Wim Wenders: “Tôi rụt rè trước giáo hoàng”

222

Wim Wenders: “Tôi rụt rè trước giáo hoàng”

24heures.ch, Pascal Gavillet, 2018-06-18

Phỏng vấn điện ảnh gia Wim Wenders, người thực hiện phim về Đức Phanxicô. Ông đến thành phố Geneva ngày thứ hai 28 tháng 6 để giới thiệu phim ở Liên Hiệp Quốc.

Wim Wenders: “Vatican không can thiệp gì về cuốn phim, bất cứ lúc nào”. Image: Steeve Iuncker-Gomez

Ai có thể quay phim Đức Phanxicô được? Ngoài mọi mong chờ, công việc cam go trong sự thẳng thắn của mình được giao phó cho điện ảnh gia Wim Wenders. Điện ảnh gia với các phim danh tiếng “Paris, Texas”, “Đôi cánh của Ước muốn”, “Pina”, “Buena Vista Social Club”, bây giờ ông quay phim về một người mà cả thế giới công giáo kính mến. Ngày thứ hai 18 tháng 6, điện ảnh gia Wenders đến Grneva để giới thiệu phim “Đức Phanxicô – Người của lời” ở Liên Hiệp Quốc. Trước khi giới thiệu phim, ông trả lời vài cuộc phỏng vấn.

Chúng tôi được biết cuốn phim này được Vatican nhờ ông làm. Vì sao lại là ông?

Trước hết, đây không phải là cuốn phim đặt hàng, nhưng cuốn phim Vatican nhờ tôi làm. Mới đầu Đức ông Vigano phụ trách truyền thông Vatican liên lạc với tôi, cha hỏi xem tôi có muốn làm phim này không. Chính cha đã viết nhiều sách và làm nhiều phim. Cha hiểu, với Đức Phanxicô, phim ảnh là phương tiện truyền thông. Sau đó thì Vatican không can thiệp gì vào công việc tôi làm.

Cái gì làm cho ông nhận lời mời này?

Họ cố gắng rất nhiều để tôi hiểu, tôi hoàn toàn tự do thực hiện phim. Và họ có lý, họ không tạo ảnh hưởng gì trên tôi. Ngay cả phần dựng phim. Đôi khi tôi còn muốn họ tham dự nhiều hơn. Họ không bình luận gì, dù họ biết tôi không phải là người công giáo.

Họ có liên lạc với các điện ảnh gia khác không?

Không. Tôi là người đầu tiên trên danh sách của họ. Và vì tôi đồng ý, nên họ không dùng danh sách còn lại. Tôi hy vọng một ngày nào đó, một người khác sẽ được liên lạc.

Ông có e dè khi đứng trước Đức Giáo hoàng không?

Lần đầu tiên tôi hơi rụt rè. Chúng tôi không thể đối xử với ngài như một diễn viên. Không hóa trang, không đặt máy vi âm nhỏ, không quay lại. Ngài đến một mình trên sàn quay, ngài chào từng nhân viên một, ai ngài cũng có một lời cho họ. Ngay lập tức, mọi người không còn e dè. Trừ tôi. Rồi ngài thấy cái ghế ngài sẽ ngồi và một màn hình kiểm soát để trước mặt. Ngài hỏi tôi, ghế của tôi ở đâu, tôi nói chỉ có một mình ngài trước máy quay phim, nhưng ngài sẽ thấy tôi trên máy điều khiển. Vì thế khán giả sẽ ở trong trục của đôi mắt tôi.

Ngài không thụt lui?

Không, ngài chấp nhận ngay lập tức. Chúng tôi quay tất cả bốn lần, mỗi lần hai giờ. Tổng cộng bốn ngày quay phim trải dài trên hai năm từ mùa xuân năm 2016 đến mùa thu năm 2017. Tám giờ trong hai năm, tôi thấy cũng không đến nỗi tệ. Nhất là trước đó, tôi đã có hai năm chuẩn bị. Tôi có thì giờ đọc tất cả những gì ngài nói, xem hàng trăm tài liệu có ngài trên đó, nhất là các chuyến tông du nước ngoài của ngài.

Cuộc nói chuyện có giữ nét hồn nhiên không?

Có, thậm chí còn rất nhiều. Ngài không bao giờ nói một vấn đề gì mà ngài không thích. Chung chung là ngài rất chính xác và đơn giản. Ngài cũng không bao giờ dùng ngôn ngữ trí thức hoặc không hiểu được.

Ông có ấn định các giới hạn, thậm chí các bó buộc không?

