Tự hào, căn bệnh tâm hồn được văn hào Anh C.S. Lewis mô tả rõ
fr.aleteia.org, Zuzanna Gorska-Kanabus, Marzena Devoud, 2018-01-03
Tự hào, căn bệnh tâm hồn được văn hào Anh C.S. Lewis, tác giả của Thế giới Narnia mô tả rất rõ. Tự hào khi nó nói lên sự hài lòng hợp lý đối với một hành động hay một người là một giá trị tích cực. Nhưng khi bị đẩy đến quá độ thì nó mang tính hủy hoại, biến thành một căn bệnh đích thực của tâm hồn.
Tự hào do các thành công riêng của chính mình, của một người bạn hay của một người thân là một cảm nhận tuyệt vời. Vợ chồng, cha mẹ biết niềm vui lớn lao này khi chồng mình, vợ mình, con cái mình đã thành công được một việc gì. Tâm hồn họ tràn ngập niềm vui, tình thương và sung mãn.
Nhưng cẩn thận, nếu cơ sở của niềm tự hào này lại ở trong sự cạnh tranh, chứ không ở trong tình thương thì niềm tự hào này sẽ biến thành một lực hủy hoại. Người tự hào không được nuôi dưỡng trong tình thương thì họ sẽ ở trong tình trạng cạnh tranh liên tục và đó là động lực luôn dẩy họ phải cao hơn người khác. Các thành công của họ làm cho họ vui vì họ đã thắng được người khác. Đương sự không ‘tự canh tranh’ với chính mình nhưng luôn cạnh trang với người khác.
Trong quyển sách Các nền tảng của Kitô giáo của văn hào Anh C.S. Lewis, ông mô tả sắc bén thái độ này. Tác giả của quyển Thế giới của Narnia cho rằng niềm tự hào “không đến từ sự thỏa mãn vì mình đã chiếm được một cái gì, nhưng vì mình chiếm được hơn người khác. Trong trường hợp này, so sánh khơi lên niềm tự hào, mang lại cảm nhận mình hơn người khác”. Nếu chúng ta không cẩn thận, nếu chúng ta để thái độ này lấn chiếm tâm hồn thì sẽ rất khó để nói “ngưng”, không những thế chúng ta còn đi lui. Chúng ta vào trong quỹ đạo lúc nào cũng chạy đi tới đàng trước.
Đánh bật niềm tự hào hủy hoại này
Thay vì xem lợi tức của mình có thích hợp với nhu cầu của mình không, thì những người này luôn so sánh với người khác: họ luôn tìm một ai đó kiếm được nhiều hơn mình… Thay vì trau dồi hiểu biết của mình thì họ lại chạy theo thang điểm, bằng cấp. Thay vì vun trồng các quan hệ lâu dài vững mạnh thì họ lại đo giá trị của mình qua số lượng bạn bè, hay qua sự nổi tiếng của mình.
Loại tự hào này biến chúng ta thành những người bất mãn kinh niên. Thái độ này lấy mất đi niềm vui sống của mình. Nó làm chúng ta không còn tự tin, không còn hài lòng với cuộc sống. Nó đầu độc chúng ta mỗi ngày với từng liều lượng nhỏ. Nhà văn C.S. Lewis tố cáo thái độ này như sau: “Tự hào là căn bệnh ung thư gặm nhắm tinh thần, nghiền nát khả năng yêu thương và khả năng vui hưởng. Nó nghiền nát luôn tính hợp lý của chúng ta. Cuối cùng nó dẫn chúng ta đến hận thù, đến sỉ nhục và đến chiến tranh”.
Bạn muốn đánh bật niềm tự hào hủy hoại này ra khỏi con người mình không? Vậy thì bạn đi tìm các triệu chứng của nó… và đừng thỏa hiệp với nó. Với tinh thần khách quan, bạn hãy xét mình dù công việc xét mình này có thể (rất) đau đớn:
Bạn tìm gì trước hết nơi người khác? Lỗi lầm của họ?
Bạn thích ngồi lê đôi mách?
Bạn chê bai người khác ngay khi họ vừa quay lưng?
Bạn có khuynh hướng than phiền?
Bạn có sống trên phương tiện của mình không?
Bạn có thường thấy mình khinh khi người khác không?
Bạn có nói lời khen dễ dàng không, bạn có cám ơn hay ngưỡng mộ người khác không?
Bạn có nuôi dưỡng thái độ chua cay không?
Bạn có hay ghen ghét đố kỵ không?
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch