Luật Nghiệp Quả

337

Luật Nghiệp Quả

Ronald Rolheiser, 2004-02-08

Đức tin và bản năng, cả hai cho chúng ta một khái niệm mà các Phật tử và tín hữu Ấn giáo gọi là luật luân hồi. Đơn giản, chúng ta cảm nhận các hành động xấu tốt của mình đều có tác động quay trở về làm lợi hay làm hại cho chính mình. Nhưng có đúng không? Có thật chúng ta phải trả cho những gì chúng ta làm không?

Trong quyển sách nói về lòng biết ơn, Mary Jo Teddy cho rằng một trong các nguyên tắc vĩ đại bẩm sinh trong chính cuộc sống là: “Bạn thở ra không khí gì thì vũ trụ trả lại cho bạn không khí ấy, và nếu năng lượng của bạn tốt thì nó sẽ tự tái sinh dù bạn để nó mất đi.”

Cốt lõi, đó là luật nghiệp quả, một bí ẩn mà các tôn giáo lớn trên thế giới diễn tả qua nhiều cách khác nhau.

Chẳng hạn, Chúa Giê-su diễn tả theo cách này: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu đó.” Không khí bạn thở ra là không khí bạn thở vào.

Và nếu đúng, và nó đúng thật, thì nó sẽ giải thích rất nhiều chuyện (dù không nhất thiết theo ý mình).  Tại sao, và lúc nào, chúng ta cũng kẹt trong tình trạng nhỏ nhen, ghen tương, không tha thứ? Tại sao chúng ta lại đang hít vào quá nhiều không khí độc? Có lẽ nên xử lý không khí chúng ta thở ra không? Chúng ta đang thở ra loại không khí gì?

Đương nhiên chúng ta muốn nghĩ rằng mình đang thở ra khí tha thứ, biết ơn, quảng đại, chân thật, ơn lành, quên mình, yêu đời, vui vẻ, hạnh phúc. Chúng ta cũng muốn tin rằng mình thở ra loại không khí lo cho người nghèo, người đau khổ, người không ai để ý, người làm phiền chúng ta. Và chúng ta cũng muốn tin rằng mình là những người có quả tim rộng mở, thở ra loại không khí thông cảm và giải hòa.

Hy vọng nó sẽ là như vậy. Thường thường chúng ta mù quáng, không thấy thực tế những gì trong lòng mình và một cách vô thức, chúng ta thở ra toàn khí kiêu căng, vị lợi, nhỏ nhen, ghen tương, tranh đua, sợ hãi, cuồng hoảng, bất chính, chỉ quan tâm khi người khác có lợi cho mình, tỏ cho người khác thấy họ là mối đe dọa của mình, chúng ta tìm cách lôi cuốn họ và thích được yêu thích, thúc đẩy họ có quan hệ dục tính, tài chánh, nghề nghiệp với mình.

Chúng ta nên học một cái gì đó khi nhìn trẻ con vui đùa. Có một loại thành thật rất thô thiển nơi chúng nhưng lại làm cho người khác quên giận mau chóng. Chỉ cần muốn cái gì nơi tay người khác là chúng hét to hơn mọi người để gây chú ý. Chúng ta cũng làm như vậy, nhưng một cách tế nhị và ít bộc trực hơn. Dưới bộ mặt lễ phép, lịch thiệp hàng ngày, theo kiểu không bao giờ có can đảm để trực diện hay để thừa nhận, chúng ta vẫn còn như đứa con nít, giựt đồ chơi của nhau và ráng hét to hơn người khác để lôi kéo sự chú ý. Không khí chúng ta thở ra đầy loại ích kỷ, ghen tương, cạnh tranh, nói xấu, sợ hãi và thiếu chân thật. Tế nhị hoặc không tế nhị, chúng ta nói với nhau theo kiểu:

“Bạn là địch thủ của tôi, về – dục tính, nghề nghiệp, nổi tiếng và thu hút.” “Bạn nghĩ bạn là ai?” Tôi quan trọng hơn bạn.” Tôi xuất sắc và thành công hơn bạn.” “Tôi đẹp hơn bạn. “Tôi nhiều kinh nghiệm sống hơn bạn.” Tôi sâu xa hơn bạn, bạn ngây ngô quá!” Ở đây tôi là người hiểu biết nhất, mọi người phải nghe tôi.” Nổi khổ của tôi sâu đậm và có giá trị hơn nổi khổ của bạn.” “Tôi hấp dẫn hơn nhiều người khác và đời tôi quan trọng hơn.” “Tôi ghét bạn vì bạn đẹp và có may mắn, bạn chẳng làm gì để xứng đáng được như vậy.” “Tôi không thích bạn, nhưng tôi cố gắng dễ thương, cho đến khi tôi tìm được cách để thoát ra khỏi quan hệ này mà cuộc đời đã áp đặt lên tôi.” Chúng ta không bao giờ chấp nhận mình đã nghĩ như vậy, nhưng, thường thường, đó là loại không khí chúng ta thở ra.

Có bí ẩn nào không mà đời chúng ta đầy những cạnh tranh, ghen tương, nhỏ nhặt, giận dữ, kết án và sai quấy như vậy? Đó có phải là bí ẩn không, vì sao dưới bộ mặt lễ phép là các mặt nạ của cạnh tranh, ghen tương, không tha thứ đang che đậy? Chúng ta thở ra toàn những chuyện này chung quanh mình, vậy thì có gì ngạc nhiên nếu chúng ta hít chúng vào lại? Bạn đong bằng đấu nào, thì bạn sẽ nhận đấu đó lại.

Và Chúa Giê-su còn đi xa hơn nữa. Ngài nói thêm: “Ai đã có sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi.” Nghe có vẻ như không công bằng, như một loại độc ác bẩm sinh của thiên nhiên, luật sống còn của chủng loài thích ứng với môi trường lại được áp dụng trong Thánh Kinh, cả Chúa Giê-su lẫn Darwin. Có phải lời nói của Chúa Giê-su muốn nói về việc tồn tại của người yếu nhất không? Phải, nhưng có vài luật nghiệp quả vẫn còn áp dụng:

Đối với những tâm hồn quảng đại, những người thở ra những điều tốt lành, chân thành và đầy ơn phúc, thế giới sẽ trả lại gấp trăm lần; chân thành và ơn phúc này sẽ làm quả tim mở rộng hơn nữa. Ngược lại với quả tim nhỏ nhen, với tinh thần thiếu chân thật, thế giới sẽ trả lại cùng loại này, loại nhỏ nhen và giả dối này sẽ làm quả tim ngày càng co cụm thêm nữa.

J.B. Thái Hòa dịch