Tôi đặt ra một vài quy tắc. Đây không phải là phim tiểu sử. Ngài không muốn nói về mình, mà chỉ về lời của ngài, tôi thì lại ghét loại văn hóa đại chúng. Và tôi không muốn tốn phí, cuốn phim tốn một triệu rưỡi âu kim. Vì thế tôi không muốn đi theo các chuyến tông du của ngài, đã có hàng ngàn máy quay phim đi theo ngài. Tôi muốn lồng câu chuyện Thánh Phanxicô Axixi vào phim và giải thích theo cách của tôi, vì sao ngài chọn tên Phanxicô.

Như thế ông hình dung các cảnh quay chung quanh Thánh Phanxicô Axixi như cảnh giả tưởng?

Gần như vậy. Đã có hàng chục phim nói về cuộc đời Thánh Phanxicô Axixi, kể cả thời phim câm. Nhưng tôi không muốn trích lại, nên tôi tự quay một vài cảnh với máy camera có từ những năm 20. Vì thế đa số khán giả nghĩ đây là trích đoạn trong các phim cũ.

Còn đức tin của ông?

Tôi tin nhưng tôi rời bỏ Giáo hội công giáo từ năm 1968. Và tôi cũng chưa trở lại. Vào cuối những năm 90, tôi qua đạo tin lành. Bây giờ tôi là tín hữu kitô đại kết, tôi cũng không biết có phải như vậy không.

Đức Giáo hoàng có biết các phim của ông?

Câu đầu tiên ngài nói với tôi, là ngài nghe nói về tôi nhưng chưa bao giờ xem phim của tôi. Trước đây rất lâu ngài thích các phim tân-hiện thực Ý. Tôi nghĩ một vài phim của Rossellini. Từ đó ngài không xem phim gì. Ngài không chuộng phim ảnh. Ngài chỉ quan tâm đến con người chứ không phải các hình ảnh do con người tạo ra. Ngài cũng không xem truyền hình. Ngay cả ngài cũng không xem phim này của ngài, ngài có nhiều việc khác phải làm.

Thường thường các phim tài liệu của ông tập trung vào một nghệ sĩ và tác phẩm của họ. Trong việc làm phim này, làm thế nào ông dựng hình ảnh “Giáo hoàng Phanxicô?”

Các phim tài liệu của tôi thường nói về các tác phẩm hay những người mà tôi muốn chia sẻ về họ với nhiều người. Ví dụ cụ thể là âm nhạc của Cuba, cả thế giới đều mê sau khi xem phim “Buena Vista Social Club”. Tôi thích phim ảnh vì nó có thể tỏ tình. Với phim “Giáo hoàng Phanxicô”, lời tỏ tình này hướng về một người can đảm, dịu hiền và khôn ngoan.

Ông có muốn làm cùng công việc này với các giáo hoàng khác không?

Không có vấn đề này. Dù sao cũng chẳng bao giờ có ai đề nghị với tôi. Cho đến bây giờ, các giáo hoàng là những người khó đụng đến, chúng ta chỉ thấy các ngài từ đàng xa. Đức Phanxicô thì gần gũi, trong ánh mắt nhìn của ngài. Ngài là người duy nhất tôi biết trên hành tinh này là người đi đến bất cứ đâu có đau khổ. Có nhân vật chính trị nào đến nhà tù, đến các bệnh viện, đến các trại tị nạn không?

Cái gì làm ông thích thú ở ngài?

Tinh thần can đảm. Ngài không sợ gì và lạc quan không tưởng tượng được. Đến mức tôi không biết ngài lấy can đảm này từ đâu.

Và cái gì ông ít thích ở ngài?

Phản ứng của ngài khi tôi đặt câu hỏi về các vụ lạm dụng tình dục và ấu dâm trong Giáo hội. Ngay lập tức ngài mất bình tĩnh. Ngài giận và mất kiểm soát. Như thử ngài đứng trước một hụt hẫng mà ngài không thể nào giải quyết.

Bây giờ ông có cái nhìn như thế nào về toàn bộ tác phẩm của ông?

Tôi không có một cái nhìn nào. Các phim của tôi không còn thuộc về tôi nữa. Cách đây năm năm, tôi thành lập hiệp hội Wim Wenders và tôi đã để tất cả các phim vào đó. Các phim của tôi bây giờ thuộc về những người xem nó. Chúng cần hỗ trợ, cần được tái dựng. Còn tôi thì tôi ở ngoài việc chiếm giữ nó.

Khán giả có sắp được thưởng thức một phim mới của Wim Wenders không?

Có, vào mùa thu này. Cuốn phim có tên “Tràn ngập” (Submergence) với diễn viên Alicia Vikander và James McAvoy. Cuốn phim kể câu chuyện tình yêu. Và đó là điều duy nhất tôi biết làm.

Marta An Nguyễn dịch

Xin đọc: Wim Wenders: “Cuốn phim về Đức Phanxicô sẽ không thay đổi thế giới”

Wim Wenders: “Tôi thán phục ngài từ khi ngài xuất hiện ở ban-công đền thờ Thánh Phêrô”