Ariane Calvo, tâm lý gia: “Đà sống trọng yếu đã được in khắc trong mỗi chúng ta”

87

Ariane Calvo, tâm lý gia: “Đà sống trọng yếu đã được in khắc trong mỗi chúng ta”

Ariane Calvo, tâm lý gia, sáng lập Tập khóa-Trị liệu (Atelier-Thérapie) tại Paris. © Marie Genel

Ở đâu nảy sinh ra khả năng phi thường để vực con người lên sau các thử thách? Câu trả lời của bà Ariane Calvo, tâm lý gia, bà đã viết quyển sách “Tìm đà sống trọng yếu cho mình” về chủ đề này.

pelerin.com, Gilles Donada, 2018-07-12

Bà quan tâm đến “đà sống” như thế nào?

Trong một năm tôi lần lượt sống hai cuộc gặp gỡ đã đánh động tôi rất mạnh. Cuộc gặp gỡ đầu tiên vào năm 2013, lúc tôi tập sự khoa tâm lý lâm sàng ở khoa trẻ sơ sinh trong nhà hộ sinh vùng Hauts-de-Seine. Ngày hôm đó nhóm làm việc của tôi rất đau lòng: một em bé sơ sinh chết, bà mẹ của em cũng xém chết…  Tôi thấy một cô y tá, ánh mắt lạc hồn, cô cúi xuống lồng ủ hai em bé sinh non chỉ vài trăm gram. Chẩn đoán sống chết của hai em đã rõ. Cô nói với tôi: “Thật khủng khiếp. Chỉ nhìn hai em, tôi biết em nào sẽ sống, em nào sẽ chết”. Ngày hôm sau, lời tiên đoán của cô đã đúng…

Từ đâu con người có khả năng bám lấy sự sống này? Tôi chọn chủ đề này cho cuộc nghiên cứu của tôi.

Một năm sau tôi làm việc trong một nhà hưu dưỡng. Tôi nói chuyện với bác sĩ lão khoa về hai bà 101 và 102 tuổi đang ở giữa lưng chừng cái chết và cái sống. Hai bà được săn sóc chu đáo, thuốc men đầy đủ và tình trạng sức khỏe có thể ngang ngang nhau. Bác sĩ nói với tôi: “Thật đáng ngạc nhiên, tôi thấy một bà bám lấy sự sống cho đến giây phút cuối, còn một bà sẽ ra đi”.

Cái gì làm cho những người săn sóc này có thể nhận ra vấn đề. Từ đâu con người có khả năng bám lấy sự sống này? Tôi chọn chủ đề này cho cuộc nghiên cứu của tôi. Tôi hỏi ba mươi người có được năng lực ngoại thường này. Tôi gọi năng lực này là những “chiếc đà”. Tất cả đều đã đi qua thử thách, đôi khi các thử thách này rất khủng khiếp, tất cả đều có mối dây rất mạnh với sự sống. Tôi nhận ra, dù tuổi tác, môi trường sống, quá trình của họ rất khác nhau nhưng tất cả đều có các điểm chung giống nhau thật lạ lùng.

Đâu là các điểm chung?

Là các em bé, các em đã phải đứng trước việc thiếu hình bóng cha mẹ, đôi khi từ chính cha mẹ ruột của các em, hoặc các em có hoàn cảnh đặc biệt gia đình mà các em phải chịu: mẹ bị vấn đề tâm thần hay mồ côi, cha mẹ bị tù, bối cảnh chiến tranh… Để khỏi chết, các em dốc hết sức lực để “thức dậy” mẹ mình, để tạo mối dây liên hệ (chẳng hạn khóc hay bị bệnh liên tục). Khi lớn lên, những “chiếc đà” này có khả năng biết ơn hay kinh ngạc trước những chuyện rất nhỏ: một cuộc đi dạo chơi trong thiên nhiên, một bữa ăn giữa bạn bè… Nơi các em đã in khắc một loại “quyền hạnh phúc”. Tôi nghĩ đến một phụ nữ bị chồng đánh đập, bà liên tục nói: “Đời tôi không phải vậy; đời tôi chắc chắn phải có một cái gì khác”.

Họ biết mang đến ý nghĩa cho những gì họ sống

Họ biết mang ý nghĩa đến cho những gì họ sống, dù sau này, điều này mới được vén lộ cho thấy.  Họ là những người nhạy cảm và có trực giác: họ cảm nhận được xúc cảm của người khác, và các giác quan của họ rất sắc bén. Vì họ siêu liên kết với người khác nên họ cần ở một mình để lấy lại sức mạnh. Cuối cùng họ có lòng tin vào ngôi sao tốt mà họ gọi đó là vũ trụ, là thiên thần hộ thủ, là Chúa…

Có các giai đoạn nào thể hiện đà sống này một cách đặc biệt không?

Có, ở mỗi cơn khủng hoảng của cuộc sống. Giữa 2 đến 4 tuổi, trẻ em tách khỏi mẹ và muốn chính mình quyết định (giai đoạn các em nói ‘không’). Giữa 12 và 15 tuổi, trẻ vị thành niên tách cha mẹ để sau đó kết nối lại với cha mẹ theo một cách khác. Một trẻ vị thành niên đóng sầm cửa lại là nó đã làm rất giỏi công việc của mình! Cơn khủng hoảng ở tuổi trung niên, trong độ tuổi bốn mươi được tóm gọn trong một câu: “Bây giờ hoặc không bao giờ, đây là giai đoạn tôi sống những gì tôi mong muốn sống”. Đến tuổi về hưu và sau đó là khi gần chết cũng là các giai đoạn đà sống này thể hiện. Đây là giai đoạn chúng ta có thể “khép lại hồ sơ”, như gọi cho đứa con trai lâu năm mình không gặp để xin lỗi nó… 

Đâu là các bối cảnh làm chuyển động cho đà sống?

Đó là các thúc đẩy nội tâm trong những lúc khủng hoảng mang chúng ta đến với cuộc sống: thoát ra tình trạng suy thoái tinh thần, tạo một khoảng cách với người bạn đời hay với cha mẹ độc hại, rời công việc không phù hợp với mình… Một vài ứng xử cũng cho thấy đà sống này thoạt đầu có một vài ứng xử có vẻ như hủy hoại. Chúng là các dàn xếp mà đương sự tìm ra để không bị chết. Ma túy giúp cho người nghiện ngập mang nỗi đau đớn nội tâm của mình đến tầm mức mình có thể chấp nhận được. Người tâm thần phân liệt tách khỏi thực tế may ra mới có thể tiếp tục sống được. Chúng ta không đối diện với những người tự hủy nhưng với những người có các ứng xử loạn chức năng – vì họ đau khổ -, những ứng xử này giúp họ duy trì với sự sống dù có thế nào chăng nữa. Tất cả công việc của tôi, là cùng với họ tìm các phương thế khác để tôn lên niềm khát sống này.

Khi nào thì xuất hiện đà sống này?

Ngay từ khi mới sinh, ngay từ động tác tự phát đầu tiên xuất hiện. Rồi theo cách đặc biệt mà các em bé tự xác định trước mười tám tháng, khi đứa bé ở giai đoạn hòa làm một với mẹ. Tất cả “đà sống” này tạo nên một loại núi lửa sôi sục bên trong bật ra qua tiếng la hét. Trước khi nói được lời, tiếng la này có nghĩa: “Tôi có quyền sống!”

Chúng ta có thể trao truyền sức mạnh này không?

Chúng ta có thể trao truyền niềm vui và niềm khát sống, một lòng tự tin đúng của mình. Nhưng đà sống không trao truyền, vì nó đã được ghi khắc trong mỗi người chúng ta. May thay là chúng ta không tùy thuộc ai cũng như không tùy thuộc vào cái gì để tìm nó. Con đường khó khăn nhất là con đường đi vào nội tâm để kết nối mình với đà sống này. Ngược với sức bật, khả năng phục hồi sức mạnh thể chất cũng như tinh thần, thì đà sống không tùy thuộc vào tuổi thơ ấu có cung cấp cho mình một nền tảng an toàn đầy đủ hay không. Thậm chí còn ngược lại: đương đầu từ khi còn nhỏ, các thử thách có thể giết đương sự theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, nhưng các “đà sống” có thể phát triển khả năng cốt tử một cách phi thường.

