý do đó, tôi vẫn có một lời xin lỗi. Là một linh mục công giáo La Mã, tôi muốn công khai nói rằng những chuyện xảy ra trong giáo hội về những vụ xâm hại tình dục và che đậy do bàn tay của hàng giáo phẩm là chuyện không thể biện hộ, là tội lỗi nặng nề, đã gây tác hại không thể xóa nhòa cho hàng ngàn con người, và cần bù đặp triệt để bằng cách đến với các nạn nhân và thay đổi cơ chế trong giáo hội để bảo đảm chuyện này không bao giờ xảy ra lần nữa.

Cho tôi nói thêm một lời này nữa: Trước hết, là một linh mục công giáo La Mã, tôi không tách mình khỏi những người đã phạm tội bằng một câu nói: “Họ có tội còn tôi thì không!” Thập giá Chúa Giêsu không có lối thoát như thế. Chúa Giêsu chịu đóng đinh giữa hai kẻ trộm cướp. Ngài vô tội, họ thì không, nhưng Ngài không biện hộ cho sự vô tội của mình, và những người ngày hôm đó nhìn lên ba thập giá, chẳng thể phân biệt được ai là kẻ có tội ai là không. Các thập giá đều như nhau. Có những lúc người ta không biện hộ cho sự vô tội của mình. Một phần trong sứ mạng của Chúa Giêsu, như trong phụng vụ đã nói rõ, là “mang lấy tội vì chúng ta,” liều mình để sự vô tội bị lẫn trong tội lỗi và bị xem là có tội để giúp mang lấy tội lỗi và bóng tối trong tha nhân.

Vượt trên những lời xin lỗi, tất cả chúng ta, các giáo sĩ cũng như giáo dân, được mời gọi làm gì đó cho Giáo hội, cụ thể là góp phần mang lấy tai tiếng này như Chúa Giêsu đã làm. Căm phẫn tách mình khỏi tội này, không phải là đường lối của Chúa Giêsu, không phải là con đường của thập giá.

Như Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá, chúng ta không được nhân đôi cơn giận và bóng tối này. Thay vào đó, như Đức Mẹ, chúng ta phải làm việc duy nhất có thể làm khi đứng dưới hậu quả của tội lỗi, là để lời nói hành động của chúng ta nói lên với một giọng không cay đắng hay sụp đổ: “Hôm nay, tôi không thể ngăn được bóng tối này, chẳng ai ngăn được. Đôi khi, có những lúc bóng tối lan tràn. Nhưng tôi có thể ngăn một số tội lỗi và cay đắng lúc này, không phải bằng cách tách mình khỏi nó, mà là thấm nhận nó và không trả đũa lại cho tương xứng.”

Đôi khi có những lúc bóng tối lan tràn, và chúng ta, những môn đệ Chúa Giêsu, không được tách mình khỏi tội mà phải góp phần thấm nhận nó.

Đôi khi, chúng ta chỉ có thể vùi miệng trong cát… Và cầu nguyện… Và chờ đợi. Với nhận thức rằng, một lúc nào đó trong tương lai, tảng đá sẽ lăn khỏi mộ.

J.B. Thái Hòa dịch