“Chúng tôi chiến đấu chống tất cả các loại suy nghĩ dẫn đến loại văn hóa lạm dụng trong Giáo hội”

142

“Chúng tôi chiến đấu chống tất cả các loại suy nghĩ dẫn đến loại văn hóa lạm dụng trong Giáo hội”

Ông José Andrès Murillo, nạn nhân của các vụ lạm dụng tình dục ở Chi-lê sẽ gởi cho Đức Giáo hoàng một bức thư đề nghị các biện pháp để chống các vụ lạm dụng trong Giáo hội. / Tiziana Fabi / AFP

la-croix.com, Céline Hoyeau, 2018-06-04

Từ ngày thứ hai 4 tháng 6 – 2018, Mạng lưới quốc tế của các hiệp hội chống nạn ấu dâm trong Giáo hội (ECA) họp lần đầu tiên ở Genève. Ông José Andrès Murillo, một trong các nhà sáng lập hiệp hội và cũng là nạn nhân của một cựu linh mục ở Chi-lê, trong vài ngày sắp tới sẽ gởi đến Đức Giáo hoàng các đề nghị để chống nạn ấu dâm trong Giáo hội.

Báo Thập giá: Xin ông cho biết mục đích của cuộc họp ở Genève?

José Andrès Murillo: Chúng tôi sẽ thảo luận cách nào để chống tất cả các vụ lạm dụng dưới mọi hình thức, đặc biệt là các lạm dụng tình dục trong bối cảnh thiêng liêng, nhưng cũng tìm cách để chống lại các lệch lạc bè phái trong môi trường tôn giáo, bắt đầu là Giáo hội công giáo.

Chúng tôi không chiến đấu để chống một thể chế đặc biệt nào, nhưng chống mọi suy nghĩ dẫn đến loại văn hóa lạm dụng và bao che các vụ lạm dụng này, như Đức Giáo hoàng đã nhấn mạnh trong thư ngài gởi các tín hữu Chi-lê.

Chúng tôi tin chắc, nếu không có áp lực của một hình thức chống lại quyền lực thì các thể chế sẽ không thay đổi. Như tất cả mọi thể chế – dù là tôn giáo, chính trị hay kinh tế -, Giáo hội công giáo sẽ cố giữ thế bất động, khép kín vào chính mình nếu xã hội không đòi hỏi phải thay đổi. 

Phải làm gì để thay đổi loại văn hóa dẫn đến các lạm dụng này?

Ông Juan Carlos Cruz, James Hamilton và tôi (ba nạn nhân của linh mục Chi-lê Fernando Karadima), trong những ngày sắp tới, chúng tôi sẽ viết cho Đức Giáo hoàng một bức thư, một cách nào đó là chính thức hóa các buổi nói chuyện của chúng tôi với ngài, với những người chung quanh ngài và giữa chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa ra các biện pháp rất cụ thể mà chúng tôi đã cùng nhau suy nghĩ để chống nạn ấu dâm và cùng nhau làm việc để thay đổi loại văn hóa này trong Giáo hội.

Về mặt giáo luật, chúng tôi đòi hỏi việc bao che các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ em phải được xem là tội nặng (delicta graviora), các tội mà Giáo hội xem như tội nặng nhất; rằng thời gian hiệu lực để xét phải được cất bỏ, có nghĩa là được xét bất cứ phạm vào lúc nào, chứ không tùy theo từng trường hợp như trong các vụ lạm dụng tình dục trên trẻ vị thành niên; và các giám mục và cấp cao, dù ở bất cứ đất nước nào cũng phải báo cáo các trường hợp lạm dụng tình dục cho chính quyền dân sự của đất nước mình. Ở Chi-lê, các giám mục chỉ bắt buộc không được ngăn cản công việc của công lý… Nhưng điều này là hiển nhiên, vì ngược lại sẽ là phạm một tội ác!

Giáo hội cũng phải suy nghĩ đến một hình thức sửa chữa: ngày nay chúng ta đã có đủ dữ kiện về các hệ quả tai hại trầm trọng của các vụ lạm dụng tình dục, và càng tai hại hơn cho các nạn nhân của các linh mục, vì họ ở trong tình trạng mong manh yếu đuối, họ gần như đặt hoàn toàn tin tưởng của mình vào  các linh mục. Họ cần được chữa trị trên nhiều mặt: tâm hệ (cần nhiều năm chữa trị mới thoát ra được), vật chất và kinh tế, và thiêng liêng…v.v.

Một biện pháp khác bao gồm các giám mục. Rất nhiều tín hữu dấn thân làm việc trong lãnh vực này cảm thấy mình đứng trước bức tường khi hợp tác với các giám mục của họ. Vì thế buộc các giám mục phải được huấn luyện thường xuyên về quyền của các trẻ em, về các tác dụng khác nhau của các vụ lạm dụng…v.v. Và phải rất rõ ràng về việc ai bao che các vụ lạm dụng phải bị ngưng chức.

Nói một cách rộng rãi hơn, phải suy nghĩ lại quyền của các cộng đồng kitô hữu, đặc biệt là quyền của phụ nữ: các phụ nữ phải hành động như một cán cân chống-quyền lực hay đúng hơn là một phần trong bộ phận quyền lực chứ không phải như người bên lề, người phụ… Điều này sẽ giúp thay đổi khá nhanh chóng cán cân quyền lực lạm dụng.

Trường hợp của Chi-lê là trường hợp đặc biệt. Nhưng Giáo hội hoàn vũ cũng phải rút ra một bài học ở đây?

Trường hợp ở Chi-lê không phải cá biệt, ngược lại là đàng khác, theo tôi, vấn đề khá tiêu biểu cho nhiều nước trên thế giới. Rất nhiều nơi bắt đầu phản ứng một cách khác đối với các vụ tai tiếng này và đó là điều tốt dù còn cả một quá trình rộng lớn phải đi. Ngày nay còn rất nhiều trường hợp lạm dụng trong Giáo hội, ở tất cả các nước, những nơi các linh mục có nhiều quyền lực và bề ngoài có vẻ như chẳng có gì xảy ra. Nếu không có cơn khủng hoảng ở một nước thì đáng nghi ngờ và như thế càng nên chú ý hơn. Gần như chắc chắn có những vấn đề đã được che giấu. 

Ông chờ gì ở Đức Phanxicô? Ông có tin tưởng ở ngài không?

Ngài đã gởi một tín hiệu cho các giám mục Chi-lê và họ đã từ chức, nhưng điều này phải có hệ quả của nó, nếu không thì không nghiêm túc. Chúng tôi sẽ tin tưởng ở ngài nếu ngài chấp nhận đơn từ chức này. Các vụ từ chức này phải là thật. Tất cả. Dĩ nhiên tất cả không có cùng một mức độ trách nhiệm như nhau… – nhưng, một cách cụ thể, tất cả các giám mục đều có trách nhiệm đã hành động như một tổ chức nhỏ tự bảo vệ cho chính mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc: Lạm dụng tình dục ở Chi-lê, Đức Giáo hoàng gởi thư kêu gọi giáo dân

Linh mục tu sĩ MichaelDavide Semeraro: “Phải để các linh mục nói về đời sống tình cảm của mình”