Bạn đừng dọn dẹp nữa, tốt hơn nên sống trong bừa bộn

1223

Bạn đừng dọn dẹp nữa, tốt hơn nên sống trong bừa bộn

levif.be, Marie-Françoise Dispa, 2017-01-06

Thông báo cho những người bừa bộn bất trị, những người thích hỗn độn không cải tạo được: dù cho xã hội có chê bai thì tất cả quý vị đều tốt dưới mắt của triết gia Eric Abrahamson, tiến sĩ triết, giáo sư môn quản trị của đại học Columbia và là tác giả của một tác phẩm thú vị có tên “Hỗn độn toàn hảo” (A perfect mess), trật tự là kẻ thù!

Hai phần ba trong chúng ta cảm thấy tội lỗi, thậm chí xấu hổ về sự bừa bộn của mình và hơn một nửa thú nhận họ đã vội vã tiêu cực lên án những ai sống, làm việc và lái xe (vì khi nhà cửa và văn phòng tất cả đều bừa bãi thì đến cái xe cũng cùng chung số phận), họ coi thường hết tất cả quy tắc luật lệ về dọn dẹp, sắp xếp của các bậc thầy trong lãnh vực sản xuất lợi nhuận, những người “siêu tổ chức”, đã trả một giá rất đắt để dọn dẹp từ tầng hầm đến nóc nhà. Không kể đến các chuyên gia trên các chương trình truyền hình “Sạch sẽ” kêu inh ỏi, họ quá thiện cảm với mặc cảm dằn vặt nên buộc mấy người này phải vứt bỏ những gì cồng kềnh, không cần thiết.
.

Vì lợi ích của chúng

Triết gia Eric Abrahamson bình luận: “Như thử tư tưởng và sáng tạo nảy sinh từ trống không!”, ông than phiền ngày nay, trẻ con và trẻ vị thành niên thường nghe câu “Dọn dẹp phòng” nhiều nhất. Giáo sư cho biết: “Trong số những người tôi hỏi để viết quyển sách, rất nhiều người cho biết, họ quá thích khi còn nhỏ được ở trong một đại dương đồ chơi và quá buồn khi thấy cha mẹ không hiểu cho mình, cứ la cứ hét con vì tình trạng bừa bộn này! Nhưng khi tôi hỏi họ các kỷ niệm này có làm cho họ thông cảm với con mình không, thì câu trả lời là ‘không’: họ tin chắc con cái mình sẽ thành công hơn nếu chúng có đời sống ngăn nắp, họ dứt khoát dạy con trật tự với lý do, đó là “điều tốt cho chúng”. Một bà thổ lộ với tôi: ‘Tôi ghen với một trong các cô bạn của tôi! Dù có ba đứa con nhỏ nhưng cô thật ngăn nắp: mình có thể đến nhà cô bất kể ngày đêm, lúc nào cũng sạch sẽ gọn gàng, không một món đồ chơi bày bừa!”

Bàn giấy trắng trơn?

Kết quả của loại giáo dục này, có nguồn gốc trong tôn giáo (thiếu ngăn nắp trật tự thì không thể nào có được suy nghĩ đàng hoàng) và trong cách mạng kỹ nghệ (xã hội được tổ chức như một cái máy, xã hội trong mơ!), đối với nhiều người, sắp đặt và dự trù chính nó là cùng đích. Vì thế, bừa bãi là không có uy tín: ở sở làm, đó là bằng chứng thiếu khả năng, ở nhà là bằng chứng của thiếu trưởng thành. Một trên tám cặp ly dị, một trong hai người không ngần ngại xác nhận sự mất trật tự của người kia là lý do chính để họ chia tay và tất cả các giám đốc trên thế giới đều chụp hình đàng sau các “bàn làm việc rộng mênh mông nhưng không có gì trên bàn”, họ quên câu hỏi danh tiếng của nhà bác học Albert Einstein, chính ông cũng chẳng thích gì trật tự: “Nếu bàn giấy bừa bộn chứng tỏ một tinh thần hỗn độn, thì bàn giấy trống trơn nói lên cái gì?” Triết gia Eric Abrahamson thú nhận: “Trên bàn giấy của tôi, chỗ nào trống là một chồng giấy tờ chất cao. Nhưng vì tài liệu mới nhất và quan trọng ở trên cao nên lúc nào tôi cũng tìm thấy chúng! Vì thế tôi không mất thì giờ, như vậy là không mất tiền bạc, bởi vì dọn dẹp trật tự làm gì mà trước sau gì nó cũng không duy trì được lâu. Trên thực tế, tôi đạt đến mức bừa bãi lý tưởng, đến mức nếu tôi sắp xếp cho gọn gàng hơn thì tôi lại không được hiệu quả bằng!”

