Đức Giám mục David Macaire: “Đức Phanxicô tuyệt đối không phải là người theo thuyết tương đối”
Đức Giám mục David Macaire, Tòa giám mục Fort-de-France (Hình: Claude Truong-Ngoc/Wikimedia Commons/CC BY-SA 3.0)
cath.ch, 2018-04-18
Ngày thứ tư 18 tháng 4 – 2018, Đức Giám mục David Macaire, giám mục trẻ của Fort-de-France (Martinique) cho biết các cảm nghĩ rất tích cực của mình trong chuyến thăm ngũ niên ad limina ở Rôma. Ngày thứ hai 16 tháng 4 – 2018, Đức Phanxicô đã tiếp các giám mục vùng Antilles, có 18 giám mục đang tại chức, sau đó các giám mục đi thăm Vatican và các bộ: đời sống thánh hiến, văn hóa, tân phúc âm hóa, phụng tự, phát triển toàn diện và gia đình.
Xin cha cho biết, cha giữ kỷ niệm nào trong buổi tiếp kiến này?
Đức Giám mục David Macaire: Tôi thấy Đức Phanxicô rất thoải mái và phóng khoáng, ngài giữ chúng tôi ở lại nói chuyện gần ba giờ. Chính chúng tôi tỏ ý… muốn về! Các lời của ngài ở lại trong lòng tôi như một dòng sông, trong đó mình có thể bơi bên trái, bên phải. Bởi vì đôi khi báo chí đặt các lời của ngài theo thể loại chính trị. Nhưng tôi có thể xác nhận, ngài rất rõ ràng trên các nguyên tắc, và tuyệt đối ngài không phải là người theo thuyết tương đối!
Về thượng hội đồng vùng Amazzonia, vấn đề phong chức cho các ông đã lập gia đình lại được nêu lên. Chuyện này có là đề tài trong cuộc trao đổi với ngài không?
Một giám mục đã đặt cho ngài câu hỏi đó. Ngài không trả lời một cách trực tiếp, nhưng ngài dựa trên nguyên tắc, Phép Thánh Thể làm nên Giáo hội và Giáo hội được làm nên bởi Phép Thánh Thể. Theo ngài, chúng ta không thể để các cộng đoàn Amazzonia không có Phép Thánh Thể trong vòng một năm. Vấn đề đối với ngài là phải tìm một giải pháp thích ứng.
Vấn đề gia đình cũng là một trong các vấn đề thảo luận của cha ở Vatican…
Đó là vấn đề chủ yếu của người dân vùng Antilles, bởi vì ở đây, gia đình chưa bao giờ được thực sự xây dựng và được cấu trúc như ở Âu châu. Dù là gia đình kitô giáo… Nhưng thường thường hôn nhân được xem như một thành tựu, chứ không phải một điều kiện tiên quyết để xây dựng đời sống lứa đôi. Chúng tôi làm đám cưới cho những cặp có 3 – 4 đứa con và đã sống với nhau từ lâu. Trong buổi tiếp kiến này, chúng tôi cũng trao đổi về Ngày Thế giới Trẻ ở Panama và Ngày Thế Giới gia đình ở Dublin, Ai Len.
Trong chuyến thăm này, cha có ấn tượng mạnh khi đến thăm Hội đồng giáo hoàng về văn hóa?
Bên cạnh nền văn hóa lớn, chúng tôi mong muốn tiếng nói của văn hóa bình dân được nghe, điều này rất quan trọng ở vùng Antilles. Chiều kích bình dân của đức tin thực sự rất phong phú và đó cũng là một yếu tố văn hóa của một xã hội. Ở đảo Martinique, không có đấu tranh chung quanh vấn đề thế tục như ở các thành phố lớn. Ở đây đơn giản hơn nhiều cho mọi người, kể cả với nhà cầm quyền! Trong chuyến đi của tôi, tôi cũng để ý thấy Giáo hội công giáo chưa có mặt trên web nhiều. Chẳng hạn trên Youtube, sự có mặt của Giáo hội rất ít trong khi các giáo phái tin lành có mặt rất mạnh, thậm chí rất năng nổ trên lãnh vực này, họ đến được với hàng triệu người.
Một chuyến đi tông du Haiti có đang ở trong chương trình không?
Vì các dây liên lạc với vùng nói tiếng Pháp của đảo này rất mạnh, chúng tôi nghĩ Đức Giáo hoàng sẽ đến đây! Nhưng ngày giờ chưa được ấn định…
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch