Linh mục Cheknoun: “Chúng tôi có một sự kiện lớn về các vụ trở lại kitô giáo ở Algeria”

425

Linh mục Cheknoun: “Chúng tôi có một sự kiện lớn về các vụ trở lại kitô giáo ở Algeria”

Là người hồi giáo từ khi sinh ra, Linh mục Cheknoun mô tả sự khó khăn khi sống đức tin công giáo ở vùng đất hồi giáo.

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2018-03-18

Linh mục Cheknoun: “Chúng tôi có một sự kiện về các vụ trở lại kitô giáo ở Algeria”

Những người đàn ông hay phụ nữ sinh ra ở vùng đất hồi giáo mà dám từ bỏ đạo của mình để theo kitô giáo là những người cực kỳ hiếm hoi. Linh mục Paul-Élie Cheknoun, 44 tuổi là một trong số các người hiếm hoi này. Cha biết hồi giáo không chấp nhận chọn lựa lương tâm này và sẽ phạt cha cho đến chết. Linh mục Cheknoun là một trong ba nhân chứng tuần vừa qua được tổ chức Giúp Giáo hội gặp Khó khăn (Aide à l’Église en détresse, AED) ở Pháp mời đến để giới thiệu cho Mùa Chay năm 2018. Linh mục Cheknoun rất cẩn thận trong lời nói của mình, vì cha muốn tiếp tục làm việc tông đồ của mình, nhưng cha cũng chấp nhận kể quá trình của cha.

Báo Le Figaro – Làm thế nào cha thành tín hữu kitô?

Linh mục Paul-Élie Cheknoun. – Tôi sinh ra trong một gia đình hồi giáo và được nuôi dạy trong tôn giáo này. Nhưng từ khi còn trẻ, tôi đã thất vọng về những gì Kinh Coran dạy về Chúa. Chúa của hồi giáo là một Chúa rất xa vời. Ngài không để cho ai đến gần. Giống như thử Ngài có đó để phạt chúng tôi nếu chúng tôi vi phạm luật coran. Điều bực mình nhất là trong đạo hồi, tất cả được xây dựng trên sự sợ hãi hình phạt. Luôn luôn chúng tôi phải nghe những câu đe dọa như sau: “Không được làm chuyện này, không được làm chuyện kia, nếu không thì bàn tay quyền năng của Chúa sẽ giáng xuống trên ngươi, sẽ trừng phạt ngươi”. Tôi rất sốc bởi số phận dành cho phụ nữ, họ bị sỉ nhục, bị xem như đồ vật để phục vụ đàn ông nhất là luật lại cho phép đa thê. Và qua hạnh kiểm của Nhà Tiên Tri. Cái chết của chị tôi khi chị mới 28 tuổi đã làm cho tôi chấn động, chị rất gần với tôi. Sự trống rỗng, rồi cú sốc này đã làm cho tôi phản kháng chống lại Chúa của hồi giáo. Và thế là tôi mất đức tin. Năm 1999 một người bạn đưa tôi đến gặp một cộng đoàn giáo phái Phúc Âm chui. Khi đó vị mục sư nói với tôi Chúa Kitô chết đi và sống lại là vì tội lỗi của chúng ta, tôi xúc động tận cùng. Tôi cảm thấy một luồng hơi ấm thật nóng trong tôi và tôi nghe Chúa Kitô nói với tôi, rằng tất cả tình yêu của Ngài là dành cho tôi. Tôi cảm thấy mình được yêu, được Chúa yêu! Sự sợ hãi được thay bằng tình yêu! Tôi khóc vì hạnh phúc. Và tôi trở thành tín hữu kitô!

Làm sao từ giáo phái Phúc Âm, cha trở thành người công giáo?

Năm 2005 tôi gặp sư huynh Ismặl của cộng đoàn Thánh Gioan. Được thúc đẩy do tiếng gọi của Chúa, thầy đến Algeria đến để rao giảng tình yêu của Chúa cho người hồi giáo. Thầy giúp tôi khám phá nền tảng thiêng liêng phong phú của Giáo hội công giáo, tôi cảm thấy trong tôi tiếng gọi của Thần Khí để trở thành người công giáo, trở thành linh mục truyền giáo, để biết sự sâu đậm của tình yêu Thiên Chúa đối với tất cả mọi người, đặc biệt với anh em hồi giáo ở Algeria, quê hương của tôi.