Có các “đà sống” nào đặc biệt làm bà xúc động?

Một vài người trong số họ thật sự làm cho tôi xúc động, hoặc vì câu chuyện đời của họ thật khủng khiếp, hoặc nó tạo một chấn động mạnh trong tôi. Tôi còn nhớ, tôi đã không cầm được nước mắt khi nói chuyện với bà Luce, một trong các bệnh nhân của tôi, khi bà cho biết, trong khi mọi người xem bà như một em bé cực kỳ khó khăn, thậm chí là kỳ quặc, thì ông ngoại của bà chấp nhận con người thật của bà. Ông hiểu các khát vọng, sự nhạy cảm, trí thông minh, tính sáng tạo, niềm vui sống của cháu mình. Ông hiểu tất cả đều rắc rối với bà, nhưng dù bà có thế nào, ông cũng thương bà như vậy. Câu chuyện này làm cho tôi nhớ lại câu chuyện của tôi.

Tôi cũng trải qua bước khởi đầu tế nhị đi vào cuộc đời…

Tôi cũng trải qua bước khởi đầu đi vào cuộc đời một cách tế nhị… và đôi khi, tôi có cảm tưởng không ai hiểu mình. Tôi có cảm tưởng quyền được hạnh phúc bị tước ra khỏi đời mình. Tôi không thể nào nói hơn về các câu chuyện về “đà sống” mà các bệnh nhân đã thổ lộ với tôi. Đa số các câu chuyện này khó khăn, đau đớn và rất mật thiết. Bởi vì hoàn cảnh khi họ sinh ra thật khủng khiếp, nhưng họ được xây dựng trên một đà sống rất mạnh. Điều này làm cho lời chứng của họ rất tế nhị: họ không muốn làm cho những người tìm cách che chở họ bị đau lòng, khi họ kể làm thế nào mà một vài quan hệ, đặc biệt là quan hệ với cha mẹ đã làm cho họ bị tổn thương nặng.

Chìa khóa thứ mười bà đưa ra để nối kết với đà sống là con đường thiêng liêng. Đâu là mối dây liên kết của bà với con đường thiêng liêng?

Tôi là tín hữu kitô và đạo gốc của tôi là đạo tin lành, dù bây giờ tôi không còn cho tôi là người theo đạo tin lành nữa. Chúa Kitô là hiện thân cho sự trọn hảo của lòng nhân từ và tình yêu không điều kiện mà chúng ta đi tìm. Nhưng ở Pháp, khi tôi hành nghề tâm lý thì rất khó để đề cập đến con đường thiêng liêng mà không bị cho là mình đi chiêu dụ, thậm chí còn bị cho là lèo lái người bệnh. Là nhà tâm lý trị liệu, tôi khuyên các bệnh nhân tự chính mình quan sát và mở rộng con đường này theo cách nào phù hợp nhất với họ. Bởi vì về mặt lâm sàng, tôi ghi nhận con đường thiêng liêng là sự giúp đỡ quý báu lớn biết chừng nào để mở rộng đà sống trọng yếu cho chúng ta. 

Về bà Ariane Calvo:

1976 Sinh tại Madrid (Tây Ban Nha).

1982 Đến Paris.

2002 Tiến sĩ lịch sử nghệ thuật về “Kitô giáo hóa của Grenade (Andalousie) qua kiến trúc”.

2008-2014 Phó thị trưởng đặc trách tuổi thơ ấu và nam nữ bình đẳng ở tòa thị chính quận 20, Paris.

2016 Đậu bằng Tâm lý gia lâm sàng của Nhà nước.

Sách: Tìm đà sống trọng yếu cho mình,

(Trouver son élan vital, nxb. First Éditions)

 

 

Marta An Nguyễn dịch