Mỗi thứ ba, các tín hữu Nam Hàn cầu nguyện với Đức Mẹ để xin đoàn tụ
fr.aleteia.org, Isabelle Cousturié, 2018-05-28
Hai ngày trước khi nhận chức vụ, Tổng Giám mục Alfred Xuereb, tân Sứ thần Tòa thánh tại Nam Hàn và Mongolia trả lời với Vatican News về các hy vọng của Giáo hội sau cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Bắc và Nam Hàn.
Đức Giám mục Alfred Xuereb (bên trái)
Đức Giám mục Alfred Xuereb cho rằng, Giáo hội “đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình thống nhất quốc gia”. Ngài nhấn mạnh: “Đã 23 năm nay, mỗi thứ ba hàng tuần, giáo dân họp nhau ở Séoul cầu nguyện xin Đức Mẹ cho đất nước được thống nhất, tôi tin chắc từ trên trời, Đức Mẹ sẽ yêu thương nhín con cái mình ở Hàn Quốc”.
Như toàn Giáo hội Nam Hàn, sứ thần “tràn trề hy vọng” sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Moon Jae-in Nam Hàn và chủ tịch Kim Jong-un Bắc Hàn ngày 27 tháng 4 vừa qua tại làng Panmunjom, ở vùng Phi quân sự (DMZ) chia cắt đất nước từ 65 năm nay. Bản tuyên bố được ký giữa hai bên đã giúp mở ra con đường giải trừ vũ khí hạch nhân hoàn toàn để kiến tạo hòa bình và thống nhất hai miền. Sau ngày 27-4, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau lại tại vùng Phi quân sự ngày hôm qua, thứ bảy 26 tháng 5. Một cuộc gặp gỡ bất ngờ sau sự đổi hướng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Dù còn “cả một tiến trình dài cần phải đi và phải vượt qua nhiều trở ngại” nhưng Đức Giám mục Xuereb cùng chia sẻ hy vọng với các giám mục Nam Hàn, họ vui mừng về cuộc họp thượng đỉnh và tràn đầy hy vọng. Đức Hồng y Andrew Yeom Soo-jung, Tổng Giám mục Séoul tuyên bố: “Một ngày nào đó sẽ có hòa bình lâu dài được tái lập trên quê hương chúng ta”. Ngày thứ bảy 26 tháng 5, tân sứ thần đã lên đường đi Séoul, theo ngài, Giáo hội có thể đóng góp rất nhiều trong tiến trình thống nhất, nhất là qua việc “rao giảng Tin Mừng và đóng góp về mặt ngoại giao”. Đức Giáo hoàng theo sát tình hình ở Hàn quốc, tân sứ thần mời gọi “toàn Giáo hội” hỗ trợ các cố gắng xây dựng hòa bình, ngài kêu gọi các bên liên hệ “xây dựng để cho các thế hệ sau có một tương lai sống trong hòa đồng và thịnh vượng”.
Còn về phần mình, Đức Hồng y Yeom nhận nhiệm vụ quản trị tông đồ ở Bình nhưỡng (Pyongyang), thủ đô Bắc Hàn, dù ngài không thể đến đây được nhưng ngài hy vọng một ngày nào đó sẽ có thể gặp các tín hữu ở giáo phận Bình nhưỡng và cử hành thánh lễ với họ: “Tôi không nghĩ ngọn lửa của Chúa Thánh Thần bị tắt, khi nào cũng có các tín hữu gặp được Chúa trong sâu thẳm lời cầu nguyện của họ, họ luôn nhớ ơn của các bí tích, luôn thì thầm bên Chúa”. Trong nhà thờ công giáo Changchung duy nhất ở Bình nhưỡng, nhà thờ không linh mục, không giám mục và các tín hữu “rửa tội cho nhau”, có khoảng 200 người đến đây cầu nguyện mỗi sáng chúa nhật vào khoảng 40 phút. Không có thánh lễ, chỉ có nghi thức phụng vụ ngày chúa nhật do chủ tịch Hiệp hội Công giáo Hàn quốc hướng dẫn.
Ở Séoul, lời cầu nguyện ngày thứ ba hàng tuần
Từ khi đất nước chia đôi ngày 15 tháng 8 năm 1945, các tín hữu kitô cầu nguyện liên lỉ cho anh chị em mình ở Bắc Hàn. Khi các nhà lãnh đạo hai bên gặp nhau trong cuộc họp thượng đỉnh hai bên, các tín hữu công giáo Nam Hàn họp nhau lại để cầu nguyện, họ xin Chúa chúc lành cho cuộc gặp được thành công, họ cũng xin Chúa chúc lành cho các nước khác ở Á châu. Như các buổi họp liên tôn được tổ chức ở Thái Lan, nơi các nhà lãnh đạo kitô giáo cùng cầu nguyện để cuộc họp thượng đỉnh được thành công.
Từ 23 năm nay, hàng tuần cứ vào ngày thứ ba, các tín hữu Nam Hàn họp nhau ở nhà thờ chính tòa Myeong-Dong, còn gọi là nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm để cầu nguyện xin cho đất nước được thống nhất. Nhà thờ này được hội Truyền giáo Nước ngoài Paris xây năm 1898. Buổi cầu nguyện này là biểu tượng cho sự hiện diện của Giáo hội công giáo ở Hàn quốc. Trong những năm 1970 và 1980, Giáo hội là điểm tập hợp cho phong trào dân chủ hóa và bảo vệ nhân quyền ở Nam Hàn. Ngày nay Giáo hội luôn đóng một vai trò lớn trong việc cầu nguyện và trong các hoạt động truyền giáo.
Ngày 18 tháng 8 năm 2014, Đức Phanxicô đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho “hòa bình và giải hòa” giữa hai miền Bắc-Nam. Trong nhiều nhà thờ, các tín hữu cũng họp nhau một đêm để cầu nguyện, trong hy vọng một ngày bức tường chia cắt hai miền sẽ bị giật sập xuống.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc: Moon Jae-in hay đức tin trong đối thoại
Và nếu Bắc Hàn-Nam Hàn có thể xích lại gần nhau nhờ ông không?