Michel Aupetit, tân giám mục-bác sĩ địa phận Paris

527

Michel Aupetit, tân giám mục-bác sĩ địa phận Paris

Đức Phanxicô, Đức Hồng y Vingt-Trois, Đức Giám mục Michel Aupetit

famillechretienne.fr, Samuel Pruvotvà Antoine Pasquier, 2017-12-07

Ngày 7 tháng 12-2017, Đức Phanxicô đã bổ nhiệm Giám mục Michel Aupetit làm tân Tổng Giám mục Paris. Vị kế nhiệm Đức Hồng y Vingt-Trois có một quá trình đặc biệt. Đức tân Tổng Giám mục Paris xuất thân là bác sĩ y khoa, chuyên viên đạo đức sinh học, đã giữ chức Tổng đại diện Giáo phận Paris từ năm 2006 đến 2013. Cha có nhiệm vụ bảo vệ quan điểm của Giáo hội trong bối cảnh chính phủ Pháp sắp tiến hành sửa đổi pháp chế về đạo đức sinh học. Từ khi chịu chức năm 1995, cha chưa bao giờ rời vùng Paris.

Trong giới thân cận của cha, giám mục Michel Aupetit được cho là người “rất kiên định”. May cho cha, với chức vụ Tổng Giám mục Paris, cha đủ bản lãnh để đối đầu trước mọi cơn gió. Nhà khảo luận Gérald Leclerc cho biết: “Cha tự tin để cự lại với các tấn công. Cha không phải là người ngây thơ, cha rất phòng bị trước các khó khăn. Cha biết mình phải đứng mũi chịu sào khắp nơi…”. Như giám mục Thánh Denis, vị giám mục tử đạo đầu tiên!

Cha sinh tại Versailles ngày 23 tháng 3-1951, ơn gọi đến trễ với cha, nhưng cha không phải là cảm tử quân. Đối với cha, bảo vệ sự sống là một ơn gọi. Đó là sợi chỉ đỏ cho cuộc đời của cha.

Cha được bổ nhiệm làm giám mục Nanterre năm 2014, khẩu hiệu giám mục của cha là: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Người ta có thể nói về cha gì bất cứ điều gì nhưng cha không phải là người liều mình hay người ủ dột. Ngược lại, cha nổi tiếng với tư cách nhã nhặn và nồng ấm. Một vài kẻ gièm pha sẽ cho cha là người giao thiệp rộng, chắc chắn họ ghen vì thấy cha thoải mái trong xã hội. Như ông Tugdual Derville, tổng giám đốc cơ quan Alliance VITA giải thích: “Tôi có quan hệ thân tình và chặt chẽ với ngài, ngài tổng hợp được ‘tinh thần y khoa’ trong công việc của ngài. Tính hài hước của tuổi học sinh làm cho người đối diện nghĩ đến những năm tháng sinh viên y khoa của ngài. Mà như vậy lại là rất tốt, làm cho ngài có một độ lùi trước các tình huống khó khăn. Ngài biết giữ một khoảng cách và ước lượng được các thách thức”.

Một quá trình khác thường

Quá trinh khác thường của cha thật lý thú, làm ngạc nhiên cho cả giới truyền thông như báo Paris Match. Sau khi được bổ nhiệm làm giám mục địa phận Nanterre, cha kể quá trình bên lề thế giới công giáo của mình: “Nhưng ngoài mẹ tôi là người còn đi lễ ngày chúa nhật, ở nhà tôi không ai giữ đạo, tôi có một quá trình không bình thường. Không là em bé giúp lễ, không sinh hoạt hướng đạo, ngay cả không đi học trường đạo… Mẹ tôi dạy cho hai anh tôi và tôi đọc kinh, nhưng cha tôi, ông là nhân viên xe lửa, ông không khi nào đặt chân đến nhà thờ. Thêm nữa, tôi cũng muốn lập gia đình, tôi chờ tìm người thích hợp để lập gia đình. Năm 20 tuổi, vấn đề ơn gọi lướt qua trong đầu tôi, tôi để mười hai năm sau cho nó chín dần dần qua sách vở, qua các khóa tĩnh tâm, qua các khóa học thần học…”.

Từ khi còn nhỏ, tôi mơ làm bác sĩ vì tôi không chịu đựng được khi thấy người thân yêu của mình bị đau.

Đậu bác sĩ y khoa từ năm 1978, Michel Aupetit đậu luôn bằng đạo đức sinh học. Cha thú nhận với nhà báo Caroline Pigozzi: “Từ khi còn nhỏ, tôi mơ làm bác sĩ vì tôi không chịu đựng được khi thấy người thân yêu của mình bị đau. (…) Tôi muốn làm bác sĩ làng quê (…) Rồi tôi làm bác sĩ tổng quát ở Colombes cùng với các bạn tôi năm 1979. Tôi báo cho các bạn: “Trong mười năm nữa, tôi sẽ xem lại vấn đề”. Và mười hai năm sau, tôi báo cho các người hợp tác với tôi: “Tôi vào chủng viện!”

Và năm 1990 cha vào chủng viện để rồi chịu chức linh mục ở địa phận Paris năm 1995. Không tình cờ mà giám mục Aupetit kế vị hồng y Vingt-Trois. Cũng không phải vì thiếu người. Nhà khảo luận Gérald Leclrerc khẳng định: “Đó là một người có bản chất nhân bản kiên định cao cả. Quá khứ của cha là bác sĩ. Cha luôn tỏ ra chủ động trong mọi sự một cách không chối cãi được. Tóm tắt, cha có một uy quyền tự nhiên”.

Một chuyên gia dày dặn về các vấn đề đạo đức sinh học

Ơn gọi được tìm thấy, cha Michel Aupetit không trì hoãn. Cha bỏ sự nghiệp đã được vạch sẵn để vào chủng viện. Tất cả đều bắt đầu lại. Với những người nhỏ bé, và đó là những điều cao cả, cả một lôgic của Tin Mừng. Michel Aupetit xông tới và đào sâu công việc. Tân giám mục Paris sẽ không phải là người ít nói. Hay là người rụt rè. Tất cả những ai ở gần cha đều biết cha là người “rất dũng cảm”. Vị mục tử này không phải là người để ngọn đèn úp trong bụi, nhất là khi đây là các vấn đề xã hội. Cha diễn tả rõ ràng, không bao giờ cha cho cảm tưởng mình đặt mạnh trên các đấu tranh có hậu ý. Ông Tugdual Derville ghi nhận: “Ngài ăn nói dễ dàng. Ngài chứng tỏ mình có một tông giọng tự do, có khả năng lập luận ngoại hạng. Ngài xuất sắc và người ta mến ngài vì ngài ít diễn tả theo tư cách giáo sĩ”. Một sự thoải mái mà độc giả thấy qua nhiều tác phẩm của cha, phần lớn cha viết về các vấn đề đạo đức sinh học. Ngài có các tác phẩm về y khoa và thần học như:

1999: Thụ thai: Câu trả lời của Giáo hội (Contraception: la réponse de l’Église. Ed. Pierre Téqui).

2005: Khám phá Phép Thánh Thể, cùng cộng tác với Christian Clave (Découvrir l’Eucharistie, en collaboration avec Christian Clavé. Ed. Salvator).

2008: Bào thai, đâu là các thách thức (L’embryon, quels enjeux? Ed. Salvator).

2009: Cái chết, và sau đó? (La mort, et après? Ed. Salvator).

2011: Con người, giới tính và Thiên Chúa (L’homme, le sexe et Dieu. Ed. Salvator).

2016: Chúng ta xây dựng một xã hội nhân bản hay không nhân bản? (Construisons-nous une société humaine ou inhumaine? Ed. du Moulin).

Hành trang y khoa của cha sẽ giúp cho cha phục vụ cho lịch trình đường lối sắp đến. Tân giám mục Paris sẽ cự lại nỗi ám ảnh để biến đổi con người này.

Từ y khoa đến đạo đức sinh học, đó là con đường thẳng. Ngoài các tác phẩm của cha, cha còn rất rành về các vấn đề tế nhị, chạm đến cả các chuyện mật thiết và y khoa. Với tư cách là một bác sĩ, cha đã làm việc tại phân khoa y ở Đại học Créteil. Từ năm 2006 đến năm 2013, trong các năm cha làm cha tổng đại diện địa phận Paris, cha dạy ở Trường Nhà thờ Chính tòa Paris, cha đã xin Hồng y Vingt-Trois thiết lập một cơ quan nghiên cứu về đạo đức sinh học cho địa phận Paris. Được bổ nhiệm về địa phận Nanterre, cha không cắt đứt chuyên ngành của mình. Ngược lại, khi cần thiết, cha không ngần ngại lên tiếng để bảo vệ cho những “người nhỏ nhất trong chúng ta”. Cha đã làm như vậy vào tháng sáu năm 2015 trong trường hợp của ông Vincent Lambert hoặc sáu tháng trước đó, cha đã bảo vệ trước Ủy ban về Các Vấn đề Xã hội của Thượng viện nơi cha được tuyển vào thành phần để xem lại luật Leonetti. Mùa xuân năm ngoái, cha được các giám mục bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban Gia đình và Xã hội cho Hội đồng Giám mục Pháp.

Đạo đức của cha là thân xác. Cha biết rành cơ thể con người vận hành như thế nào, cha không lùi bước trước sự mong manh của nó, bằng cách che giấu đàng sau các nguyên tắc đẹp. Các chủ đề gay go như biện pháp tránh thai hoặc diễn văn của Giáo hội về tình dục không làm cho cha hãi sợ. Quan điểm về nhân chủng học của cha cũng không thể bị ấn tượng bởi tất cả các ảo tưởng hiện tại, nhà khảo luận Gerard Leclerc nhấn mạnh: “Hành trang y khoa của cha sẽ giúp cho cha phục vụ cho lịch trình đường lối sắp đến. Đạo đức sinh học là chìa khóa chính cho sự văn minh hóa của chúng ta và tân giám mục Paris sẽ cự lại nỗi ám ảnh để biến đổi con người này. Cha sẽ không nhường bước trước nhận thức chuyển đổi giới tính đã hấp dẫn các nhân vật lớn của thế giới này từ Barack Obama cho đến Bill Gates.

Một con người tự do

Về chủ đề này, báo Gia đình Công giáo đã hỏi cha vào tháng 6 vừa qua, cha cho biết: “Trẻ con không được trở thành một sản phẩm được sản xuất: với lý do nó là đối tượng của ham muốn, nó được dự trù sẵn cho người lớn, như người ta làm một chiếc xe hơi hoặc điện thoại thông minh theo thời trang!”

Giám mục Aupetit biết người đương thời của chúng ta “đã mất ý thức về sự việc” , nhưng cha không đầu hàng, cha còn dự đoán sẽ có một sự trở về với nhận thức về đạo đức sinh học, vượt quá giới hạn của người Công giáo: “Có một loại gây mê lương tâm trong đất nước chúng ta. Nhưng chúng ta sẽ thoát cơn mê theo cách này hay cách khác. Những người đầu tiên sinh ra ở thời buổi Thụ tinh hỗ trợ bằng thuốc, thụ tinh ống nghiệm (Procréation médicalement assistée, PMA) hiện nay đang ngoài ba mươi tuổi, họ đang đặt câu hỏi về mối liên hệ gia đình của họ, như tác giả Arthur Kermalvezen, trong cuốn sách Sinh ra với tinh trùng vô danh (Born of Unknown Sperm, Renaissance Press) đã nêu lên. Tất cả các biện pháp này, chẳng hạn như ‘hôn nhân cho tất cả’ và ‘thụ tinh ống nghiệm’ bây giờ giống như bức thư gửi bưu điện nhưng sẽ có các tác hại thảm khốc sau này”.

Tóm lại, tân giám mục Paris là một “nhân vật bản lãnh”, như một linh mục ở Paris cho biết: “Ở giáo phận Paris, cha hơi gây bực mình khi phục vụ! Khi không đồng ý chuyện gì, cha có thể ngăn chận. Đó là một con người tự do. Cha phải đấu tranh với những người biết cha ‘quá’ và những người sẽ gây sức ép trên cha”. Nhưng cha sẽ có ơn chức vụ. Cha luôn biết “vâng lời bằng cách cự lại”, dùng theo chữ của triết gia Alain. 

Vài hàng về tân Giám mục Aupetit:

Sinh tại Versailles ngày 23 tháng 3 – 1951.

Năm 1994, tốt nghiệp bác sĩ y khoa và văn bằng đạo đức y khoa.

Làm việc tại Colombes từ 1979 đến 1990. Sau đó tu học tại chủng viện Saint-Augustin, tốt nghiệp cử nhân thần học.

Năm 1995, thụ phong linh mục tại tổng giáo phận Paris.

Từ 1995-1998 là cha phó Saint-Louis-en-l’Ỵle.

Từ 1998 đến 2001 là cha phó giáo xứ Saint Paul-Saint Louis, đồng thời là tuyên úy các trường cấp 2 và 3 tại Marais.

Từ 2001 đến 2006, cha sở Notre Dame de l’Arche d’Alliance.

Từ 2004 đến 2006, đảm nhiệm chức vụ quản hạt Pasteur-Vaugirard quận 15 Paris.

Năm 2006, linh mục tổng đại diện giáo phận Paris.

Ngày 02 tháng 1 – 2013, Đức Bênêdictô XVI bổ nhiệm cha làm Giám Mục Phụ Tá Paris, hiệu tòa Massita (in partibus). Cha được Đức Hồng y André Vingt-Trois tấn phong giám mục.

Ngày 4 tháng 4 – 2014,  Đức Phanxicô bổ nhiệm cha làm giám mục Nanterre và chính thức đảm nhận chức vụ giám mục Nanterre 4 tháng 5 -2014.

Ngày 7 tháng 12-2017, Đức Phanxicô bổ nhiệm cha làm Tổng giám mục Paris, kế nhiệm Đức Hồng Y André Vingt-Trois.

Marta An Nguyễn dịch