Nếu bàn giấy bừa bộn chứng tỏ một tinh thần hỗn độn thì bàn giấy trống trơn nói lên cái gì?” Albert Einstein

Chắc chắn: sắp xếp, lọc, dán nhãn mất nhiều thì giờ hơn là chất đống, cũng mất một phần ba ngày làm việc! Nhưng theo giáo sư Eric Abraham, những người siêu tổ chức tự hào của bàn giấy “hoàn hảo” để nhiều thì giờ để tìm hơn những người tự thú nhận mình “mất trật tự” (theo một điều tra trên internet, những người trật tự mất 36% thì giờ đi tìm hơn những người bừa bộn) … họ thường xoay ghế ngồi của mình để tìm tài liệu trên đống thứ năm bên tay trái của họ. 

Mất trật tự là sáng tạo!

Trong số những người bừa bộn có nhà nghiên cứu Léon Heppel, người sẽ không khám phá tác động điều hòa của kích thích tố trên tế bào trong những năm 1950, nếu không có sự mất trật tự trên bàn giấy của ông, ông tìm thấy dễ dàng hai bức thư của các đồng nghiệp của mình mô tả hai kết quả khác nhau trong cùng một tiến trình tế bào. “Một bàn giấy lộn xộn làm mình tiếp xúc với mọi sự, còn trong môi trường trật tự, đóng khung thì mình sẽ không tìm thấy”. Khi cổ vũ các phối hợp, các liên tác động của ý tưởng thì mất trật tự tạo cảm hứng sáng tạo. Và cũng đúng với các công ty khổng lồ, chẳng hạn công ty Microsoft luôn làm việc trong mất trật tự, cũng đúng với các khoa học gia, nếu phòng thí nghiệm của ông trong trật tự thì Alexander Fleming sẽ có thể không bao giờ “phát minh” ra kháng sinh pênicilin, còn với các nghệ sĩ thì Jean-Sébastien Bach là bậc thầy của mất trật tự cũng như bậc thầy của đàn ống. Một cách tâm lý theo bình thường, những người mất trật tự thường phóng khoáng trước các bất ngờ, các ngạc nhiên nên họ dễ có những sáng tạo ngẫu hứng. Triết gia Eric Abrahamson còn nhấn mạnh, trong không gian cũng như trong thời gian. Những người không đóng khung trong giờ giấc cố định thường sẵn sàng có thì giờ trong ngày để làm một sinh hoạt bất thường và nắm được cơ hội xảy đến. Những người bị ám ảnh bởi lịch làm việc điện tử thường khó mềm dẽo hơn! Vậy, thiếu uyển chuyển, thì không có sáng tạo! 

Yes!

Vậy, các tín đồ của ‘lộn tùng phèo’, của ‘tòa nhà giấy chọc trời’, của ‘công trường phanh phui địa chất’ là những người uyển chuyển, không bị ám ảnh bởi trật tự với những phiền toái của cuộc hiện sinh không tránh được: trễ giờ, thay đổi giờ chót… Từ đó, giáo sư Eric Abrahamson nhẹ nhàng xác nhận, những người này dễ dàng có hạnh phúc: “Điều bực mình là họ có mặc cảm tội lỗi, bởi vì từ tuổi thanh xuân, tất cả đều đồng hội đồng thuyền thuyết phục họ, rằng mất trật tự là một thói xấu. Vậy dĩ nhiên không nên lạm dụng nó: nếu bạn không sắp xếp gì, thì cuối cùng bạn sẽ bị ngập đến cổ. Nhưng một sự mất trật tự có chừng mực thì dưới nhiều khía cạnh sẽ tốt hơn một thứ trật toàn hảo!” Như vậy bạn đừng ngần ngại nữa khi nói ‘có’’ với mất trật tự.

Marta An Nguyễn dịch