Giáo hoàng của gặp gỡ

223

Giáo hoàng của gặp gỡ

Trích sách “Hiểu Giáo hoàng Phanxicô”, Andrea Riccardi, nhà xuất bản Emmanuel

Dù có một lịch làm việc rất bận rộn, Đức Phanxicô vẫn là con người của cầu nguyện. Chúng ta cảm thấy điều này trong các bài giảng buổi sáng ngài giảng ở Nhà nguyện của Nhà trọ Thánh Mácta, nơi các linh mục vãng lại về trọ mỗi khi có dịp đến Rôma và Đức Phanxicô đã chọn noi này làm nơi ở của mình ngay sau khi được bầu chọn. Chúng ta thấy rõ các bài giảng (không viết ra) phát sinh từ sự thấm đậm Thánh Kinh sâu xa và thường xuyên mà ngài đã suy gẫm rất lâu từ sáng sớm. Ngài là con người của Thánh Kinh, qua các bài giảng súc tích, ngắn gọn, sống động, đầy chất vấn, ngài giúp cho người nghe có được kinh nghiệm sống với Chúa. Người ta thắc mắc nhiều về sự chọn lựa các giám chức ở Vatican, các cải cách dưới triều giáo hoàng của ngài. Dò tìm vấn đề này, dù là thích đáng nhưng không thể giải thích hoàn toàn nhân cách và các chọn lựa của Đức Giáo hoàng. Phải chăm chú nghe khi ngài nói về Chúa và khi ngài giảng.

Ngay lập tức, Đức Phanxicô là biểu tượng của một giáo hoàng thích gặp gỡ. Ngài ở Nhà trọ Thánh Mácta, với ý muốn không muốn mình bị cô lập, sống với người khác trong một mái nhà và có thể gặp nhiều người khác nhau. Trong các buổi tiếp kiến, ngài bỏ thì giờ để gặp giáo dân, cả những người trong đám đông dù đã có rất nhiều tổ chức xin tiếp kiến. Giáo sĩ Skorka nói về ngài: “Ám ảnh của Bergoglio (…) có thể tóm trong những chữ sau: gặp gỡ và hiệp nhất”. Như thế Đức Phanxicô đi gặp giáo dân và để cho giáo dân gặp mình. Ngài đáp ứng cho ước nguyện có từ lâu của tín hữu công giáo: được có một giáo hoàng gần với giáo dân và các đau khổ của cuộc hiện sinh.

Trong quyển tiểu thuyết có tên Vị Thánh (xuất bản năm 1905 và một năm sau bị Hội đồng Duyệt sách lên án vì quá hiện đại), tác giả Antonio Fogazzaro hình dung cuộc gặp gỡ của một giáo hoàng (lớn tuổi) với một đan sĩ mặc áo Dòng Biển Đức có tên là Bênêđictô. Đan sĩ giải thích ông mong chờ có sự đổi mới Giáo hội mà ông cho là Giáo hội đang bị bệnh vì tinh thần thống trị và bất động của hàng giáo sĩ. Trong các câu nói của Bênêđictô có câu: “Đó là sự tôn sùng quá khứ, tôn sùng đến cả hình thức ăn nói ở triều giáo hoàng, đến cả roi vọt (…), đến những truyền thống phi lý như hồng y thì không được phép đi bộ, không được đến nhà người nghèo thăm họ”. Rồi tác giả đưa ra lời kêu gọi giáo hoàng như sau:

“Tôi van xin Đức Thánh Cha đi ra khỏi Vatican. Xin ngài hãy đi ra, ít nhất là một lần, lần đầu tiên, để thành tựu sứ vụ của ngài! Ladarô đau khổ và chết mỗi ngày, hãy đi ra thăm Ladarô! Chúa Kitô kêu gọi cứu giúp tất cả các người nghèo đang đau khổ”.

Lời kêu gọi này diễn tả sự mong chờ của giáo dân công giáo đối với giáo hoàng, một mong chờ đã đi qua 20 thế kỷ.

Trong quyển tiểu thuyết của Fogazzaro, giáo hoàng thú nhận đã nghĩ đến những chuyện đan sĩ Bênêđictô đề nghị, nhưng ngài trả lời: “Bạn, bạn chỉ duy nhất giao tiếp với Chúa; còn tôi, tôi phải giao tiếp với tất cả những người mà Chúa đặt để chung quanh để tôi cai trị theo đức ái và với lòng cẩn trọng, nhất là tôi phải chú ý đến các lời khuyên, các mệnh lệnh theo từng tâm thức khác nhau, khả năng khác nhau của hàng triệu người. Tôi chỉ là một giáo viên khiêm tốn của bảy mươi học sinh, hai mươi học sinh học rất dở, bốn mươi học sinh xoàng xỉnh, chỉ có mười học sinh học giỏi. Tôi không thể mở trường chỉ cho mười học sinh này…”. Đó là câu trả lời của giáo hoàng cho đan sĩ đại diện cho sự mong chờ một giáo hoàng gần với giáo dân và với người nghèo.

Quyển tiểu thuyết này viết ra vào thời Giáo hoàng Piô X, giáo hoàng nghiêm khắc với những người tiến bộ, khép kín Vatican vì các vấn đề nội bộ chưa được giải quyết. Đan sĩ Bênêđictô mời giáo hoàng đi ra ngoài để gặp người nghèo (Ladarô). Sự nhạy cảm của người công giáo – và không phải là chỉ của riêng họ – luôn được đánh động qua những lần đi ra ngoài của giáo hoàng, như lần đi của giáo hoàng Piô XII vào tháng 7 năm 1943 sau khi bị dội bom, ngài lập tức đi ra ngoài không có ai tháp tùng, ngài đến khu vực St-Laurent ở Rôma để gặp những người sống sót.  Đức Giáo hoàng Gioan XXIII cũng làm giáo dân xúc động khi ngài đi ở thành phố Rôma và có những chuyến đi bên ngoài Rôma. Còn Đức Phanxicô thì ngay sau khi được bầu chọn, ngài đã cho thấy ngài muốn đi ra khỏi khuôn phép, ngài muốn đi gặp giáo dân. Ngài không muốn sống xa giáo dân. Trong lần đi Ba Tây, ngài nói về việc ngài muốn giảm nhẹ các biện pháp an ninh:

“Với ít biện pháp an ninh, tôi có thể gặp giáo dân, ôm họ, chào họ, không xe chắn đạn (…). Đó là an ninh tin tưởng vào giáo dân. Đúng là lúc nào cũng có hiểm nguy của một người điên… đúng, người điên làm một chuyện gì đó. Nhưng cũng có Chúa! Để chiếc xe chắn đạn ngăn Giám mục và giáo dân mình là điên. Tôi thích cái điên này: ở ngoài và bị hiểm nguy vì chuyện điên kia. Sự gần gũi là điều tốt cho mọi người”.

Thái độ này ngài không những ngài chỉ áp dụng trong những chuyến đi quan trọng như chuyến đi Ba Tây, nơi ngài cử hành Ngày Giới Trẻ và thăm nước công giáo lớn nhất thế giới; thái độ này là thái độ hàng ngày của ngài, mỗi bước chân của ngài là mội bước đánh dấu của ý muốn gặp gỡ. Chúng ta còn nhớ lần ngài đến thăm hòn đảo nhỏ Lampedusa vào tháng 7-2013. Từ năm 1999 đến năm 2012, có hơn 200 000 người tị nạn đa số từ Phi Châu cập bến ở đây. Dù ngài ở trên đất Ý nhưng từ hòn đảo Lampedusa ngài nhìn ra biển Địa Trung Hải, biển này trở nên mồ chôn của không biết bao nhiêu người tị nạn. Qua hành vi vừa thực tế vừa có tính biểu tượng, ngài đã gặp mọi người. Đức Phanxicô là giáo hoàng của gặp gỡ. Và gần như thế giới nhìn ở ngài như một giáo hoàng đáp ứng cho họ những mong chờ sâu đậm nhất.

Marta An Nguyễn chuyển dịch