#MeToo và giải phóng lời nói nơi các nữ tu
la-croix.com, Constance Vilanova, 2018-08-01
Trong những tháng gần đây, các nữ tu của nhiều hội dòng trên khắp thế giới đã tố cáo việc lạm dụng tình dục của các giáo sĩ mà họ là nạn nhân.
Mong muốn phá vỡ sự im lặng mà phong trào #MeToo tạo ra đã không còn giới hạn trong giới thế tục nữa.
Cuộc họp của các Giám mục Chilê tại Hội nghị ngoại thường của Hội đồng Giám mục Punta de Tralca, Chilê, ngày 30 tháng 7 năm 2018. Các Giám mục Công giáo của Chilê sẽ họp cho đến ngày thứ sáu để đối phó với nạn lạm dụng tình dục. / Alberto Valdes / MaxPPP
“Sự im lặng của tôi làm tổn thương lương tâm tôi. Chúng tôi có hơn 23 nữ tu, trong một năm, đã bị loại ra khỏi hội dòng vì bị lạm dụng tình dục, có một sự lạm dụng quyền lực ở đây”. Ngày 24 tháng 7, trên kênh truyền hình quốc gia TVN của Chilê, nữ tu Yolanda Tondreaux và năm nữ tu của dòng Người Samaritanô Nhân hậu đã tố cáo một loạt các hành vi lạm dụng tình dục của các linh mục khi đến thăm cộng đồng của họ ở Molina, thuộc giáo phận Talca của Chilê.
Từ phía bên kia Đại Tây Dương, một nữ tu khác phá vỡ sự im lặng, hai mươi năm sau khi nữ tu bị tấn công tình dục. Trong một bài báo của Associated Press được đăng vào ngày 28 tháng 7, một nữ tu người Ý kể xơ bị lạm dụng tình dục khi đi xưng tội với một linh mục ở Bologna. Xơ kể: “Việc này đã tạo một chấn thương trong tôi. Tôi giả vờ như không có chuyện gì xảy ra”. Ngày 29 tháng 6, ở Ấn Độ, một nữ tu đã đệ đơn tố vụ hãm hiếp và nhiều vụ tấn công tình dục của một giám mục giáo phận Jalhandar, giám mục phủ nhận sự việc.
Các báo cáo đã được gởi về Vatican vào cuối những năm 1990
Trong những tháng gần đây, các trường hợp lạm dụng do các giáo sĩ vi phạm trên các nữ tu đã được nêu lên trên tất cả các lục địa. Việc giải phóng lời do phong trào #MeToo, nảy sinh sau vụ phát giác các sách nhiễu tình dục của nhà đạo diễn Mỹ Weinstein vào tháng 10 năm 2017, đã lan truyền trong các nhà dòng. Các nữ tu làm chứng cho sự không can thiệp và im lặng của Giáo Hội khi đứng trước các vụ vi phạm này từ hơn hai mươi năm qua.
Vào cuối những năm 1990, các báo cáo đã được gởi về Vatican. Trong số các báo cáo này có báo cáo của nữ tu Maura O’Donohue, bác sĩ và điều phối viên về bệnh sida trong Quỹ Công Giáo Phát triển Caritas Nước ngoài. Vào năm 1994, nữ tu Maura O’Donohue tiến hành cuộc điều tra trên các nữ tu ở 23 quốc gia. Nữ tu tố cáo có các vụ rất bi thảm, các linh mục hãm hiếp các nữ tu, họ bị xem là “đối tượng an toàn” ở những nước bị nạn dịch sida. Các cuộc điều tra này vẫn còn ở trong lãnh vực riêng tư, nhưng báo Công giáo Quốc gia Mỹ (NCR) đã đưa lên mạng năm 2001.
Các nữ tu Mỹ muốn phá vỡ im lặng
Ngày 30 tháng 7, để phản ứng lại với bài báo của Associated Press, Hội Lãnh đạo các Nữ tu (LCWR), một hội của các nữ tu lớn nhất nước Mỹ, đã xin các thành viên của mình báo cáo tất cả các hành vi lạm dụng tình dục của giáo sĩ trên các nữ tu. Trong một thông báo đăng trên trang của Hội, Hội xin các thành viên “đưa ra ánh sáng các vụ khủng khiếp này, đó là cách duy nhất để ngưng các vụ lạm dụng tình dục xảy ra do lạm dụng sự tin tưởng trong cộng đoàn các giáo sĩ”.
Nữ tu Teresa Maya là chủ tịch của Hội từ tháng 8 năm 2016, Hội có 1300 thành viên. Báo Thập giá liên hệ với nữ tu, xơ giải thích các lý do đã làm cho xơ đưa thông báo này lên mạng: “Điều quan trọng là chúng tôi phải biết ơn lòng dũng cảm của các nữ tu đã làm chứng công khai”, nữ tu nói thêm, theo chỗ xơ biết, cho đến nay Hội Lãnh đạo các Nữ tu chưa bao giờ nhận một lời khiếu nại nào của các nữ tu: “Đây là cơ hội đáng kể để khuyến khích các nữ tu nạn nhân bị lạm dụng, kể cả ở Mỹ, để làm cho các vụ này được biết đến và để báo cáo cho nhà cầm quyền giáo hội cũng như dân sự biết. Chúng ta phải phá vỡ nền văn hóa im lặng này”.
Đối với xơ Teresa Maya, phong trào #MeToo sẽ không còn dành riêng cho các phụ nữ ngoài đời, phong trào này còn giúp cho các nữ tu làm chứng. Nữ tu giải thích: “Chúng tôi không biết điều gì đã thúc đẩy các chị em này nói trước công chúng, nhưng thực sự có khả năng #MeToo đã giúp họ có được sức mạnh để làm chứng”. Theo xơ, làm cho “mạng lưới nạn nhân được rộng lớn hơn có thể có tác động mạnh mẽ để các trường hợp này không bao giờ được dung thứ”.
Xơ nói thêm: “Vatican phải đòi các giáo hội địa phương và giáo sĩ gởi báo cáo và phải chịu trách nhiệm về tất cả các vụ lạm dụng tình dục đã vi phạm”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Lạm dụng tình dục: #MeToo làm nhúc nhích các làn ranh
Các nữ tu bị tấn công tình dục: cuộc điều tra về chuyện cấm kỵ cuối cùng của Giáo hội
Nữ tu Véronique Margron: “Các nữ tu trẻ có thể ở trong tình trạng yếu đuối mong manh”