Đức Phanxicô: “Lúc này tôi nghĩ khi tôi phải nói lời giã biệt…”

418

Đức Phanxicô: “Lúc này tôi nghĩ khi tôi phải nói lời giã biệt…”

Trong thánh lễ sáng thứ ba 15 tháng 5-2018 tại Nhà Thánh Marta, Đức Phanxicô nhắc lại gương của Thánh Phaolô khi ngài từ giã tín hữu Êphêsô để đi Giêrusalem: “Tôi xin Chúa ơn để tôi cũng nói lời giã biệt như vậy. Khi xét mình, tôi không thấy mình như kẻ chiến thắng”. Ngài nói với các giám mục: xin các giám mục hãy là mục tử của đàn chiên, chứ không phải là người làm giám mục vì sự nghiệp.

lastampa.it, Salvatore Cernuzio, 2018-05-15

Đức Phanxicô nghĩ đến giây phút giã biệt của mình nhưng không phải để báo động, ngài nói trong tinh thần bài đọc hôm nay, là “giám mục”, ngài muốn theo gương Thánh Phaolô: “Tôi đã thực thi con đường này. Anh em cũng tiếp tục như vậy”. Chính xác là khi Thánh Phaolô từ giã các tín hữu ở Êphêsô để đi Giêrusalem.

Đức Phanxicô giảng: “Di chúc của Thánh Phaolô là một chứng từ, một lời loan báo và cũng là một thách thức. Nếu làm theo thế gian thì di chúc sẽ là: tôi để lại cái này cho người này, cái kia cho người kia, các di sản rất giá trị. Nhưng không. Thánh Phaolô không có gì, ngài chỉ có ơn Chúa, có lòng can đảm tông đồ, có mặc khải của Chúa Giêsu Kitô và ơn cứu độ mà Chúa đã ban cho ngài ”.

Đức Phanxicô tâm tình: “Khi tôi đọc điều này, tôi nghĩ đến tôi, là giám mục giáo phận Rôma, tôi phải nói lời từ giã. Tôi xin Chúa cho tôi ơn để có thể nói lời từ giã như vậy. Và khi xét mình, giống như Thánh Phaolô, tôi không thấy mình như kẻ chiến thắng … Nhưng Thiên Chúa là Đấng nhân từ và đầy lòng thương xót”.

Đức Phanxicô cũng nói với “tất cả các giám mục” và thêm một lần nữa, ngài nhắc lại ưu tiên hàng đầu của sứ vụ: “Chăm sóc đàn chiên”. Ngài xin các giám mục: “Chăm sóc đàn chiên; giám mục của đàn chiên, chăn giữ đàn chiên, không phải giám mục vì sự nghiệp, không”. Ngài nhắc các chủ chăn noi gương Thánh Phaolô, khi Thánh Phaolô kêu gọi các bậc kỳ cựu của cộng đoàn Êphêsô sống “trong tinh thần này, với sức mạnh này”.

Đức Phanxicô giảng: “Trước hết là phải xét mình. Thánh Phaolô nói về những gì mình đã làm cho cộng đoàn và để cộng đoàn phán xét về điều này. Thánh Phaolô xem ra có vẻ tự hào, nhưng trên thực tế, sự tự hào này là ‘khách quan’. Ngài chỉ có hai điều để tự hào: tội lỗi của bản thân và thập giá của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã cứu chuộc ngài”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Được Thần Khí bắt buộc, Thánh Phaolô phải đi Giêrusalem. Đây chính là kinh nghiệm của giám mục, kinh nghiệm biết được rằng, khi nào Chúa Thánh Thần lên tiếng, và khi nào cần biết bảo vệ mình khỏi tinh thần thế gian”.

Cách nào đó, thánh Phaolô biết mình đang đi vào những khó khăn vất vả, vào con đường thập giá như chính Chúa Giêsu đi vào thành Giêrusalem, đúng không? Chúa Giêsu đã đi và Thánh Phaolô cũng lên đường như thế, trong vâng lời, buộc phải theo Thần Khí. Người giám mục là người luôn tiến bước theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô đã sống như thế. Đức Phanxicô giảng tiếp: “Đây là một đoạn Phúc Âm mạnh, đánh động đến tâm hồn, đây cũng là đoạn cho chúng ta thấy con đường của mỗi giám mục khi nói lời giã biệt”.

Trong lời từ biệt này, Thánh Phaolô không để lại lời khuyên, cũng không để lại theo kiểu, tôi để lại cái này cho người này, cái kia cho người kia… không. Đối thánh Phaolô, điều quan trọng nhất là giao phó những người hy sinh cho Chúa, với xác quyết Chúa sẽ chăm sóc họ, giúp đỡ họ. Tình yêu lớn nhất của Thánh Phaolô là cho Chúa Giêsu Kitô, thứ đến là cho đàn chiên của mình. Đức Phanxicô nhấn mạnh: “Xin các giám mục tỉnh thức và giúp đàn chiên tỉnh thúc. Chăm sóc đàn chiên, vì giám mục là giám mục của đàn chiên, chăm giữ đàn chiên, chứ không phải giám mục của sự nghiệp, không”.

Trong phần kết thúc, Đức Phanxicô xin ơn cho tất cả chúng ta để chúng ta có thể đi theo tinh thần này với tất cả sức mạnh, với tình yêu Chúa Giêsu Kitô và với lòng tin tưởng vào Thần Khí.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch