Dục vọng xác thịt biểu lộ sự cô đơn của linh hồn

783

Dục vọng xác thịt biểu lộ sự cô đơn của linh hồn

Dag Hammarskjold bàn về tính dục và dục vọng

Ronald Rolheiser, 05-19-2014

Dục vọng xác thịt biểu lộ sự cô đơn của linh hồn.

Dag Hammarskjold, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đã viết những lời này và chúng đã nêu bật phần ý thức thâm sâu hơn của dục vọng. Và với Hammarskjold, thấu suốt này không chỉ là lời nói suông. Ông đã từng biết đến cô đơn và khát vọng không trọn vẹn.

Khi ngày càng nhiều bài viết của ông được chuyển dịch sang tiếng Anh, chúng ta càng thấy rõ hơn rằng Dag Hammarskjold vừa là một con người hết mực chính trực và vừa có chiều sâu tâm linh vô cùng. Ông nên như thế cũng là hợp lẽ. Cha ông, từng giữ chức thủ tướng Thụy Điển, là một chính khách lớn đầy chính trực, không chút thỏa hiệp, và mẹ ông là một phụ nữ nồng hậu và có chiều sâu tâm linh. Hammarskjold thừa kế những tinh túy của hai người, và nhờ đó, ông trở thành, vừa là một chính khách hiếm có, vừa là một ngòi bút tâm linh lớn. Nhưng không phải mọi sự trong đời ông đều được trọn vẹn.

Trong sự nghiệp, ông xử lý những vấn đề hệ trọng của thế giới và cống hiến đến giọt mồ hôi cuối cùng, nhưng những quãng đời khác, ông lại không được trọn vẹn như vậy. Khi còn trẻ, ông đã mất người phụ nữ mà ông yêu hết lòng vào tay người khác, và điều này đã để lại một vết thương không bao giờ lành trong ông. Ông không bao giờ hẹn hò hay có ý muốn kết hôn lần nữa. Ông khao khát được kết hôn, nhưng cũng như hàng triệu người khác, vì đủ mọi lẽ, nó chẳng bao giờ thành sự. Theo lời của người viết tiểu sử cho ông, Walter Lipsey, thì ông «bị chiếu bí hơn là đi chiếu bí».

Hammarskjold, trong những bài viết của mình, thường suy tư về «chiếu bí» này và về lỗ hổng nó để lại trong đời ông. Ông thành thực đến héo hon về nỗi đau này và về cách ông cố gắng vật lộn với nó. Một mặt, ông nói rõ ràng rằng đây là một nỗi đau không thể loại bỏ không thể làm lơ, mặt khác, ông lại có thể tái định hướng nó theo cách nào đó, thăng hoa nó thành một vòng tay ôm rộng lớn hơn, thành một chiếc giường tân hôn khác.

«Tôi thấy đau đớn, khát khao được chia sẻ cái ôm (vợ chồng), được hòa lẫn vào nhau, được sẻ chia trong sự gặp gỡ này. Một khao khát giống như ham muốn xác thịt, nhưng lại hướng đến địa cầu, nước nôi, bầu trời, và được đáp lại bằng tiếng thì thầm của hàng cây, mùi hương của đất, làm mơn trớn của gió, cùng vòng ôm của nước và ánh sáng.»  Như thế có là thỏa mãn hay không? Không hẳn, nhưng nó đem lại sự bình an nhất định: «Hài lòng? Không, không, không – nhưng là khoan khoái, nghỉ ngơi, trong lúc đợi chờ».

Cả trong cách ông cảm nghiệm nỗi đau không trọn của mình và trong cách ông cố gắng tái định hướng những khao khát này, chúng ta thấy cảm giác của ông tương tự với cảm giác của Thomas Merton. Merton từng được một ký giả hỏi xem ông nghĩ gì về đời độc thân. Merton trả lời rằng «độc thân là địa ngục», nó kết án người ta phải sống trong sự cô đơn mà chính Thiên Chúa cũng lên án (Không tốt khi con người sống một mình), và thực sự đó là một cách sống đầy nguy hiểm bởi nó là một cách sống bất thường. Nhưng rồi Merton tiếp tục nói rằng, chỉ bởi nó bất thường và nguy hiểm, không có nghĩa là nó không thể sinh sôi tuyệt diệu và đem lại sự sống, cả cho những người sống độc thân lẫn cho những ai sống quanh người đó. Và điều này chắc chắn đúng trong trường hợp của Merton, cũng như với Hammarskjold. Cả hai đã mang thêm nhiều sinh khí cho địa cầu này.

Hơn nữa, với nỗi khao khát đêm tân hôn, Merton đã thăng hoa nó theo cách giống hệt Hammarskjold: «Tôi quyết định hôn phối với sự thinh lặng của cánh rừng. Hơi ấm kín đáo ngọt ngào của toàn thế giới sẽ phải là hôn thê của tôi. Từ hơi ấm kín đáo đó, là một bí mật chỉ nghe thấy được trong thinh lặng, nhưng đó là cội rễ của tất cả bí mật đang thì thầm trên môi mọi tình nhân đang tình tự khắp cùng thế giới.»

Cả Hammarskjold và Merton đều khao khát sự thân mật sâu đậm riêng tư đó, cũng như khao khát cái ôm tình dục quyện chặt hai con người với nhau, một điều mà họ đã bị khước từ vì vị thế một thời của họ, cũng như bị khước từ với hàng triệu người trong chúng ta vì đủ kiểu hoàn cảnh và cưỡng bách khác nhau. Merton đã chọn, một cách ý thức cân nhắc, bỏ qua sự hòa hợp tính dục để giữ lời thề dòng tu, và Hammarskjold cũng đã chọn như thế, bởi hoàn cảnh. Đến cuối cùng, hiệu ứng vẫn như nhau. Cả hai đều cố gắng thăng hoa nhu cầu và khao khát muốn thân mật bẩm tính của mình, bằng cách, theo lời họ là, hôn phối với thế giới và tình tự theo một cách ít cá thể hơn.

Nhiều người đã kết hôn, đã được hưởng cái chiều sâu độc nhất vô nhị của sự thân mật giữa hai con người mà Hammarskjold và Merton khao khát, nhưng tôi cho rằng, họ cũng mơ hồ khao khát được tìm thấy trong sự thân mật tính dục của mình một cái ôm rộng lớn hơn mà hai nhân vật trên từng nói đến.

Các tư tưởng gia đã luôn luôn nghiền ngẫm vấn đề riêng mà chung này, mối quan hệ qua lại giữa cá thể và toàn thể, bởi đây không chỉ là vấn đề lý thuyết suông trong siêu hình học để các triết gia tung hứng, nhưng nó còn là một chướng ngại không thể tách rời bên trong áp lực áp bức của tính dục trong những tình nhân đang tình tự với nhau khắp thế giới.

J.B. Thái Hòa dịch