Cha có được tự do làm công việc mục vụ của mình ở Algeria không?

Tôi là cha phó của một giáo xứ ở Alger, tôi được giám mục địa phận gọi đến đó. Nhưng tôi không thể lúc nào cũng thường trú ở đó. Khi tôi ở đó, với tư cách là linh mục và với nhận định, tôi tiếp đón nhiều tân tín hữu kitô đến với chúng tôi. Nhưng tôi không thể làm công việc mục vụ của mình ngoài nhà thờ. Nếu tôi đi ra ngoài, tôi không được mang một dấu hiệu kitô giáo nào, nếu không tôi sẽ bị tấn công. Như thế là không áo chùng, không thánh giá, bởi vì có một số người không chịu đựng được khi họ thấy các dấu hiệu này. Từ những năm 1990, chúng tôi có một sự kiện lớn về các vụ trở lại ở Algeria, nhất là trong giáo phái Phúc Âm và cũng cả ở đạo công giáo. Khắp nơi đều có hiện tượng này, nhưng chính là ở Kabylie, vùng đất bao dung, nên rất quan trọng ở đây. Chúng tôi được sống tự do trong đức tin ở Kabylie. Ở các vùng khác của Algeria, các người hồi giáo trở lại kitô giáo phải sống ẩn giấu. Ở Kabylie, có một cộng đoàn giáo phái Phúc Âm trong đa số các làng lớn của vùng này. Theo các cộng đoàn giáo phái Phúc Âm cho biết, có hàng ngàn người trở lại. Có thể nói vào khoảng 1 % dân số Algeria (40 triệu) không theo đạo hồi.

Làm thế nào tín hữu kitô sống đức tin của mình trong đời sống hàng ngày ở Algeria?

Các người hồi giáo trở lại phải học cách để sống còn trong một xã hội hồi giáo luôn có thái độ thù nghịch. Phải thấy rõ là họ bị bách hại và thường bị gia đình họ, bạn bè họ ruồng bỏ. Người ta xem họ như những người phản bội, những kẻ bội giáo. Và theo luật Coran thì họ đáng tội chết… Đối với những ai có việc làm, có trách nhiệm trong xã hội thì chuyện giữ đạo phải ở trong lãnh vực riêng tư, phải giữ cho chính mình và không được nói với ai. Khi có người biết, hoặc khi người đó giữ một chức vụ khá tế nhị trong guồng máy Nhà nước thì họ sẽ bị cho nghỉ việc. Tôi biết trường hợp của một ông hiệu trưởng: khi họ biết ông là tín hữu kitô, họ đến nhà ông giữa đêm lễ Giáng Sinh, họ bắt ông cùng gia đình phải ra khỏi nhà ngay lập tức, ông đã mất tất cả. Đó là một vụ tôi biết. Bây giờ ông sống tị nạn ở Âu châu. Có nhiều trường hợp tương tự như vậy. Về mặt  chính trị thì một tín hữu kitô không thể làm thị trưởng, ông cũng không thể được bầu vì hồi giáo là quốc giáo. Các người được bầu phải thề trên Kinh Coran. 

Luật Algeria nói gì về việc này?

Việc rao giảng Chúa Kitô bị xem là chiêu dụ, luật được biểu quyết năm 2006 để kiểm soát các tín ngưỡng không phải hồi giáo, luật quy định phạt năm năm tù và phạt tiền tương đương với mười năm lương tất cả những ai thuyết phục người hồi giáo theo kitô giáo hay xúc phạm đến hồi giáo hoặc với vị tiên tri. Chỉ đơn giản có quyển Thánh Kinh cũng làm cho đương sự bị hiểm nguy. Có rất nhiều vụ chèn ép. Luật này giới hạn việc rao giảng phúc âm nhưng không thể nào ngăn chận được dù các nhà thờ của giáo phái Phúc Âm bây giờ bị đóng cửa. Còn với các linh mục công giáo thì họ gặp khó khăn rất nhiều trong việc có chiếu khán.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch